Dr. Jim Denison
Tuần này, PepsiCo thông báo rằng họ sẽ đổi thương hiệu Old Aunt Jemima thành Pearl Milling Company và cam kết hỗ trợ 5 triệu Mỹ kim cho cộng đồng da đen. Công ty tuyên bố, “Chúng tôi nhận ra nguồn gốc của Old Aunt Jemima dựa trên định kiến về chủng tộc.” Biểu tượng Old Aunt Jemima (một phụ nữ Mỹ gốc Phi) nói lên sự phân biệt chủng tộc, và PepsiCo muốn thay đổi.
Đây là quan điểm của tôi: tôi chỉ đang tìm hiểu những gì mà người da đen đã biết trong nhiều thế hệ. Thực tế này liên quan trực tiếp đến tương lai của những tín hữu Tin lành trong xã hội Hoa Kỳ, mặc dù theo những cách mà ít ai ngờ tới.
Tôi tin rằng phân biệt chủng tộc đến từ ma quỉ. Tôi quả quyết rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phải bị lọai bỏ ở mọi khía cạnh xã hội. Do đó, tôi sẽ cực lực phản đối nếu ai đó cổ xúy phân biệt chủng tộc bằng cách trưng dẫn kinh thánh và tôn giáo theo thành kiến của họ, yêu cầu bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho niềm tin hoặc xây dựng truyền thông rộng lớn để quảng bá hệ tư tưởng nguy hiểm này. Nếu họ cố gắng thực hiện “liệu pháp đổi đạo” nhằm thay đổi tính cách chủng tộc của người thiểu số, ngăn cấm họ kết hôn với những người khộng cùng chủng tộc, hoặc loại họ khỏi việc nhận con nuôi, tôi sẽ lên tiếng phản đối.
Bởi tôi tin rằng hệ tư tưởng và phân biệt chủng tộc thực tế là nguy hiểm cho quốc gia và tương lai của chúng ta, và tôi sẽ ủng hộ mọi giải pháp về pháp lý. Ví dụ, tôi sẽ tán thành chương trình giảng dạy hòa hợp chủng tộc và bình đẳng. Tôi sẽ hạn chế tiếp xúc với nền văn hóa phân biệt chủng tộc thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng khác, cấm phân biệt chủng tộc trong tất cả các cơ quan chính phủ và quân đội, đồng thời tạo ra các phương tiện cho các nhóm dân tộc thiểu số kết hôn và xây dựng gia đình.
Nói tóm lại, tôi coi những kẻ phân biệt chủng tộc là những người có tư tưởng cực đoan mà xã hội không còn chấp nhận niềm tin của họ nữa.
Bây giờ, hãy coi lại sự thay thế bình đẳng giữa nhóm người chuyển đổi giới tính, đồng tính luyến ái (LGBTQ) và bình đẳng chủng tộc. Sau đó, hãy so sánh để xem liệu nó có mô tả chính xác cách mà văn hóa của chúng ta nhìn nhận và phản đối tín nhân, là những người có lời Kinh thánh ngăn cản họ tán thành hành vi của nhóm LGBTQ hay không.
Cho đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ thấy những đám trận gió bão đầu tiên mà tôi dự đoán sẽ trở thành một cơn bão từ chối văn hóa.
Facebook và Twitter đã bắt đầu ngăn chặn các bài đăng chỉ trích chính sách ủng hộ chuyển giới tính của Mr. Biden. Các đài truyền hình tôn giáo quốc gia, một hiệp hội truyền giáo của các nhà truyền thông Cơ đốc, đã bắt đầu theo dõi các ví dụ về phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến khác hạn chế quan điểm của Cơ đốc giáo.
Chính quyền Biden đã đưa ra cái gọi là Đạo luật Bình đẳng trở thành “ưu tiên hàng đầu của pháp luật”. Đạo luật này sẽ nâng cao khuynh hướng tình dục và giới tính lên “các tầng lớp được bảo vệ” mà không cần quan tâm đến Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo năm 1993.
Điều này có thể buộc các bệnh viện và người mua bảo hiểm cung cấp các liệu pháp chuyển đổi giới tính vi phạm niềm tin tôn giáo của họ. Nó cũng có thể buộc các cơ quan dựa trên đức tin chăm sóc nuôi dưỡng và nhận con nuôi để xếp con trẻ với các cặp đồng tính xin con, nếu họ không muốn mất giấy phép. Nó có thể buộc các trường học và doanh nghiệp dựa trên đức tin vi phạm niềm tin của họ liên quan đến hoạt động đồng tính luyến ái hoặc đối mặt với tiền phạt, chỉ trích, hoặc tệ hơn. Và các hội thánh sẽ được định nghĩa lại là “nơi chốn công cộng“, có nghĩa là nếu họ từ chối cung cấp phòng vệ sinh cho người chuyển giới, họ có thể bị mất quyền được miễn thuế và phải đối mặt với các hình phạt khác.
Tôi dự đoán rằng những người truyền giáo sẽ phải đáp ứng với sự phản đối ngày càng gia tăng về sự thay đổi văn hóa theo năm cách, phỏng theo cuốn sách kinh điển Christ and Culture của Richard Niebuhr.
- Đấng Christ của văn hóa: Một số nhà truyền đạo sẽ sửa đổi niềm tin của họ sao cho phù hợp với làn sóng văn hóa đang thay đổi. Chúng tôi đã theo dõi các mục sư và nhà thần học “thay đổi suy nghĩ của họ”về luân lý tình dục trong Kinh thánh. Cách tiếp cận này loại bỏ nền tảng chân lý Kinh thánh trong một cuộc tìm kiếm không bao giờ kết thúc về sự phù hợp với văn hóa.
- Đấng Christ chống lại văn hóa: Một số sẽ gieo tiếng ác cho những ai không đồng quan điểm với họ và coi “phe kia”là kẻ thù. Một số khác sẽ thu mình vào các cộng đồng nơi họ có thể thực hành đức tin của mình mà không bị chống đối. Họ sẽ “thắp đèn”phúc âm dưới “cái thùng” của mình trong khi xua đuổi “những người thấy các công việc tốt đẹp của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5: 14–16).
- Đấng Christ cao trọng hơn nền văn hóa: Một số sẽ tuân theo đạo đức Kinh thánh khi ở trong cộng đồng với những người đồng đạo nhưng lại nhượng bộ theo trào lưu văn hóa trong cuộc sống và công việc thường ngày của họ. Họ có thể tránh được hậu quả về niềm tin riêng tư của mình, nhưng những thỏa hiệp công khai sẽ làm mất giá trị làm chứng nhân cho Chúa và khiến Chúa của họ đau buồn.
- Đấng Christ và văn hóa trong nghịch lý: Một số sẽ tham gia vào xã hội thế tục để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, làm việc để đảm bảo một vị trí thiểu số cho những người truyền giáo trong xã hội. Đây là một sứ mệnh có giá trị và cấp bách, nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn là tìm kiếm quyền ”đúng thành sai”.
- Đấng Christ biến đổi nền văn hóa: Một số người sẽ trình bày chân lý Kinh thánh với lòng yêu thương, can đảm. Họ sẽ tuyên xưng và bảo vệ đạo đức Kinh thánh vì biết rằng chân lý đó là tốt nhất cho tất cả mọi người. Họ sẽ xem những người chối bỏ lời Chúa là những người cần lời Chúa nhất. “Nói lên sự thật trong tình yêu thương” sẽ là châm ngôn và sứ mệnh của họ (Ê-phê-sô 4:15). Đây rõ ràng là cách hiệu quả và đúng đắn nhất trong Kinh thánh để đối phó với sự phản đối văn hóa đang gia tăng.
Đây chính là lúc chúng ta đưa ra lựa chọn cá nhân.
Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh