Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Giống Như Một Người Mẹ

Giống Như Một Người Mẹ

Warren Wendel Wiersbe là mục sư, giáo sư, nhà văn, nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh. Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be JoyfulBe Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be FaithfulBe Mature, Be Confident, Be Complete,…

Bài sau đây được trích từ sách Discover The Key Themes Of 63 Bible Characters Life Sentences. 

Ta là Đê-bô-ra chỗi dậy như một người mẹ trong Y-sơ-ra-ên.

Các Quan Xét 5:7

Khi nhìn vào dân tộc Y-sơ-ra-ên, Môi-se thấy một đội quân. Khi dân tộc này rời khỏi Ai Cập trong đêm của Lễ Vượt Qua, Môi-se thấy họ như là “các quân đội của Đức Giê-hô-va,” họ diễu hành trong sự chiến thắng (Xuất 6:26; 12:17, 41, 51). Đa-vít nhìn dân tộc của ông và thấy một đàn chiên (2 Sam 24:17), còn A-sáp là trưởng dàn nhạc thì nhìn thấy dân tộc này là một cây nho sai trái (Thi 80:8). Nhưng quan xét Đê-bô-ra nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên là một gia đình – và bà là người mẹ.

Thời kỳ các quan xét là một thời kỳ khó khăn trong lịch sử Do Thái. Các lãnh đạo tin kính được Giô-suê và các trưởng lão của ông đào tạo đều đã qua đời, và một thế hệ mới xuất hiện chối bỏ truyền thống và hướng về các tà thần của các dân tộc xung quanh họ (Các. 2:10-23). Để hình phạt tội lỗi của dân sự, Chúa dùng các dân tộc ngoại bang đến đàn áp và cướp phá đất. Khi ấy người Do Thái kêu cầu Chúa và Ngài sẽ dấy lên các quan xét ở nhiều nơi khác nhau để giải cứu dân sự khỏi những kẻ áp bức. Các quan xét này là những lãnh đạo địa phương, họ không cai trị trên cả đất nước và họ không làm việc cùng nhau bởi vì họ cai quản ở những thời điểm khác nhau. Chu kỳ phạm tội, chịu phạt, ăn năn và giải cứu được lặp đi lặp lại ít nhất sáu lần và Đức Chúa Trời đã dấy lên Ốt-ni-ên, Ê-hút, Đê-bô-ra, Ghê-đê-ôn, Giép-thê và Sam-sôn để giải cứu dân tộc. Người nữ duy nhất trong số các quan xét đó là Đê-bô-ra, một người mẹ trong Y-sơ-ra-ên.

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ, BÀ THÁO GỠ NHỮNG KHÁC BIỆT (Các quan xét 4:4-5)

Y-sơ-ra-ên không có nhà nước tập trung cho đến khi vua Sau-lơ được bổ nhiệm, chính vì thế họ phải đi đến một quan xét gần nhất để giải quyết các tranh chấp. Tòa án của Đê-bô-ra tọa lạc dưới cây chà là giữa khoảng Bê-tên thuộc chi phái Ép-ra-im và Ra-ma thuộc chi phái Bê-gia-min. Bà biết luật pháp Đức Chúa Trời và có khả năng lắng nghe các vấn đề và đưa ra những quyết định khôn ngoan dựa trên luật pháp Chúa. Lãnh đạo trong xã hội thời bấy giờ rất trọng nam giới, và việc một phụ nữ giữ cương vị cao là điều bất thường, tuy nhiên Đê-bô-ra là một con người nổi trội, một con người được được Đức Chúa Trời lựa chọn và sử dụng.

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ, BÀ THÁCH THỨC DÂN SỰ LÀM HẾT SỨC MÌNH (Các quan xét 4:6-10)

Gia-bin, một trong số các vua Ca-na-an, là một kẻ áp bức vào thời đó. Đức Chúa Trời đã phán cùng Đê-bô-ra rằng Ngài muốn giải cứu dân sự của Ngài. Thay vì một mình thực hiện nhiệm vụ đó, bà sai gọi Ba-rác và thách thức ông hãy chiêu mộ binh sĩ. Ba-rác đến từ chi phái Nép-ta-li ở miền bắc, vậy ông không chỉ mời gọi được các binh sĩ từ chi phái của ông mà còn có những người từ hai chi phái lân cận là Sa-bu-lôn và Y-sa-ka. Trận chiến chống lại Gia-bin sẽ xảy ra gần núi Tha-bô, là biên giới của Y-sa-ka, Sa-bu-lôn và Nép-ta-li. Đê-bô-ra đã chiêu mộ được binh sĩ từ các chi phái ở miền trung gồm: Ép-ra-im (chi phái của bà), Bên-gia-min, và Ma-na-se ở bờ tây sông Giô-đanh. Ba-rác sẽ không lãnh đạo cuộc tấn công nếu Đê-bô-ra không đi cùng ông, chính vì thế bà bàn giao quân đội của mình cho một lãnh đạo vô danh và đi cùng Ba-rác.

Một lãnh đạo thực thụ thì thách thức người khác và khiến họ phát huy được điều tốt nhất. Việc đi lại và liên lạc thời bấy giờ rất khó khăn, nhưng Đê-bô-ra đã sắp xếp để huy động một đội quân lớn.

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ, BÀ KHÍCH LỆ HỌ TIN CẬY CHÚA (Các quan xét 4:11-16)

Đức Chúa Trời ban cho Đê-bô-ra kế hoạch tác chiến, và bà đã làm theo kế hoạch đó. Ba-rác sẽ nhóm hiệp đội binh của ông tại núi Tha-bô, nơi đó miền đất cuồn cuộn sẽ ngăn cản đường tiến công của xe quân địch. Khi quân đội phương nam xuất hiện, một số xe của Gia-bin sẽ đi đến miền đồng bằng sông Ki-sôn. Khi ấy Đức Chúa Trời sẽ ban mưa lớn khiến cho miền đồng bằng trở nên bùn lầy, khiến cho các xe của quân địch không thể di chuyển được (Các. 5:4-5, 20-22). Đức Chúa Trời sẽ ban cho Y-sơ-ra-ên sự chiến thắng trên người Ca-na-an.

“Hãy đứng dậy, vì nầy là ngày Đức Giê-hô-va phó Si-sê-ra vào tay ngươi” (Các. 4:14). Nương trên lời hứa ấy, Đê-bô-ra, Ba-rác và đội quân của họ đã chiến thắng Gia-bin, Si-sê-ra và đội quân Ca-na-an. Các xe mà Si-sê-ra nghĩ rằng sẽ đem lại sự chiến thắng lại trở nên vô dụng, nặng nề trong mưa lớn và bùn, và khi sông Ki-sôn ngập trong lũ và các dòng nước đổ trên núi Tha-bô, quân đội Ca-na-an trở nên bất lực.

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ, BÀ QUỞ TRÁCH NGƯỜI LƯỜI BIẾNG (Các quan xét 5:15-17)

?Các quan trưởng của Y-sa-ca đều theo Đê-bô-ra,

Y-sa-ca và Ba-rác đồng một ý nhau;

Người xông đại vào trũng… Gần các suối của Ru-bên,

Có lắm điều nghị luận trong lòng!

Nhân sao ngươi ở trong chuồng

Mà nghe tiếng kêu của những bầy chiên?

Gần bên các suối Ru-bên,

Có lắm điều nghị luận trong lòng!

Ga-la-át cứ ở bên kia sông Giô-đanh,

Còn Đan, sao ở lại trên các chiếc tàu?

A-se ngồi nơi mé biển,

An nghỉ trong các cửa biển mình.”

Bốn chi phái không tham gia vào đội quân này. Ru-bên và Gát (Ga-la-át) nằm ở bờ đông sông Giô-đanh nên không cảm nhận sự áp bức của Gia-bin nhiều như Đan và A-se là hai chi phái nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, tất cả họ đều không tham chiến. Dân sự của thành Mê-rô thuộc chi phái Nép-ta-li cũng không tham gia (Các. 5:23; xem 5:18). Không tham chiến, những con người này đã quên những người anh em Do Thái của họ và cũng quên Chúa nữa.

NHƯ MỘT NGƯỜI MẸ, BÀ NHƯỜNG CÔNG LAO CHO NGƯỜI KHÁC (Các quan xét 4:17-24; 5:24-31)

Một lãnh đạo thực thụ không quan tâm ai nhận lời khen, miễn là Đức Chúa Trời được tôn vinh, và Đê-bô-ra khép lại bài ca của mình bằng việc hướng về Chúa. “Ôi, Đức Giê-hô-va! Nguyện hết thảy kẻ cừu địch Ngài đều hư mất như vậy! Nguyện những kẻ yêu mến Ngài được giống như mặt trời, khi mọc lên rực rỡ!” (Các. 5:31). Thất bại hoàn toàn của kẻ thù (Các. 4:16) đồng nghĩa với một bình minh mới dành cho người Y-sơ-ra-ên.

Đê-bô-ra dành một lời khen ngợi đặc biệt cho Gia-ên, người đã giết Tướng Si-sê-ra trong trại của mình. Vào thời đó, việc một người nam đơn thân đi vào lều trại của một người nữ là điều rất bất thường, chính vì thế đây sẽ là một nơi hoàn hảo để ẩn náu. Gia-ên thuộc một chi phái chung dung, thân thiện với Gia-bin, và lời mời của bà có vẻ rất chân thành. Bà cho ông uống sữa, và chờ cho đến khi ông ngủ say thì lấy một cây cọc trại mà đóng qua đầu. Ba-rác đến nơi đúng lúc nhìn thấy cái xác được bọc trong một chiếc áo choàng. Vâng, Gia-ên lừa dối, nhưng đây là một cuộc chiến và Si-sê-ra là kẻ thù.

Quả là lạ khi cả Đê-bô-ra và Gia-ên đều không được nhắc đến trong Hê-bơ-rơ 11:32, trong khi tên Ba-rác được nhắc đến cùng với Ghê-đê-ôn, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít và Sa-mu-ên. Nếu không nhờ Đê-bô-ra và Gia-ên, Ba-rác chắc hẳn sẽ không có được chiến thắng vĩ đại. Dĩ nhiên, câu chuyện này đã được ghi lại trong Các quan xét 4-5, nhưng lý do vì sao trước giả sách Hê-bơ-rơ đã bỏ sót hai người nữ vĩ đại này vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đức Chúa Trời đã sử dụng hai người phụ nữ can đảm và một trận mưa bão để chiến thắng, nhưng Ba-rác thì được công nhận.

Đê-bô-ra là một người mẹ của Y-sơ-ra-ên và sẵn lòng nhường công lao của mình cho người khác. Đó chính là cách cư xử của một người mẹ.

Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn