Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Những Điều Thú Vị

Những Điều Thú Vị

Khi ánh sáng của phúc âm chưa rọi vào nước Việt, người Việt đã tin có ông Trời. Người Việt là dân tộc hữu thần; đa phần dân chúng tin rằng có Đấng Tạo Hóa. Cho dù có tin ai, tín ngưỡng thế nào, thì bà con mình vẫn tin rằng ông Trời mới là Đấng Tối Thượng.
Niềm tin sâu rộng đó không những ảnh hưởng đến sự thờ tự, cúng kiếng, lễ bái trong dân gian; mà còn ảnh hưởng đến phong hóa, phong tục, và đặc biệt là trong văn chương, thi phú, từ giới bình dân cho đến giới hàn lâm. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một minh chứng.
Truyện Kiều bàn bạc từ đầu đến cuối thể hiện một thế giới quan về Đấng Tối Thượng, luôn tể trị, luôn chi phối mọi cuộc đời, mọi số phận. Chúng ta thử nhìn một đoạn từ câu 3241, sẽ thấy.
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Hay thì khỏi phải bàn rồi. Bùi Giáng, Nguyễn Duy còn phải bái phục nữa là. Cái đáng chú ý là Nguyễn Du đại diện cho giới trí thức đương thời công nhận sự thực hữu của ông Trời. Ông Trời chi phối mọi sự. Ông Trời là Đấng sinh thành. Trời cho ai phong trần phải phong trần. Trời cho thanh cao thì hưởng phần thanh cao.
Nguyễn Du không thoát khỏi ảnh hưởng cái “nghiệp” của Phật Giáo; nhưng nhãn quan của ông không chịu trói bởi nó. Ông đề cao, ông công nhận quyền cai trị của ông Trời, là quyền năng tuyệt đối. Ngẫm xem muôn sự tại trời.
Đây là điều Đức Chúa Trời bày tỏ qua Kinh Thánh. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở (Công Vụ 17:26). Muôn dân sinh ra khắp đất bởi ý định của Đức Chúa Trời. Mỗi người sẽ ở đâu, và khi nào qua đời cũng bởi Ngài định đoạt.
Bạn để ý hai câu nầy: Có đâu thiên vị người nào| Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai. Ông Trời của Nguyễn Du, ông Trời trong truyện Kiều, ông Trời của người Việt, hay ông Trời trong Thánh Kinh có chung một bổn tánh công bằng, ngay thẳng, không hề thiên vị, và là Đấng ban cho cách dồi dào.
Đức Chúa Trời mặc khải cho chúng ta biết được mỹ đức của Ngài. Tức là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng và đáng sợ, không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ (Phục Truyền 10:17b). Hãy suy nghĩ đến một Đức Chúa Trời có quyền năng tột đỉnh nhưng lại thiên vị, thì Ngài chẳng bao giờ là Đấng Chân Thần. Không hề như vậy, Ngài là Đấng không bao giờ thương người này, mà ghét người kia.
Nguyễn Du cho rằng: Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần. Kinh Thánh đã cảnh báo điều tương tự nhiều lần, nhiều lúc. Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt (Châm Ngôn 16:5).
Chúa ghét kẻ kiêu ngạo, và thương người khiêm nhường. Kiêu ngạo đi trước, sa ngã theo sau. Gia-cơ nói, Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo. Cậy tài là kiêu ngạo, cậy tài sẽ gặp tai ương. Còn hai câu tiếp: Đã mang lấy nghiệp vào thân| Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Nghiệp là số mạng. Nghiệp là sự định đoạt của ông Trời trên số phận một con người. Có một thời kỳ người Tin Lành tin rằng mọi người đều đã được Chúa tiền định. Định trước sự sinh ra. Định trước sự chết đi. Định trước sự hư mất. Định trước sự cứu rỗi.
Tiền định trong sự cứu rỗi là một lẽ đạo vô cùng sai lầm và kinh khủng. Vậy mà đến nay vẫn còn nhiều người công nhận là đúng. Chúa không hề định trước cho ai phải chết mất đời đời, hay sẽ sống mãi đời đời. Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Ai tin thì có sự sống. Ai chối thì bị đoán phạt.
Tôi thấy nhiều người than vãn về xuất thân của mình. Nhiều người kêu ca về hoàn cảnh của mình. Nhiều người trách cứ Chúa về sự khó khăn của mình. Nguyễn Du viết: Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Nhưng bạn và tôi đã được Chúa cứu, đã đi trong sự sáng, đã nhận lãnh Thánh Linh, đã biết lẽ thật sao lại than vãn, phàn nàn, trách cứ Chúa?
Phao-lô nói: Vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy (Phi-líp 4:11). Khi bạn xu hướng về vật chất bạn sẽ chẳng bao giờ thỏa lòng. Khi bạn có đức tin trong Chúa, xem mục đích đời đời quan trọng hơn mục đích đời nầy, bạn sẽ lập tức thay đổi.
Có hai thứ phải song hành nhau: Tin kính và thỏa lòng. Đó là nguồn lợi vô cùng to lớn. Lòng tin kính giúp bạn hiểu biết ngày càng hơn về Chúa. Sự thỏa lòng giúp bạn có một đời sống nhẹ nhõm, thong thả; chẳng vướng bận đến công danh sự nghiệp, cơm áo gạo tiền, tranh đua giành giật.
Cám ơn Chúa, khi Tin Mừng chưa đến, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho người Việt từ xa xưa biết rằng, ông Trời là Đấng Tạo Hóa. Ông Trời là Đấng Công Bình. Ông Trời là Đấng Tể Trị. Ông Trời là Đấng ban ơn xuống phước. Ông Trời là Đấng hướng con người đến chỗ tìm kiếm Ngài, nương tựa Ngài chứ không phải cậy vào tài trí riêng.
Đó là vài điều tương đồng thú vị tôi nhìn thấy giữa truyện Kiều với Kinh Thánh.
Mục sư Ân Điển

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn