Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Hãy Cho Em Một Chút Trí Khôn

Hãy Cho Em Một Chút Trí Khôn

Bé Thư ra đời tại bệnh viện Từ Dũ vào một buổi tối tháng 6 khi thành phố bước vào mùa mưa. Hàng cây trên đường Nguyễn thị Minh Khai bên ngoài lao xao theo từng cơn gió lạnh. Cô nữ hộ sinh đem bé lên bàn cân, cây kim dừng lại ở con số một ký rưỡi. Đây là một ca sinh khó khăn cho các bác sĩ, vì em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ nhờ sự trợ giúp của y khoa. Bé được chăm sóc theo chế độ đặc biệt của Khoa Sản. Sau hai tháng kể từ ngày sinh bé được xuất viện trở về cùng với mẹ.

Nguyệt Hằng buồn bã khi cầm trên tay giấy xác nhận tình trạng của con gái từ bác sĩ: “Bố mẹ phải chuẩn bị tinh thần khi chăm sóc đứa bé này, nó có thể bị thiểu năng trí tuệ.” Tại sao lại thế này? Biết làm thế nào bây giờ? Trong lòng Nguyệt Hằng hiện lên nhiều câu hỏi. Hữu Lĩnh trở nên trầm cảm từ khi con gái ra đời. Tại sao? Mình và Nguyệt Hằng vốn là những con người khỏe mạnh, nhưng lý do gì khiến cho bé Thư lại rơi vào tình trạng thiểu năng trí tuệ? Ba năm về trước đôi vợ chồng này đã có đứa con đầu lòng là bé Xuân bình thường như bao trẻ khác. Còn bây giờ đến đứa thứ hai lại rơi vào tình trạng này? Cả hai vợ chồng suy nghĩ mông lung. Tương lai của bé Thư sẽ như thế nào? Làm sao để nuôi dưỡng nó? Đôi vợ chồng trẻ trở nên hoang mang. Tại sao cuộc sống lại nghiệt ngã như thế? Mình buộc phải chấp nhận hoàn cảnh đau thương này sao? Cuối cùng Lĩnh – Hằng quyết định hiệp lại cầu nguyện xin Chúa thương xót chữa lành cho bé Thư, cầu xin Chúa cho nó trở nên một em bé với tâm trí bình thường. Khi hoàn cảnh dường như bế tắc thì có thể làm điều gì khác hơn ngoài sự cầu nguyện? Niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành là cái neo để họ ghì chặt vào lúc này.

Thời gian dần trôi, hai năm sau đó bé Thư hiện rõ trong ánh mắt mọi người là một đứa trẻ không bình thường với những biểu hiện tự kỷ, chậm hiểu, ngờ nghệch. Bạn bè trong nhà thờ và nhiều vị mục sư, truyền đạo có ân tứ cầu nguyện chữa lành đến thăm, đặt tay cầu nguyện cho bé Thư nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Lĩnh và Hằng không hiểu Chúa muốn dạy mình bài học gì.

Chăm sóc bé Thư là một việc vô cùng gian nan cho đôi vợ chồng trẻ. Lên bốn tuổi bé Thư vẫn không nói được và nó chỉ có thể hiểu rất ít những gì mà cha mẹ ra dấu làm hiệu cho nó. Mọi việc từ A đến Z của bé Thư phải được chăm sóc theo một chế độ đặc biệt. Từ việc tắm rửa, mặc quần áo, đánh răng, chải tóc… cũng đã là những vấn đề nan giải trong sinh hoạt của đứa bé thiểu năng trí tuệ. Chăm sóc mười đứa trẻ bình thường cũng không vất vả bằng chăm sóc một đứa trẻ chậm khôn!

Lên năm tuổi, bé Thư được bố mẹ gởi vào một trường dành cho trẻ em tự kỷ ở Quận Bình Thạnh. Lĩnh và Hằng hy vọng trong một môi trường chuyên biệt này tình trạng của bé Thư sẽ tốt hơn. Nhưng khác với mong đợi của đôi vợ chồng trẻ, con của họ không thể hòa nhập được với những đứa trẻ khác. Khi đến lớp học bé Thư thu mình trong góc phòng, nó sợ hãi khóc thét lên lánh xa tất cả mọi người. Bé Thư không hòa nhập được với một lớp học đông đúc. Vậy là Nguyệt Hằng đem con trở về và tự chính tay mình chăm sóc. Bé Xuân chơi với em và cố gắng giúp đỡ nó tập nói. Nhưng bé Thư cũng chỉ ê a được một vài từ không rõ ràng. Bé Xuân nói với mẹ ước gì con có thể chia sẻ cho em một chút trí khôn. Nhưng mơ ước bình thường ấy lại là điều bất khả thi cho cả hai chị em. Lĩnh và Hằng trông đợi con gái của mình có thể nói được vài câu. Nhưng thời gian đi qua bé Thư vẫn không có bất kỳ một sự tiến triển nào. Nguyệt Hằng xin nghỉ luôn việc dạy học tại Trường, chấp nhận về nhà lo cho con. Rất may là Lĩnh có khả năng chu cấp cho gia đình của mình gồm vợ và hai con nhỏ. Trong cương vị giám đốc tài chánh cho một công ty bảo hiểm nước ngoài, tiền lương hằng tháng của Lĩnh cũng gói ghém tạm đủ cho mọi người trong nhà. May mắn là gia đình của ba má Lĩnh có một cơ sở sản xuất cây lau nhà ở Chợ Lớn, thỉnh thoảng cần trợ giúp Lĩnh chạy về nhà xin tiếp trợ. Ông bà nội của bé Thư lại rất sẵn lòng trong việc này.

Nguyệt Hằng gặp vô vàn khó khăn trong việc nuôi dưỡng bé Thư. Loay hoay vất vả trăm bề với cô con gái bị thiểu năng trí tuệ, Nguyệt Hằng lên mạng Internet tìm đọc các bài viết về kinh nghiệm nuôi dạy trẻ chậm khôn và từng bước cô hiểu ra những nguyên tắc căn bản trong vấn đề này. Vốn bản tính chăm chỉ chịu khó và được trang bị những  kiến thức của ngành sư phạm, nên Hằng nhanh chóng áp dụng những gì cô đã sàng lọc từ những chuyên gia nuôi dạy trẻ thiểu năng trí tuệ. Trong hoàn cảnh riêng của mình Nguyệt Hằng đã có những trải nghiệm quí báu từ việc nuôi dạy bé Thư. Có một lần bé Thư cởi bỏ hết quần áo và chạy lông nhông ngoài đường. Hằng chạy theo với một cái khăn tắm lớn choàng đứa con của mình lại rồi dẫn về nhà. Một đêm kia, bé Thư thức dậy vào lúc hai giờ sáng rồi la hét, quăng hết tất cả đồ chơi trong tủ vương vãi đầy khắp sàn nhà. Và còn nhiều việc lạ đời khác nữa của một đứa trẻ mất kiểm soát….nhưng Nguyệt Hằng vẫn có thể kiên nhẫn thông cảm với con gái của mình và tìm mọi cách có thể được để đem nó trở về trong trạng thái quân bình. Bé Thư thường rơi vào những tình trạng nổi loạn chống lại thế giới chung quanh, nhưng Hằng đã chuẩn bị trước tất cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nên mọi việc vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát của người mẹ dốc hết toàn tâm toàn lực cho con gái.

Trên trang Facebook của mình, Nguyệt Hằng chia sẻ những tâm trạng buồn vui khi chăm sóc con gái. Không gian ảo trên mạng xã hội này như một sân chơi giúp cho Nguyệt Hằng có thể chia sẻ những cảm xúc của mình với bạn bè khắp nơi.  Cô cũng nhận được những lời động viên từ nhiều người, quí báu hơn nhiều khi đó là những lời cầu nguyện rất chân tình của các anh chị em trong các hội thánh. Bạn bè trong nước và một số nơi khác trên thế giới đồng cảm với hoàn cảnh của gia đình Hằng. Có nhiều lời an ủi khích lệ được gởi đến. Bên cạnh đó có một lời đề nghị từ Hồng Thắm, một chị em đồng cảnh ngộ ở Quận 7, Sài Gòn. Hồng Thắm nói rằng mình cũng có một đứa con gái năm tuổi chậm khôn và muốn nhờ Nguyệt Hằng chăm sóc. Hồng Thắm đã quá mệt mỏi với đứa con gái của mình và nhiều khi có những ý tưởng không đúng đắn. “Cuộc sống của mình đau khổ như đang sống trong địa ngục. Ngước mắt lên nhìn thấy trời xanh bao la, nhìn xuống dưới thấy con gái đáng thương. Nhu cầu tự nhiên của mẹ là được nghe con nói, cùng chơi với con lại trở thành một điều gì đó quá cao vời không với tới. Mẹ vất vả lắm rồi, nếu mà con ra đi thì mẹ cũng được giải thoát”. Thắm đã từng có suy nghĩ ấy khi nghĩ về con gái của mình, nhưng khi biết Hằng có cùng một hoàn cảnh, trong lòng Thắm lóe lên một hy vọng xa xôi nào đó. Nguyệt Hằng cầu nguyện  và trao đổi với Hữu Lĩnh vấn đề của Hồng Thắm. Hữu Lĩnh tranh chiến trong lòng: Một đứa bé chậm khôn đã gian nan lắm rồi, bây giờ thêm một đứa nữa liệu vợ mình có chịu nổi không? “Anh đi làm ở ngoài, việc này thuộc về em, em có thể quyết định. Nhưng anh chỉ sợ em kham không nổi”. Hữu Lĩnh phân vân. Biết chồng đã đồng ý, Nguyệt Hằng tiếp nhận lời đề nghị của Hồng Thắm. Biết đâu mình sẽ thấy đời sống trở nên có ý nghĩa hơn khi cùng chia sẻ nỗi đau với một chị em khác. Hằng tiếp tục với dòng suy nghĩ của mình. Con đường này nếu có nhiều người cùng đi thì sẽ đỡ cô đơn. Chúa luôn là người dẫn đường, nhưng nếu có đồng đội thì chị ngã em nâng…

Bé Thư có bạn mới, bé Loan con của Hồng Thắm đến ở chung trong gia đình với Nguyệt Hằng, cuối tuần thì được cha mẹ đón về. Điều đáng mừng là hai đứa bé này có vẻ ăn ý với nhau khi sinh hoạt chung. Nhờ có thêm bé Loan mà bé Thư trở nên linh hoạt hơn một chút. Nguyệt Hằng quan sát hai đứa bé chơi với nhau và nhận ra một điều quan trọng là bé Thư cần có bạn để có thể chia sẻ những trò chơi. Có thể ý của Chúa muốn đưa bé Loan đến với bé Thư để trở thành một đôi bạn. Nguyệt Hằng dường như bắt đầu thấy sự tễ trị của Chúa trên hoàn cảnh khó khăn của chính mình.

Trên tường Facebook mọi người nhìn thấy tâm trạng của Nguyệt Hằng:

“Có lẽ Chúa muốn tôi trở thành một giáo viên nuôi dạy trẻ chậm khôn, nên Ngài đã gởi thêm đến gia đình tôi một bé gái nữa. Bây giờ tôi đang chăm sóc cho hai đứa. Và có một niềm vui nhỏ là con của tôi bắt đầu trở nên linh hoạt hơn từ khi nó có bạn mới. Trước đây nó không thể hòa nhập với những trẻ khác trong một lớp học đông, nhưng bây giờ nó có thể chơi chung với bé Loan. Hy vọng hai đứa nhỏ này sẽ đem đến cho tôi những trải nghiệm mới.  Bé Thư là một gánh nặng khó mang cho vợ chồng chúng tôi, nhưng nó cũng là đứa con thân yêu mà đem đến cho tôi biết bao nhiêu cảm xúc. Xin Chúa thương xót chúng tôi!”.

Trong vòng một tuần lễ đã có trên một trăm người bấm nút “Like” cho dòng tin này kèm theo rất nhiều lời bình luận như: “Chúc mừng chị đã trở nên giáo viên nuôi dạy trẻ chậm phát triển. Hãy cố gắng lên, Chúa đang ở cùng chị; Chúa có một chương trình tốt dành cho cuộc đời của chị và các cháu bị thiểu năng trí tuệ. Hãy trung tín với những gì Chúa ủy thác”, và nhiều lời bình luận yêu thương khác nhằm động viên Nguyệt Hằng tiếp tục với công việc hiện nay.

Nguyệt Hằng đăm chiêu suy nghĩ trước những dòng bình luận của bạn bè trên Facebook. Mình sẽ làm gì trong thời gian sắp tới để giúp đỡ hiệu quả cho cả hai đứa trẻ thiểu năng trí tuệ này? Có phải đây là ý Chúa muốn mình hầu việc Ngài trong vị trí này? Khi đang miên man suy nghĩ thì tự nhiên một câu Kinh Thánh quen thuộc hiện ra trong tâm trí: Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 4:10). Có phải Chúa muốn mình áp dụng câu Kinh Thánh này?  Ân tứ mà Chúa ban cho mình có phải là dạy trẻ chậm khôn? Trước khi lấy chồng, Nguyệt Hằng đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Có lẽ bây giờ Chúa muốn mình trở thành giáo viên dạy trẻ thiểu năng thật rồi!

Sau khi nhận chăm sóc bé Loan, Nguyệt Hằng nhận được thêm những đề nghị khác từ phía những gia đình có trẻ bị thiểu năng trí tuệ trong thành phố. Nhiều phụ huynh tha thiết xin Hằng tiếp nhận con của họ để dạy dỗ. Làm sao bây giờ? Hai vợ chồng Lĩnh và Hằng cùng ngồi lại nói chuyện và cầu nguyện với nhau về việc này. Cả hai đều có một cảm nhận chung là Chúa muốn họ mở cửa nhà ra để tiếp đón các em. Thế là ngôi nhà của họ ở Quận Bình Tân được chỉnh trang lại để có thêm không gian cho tám cháu thiểu năng trí tuệ từ lứa tuổi năm đến mười cùng học tập và sinh hoạt với nhau. Các phụ huynh cũng rất lịch sự, họ đóng góp tài chánh để cùng lo cho các cháu và hỗ trợ cho cả cô giáo đứng lớp kiêm người bảo mẫu. Nguyệt Hằng phải nhờ thêm một giáo viên mầm non trong hội thánh địa phương đến giúp đỡ. Vậy là hai cô giáo chăn một bầy nhỏ, phải lo cho chúng nó mọi việc từ ăn uống, tắm giặt và những sinh hoạt khác.

Căn nhà của Hằng giờ đây trở thành một lớp học dành cho trẻ em chậm khôn. Các viên chức của ủy ban Phường ghé thăm để thị sát tình hình và đề nghị Nguyệt Hằng nên gởi trẻ vào trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật tại thành phố. Quan điểm của chính quyền là tư nhân không có giấy phép để nuôi dạy trẻ thiểu năng.

Nguyệt Hằng làm đơn gởi đến các cấp chính quyền liên quan để có thể tiếp tục nuôi dạy trẻ với sự cam kết của tất cả các phụ huynh là lớp học này chỉ mang tính cách nội bộ gia đình và cũng chỉ giới hạn số trẻ em không vượt quá mười em. Ngoài ra Nguyệt Hằng còn phải tuân thủ theo những yêu cầu của các cấp lãnh đạo về tiêu chuẩn phòng học với diện tích, sân chơi phù hợp và phải tuyệt đối an toàn cho các cháu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như những điều kiện sinh hoạt khác.

Thời gian trôi qua, Nguyệt Hằng được Chúa dạy dỗ nhiều điều từ thực tế. Rõ ràng là các em thiểu năng trí tuệ có một thế giới riêng của chúng nó. Cha mẹ các em thường trông chờ chúng nó có thể diễn tả được những cảm xúc với người chung quanh. Nhưng ai có thể đọc được tiểu thế giới riêng của chúng nó? Người lớn thường nhận xét về trẻ em tự kỷ dựa trên những khiếm khuyết của chúng, nhưng ai sẽ hiểu được những gì mà chúng có?   Những em bé ấy cần một môi trường học tập và một sân chơi phù hợp trên trái đất xinh đẹp này. Ai có thể làm điều đó để giúp đỡ chúng nó!

Mục vụ chăm sóc trẻ em thiểu năng trí tuệ của Hằng được hội thánh địa phương cầu nguyện và đứng phía sau hậu thuẫn. Bố mẹ của các cháu gởi ở đây hầu hết là những người chưa tin Chúa. Đây cũng là cơ hội tốt để cô giáo Hằng có thể bày tỏ tình yêu của Chúa Jesus cho các phụ huynh. Anh Quang Tuấn, một tài xế xe bus có một cháu nhỏ gởi ở đây có dịp trò chuyện với Nguyệt Hằng:

– Chị có ý định duy trì lớp học này bao lâu?

– Thật khó để trả lời câu hỏi của anh, nhưng tôi đang làm một việc theo sự kêu gọi của Chúa. Và chừng nào Chúa còn sử dụng tôi trong việc này, tôi còn trung tín với sự ủy thác của Ngài.

–  Làm thế nào chị biết rằng Chúa giao phó việc này cho chị?

–  À, nếu anh là cơ đốc nhân anh sẽ hiểu công việc của Chúa bên trong tấm lòng tôi. Đại khái là một người con thì phải biết ý muốn của cha đối với mình là gì. Tôi là con của Cha thiên thượng, vì thế tôi có thể nhận ra ý muốn của Ngài trên đời sống tôi. Tôi rất mong anh nhận biết một điều quan trọng: Chúa là người Cha thiên thượng của tôi, nhưng Ngài cũng là Cha của anh nữa.

Qua những lần nói chuyện, Quang Tuấn lờ mờ nhận ra người phụ nữ đứng trước mặt anh có một lý tưởng sống rất mạnh mẽ. Điều đó là gì anh chưa hiểu, nhưng anh thực sự muốn biết động lực nào có thể khiến cho Nguyệt Hằng tình nguyện làm công việc khó khăn này?

Còn Nguyệt Hằng thì biết rõ chương trình của Chúa dành cho mình. Cô nhận ra một chân lý trong Giê-rê-mi 29:11, Đức Giê-hô-va phán, Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.

Một ngày mới đến với lớp học của Nguyệt Hằng. Những tia sáng ban mai ấm áp tràn vào trước hiên nhà. “Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm” (Ca thương 3:23). Nguyệt Hằng thầm dâng lên lời tạ ơn Chúa về mọi điều đang diễn ra chung quanh, cô trở về với thực tại và nhận ra cuộc sống này còn nhiều ý nghĩa biết bao! Các cháu trong lớp học như những con chim non yếu ớt đang trông chờ vào người nuôi dưỡng chúng. Các cháu không bình thường như bao trẻ khác bên ngoài nhưng mang đến cho Nguyệt Hằng thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bức tranh này thật đầy màu sắc và hương vị.

MỸ LOAN

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn