HỎI:
Thầy ơi! Đoạn kinh thánh Mác 4:12 – “hầu cho họ xem thì xem mà không thấy, nghe thì nghe mà không hiểu; e họ hối cải mà được tha tội chăng.”
Sao Chúa lại nói vậy ạ? Em khó hiểu cái câu “e họ hối cải mà được tha tội chăng.”
ĐÁP:
Câu này có hai điều khó hiểu:
– Nếu đã giảng mà cố làm cho người ta không hiểu thì còn giảng làm gì?
– Đức Chúa Trời nhân từ, yêu thương muốn người ta ăn năn và luôn sẵn lòng tha thứ. Vậy sao Chúa Giê-su giảng mà còn sợ người ta hiểu rồi ăn năn?
Câu trong Mác 4:12, Chúa Giê-su trích từ Ê-sai 6:9-13. Trong thời của Ê-sai, dân Y-sơ-ra-ên phạm tội với Chúa rất nhiều. Chúa đã sai nhiều tiên tri nhắc nhở họ. Ngài cũng đã nhiều lần sửa phạt, nhưng họ vẫn cứng lòng, không chịu ăn năn. Bây giờ, Chúa sai tiên tri Ê-sai đi giảng cho họ, nhưng Ngài cũng báo cho Ê-sai biết là họ sẽ không chịu nghe ông. Ngài cho biết họ sẽ không ăn năn và vì vậy, đất nước sẽ bị kẻ thù đánh chiếm, dân sẽ bị bắt đi lưu đày. Nhưng sau cùng, Đức Chúa Trời sẽ sai Chúa Cứu Thế đến để lập vương quốc bình an của Đức Chúa Trời trên đất. Như vậy, việc Ê-sai giảng không phải để cho dân Y-sơ-ra-ên ăn năn rồi được tha thứ. Nhưng Ê-sai giảng để cho sau này, đất nước bị tiêu diệt rồi thì vẫn có một số ít người nhớ lại bài giảng của Ê-sai, sẽ ăn năn trở lại cùng Đức Chúa Trời, rồi Đức Chúa Trời sẽ dùng số ít người ăn năn đó để cùng với Chúa Cứu Thế xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời theo đúng ý muốn của Ngài.
Chúa Giê-su đã lấy sách Ê-sai để cho biết Ngài là Chúa Cứu Thế đã đến đúng như Ê-sai đã nói 700 năm trước. Nhưng dân Do Thái thời Chúa Giê-su cũng như dân Y-sơ-ra-ên thời Ê-sai, phạm tội, sống giả dối, làm như tin cậy và yêu mến Đức Chúa Trời lắm, nhưng thật ra chỉ chạy theo tiền bạc, chức quyền. Họ cũng sẽ cứng lòng, không ăn năn và cuối cùng sẽ bắt Ngài đóng đinh trên cây thập tự. Cũng như Ê-sai, Chúa Giê-su vẫn giảng cho dù dân Do Thái không chịu nghe, vì Ngài nhằm vào số ít người Do Thái sẽ tin Ngài. Sau khi Chúa Giê-su về trời, Đức Chúa Trời sẽ dùng số ít người Do Thái đó giảng Tin Lành cho dân ngoại. Từ đó, Hội Thánh là vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất sẽ gồm muôn dân, muôn nước trên đất.
Vậy nên Chúa Giê-su bắt đầu dùng ví dụ để giảng. Người nghe sẽ tùy theo lòng mình mà đón nhận.
– Người Do Thái cứng lòng sẽ hiểu sai điều Chúa giảng. Họ sẽ càng thêm cứng lòng, rồi tức giận và tìm cách giết Chúa.
– Một số người theo Chúa Giê-su nghe giảng cho vui, nhưng không thực lòng quan tâm xem Đức Chúa Trời muốn mình sống như thế nào. Họ chỉ theo Chúa Giê-su để mong được ban phước, được chữa bệnh, được cho ăn v.v… Những người này nghe kể chuyện ví dụ thì thích thú lắm, nhưng họ sẽ “Xem thì vẫn xem, mà không thấy. Nghe thì vẫn nghe, mà không hiểu.” Họ chỉ theo đạo của đám đông, bắt chước bề ngoài thôi, chứ không thật sự tin nhận Chúa Giê-su. Họ không thay đổi được đời sống của mình.
– Một số người khác chưa thật sự biết và tin Chúa Giê-su. Khi họ nghe ví dụ thì rất dễ nghe, dễ nhớ. Tuy lúc đó họ không hiểu, nhưng nếu họ có lòng tìm kiếm Chúa, thì nhờ nhớ rõ những ví dụ Chúa giảng, nên về sau này, họ tiếp tục suy gẫm những ví dụ đó mà hiểu và sẽ ăn năn, tin nhận Chúa Giê-su.
– Một số khác giống như các môn đồ, đã tin Chúa Giê-su rồi, khi nghe ví dụ họ không hiểu, nhưng họ đến hỏi Chúa thì Chúa Giê-su sẽ giải thích rõ ràng cho họ, rồi Ngài hướng dẫn họ làm theo.
Như vậy, tuy cùng một bài giảng, nhưng thích hợp cho mỗi người nghe, tùy theo tấm lòng của họ. Qua đó, chương trình của Đức Chúa Trời được thực hiện, dù dành cho cả loài người, cho một quốc gia, cho một dân tộc, hay cho mỗi một cá nhân thì cũng luôn luôn công bình, và đầy yêu thương.
Mục Sư Võ Minh Hùng