Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Luận Bàn Về Đạo Đức Cơ Đốc

Luận Bàn Về Đạo Đức Cơ Đốc

Trước khi nói đến đạo đức Cơ đốc, chúng ta sẽ xem xét các khái niệm về đạo đức.
Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.

Khái niệm đạo đức

Trong tâm lý học, đạo đức có thể được định nghĩa theo các khía cạnh sau:
– Nghĩa hẹp: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội trong quan hệ cá nhân – cá nhân và quan hệ cá nhân – xã hội.
– Nghĩa rộng: Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực biểu hiện sự tự giác trong quan hệ con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với cả bản thân mình.

Một số phạm trù cơ bản của đạo đức:

– Nghĩa vụ của đạo đức thể hiện ở chỗ khi con người tham gia vào các hoạt động cộng đồng, anh ta ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với người khác và đối với cộng đồng. Nghĩa vụ đạo đức đã xuất hiện rất sớm và nó tồn tại với thời gian, tồn tại qua các giai đoạn phát triển của lịch sử loài người. Điều đáng chú ý là việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức bao giờ cũng mang tính tự giác và do chính bản thân đã nhận thức rõ vấn đề. Do vậy, khi thực hiện nghĩa vụ đạo đức con người luôn có cảm giác hạnh phúc, hài lòng vì tình cảm cao thượng, vì lòng tự trọng và phẩm giá của con người. Nghĩa vụ đạo đức của con người có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý của con người đều có chung mục đích là nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội.
Nghĩa vụ không hình thành một cách tự nhiên, nhất thời mà nó được hình thành và hoàn thiện trong quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, thậm chí qua quá trình đấu tranh, thử thách của cuộc sống.

– Lương tâm có thể được hiểu như tiếng nói bên trong đầy quyền uy chỉ dẫn, thôi thúc con người ta làm những điều tốt, ngăn cản, chỉ trích làm những điều xấu. Khi con người làm điều xấu, lương tâm sẽ “bật đèn đỏ” cảnh báo: dừng lại. Khi con người làm điều tốt sẽ cảm nhận một lương tâm thanh thản.
Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học thì lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Sự hình thành lương tâm vốn đã có từ buổi bình minh lịch sử và nó tiếp tục phát triển trong lịch sử của con người. Có thể nêu ra các mức độ phát triển của lương tâm như sau:
• Ý thức về cái cần phải làm do sự sợ hãi bị trừng phạt bởi thiết chế xã hội hoặc ý niệm tâm linh.
• Ý thức về cái cần phải làm, cần phải tránh vì xấu hổ trước người khác và trước dư luận xã hội.
• Ý thức về cái cần phải làm vì xấu hổ với bản thân. Khi cá nhân xấu hổ với bản thân, với những hành vi của mình là bước đầu của cảm giác lương tâm. Từ cảm giác đó đến sự phán xét các suy nghĩ, hành vi của mình thì đó chính là lương tâm. Vì thế lương tâm có quan hệ chặt chẽ với ý thức nghĩa vụ của con người.

Khi con người làm những điều xấu, độc ác thì lương tâm cắn rứt. Trái lại khi cá nhân làm những điều tốt, cao thượng thì lương tâm thanh thản. Do vậy, trong cấu trúc của lương tâm tồn tại khái niệm xấu hổ, hối hận. Giữ cho lương tâm trong sạch là một tiêu chí hạnh phúc và tiêu chí sống của con người.

– Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, là thước đo đời sống đạo đức của mọi cá nhân. Thiện và Ác cũng là phạm trù cơ bản làm thước đo đời sống đạo đức của con người.
Cái Thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện phải được thể hiện qua việc góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Làm điều thiện là phấn đấu cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên cao thượng hơn, tốt đẹp hơn và giàu tính nhân văn hơn.
Cái Ác là cái đáng ghét, ghê tởm, cái cần phải gạt bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm mất đi cái văn minh, cao thượng của cuộc sống con người. Quan điểm về thiện và ác mang tính lịch sử và có thể hoán đổi cho nhau. Cái thiện và ác được chúng ta đánh giá tùy thuộc vào nó có thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người. (1)

Đạo đức dưới lăng kính của Thần học.

Trước khi có Kinh Thánh thì đạo đức đã có và tồn tại với con người và xã hội loài người (2). Đạo đức được Đấng tạo hóa phú cho con người theo luật lương tâm, điều này xem như là mặc khải tổng quát ứng dụng trong phương diện đạo đức. Luật này dựa trên khuynh hướng tự nhiên của tạo vật để hành động đúng hay hướng đến điều đúng. Từ ngữ đạo đức trong tiếng Hy lạp là ethos, nomos có nghĩa là những thói quen hay tập tục được nhiều người chấp nhận, nó là những qui ước chung trở thành chuẩn mực đạo đức. Từ góc độ này thì đạo đức là một hiện tượng tinh thần, môt hình thái ý thức xã hội nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội con người.

Trong quan điểm của Phương Tây, đạo đức có hai phần gắn liền: đạo và đức. Đạo là thực thể tuyệt đối có trước khi trời đất sinh ra, là cội nguồn, là đường đi, là sự sống (3). Đức là biểu hiện của Đạo, là nguyên tắc luân lý mà mỗi người phải tuân theo (4).
Một bài nghiên cứu của tác giả Đặng thị Lan nhấn mạnh: Con người cần quay trở về hay gắn bó với Đạo mới có sự sống và sự hòa hợp hạnh phúc giữa vũ trụ. Đạo gắn liền với đức trong quá trình phản ánh tồn tại xã hội, giữa hình thái ý thức tôn giáo và hình thái ý thức đạo đức luôn có mối quan hệ tương tác, đan xen và thâm nhập lẫn nhau. (5)

William Barlay, một học giả về Kinh Thánh cho rằng: Đạo đức và tôn giáo có mối liên hệ gắn bó, vì đạo đức là một phần trong giáo lý tôn giáo dạy con người phải ứng xử như thế nào? (6)
Bây giờ chúng ta nói đến đạo đức Cơ đốc.

Tường Vi

(còn nữa)

Bài tham khảo thêm: https://www.gotquestions.org/Viet/Dao-duc-Co-Doc-luan-thuong-ly-luan-lyc.html  

Đạo đức Cơ Đốc là gì?

Trả lời: Cô-lô-se 3:1-6 là một phân đoạn rất hay tóm lược về các tiêu chuẩn đạo đức Cơ Đốc: “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy chú tâm vào những điều ở trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất, vì anh em đã chết, sự sống của mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ là sự sống của anh em hiện ra, lúc ấy anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong vinh quang. Vậy hãy giết chết những dục vọng trần tục như gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng; bởi những điều nầy, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên những con không vâng phục.”

Kinh Thánh không chỉ liệt kê ra một một loạt những việc đúng sai để chúng ta làm theo. Kinh Thánh có những chỉ dẫn rất cụ thể giúp chúng ta biết cần phải sống như thế nào. Trong Lời Chúa có tất cả những gì chúng ta cần để sống cuộc đời tin kinh Chúa. Tuy nhiên, Kinh Thánh không thể nào bàn đến tất cả các khía cạnh trong đời sống mỗi người được. Vậy đối với biết bao tình huống khó xử trong cuộc sống, Cơ Đốc nhân cần phải làm thế nào? Đây chính là lí do chúng ta cần đạo đức Cơ Đốc.

Khoa học định nghĩa đạo đức là “một loạt các nguyên tắc luân lí và nghiên cứu, học hỏi về các vấn đề luân lí”. Do đó, đạo đức Cơ Đốc là những nguyên tắc ứng xử đúc kết từ niềm tin nơi Chúa, và Cơ Đốc nhân sống dựa trên nền tảng những nguyên tắc đó. Dù rằng Lời Chúa không bao hàm mọi tình huống gặp phải trong cuộc đời, chúng ta vẫn có thể lấy các nguyên tắc trong Kinh Thánh làm tiêu chuẩn sống trong những tình huống phức tạp.

Ví dụ, dù rằng Kinh Thánh không nhắc gì đến việc sử dụng các chất kích thích trái phép nhưng dựa trên các nguyên tắc trong Lời Chúa chúng ta biết rằng việc đó là sai. Vì thân thể là đền thờ của Đức Thánh Linh và chúng ta phải tôn vinh Chúa bằng chính thân thể mình (1 Cô-rinh-tô 6:19-20). Các chất kích thích làm tổn hại nặng nề đến nhiều cơ quan khác nhau trong thân thể, do đó nếu sử dụng chúng ta sẽ làm tổn hại đến đền thờ của Đức Thánh Linh. Làm như vậy chắc chắn không phải là tôn vinh Chúa. Kinh Thánh cũng chép rằng chúng ta cần vâng phục thẩm quyền mà Chúa đã sắp đặt (Rô-ma 13:1). Do sử dụng các chất kích thích trái phép là vi phạm pháp luật nên nếu sử dụng chúng ta sẽ chống đối lại chính quyền. Vậy nếu chất kích thích được hợp pháp thì Cơ Đốc nhân có được sử dụng không? Trong trường hợp này, hãy xem lại nguyên tắc thứ nhất.

Sử dụng những nguyên tắc Kinh Thánh, Cơ Đốc nhân có thể xác định xem mình nên ứng xử như thế nào trong mọi tình huống. Có những lúc đơn giản như các nguyên tắc sống được chép trong Cô-lô-se 3. Nhưng cũng có lúc chúng ta cần đào sâu hơn để tìm ra câu trả lời. Cách tốt nhất là cầu nguyện khi đọc Lời Chúa. Đức Thánh Linh ngự trong lòng mỗi người tin Chúa và một trong những công việc của Ngài đó là chỉ dẫn đời sống chúng ta: “Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con. ” (Giăng 14:26). “Về phần các con, sự xức dầu mà các con đã nhận từ Ngài ở trong các con, và các con không cần ai dạy mình cả. Vì sự xức dầu của Ngài dạy các con mọi điều, và sự xức dầu ấy là thật, không phải giả dối; hãy cứ ở trong Ngài, như sự xức dầu ấy đã dạy các con.” (1 Giăng 2:27). Vậy, cầu nguyện và đọc lời Chúa để được Đức Thánh Linh hướng dẫn và dạy dỗ. Ngài sẽ chỉ cho chúng ta nguyên tắc để đứng vững trước mọi tình huống trong cuộc đời.

Tuy không bao hàm mọi tình huống gặp phải trong đời sống Cơ Đốc nhân nhưng Lời Chúa vẫn luôn là sự chỉ dẫn đầy đủ cho đời sống Cơ Đốc nhân. Trong hầu hết các tình huống chúng ta chỉ cần xem Kinh Thánh và đi theo đúng đường lối Chúa đã chỉ dạy. Đối với những tình huống đạo đức khác chúng ta cần tìm những nguyên tắc Kinh Thánh để áp dụng. Chúng ta cần cầu nguyện khi đọc lời Chúa và mở lòng nghe theo Đức Thánh Linh. Chính Thánh linh sẽ dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta tìm trong Kinh Thánh những nguyên tắc để có thể sống theo ý Chúa.

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn