Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Mọi Sự Đều Trở Nên Mới

Mọi Sự Đều Trở Nên Mới

MỌI SỰ ĐỀU TRỞ NÊN MỚI

 

CÔNG CỤ GIÚP NHỮNG NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH CƠ ĐỐC NHÂN

ALL THINGS NEW

By Peter Jeffery

Xuất bản lần đầu năm 1976

Nhà xuất bản Brytirion, CF31 4DX, Wales, UK

Bản dịch của Vietnamese Missionary Institute

 

Lời Mở Đầu

Khi nghiên cứu cách làm thể nào để phân biệt đồng tiền thật và đồng tiền giả. Tôi vào Google để tìm hiểu cách phân biệt đồng tiền của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam phát hành và tôi thấy những lời chỉ dẫn như sau:

Để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của đồng tiền và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch. Dưới đây là một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả:

  1. Kiểm tra chất liệu polymer in tiền:

Đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn. Tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.

Và còn nhiều chi tiết khác đã chỉ dẫn, bạn cần quan tâm tìm hiểu để biết được giá trị của tờ bạc thật.

Từ việc phân biệt tờ bạc thật và tờ bạc giả, tôi đã suy nghĩ đến Tin Lành thật và tin lành giả. Vì Tin Lành thật là quý nên kẻ thù của loài người đã đưa ra những tin lành giả. Đây là mánh khóe của Satan đã cám dỗ tổ phụ loài người bằng cách lừa dối, gây nghi ngờ, dẫn loài người rơi vào con đường lầm lạc xa cách Đức Chúa Trời, chuốc lấy số phận lầm than cho con cho cháu, kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay. Đây là tiếng chuông cảnh giác chúng ta là con cái thật của Chúa ngày nay. Chúng ta không thể coi thường.

Lịch sử truyền giáo đã nêu lên trường hợp sau đây nói lên tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục của Đạo Tin Lành.

Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh thánh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Giê-su, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa. Người toan sang xứ A-chai, thì anh em giục lòng cho và viết thơ gởi dặn môn đồ phải tiếp đãi người tử tế. Khi tới rồi, người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ ích cho kẻ đã tin theo. Vì người hết sức bẻ bác người Giu-đa giữa thiên hạ, lấy Kinh Thánh mà bày tỏ rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ. Công Vụ Sứ Đồ 18: 24-28.

Một kinh nghiệm khác rất có giá trị của người dân thành Bê-rê cũng là bài học quý báu cho chúng ta ngày nay.

Tức thì, trong ban đêm, anh em khiến Phao-lô và Si-la đi đến thành Bê-rê. Đến nơi rồi, thì vào nhà hội người Giu-đa. Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng. Trong bọn họ có nhiều người tin theo, với mấy người đàn bà Gờ-réc sang trọng, và đàn ông cũng khá đông. Công Vụ Sứ Đồ 17: 10-12.

Như vậy, muốn nắm vững Tin Lành thật và xa lánh tin lành khác, cách hay nhất ngày nay vẫn là nghiên cứu và áp dụng Tin Lành thật. Hãy quan tâm đọc và học Kinh Thánh. HỌC ĐỂ DẠY VÀ DẠY ĐỂ HỌC. Đúng theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam xin giới thiệu quyển sách nhỏ với 28 bài học căn bản của Tin Lành. Anh em tín hữu Tin Lành nên học hỏi và áp dụng nền tảng đức tin của mình theo Kinh Thánh để bảo vệ sức khỏe tâm linh.

Tôi nghĩ đến việc chích ngừa vaccin để đối phó với sự làn tràn của corona virus trên thế giới hôm nay. Vợ chồng tôi mới được chích ngừa. Miễn phí. Không phải một lần nhưng đến hai lần. Đủ để yên tâm không bị đại dịch virus đe đọa.

Tôi yên tâm khi giới thiệu với bạn đọc Việt Nam quyển sách nầy: MỌI SỰ ĐỀU TRỞ NÊN MỚI. Mời bạn hãy áp dụng ngay. Giống như chích ngừa đại dịch ngay khi có cơ hội.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 

1

HIỆN NAY BẠN ĐÃ TRỞ THÀNH CƠ ĐỐC NHÂN

Bạn không cần phải là Cơ-đốc nhân từ lúc sinh ra.

Bạn không cần phải vượt qua bài kiểm tra để trở thành Cơ-đốc nhân.

Bạn không giành lấy quyền để trở thành Cơ-đốc nhân.

Chúa khiến một người trở thành Cơ-đốc nhân (Ê-phê-sô 2:8-10; Tít 3:5).

Trở thành Cơđốc nhân có nghĩa là

  • tội lỗi, nan đề lớn nhất của chúng ta đã được giải quyết (1 Giăng 1:9)
  • chúng ta được hoà thuận với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:1).

Chính Đức Chúa Trời này đã làm cho chúng ta trọn vẹn trong và qua Con Ngài là Chúa Giê-su Christ. Cơ-đốc nhân là dân sự của Đấng Christ. Đấng Christ là Chúa của họ – Ngài không chỉ là Cứu Chúa, mà là Cứu Chúa và Chúa Tể của họ (1 Cô-rinh-tô 6:19-20).

đốc nhân được trọn vẹn trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:10)

Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong họ (1 Cô-rinh-tô 6:19-20).

Họ được Đức Chúa Trời tiếp nhận qua Chúa Giê-su (Rô-ma 15:7).

đốc nhân là con cái Đức Chúa Trời (1 Giăng 3:1-2)

Trước khi được cứu chuộc, Đức Chúa Trời không phải Cha chúng ta (Giăng 8:42-44).

Cứu chuộc tức là nhận làm con. Chúng ta được nhận vào gia đình của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:14-16; Ga-la-ti 4:4-7; Ê-phê-sô 1:4-5).

Sự nhận làm con trao cho chúng ta mọi thứ mà tội lỗi ngăn không cho chúng ta có được. Người dưng trở thành con cái, người lạ trở thành con, và kẻ thù lại nhận được tất cả phước lành của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, mối quan hệ của chúng ta với Chúa được thay đổi hoàn toàn, và sự thay đổi này không hề nhỏ chút nào.

Đọc Công vụ 11:20-23.

“Ấy là ở thành An-ti-ốt, người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơ-rê-tiên” (Công vụ 11:26).

 

2

BẠN TỪNG LÀ TỘI NHÂN HƯ MẤT

Kinh Thánh dạy rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân (Rô-ma 3:23).

Chúng ta không trở thành tội nhân; chúng ta sinh ra đã là tội nhân (Thi thiên 51:5).

Tội lỗi là bản chất của lòng người (Giê-rê-mi 17:9).

Nhiều người chối bỏ điều này; nhưng họ đang lừa dối chính mình (1 Giăng 1:8, 10).

Tội lỗi là sự vi phạm luật pháp Chúa (1 Giăng 3:4).

Tội lỗi mang lại cho con người

  • sự ngăn cách khỏi Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 3:23-24; Ê-sai 59:2)
  • sự thịnh nộ của Chúa (Rô-ma 1:18)
  • tội (Rô-ma 3:19)
  • sự chết (Sáng thế ký 2:17; Rô-ma 6:23)
  • hoả ngục (Ma-thi-ơ 25:41)

Sự chết không phải điều được giữ lại cho tương lai. Trước khi trở thành Cơ-đốc nhân bạn đã chết (Ê-phê-sô 2:1). Bạn chết với Chúa; bạn không biết Ngài, không yêu, hay không hầu việc Ngài.

Bạn từng là tội nhân – kẻ thù của Đức Chúa Trời.

Hoàn cảnh của bạn được miêu tả trong Ê-phê-sô 2:12.

Trong Thi thiên 32 bạn sẽ tìm thấy ba từ khác nhau dành cho tội lỗi:

Sự vi phạm – từ này nghĩa là “vượt quá giới hạn”, vi phạm luật pháp Chúa, đi vào con đường Chúa cấm. Đó là hành vi chống nghịch Chúa.

Tội – từ này nghĩa là trượt điểm hay trượt mục tiêu, thiếu mất sự vinh hiển Chúa (Rô-ma 3:23). Chúa thiết lập một tiêu chuẩn còn chúng ta lại thất bại trong việc giữ tiêu chuẩn đó.

Gian ác – đây là một sự biến thái méo mó của tâm hồn. Con người không còn giống như ban đầu Chúa tạo nên họ. Họ bị tội lỗi làm cho méo mó.

 

 

3

BẠN TRỞ THÀNH CƠĐỐC NHÂN NHƯ THẾ NÀO?

Bạn trở thành Cơđốc nhân khi Thánh Linh cáo trách tội lỗi bạn và

  • bạn nhận ra tình trạng thật sự của mình (Lu-ca 15:17-19)
  • bạn ăn năn (Công vụ 2:38)
  • bạn tin (Công vụ 16:31)
  • bạn tiếp nhận Đấng Christ (Giăng 1:12).

Sự cải đạo của bạn có thể giống:

Phao-lô (Công vụ 9:1-22)

  • có bối cảnh gia đình sùng đạo
  • kịch tính và bất ngờ
  • được cứu ở một thời điểm và nơi chốn cụ thể.

Tù nhân tại thành Phi-líp (Công vụ 16:23-34)

  • có xuất thân rất thế tục, chưa từng biết về Đức Chúa Trời
  • hoàn cảnh đưa đẩy đến sự tuyệt vọng
  • không hề tìm kiếm Chúa, nhưng lại được Ngài tìm thấy.

Ti-mô-thê (2 Ti-mô-thê 3:15)

  • được sinh trưởng trong gia đình Cơ-đốc
  • luôn được nghe Kinh Thánh
  • không rõ thời điểm chính xác tin nơi Chúa Giê-su.

Ly-đi (Công vụ 16:14-15)

  • không có gì kịch tính
  • tìm kiếm một thời gian dài
  • tấm lòng bạn nhẹ nhàng mở ra để thấy và tin.

 

 Bạn cải đạo thế nào không quan trọng. Mọi sự cải đạo đều là công tác của Chúa.

 

 

4

NẾU BẠN LÀ MỘT CƠĐỐC NHÂN

  • tất cả những gì có trong các trang tiếp theo đều đúng về bạn.

Bạn đã được

  • cải đạo (Công vụ 15:3)
  • tái sinh (Giăng 3:3)
  • cứu (1 Ti-mô-thê 1:15)
  • tha tội (1 Giăng 2:12)
  • phục hoà với Chúa (Cô-lô-se 1:21)
  • xưng công chính bởi đức tin (Rô-ma 5:1)
  • hiệp một với Đấng Christ (Giăng 15:5)

Tất cả những đặc quyền và phước hạnh này được bảo đảm bởi Đức Thánh Linh  (Rô-ma 8:16)

Và một khi được cứu bạn sẽ không bao giờ đánh mất sự cứu rỗi (Giăng 10:28-29)

Và sẽ có các dấu hiệu chứng minh trong cuộc đời bạn (Ga-la-ti 5:22-23)

Hiện giờ bạn sẽ

Muốn gia nhập một Hội thánh

  • để thờ phượng
  • để lắng nghe lời Chúa giảng
  • để dự Tiệc Thánh và làm phép Báp-têm

Bạn sẽ cần phải

Sống cuộc đời Cơ-đốc nhân

Đọc lời Chúa hàng ngày

Thường xuyên cầu nguyện

Làm chứng về đức tin của bạn

Vâng phục Chúa trong mọi sự

Vượt qua cám dỗ

Chống lại ma quỷ

Và đặc quyền lớn nhất trong đời sẽ là vui thoả với Chúa

 

5

BẠN ĐƯỢC CẢI ĐẠO

‘Cải đạo’ có nghĩa là ‘biến đổi’

Bạn được biến đổi (2 Cô-rinh-tô 5:17).

Bạn từng chết: giờ bạn sống (Ê-phê-sô 2:1, 5).

Bạn từng hư mất: giờ bạn được tìm thấy (Lu-ca 15).

Bạn từng mù loà: giờ bạn thấy (1 Cô-rinh-tô 4:4-6).

Bạn từng là kẻ thù của Đức Chúa Trời: giờ bạn là con Ngài (Rô-ma 5:10; 8:14-17).

Sự trọn vẹn của sự biến đổi khi cải đạo được bày tỏ rõ ràng trong Ê-phê-sô 2:

câu 1-3: trong mắt Chúa bạn đã từng như vậy

câu 19-22: trong mắt Chúa giờ bạn trông như thế này

Ân điển của Chúa chính là cầu nối giữa hai vị trí chênh lệch này (câu 4-18).

Chú ý: câu 1, ‘Còn anh em’ – quá khứ của bạn

câu 4, ‘Nhưng Đức Chúa Trời’ – điều Chúa đã làm cho bạn

câu 19, ‘Dường ấy’ – hiện tại của bạn nhờ ân điển

Công việc lớn của ân điển trở nên chân thật với chúng ta qua đức tin (Ê-phê-sô 2:8)

Đức tin là gì?

Đức tin là sự tin cậy không xoay chuyển nơi Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Thế duy nhất cho tội lỗi (Công vụ 20:21; Rô-ma 3:25). Đức tin không phải là tư duy chấp thuận một bộ giáo lý, mà là đến với Đấng Christ để ăn năn, kêu cầu sự thương xót. Đức tin lắng nghe lẽ thật của phúc âm, tin và hành động dựa theo đó. Đức tin cứu chuộc đi từ niềm tin nơi những điều thực tế đến sự tin cậy thật nơi Đấng Christ và những gì Ngài đã làm cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Đức tin là sự đáp ứng của tâm trí và tấm lòng tới Chúa Cứu Thế là Đấng phúc âm nói đến (1 Phi-e-rơ 1:21).

 

 

6

BẠN ĐƯỢC TÁI SANH

Sanh lại, hoặc tái sanh, hoặc biến đổi (các từ này đều có nghĩa như nhau) là bởi công tác của Đức Thánh Linh, và đây là điểu cần phải có (Giăng 3:3-8).

Nếu bạn không được sanh ra trong xác thịt, bạn không thể có cuộc đời xác thịt.

Nếu bạn không được sanh ra trong tâm linh, bạn không thể có cuộc đời thuộc linh.

Trước khi bạn được sanh ra, bạn đã chết trong tội lỗi. Bạn đã chết với Chúa. Bạn từng không biết Ngài, không hiểu và cũng không hầu việc Ngài. Trong sự tái sinh, Đức Thánh Linh mang sự sống đến với linh hồn đã chết của bạn (Ê-xê-chi-ên 36:26). Bạn không thể tin nơi Chúa Giê-su nếu thiếu điều này. Chỉ có linh hồn được biến đổi mới có thể thực hành đức tin và tiếp nhận Đấng Christ (Giăng 6:44).

Một người đã chết có thể làm được gì cho chính mình? Không gì cả.

Một linh hồn đã chết có thể làm được gì cho chính nó? Không gì cả.

Sự tái sanh là công tác của Chúa Thánh Linh, và chỉ mình Ngài (Giăng 3:1-12).

Không có sự sanh thuộc linh sẽ không có cuộc đời thuộc linh. Có thể có cuộc đời tôn giáo và đạo đức nhưng sẽ không có cuộc đời thuộc linh.

Chính công tác của Đức Thánh Linh đã biến đổi chúng ta. Ngài hành động bằng cách đem tội nhân đến lắng nghe phúc âm: ‘đức tin đến bởi sự người ta nghe’ (Rô-ma 10:17).

Thông qua sứ điệp phúc âm, Đức Thánh Linh chỉ cho chúng ta thấy tình trạng thực của mình. Hết thảy đều phạm tội. Tức là cả những người đạo cao đức trọng và những người bị ruồng bỏ. Đức Thánh Linh thôi thúc chúng ta nhận biết mình cần tái sanh, và đem chúng ta đến với sự ăn năn và đức tin nơi Đấng Christ.

 

 

7

BẠN ĐƯỢC CỨU

Được cứu khỏi điều gì?

  • khỏi hậu quả của tội lỗi (Rô-ma 6:23)
  • khỏi cơn giận của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:18).

Bạn cần được cứu bởi bạn từng là tội nhân (1 Ti-mô-thê 1:15).

Trước khi được cứu, bạn từng hư mất (Lu-ca 19:10; Ê-phê-sô 2:12). Bạn có tội trước Chúa (Rô-ma 3:19).

Trước khi bạn có thể được cứu

  • món nợ của bạn với luật pháp Chúa, do tội lỗi gây ra, phải được trả (Rô-ma 3:25)
  • cơn giận của Đức Chúa Trời với tội lỗi bạn phải được xử lý (Rô-ma 3:25).

Nhiều bản dịch hiện đại không dùng từ ‘của lễ chuộc tội’ trong Rô-ma 3:25. Từ này rất quan trọng nếu chúng ta muốn hiểu đúng về sự chết của Chúa Giê-su. ‘Của lễ chuộc tội’ tức là ‘nguôi cơn giận bằng của lễ’.

‘Của lễ chuộc tội’ tức là khi ở trên thập tự giá, mang lấy tỗi lỗi chúng ta, Chúa Giê-su đối diện với cơn giận của Đức Chúa Trời thay cho chúng ta, và thay chúng ta trả giá toàn bộ món nợ của chúng ta do đã phá vỡ luật pháp Chúa.

Tại thập tự giá, Chúa Giê-su khiến cho Đức Chúa Trời thánh khiết nguôi cơn giận bằng của lễ – theo chiều hướng có lợi – cho chúng ta, dù chúng ta là những tội nhân. Chúa xử lý nan đề tội lỗi bằng cách duy nhất có thể thoả mãn sự công chính thánh khiết của Ngài và để Ngài có thể cứu những con người chỉ đáng bị phán xét.

Chính Chúa Giê-su đã làm thành điều này, khi Ngài chết trên Thập tự giá thay cho chúng ta (1 Phi-e-rơ 2:24; Rô-ma 5:6).

Chỉ có một Chúa Cứu Thế (Công vụ 4:12).

Chỉ có một con đường dẫn đến Đức Chúa Trời (Giăng 14:6).

Chỉ có một Đấng Trung Bảo (1 Ti-mô-thê 2:5).

Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để xử lý tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21).

 

 

8

BẠN ĐƯỢC THA THỨ

Mọi tội lỗi đều chống nghịch Đức Chúa Trời (Thi thiên 51:4).

Tội lỗi vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (1 Giăng 3:4).

Do đó chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ tội lỗi (Lu-ca 23:34).

Đức Chúa Trời vui lòng tha thứ (Thi thiên 86:5)

Bởi Chúa Giê-su đã chết thế cho chúng ta và trả trọn tiền công của tội lỗi, nên giờ Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho chúng ta (1 Giăng 1:9)

Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta thông qua Chúa Giê-su, là Đấng

  • chết để mua lấy sự tha thứ cho chúng ta (Ê-phê-sô 1:7)
  • sống lại từ cõi chết để ban cho chúng ta sự tha thứ (Công vụ 5:31).

Trong Đấng Christ tội lỗi của chúng ta được tha thứ (1 Giăng 2:12)

  • tội lỗi bị xoá bỏ (Ê-sai 44:22)
  • Chúa chẳng còn nhớ đến tội lỗi (Giê-rê-mi 31:34)
  • tội lỗi bị lấy ra khỏi chúng ta (Thi thiên 103:12).

Sự cứu chuộc còn hơn cả sự tha thứ tội lỗi

Tạ ơn Chúa về sự tha thứ cho những tội nhân, nhưng phúc âm trao cho chúng ta còn nhiều hơn thế!

Chúa tha mọi tội lỗi của chúng ta – quá khứ, hiện tại và tương lai – nhưng hơn cả, Ngài tiếp nhận chúng ta vào gia đình Ngài. Ngài khiến chúng ta trở thành những người đồng thừa kế mọi sự giàu có của thiên đàng với Đấng Christ. Ngài trở thành Cha chúng ta và chúng ta, bởi được nhận làm con, có thể gọi Ngài là ‘Cha’.

Đó chính là sự cứu chuộc vinh hiển mà chúng ta có trong Chúa Giê-su Christ. Điều này còn lớn hơn sự tha thứ rất nhiều.

 

 

9

BẠN ĐƯỢC PHỤC HÒA

Phục hòa tức là bỏ đi sự thù hằn, tranh cãi giữa hai người và hiệp họ lại trong hoà bình.

Kinh Thánh nói rằng con người làm nô lệ cho tội tỗi, và bởi tội tỗi đó mà họ trở thành kẻ thù của Chúa. Tội lỗi làm dấy lên sự thù nghịch giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và con người tội lỗi. Nó tạo ra bức tường ngăn cách tự chúng ta không thể tháo bỏ, dù có muốn.

Câu trả lời của Chúa cho vấn đề này là sự phục hoà – để hiệp hai người lại bằng cách bỏ đi thù hận từng tồn tại trước đó giữa họ. Bốn lần Tân Ước nói về công tác và mục vụ của Đức Thánh Linh khi nói về phục hoà (Rô-ma 5:10; 2 Cô-rinh-tô 5:18-21; Ê-phê-sô 2:16; Cô-lô-se 1:21-22).

Trong sự phục hòa, Chúa xử lý tội lỗi của chúng ta và mang chúng ta đến với chính Ngài trong sự bình an và cương vị là con cái được chuộc mua của Ngài. Tất cả điều này đã được Đức Chúa Trời làm thành trong Đấng Christ.

Ngài làm điều đó như thế nào? Hãy đọc lại 2 Cô-rinh-tô 5:18-21.

Chúa không còn đếm tội lỗi của chúng ta để chống lại chính chúng ta, hay tính tội lỗi vào tài khoản của chúng ta. Ngài huỷ mọi khoản nợ chúng ta mắc phải do phá hủy luật pháp Ngài (câu 19).

Tội lỗi của chúng ta được tính vào tài khoản của Đấng Christ (câu 21a). Chúa Giê-su chịu trách nhiệm cho khoản nợ đó.

Hình phạt cho tội lỗi của chúng ta đã đổ trên Chúa Giê-su. Ngài đã trả món nợ đó. Ngài bị đối xử như tội nhân, rồi Ngài chết (Ê-sai 53:5).

Sự công chính của Chúa Giê-su được tính vào tài khoản của chúng ta (câu 21b). Chúng ta được đối xử như con cái Đức Chúa Trời, đồng thừa kế với Đấng Christ (Rô-ma 8:17).

Bạn đã được phục hòa, giờ thì bạn được đến gần Ngài (Ê-phê-sô 2:16-18).

 

 

10

BẠN ĐƯỢC XƯNG CÔNG CHÍNH

Xưng công chính là từ chuyên ngành luật.

Xưng công chính trái nghĩa với lên án (Rô-ma 8:33-34).

Xưng công chính là hành động tể trị của Chúa khi Ngài tuyên bố tội nhân được công chính, và những đòi hỏi đúng đắn của luật pháp được thoả mãn.

Luật pháp Chúa lên án tội nhân.

Tình yêu và ân điển của Chúa xưng công chính cho tội nhân (Rô-ma 3:24).

Con người không thể tự có được sự công chính (Ga-la-ti 2:16).

Chúa xưng công chính dựa trên sự công chính của Chúa Giê-su và sự chết chuộc tội cho tội nhân của Ngài (Rô-ma 5:8-9).

Sự xưng công chính loại bỏ tội lỗi (Rô-ma 8:1).

Sự xưng công chính đặt sự công chính của Đấng Christ (Rô-ma 4:20-25) vào chỗ tội nhân (vốn phải được tính vào tội nhân).

Sự xưng công chính xảy ra một lần và cho tất cả mọi người. Sự xưng công chính không có nhiều mức độ. Hiện nay bạn được xưng công chính và tương lai vẫn vậy, và được xưng công chính như những Cơ-đốc nhân khác.

Xưng công chính trái nghĩa với lên án. Chúng ta bị Đức Chúa Trời kết án bởi tội mình (Giăng 3:18-20) và nếu chúng ta đến ngai phán xét của Ngài, Ngài sẽ thấy chúng ta có tội và tuyên án chúng ta ở đời đời nơi hoả ngục. Đây là một bản án chính xác và hợp pháp. Trong sự xưng công chính, thẩm phán Chúa tuyên bố chúng ta trắng án. Ngài không bảo chúng ta vô tội, vì chúng ta có tội; nhưng chúng ta vẫn được trắng án. Chúng ta không bị kết án nhưng được chấp thuận bởi Chúa thánh khiết. Nhớ rằng bạn từng có tội và đáng phải xuống hoả ngục, đây chính là minh chứng tốt nhất về tình yêu và ân điển của Chúa.

Sự xưng công chính không chỉ loại bỏ sự kết án, mà còn cho chúng ta sự công chính, và chính là sự công chính mà Chúa đang nhìn nhận chúng ta. Sự công chính đó, Rô-ma 3:21 chép, ‘ra ngoài luật pháp’; tức là không liên quan gì đến cách chúng ta giữ luật pháp Chúa. Đó là sự công chính đến từ Chúa – là thứ Chúa đã trao cho chúng ta. Thực ra là sự công chính của Đấng Christ. Chúa tính cho chúng ta sự công chính của Con Một vô tội của Ngài. Đây là một lẽ thật đáng kinh ngạc, và cũng chính là trọng tâm của phúc âm Cơ-đốc.

 

 

11

THÔNG QUA ĐỨC TIN

Sự xưng công chính đến với chúng ta thông qua đức tin (Rô-ma 5:1)

Chúng ta không được xưng công chính bởi đức tin, hay vì cớ đức tin của chúng ta.

Chúng ta được xưng công chính thông qua đức tin. Đức tin là kênh dẫn đưa sự công chính của Chúa đến với chúng ta (Ê-phê-sô 2:8).

Đức tin đến từ đâu?

  • đức tin là món quà của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8).
  • đức tin đến nhờ nghe phúc âm (Rô-ma 10:17).

Đức tin không mù quáng. Đức tin là niềm tin nơi Đấng Christ (Công vụ 20:21, Ê-phê-sô 1:15).

Đức tin là tin Ngài là ai, và những gì chỉ Ngài mới làm được (Ma-thi-ơ 8:5-10).

Đức tin bao gồm tin cậy và tin tưởng (Rô-ma 4:20-21).

Chúng ta tiếp nhận Đấng Christ trong đức tin (Giăng 1:12)

Đức tin không phải là một điều tốt đẹp chúng ta làm. Đức tin là món quà từ Chúa. Đức tin không phải kiểu lạc quan mù quáng, và càng không phải kiểu tự tin rỗng tuếch. Đức tin hướng tới những gì Chúa làm. Đức tin nhìn vào nơi thập tự giá với sự kinh ngạc và ngưỡng mộ và khó có thể tin nổi về những gì đã diễn ra tại đó. Đức tin hỏi:

Ngài chết cho con là kẻ đã làm tổn thương Ngài?

Cho con là kẻ bị sự chết bủa vây?

Tình yêu lạ lùng! Làm sao mà Ngài, Chúa của con, chết thay cho con?

Đức tin là như vậy khi đức tin dựa trên sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời. Lý do duy nhất để đức tin tồn tại là ân điển của Chúa. Điều duy nhất đáng để bạn đặt đức tin là ân điển của Chúa. Đức tin tin rằng điều Chúa Giê-su làm thay cho chúng ta trên thập tự giá là đủ để thoả mãn Đức Chúa Trời. Đức tin tin vào Đức Chúa Trời và kêu cầu Chúa Giê-su cứu rỗi linh hồn.

David Dickson, từng là Giảng viên ngành Thần học taị Edinburgh, có lần trả lời câu hỏi của người bạn đang hấp hối về cách ông tìm thấy chính mình: ‘Tôi từng làm cả điều tốt lẫn điều xấu, rồi gom chúng lại thành một đống và đưa đến Đấng Christ, và trong Ngài tôi kinh nghiệm sự bình an.’

 

 

12

BẠN ĐƯỢC HIỆP NHẤT VỚI ĐẤNG CHRIST

Một trong những đặc điểm của sự cứu rỗi là hiện nay chúng ta có sự hiệp nhất với Đấng Christ.

Trước khi được cứu, chúng ta ‘không có Đấng Christ’ (Ê-phê-sô 2:12).

Hiện nay chúng ta ở ‘trong Đức Chúa Giê-su Christ’ (Ê-phê-sô 1:1).

Sứ đồ Phao-lô vui mừng khi nói về ở ‘trong Đức Chúa Giê-su Christ’. Ông dùng câu này khoảng trên chín lần trong Ê-phê-sô 1:1-14.

Ở ‘trong Đức Chúa Giê-su Christ’ nghĩa là gì?

Tức là Đấng Christ là Đầu của chúng ta, Đấng Đại Diện cho chúng ta. ‘Trong A-đam’ chúng ta có tội và bị kết án: ‘trong Đức Chúa Giê-su Christ’ chúng ta được xưng công chính và được phóng thích (Rô-ma 5:12-21).

Tức là chúng ta có sự hiệp nhất sống động, thuộc thể với Đấng Christ (Giăng 15:4-5).

Trong Đấng Christ

  • chúng ta có tất cả những phước hạnh thuộc linh (Ê-phê-sô 1:3)
  • chúng ta được chọn (Ê-phê-sô 1:4)
  • chúng ta được yêu bởi Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:39)
  • chúng ta được đưa đến gần Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:13)
  • chúng ta được trọn vẹn (Cô-lô-se 2:10)
  • chúng ta được tạo dựng mới lại (Ê-phê-sô 2:10)
  • chúng ta hiệp một (Ga-la-ti 3:28)
  • ngay cả sự chết không thể chia tách sự hiệp một này (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-16).

Trở thành Cơ đốc nhân không chỉ là về niềm tin vào một bộ giáo lý. Tất nhiên niềm tin và đức tin đều rất quan trọng, nhưng mục đích cho công tác của sự cứu rỗi là hiệp một với Đấng Christ. Đó là phần chính của ý nghĩa khi trở thành Cơ-đốc nhân. Đó là sự hiệp một với Đấng Christ sống động chân thực chứ không phải lý thuyết suông. Đây là lý do tại sao, hơn 160 lần trong Tân Ước, Phao-lô sử dụng từ ‘trong Ngài’, ‘trong Đấng Christ’, ‘trong Đức Chúa Giê-su Christ’.

‘Trong A-đam’ tức là trong tình trạng tự nhiên, điều kiện hoặc hoàn cảnh chúng ta được sinh ra. Trong hoàn cảnh đó:

  • tội lỗi và sự chết ngự trị (Rô-ma 5:17)
  • chúng ta ở dưới sự kết án của Chúa (Rô-ma 5:18)
  • cuộc đời của chúng ta là cuộc đời bất tuân Chúa (Rô-ma 5:19).

Đức Chúa Trời coi A-đam là người đứng đầu hoặc người đại diện cho chúng ta, nên những gì xảy ra cho ông cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Khi chúng ta trở thành Cơ-đốc nhân, Chúa Giê-su trở thành đầu của chúng ta, và Chúa coi những gì thật có về Đấng Christ được tính vào cho chúng ta. Để thấy lẽ thật này, hãy đọc Rô-ma 5:15-19 chậm rãi và cẩn thận.

 

 

13

SỰ BẢO ĐẢM

Chúa muốn bạn bảo đảm về sự cứu rỗi mình có (Hê-bơ-rơ 10:22).

Sự bảo đảm đến từ Kinh Thánh (1 Giăng 5:13).

Sự bảo đảm đến từ Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:16).

Kinh Thánh nói với bạn rằng, nếu bạn là Cơđốc nhân, bạn sẽ

  • yêu sự công chính và ghét tội lỗi (Giăng 3:20-21)
  • yêu những Cơ-đốc nhân khác (1 Giăng 3:14)
  • yêu những điều thuộc về Chúa (1 Giăng 2:3-5)
  • yêu Đức Chúa Giê-su (1 Phi-e-rơ 2:7)
  • muốn thấy những người khác được cứu (Rô-ma 10:1).

Trở thành Cơ-đốc nhân không có nghĩa là bạn vô tội (1 Giăng 1:8-10). Bạn vẫn sẽ phạm tội, nhưng sự khác biệt bây giờ là bạn ghét tội lỗi và hàng ngày tìm kiếm sự tha tội của Chúa (Thi thiên 51).

Nếu những điều trên đúng với bạn, dù bạn có yếu đuối cỡ nào, thì đây chính là dấu hiệu của ân điển. Bạn được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:14).

Đức Thánh Linh làm chứng bên trong (Rô-ma 8:16)

Đức Thánh Linh thực hiện điều này bằng cách nói thẳng với chúng ta và cho chúng ta được kinh nghiệm tình yêu lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (Rô-ma 5:5).

Chính Đức Thánh Linh đã khiến chúng ta nhận ra các dấu hiệu của ân điển, và là Đấng đổ vào lòng chúng ta tình yêu của cha là Đức Chúa Trời.

Bạn có thể trở thành Cơ-đốc nhân mà không cần sự bảo đảm. Nhưng Chúa muốn chúng ta có sự bảo đảm, nên hãy cầu xin điều này. Hãy chỉ thoả mãn với sự bảo đảm trọn vẹn. Đừng để Sa-tan cướp đi khỏi bạn.

Nhiều tân tín hữu đánh mất sự bảo đảm vì lỡ mất thời gian vào những thất bại của họ. Chúng ta cần biết rõ điểm yếu của mình, nếu không chúng ta sẽ không thể xứ lý chúng; nhưng quá bận tâm về chúng cũng gây hại đến sự bảo đảm. Sự bảo đảm về sự cứu rỗi phụ thuộc vào sự xưng công chính, không phải sự thánh hoá. Tức là, phụ thuộc vào những gì Chúa Giê-su làm cho chúng ta, không phải những gì chúng ta làm cho Ngài. Chúng ta được cứu bởi ân điển, không bởi việc làm, và chính ân điển đã giữ cho chúng ta luôn là Cơ-đốc nhân. Nếu sự bảo đảm của bạn phụ thuộc sự cầu nguyện hoặc vâng lời bạn có tuỳ theo thời điểm, bạn sẽ giống như con lăn thuộc linh lúc lên lúc xuống. Nhưng nếu phụ thuộc vào ân điển của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, sự bảo đảm sẽ luôn vững chắc.

 

 

14

BẠN KHÔNG THỂ ĐÁNH MẤT SỰ CỨU RỖI

Hiện giờ bạn đang bắt đầu trân trọng điều kỳ diệu Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Điều này mà còn mãi thì tuyệt vời quá rồi chăng? Hãy cẩn trọng, đọc Giăng 10:28-29.

Bạn không thể đánh mất sự cứu rỗi vì

  • Đấng Christ đã ban cho bạn sự sống đời đời
  • Đấng Christ đã nói rằng bạn sẽ không bao giờ bị tiêu vong
  • bạn được bàn tay của Đức Chúa Trời Quyền Năng nắm giữ
  • bạn được Đức Chúa Cha mang đến với Chúa Giê-su.

Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã cứu bạn, chứ không phải chính bạn cứu bạn (Giăng 6:37, 44, 65).

Đức Chúa Trời bắt đầu công tác cứu rỗi; Ngài sẽ hoàn thành (Phi-líp 1:6)

Đọc Thi thiên 23, và chú ý rằng vì Chúa là Đấng Chăn Dắt bạn, kết quả chắc chắn là những điều khác sẽ đi theo. Tất cả đều dẫn tới mục tiêu cao nhất ‘Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.’

Ngợi khen Chúa vì lẽ thật trong Thi thiên 37:23-29.

Sự bảo đảm đời đời tức là chúng ta không bao giờ đánh mất sự cứu rỗi. Cơ-đốc nhân có thể đi chệch hướng rồi đánh mất niềm vui và lẽ thật của sự cứu rỗi, nhưng họ không bao giờ chệch ra khỏi ân điển, tức là không bao giờ mất đi sự cứu rỗi. Chúng ta được cứu và được gìn giữ bởi Đấng Christ và không có lẽ thật nào có thể làm bạn vững tin hơn.

Tất cả chúng ta đều biết điểm yếu của mình và xu hướng về tội lỗi nhiều thế nào. Bởi điều này, chúng ta nhiều lúc có thể bị cám dỗ mà băn khoăn liệu chúng ta có phải là Cơ-đốc nhân không. Hầu hết chúng ta đều có nan đề trong khía cạnh này, lúc mới cải đạo cũng như hai mươi năm sau đó. Nếu chúng ta để sự cứu rỗi bảo đảm phụ thuộc vào hành động của chúng ta thì chúng ta sẽ không bao giờ có sự an ninh. Chúng ta có hi vọng nơi những gì Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta, chứ không phải bởi những gì chúng ta làm cho Ngài. Điều này không có nghĩa là chúng ta được coi nhẹ tội lỗi cá nhân.

 

 

15

CÔNG TÁC CỦA ĐỨC THÁNH LINH

Trong những năm gần đây, chủ đề gây tranh cãi nhất trong vòng Cơ-đốc nhân là thân vị và công tác của Đức Thánh Linh. Tân Ước nhắc đến mười bảy ân tứ của Đức Thánh Linh, nhưng chúng ta dễ thường chỉ nhấn mạnh một hoặc hai ân tứ trong đó và trở nên tội lỗi như điều Tiến sĩ A. W. Tozer gọi là ‘thói phô trương không biết xấu hổ, khuynh hướng phụ thuộc vào kinh nghiệm thay vì phụ thuộc vào Đấng Christ, và thường thiếu đi khả năng phân biệt việc làm của xác thịt với sự dẫn dắn của Đức Thánh Linh.’

Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời

  • Ê-sai 6:5 miêu tả ‘Vua, Đức Giê-hô-va vạn quân.
  • Giăng 12:41 cho chúng ta biết vị Vua mà Ê-sai nói đến là Chúa Giê-su
  • Trong Công vụ 28:25-27, Phao-lô trích lời Chúa trong Ê-sai 6, nói rằng Đức Thánh Linh đang phán.

Vậy nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời.

Mục vụ của Ngài

  • ban đời sống mới cho tội nhân (Giăng 3:5-8)
  • cáo trách tội lỗi (Giăng 16:8)
  • đưa tội nhân đến với Chúa Giê-su (Giăng 6:44).

Bông trái của Ngài

  • Ngài sanh bông trái trong cuộc đời tín hữu (Ga-la-ti 5:22-23). Có những phẩm chất đặc biệt là kết quả của cuộc đời thuận phục trong sự vâng lời trìu mến với chỉ dẫn của Đức Thánh Linh được chép trong Kinh Thánh.

Ân tứ của Ngài

Phao-lô nhắc đến mười bảy ân tứ (1 Cô-rinh-tô 12:4-11, 27-31; Rô-ma 12:3-8; Ê-phê-sô 4:7-11).

Không phải tất cả Cơ-đốc nhân đều có tất cả các ân tứ Thánh Linh. Chúa ban ân tứ cho người Ngài muốn. Nhưng Chúa vẫn muốn thấy bông trái Thánh Linh trong tất cả dân sự Ngài.

 

 

16

THUỘC VỀ MỘT HỘI THÁNH

Từ ‘Hội Thánh’ được sử dụng trong Kinh Thánh theo hai cách:

  • toàn hội chúng, ở mọi lúc, mọi nơi (Cô-lô-se 1:18)
  • Hội thánh địa phương, ở một nơi cụ thể (1 Cô-rinh-tô 1:2).

Khi bạn cải đạo, bạn trở thành thành viên của một Hội thánh thật, tức thân thể Đấng Christ. Nhưng bạn cũng cần kết nối với một Hội thánh địa phương. Tại sao?

  • vì bạn cần sự dạy dỗ và mục vụ (Công vụ 2:42)
  • vì bạn cần mối thông công (Công vụ 2:42-26).

Bạn có thể tìm thấy sự giúp đỡ và khích lệ từ các nhóm Cơ-đốc ngoài Hội thánh, ví dụ: các tổ chức Cơ đốc tại trường học, đại học hoặc chỗ làm. Các tổ chức này cũng tốt, nhưng không thể thay thế Hội thánh. Hội thánh không được thiết lập bởi con người, mà do Chúa ban cho dân sự Ngài (Ê-phê-sô 5:25; 4:11-12).

Một Cơđốc nhân nên thuộc về một Hội thánh địa phương – thờ phượng, làm việc, và thông công ở đó. Điều này không có nghĩa là người đó không đến các Hội thánh khác, mà là ‘thuộc’ về một Hội thánh. Nếu không như vậy, họ không thể hoàn thành các câu Kinh Thánh sau: Hê-bơ-rơ 13:17; Công vụ 14:23; Hê-bơ-rơ 10:24-25.

Đừng trở nên giống như điều mà Mục Sư Spurgeon gọi là ‘chim di cư không có tổ’. Chớ lượn lờ hết Hội thánh này tới Hội thánh khác. Hãy thuộc về một nơi!

Hội thánh nào?

Không may thay, ngày nay, tất cả các Hội thánh đều không giống nhau. Bạn cần một Hội thánh sẽ giúp bạn tăng trưởng thành một Cơ-đốc nhân. Bạn cần một Hội thánh luôn tìm kiếm sự sắp đặt trong cuộc sống và mục vụ Hội thánh đó theo Kinh Thánh. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy cờ bạc, buôn bán hay nhảy nhót trong các Hội thánh trong Tân Ước. Nhưng bạn tìm thấy:

  • dạy Kinh Thánh (Công vụ 2:42)
  • các buổi cầu nguyện (Công vụ 4:23-31)
  • truyền giáo (Công vụ 11:20-21).

Tìm một Hội thánh tốt. Thờ phượng ở đó. Trở thành thành viên ở đó. Cầu nguyện cho mục vụ ở đấy. Kết bạn ở đấy. Đưa bạn bè đến đó.

 

 

17

THỜ PHƯỢNG

Có lẽ đặc quyền lớn nhất mà sự cứu rỗi trao tặng cho chúng ta tại phía bên này của thiên đàng là được thờ phượng Chúa. Khi chúng ta lên thiên đàng, thờ phượng Ngài sẽ là niềm vui tột độ của các thánh đồ trong cõi đời đời. Đọc Khải huyền, chương 5 và 7.

Nếu thờ phượng là một đặc quyền lớn, chứng tỏ một trong những điều đầu tiên bạn cần phải làm sau khi cải đạo là học cách thờ phượng Chúa.

Tất cả Cơ-đốc nhân đi đến nhà thờ vào mọi Chủ nhật, thường xuyên nhất có thể.

Chúng ta đến nhà thờ để thờ phượng Chúa

  • vì mạng lệnh của Chúa (Hê-bơ-rơ 10:25)
  • vì tấm gương của Đấng Christ (Lu-ca 4:16)
  • vì chúng ta muốn đi (Thi thiên 122:1).

Thờ phượng là sự cuối cùng của con người

Con người được tạo dựng để thờ phượng Chúa. Tội lỗi ngăn cản điều này. Nhưng tội của bạn đã được xử lý. Hiện giờ bạn có thể hưởng đặc quyền lớn nhất của con người. Bạn có thể thờ phượng Chúa. Không gì có thể thay thế được thờ phượng. Đấy là niềm vui lớn nhất trên thiên đàng và trên đất.

Chúng ta thờ phượng Chúa

  • bởi chính Ngài (Thi thiên 99:5; 96:8-9)
  • bởi những gì Ngài đã làm cho chúng ta (Khải huyền 5:11-14).

Thờ phượng, tất nhiên, không phải là giới hạn trong một toà nhà, hay chỉ một Chủ nhật. Thờ phượng là đặc quyền kéo dài của dân sự Chúa.

Thờ phượng còn hơn cả cảm nhận xúc động vui sướng, thờ phượng phải kèm theo tâm trí. Hiểu biết của chúng ta về Chúa là điều phải có khi thờ phượng thật. Nhưng nếu tâm trí đầy dẫy những giáo lý đúng đắn còn tấm lòng vô cảm với sự hiện diện của Chúa, thì đấy không phải là thờ phượng thật. Tâm trí và tấm lòng hoà quyện với nhau trong thờ phượng để ngợi khen và vui thoả Chúa.

 

 

18

NGHE LỜI CHÚA GIẢNG

Giảng và bày tỏ Kinh Thánh là điều Chúa đặt để tức là

  • để rao truyền phúc âm (1 Cô-rinh-tô 1:21)
  • để hướng dẫn dân sự (Công vụ 2:42; 2 Ti-mô-thê 4:2).

Nghe lời Chúa giảng vẫn không đủ (Hê-bơ-rơ 4:2). Để nhận được lợi ích từ lời Chúa giảng,

  • bạn phải lắng nghe (Mác 4:9)
  • bạn phải vâng lời (Lu-ca 8:21; Thi thiên 119:9).

Bạn có thể tiếp thu bài giảng tốt nhất bằng cách nào?

  • Theo dõi bài giảng với quyển Kinh Thánh mở sẵn (Công vụ 8:27-35).
  • Lắng nghe người giải nghĩa Kinh Thánh (Nê-hê-mi 8:8).
  • Có sự tôn kính phải lẽ với Lời Chúa (Nê-hê-mi 8:5).
  • Lắng nghe chăm chú (Nê-hê-mi 8:3).
  • Để lời Chúa hành động trên bạn (Nê-hê-mi 8:9).
  • Đừng để người xung quanh tác động (Nê-hê-mi 8:3).
  • Nếu không hiểu, hãy hỏi lại sau đấy (Công vụ 8:34).

Cầu nguyện cho người giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19).

Cầu nguyện để họ có năng quyền và thẩm quyền của Đức Thánh Linh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5; 1 Cô-rinh-tô 2:4).

Cầu nguyện để Lời Chúa được thành công (Công vụ 4:29-30).

Lời giảng cần dạy dỗ con người về Chúa và sự đời đời. Để làm điều này, lời giảng phải theo Kinh Thánh. Lời giảng phải cho mọi người biết Chúa phán điều gì trong Lời của Ngài. Từ góc nhìn của người giảng, điều này mang lại hai điều. Một là giúp người đó có thẩm quyền trổi hơn khả năng cá nhân và ân tứ diễn thuyết. Dân sự cần biết Chúa phán gì qua người hầu việc Chúa. Thứ hai là nguồn tài nguyên vô tận để giảng. Người giảng không phải phụ thuộc vào các sự kiện hiện thời cho các chủ đề bài giảng mà có nguồn giảng dạy theo Kinh Thánh để đưa vào.

 

 

19

TIỆC THÁNH

Có hai ‘lễ thánh’. Nghi lễ thánh có nghĩa là dấu hiệu thánh. Đây là những lễ nghi biểu tượng làm gia tăng ý nghĩa thuộc linh của sự cứu rỗi. ‘Lời Chúa’ được giảng tới tai nghe, còn ‘lễ thánh’ giảng cho mắt thấy. Hai ‘lễ thánh’ là (a) Tiệc Thánh, và (b) Phép báp têm.

Tiệc Thánh được gọi bằng ba cái tên trong Tân Ước:

  • lễ bẻ bánh (Công vụ 2:42)
  • chén phước lành (1 Cô-rinh-tô 10:16)
  • Tiệc Thánh (1 Cô-rinh-tô 11:20).

Chúa Giê-su đã thực hành Tiệc Thánh (Ma-thi-ơ 26:26-28).

Phao-lô dạy về Tiệc Thánh (1 Cô-rinh-tô 11:23-25).

Bánh và rượu tượng trưng cho thân thể bị đánh đập và huyết chảy ra của Chúa Giê-su. Chúng không biến thành thân thể hay rượu; mà tượng trưng cho thân thể và rượu. Tiệc Thánh không phải là một của lễ: Tiệc Thánh nhắc nhở chúng ta về những gì Chúa Giê-su đã làm (1 Cô-rinh-tô 11:24-25).

  • Tiệc Thánh tuyên bố sự chết của Ngài (1 Cô-rinh-tô 11:26).
  • Tiệc Thánh chỉ về một giao ước mới (Ma-thi-ơ 26:28)
  • Tiệc Thánh tuyên bố sự hiệp một của tất cả Cơ đốc nhân (1 Cô-rinh-tô 10:16-17)
  • Tiệc Thánh cần được giữ thường xuyên (Công vụ 2:46).
  • Tiệc Thánh sẽ được giữ đến ngày Đấng Christ tái lâm (1 Cô-rinh-tô 11:26).

Tiệc Thánh cho chúng ta cơ hội được phục hồi sự thông công với Đấng Christ để làm mới lại sự mật thiết ấm áp với Ngài, và đây chính là đặc điểm của tín hữu có kinh nghiệm mỗi ngày. Tiệc Thánh không phải là những nghi lễ tôn giáo phải làm theo thói quen. Thường thì Tiệc Thánh được diễn ra ngắn gọn cuối buổi nhóm và không đủ sự tôn trọng.

Tiệc Thánh nên là khoảng thời gian chúng ta ở lại với Chúa trong niềm vui về sự ban cho vinh hiển của Ngài với nhu cầu thuộc linh của chúng ta.

 

 

20

PHÉP BÁP TÊM

Chúa Giê-su chưa từng làm phép báp-têm cho bất kỳ ai. Nhưng chính Ngài lại nhận phép báp-têm (Ma-thi-ơ 3:13-17) và Ngài sai môn đồ đi làm phép báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:16).

Phép báp-têm biểu trưng cho

  • sự hiệp một với Đấng Christ trong sự chết, chôn cất và sống lại (Rô-ma 6:4-6).
  • sự thanh tẩy tội lỗi của chúng ta (Công vụ 22:16).

Quan điểm khác nhau của Cơ đốc nhân với câu hỏi về phép báp-têm:

  • Một vài Cơ đốc nhân tin rằng trẻ sơ sinh, con của tín hữu là đủ điều kiện để nhận phép báp-têm. Họ cho rằng giao ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham là giao ước thuộc linh, và phép cắt bì chính là dấu hiệu bảo chứng cho điều này. Trẻ sơ sinh cũng được hưởng chung quyền lợi từ giao ước này nên cũng nhận được dấu hiệu bảo chứng đó.

Do đó, họ tin, con cái của tín hữu cũng nên được làm phép báp-têm. Hãy đọc Cô-lô-se 2:11-12. Phép báp-têm này thường được thực hiện bằng cách vẩy nước lên em bé.

  • Những Cơ đốc nhân khác tin rằng phép báp-têm phải đi kèm với sự cải đạo, vì trong Tân Ước, sự cải đạo luôn kèm theo (Công vụ 8:36-38; 9:17-18; 16:31-33) và chỉ được thực hiện với người đã ăn năn tội và tin cậy và đặt niềm tin nơi Đấng Christ (Công vụ 2:37-41).

Phép báp-têm này do đó được biết tới là ‘phép báp-têm của tín hữu’. Phép này được thực hiện bằng cách trầm mình xuống nước, với niềm tin là hành động này sẽ thực hiện biểu tượng của phép báp-têm, và từ ‘báp-têm’ có nghĩa là ‘nhúng’ hoặc ‘trầm’.

Phép báp-têm không phải yếu tố cần thiết để được cứu rỗi. Nhưng vì Chúa Giê-su ra mạng lệnh này nên chúng ta cần phải tuân theo.

Chúng ta không cần tranh cãi về sự khác biệt. Có nhiều quyển sách bạn có thể đọc về chủ đề này, nhưng, hơn hết bạn cần tham khảo ý kiến của mục sư, trưởng lão/chấp sự tại Hội thánh bạn nhóm.

 

 

21

SỐNG CUỘC ĐỜI CƠ ĐỐC NHÂN

Đức tin mới phải được bày tỏ trong cuộc đời bạn.

Việc lành không cứu bạn (Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng cũng rất quan trọng.

Việc lành là bông trái của sự cứu rỗi (Gia-cơ 2:17; Ê-phê-sô 2:10).

Bạn không thể trở nên vô tội và hoàn hảo ở phía bên này của thiên đàng, nhưng bạn đã được Chúa Giê-su ngự bên trong (Cô-lô-se 1:27; Rô-ma 8:10; Giăng 15:4).

Đấng Christ phải được thấy bên trong bạn. Điều này có thể xảy ra như thế nào? Đọc Rô-ma 12:1-2.

Niềm mong ước chính của bạn bây giờ là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 10:31).

Tiêu chuẩn ứng xử của bạn bây giờ là quyển Kinh Thánh (Thi Thiên 119:9, 105).

Tiêu chuẩn của thế gian khác với của Chúa nên nhiều người sẽ không hiểu cuộc đời mới của bạn (1 Phi-e-rơ 4:3-4).

Ví dụ, xem thái độ của Cơ đốc nhân với

  • chỗ làm và đồng nghiệp (Ê-phê-sô 6:5-7)
  • giới cầm quyền (Rô-ma 13:1-7)
  • tình dục (Ma-thi-ơ 5:27-28).

Chúa đẹp lòng và được vinh hiển khi Cơ đốc nhân

  • nghĩ cho những người kém may mắn hơn mình (Gia-cơ 1:27)
  • sử dụng khả năng của mình để giúp người khác (Công vụ 9:36, 39).

Đọc thêm Ma-thi-ơ, chương 5-8, và Ê-phê-sô, chương 4-6.

Một cuộc đời như vậy cần hai điều:

  • quyền năng của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:9-14)
  • sự trung tín của chính bạn (Ma-thi-ơ 25:21).

Bạn không thể trung tín chung chung, hay hai lòng. Bạn phải quyết tâm. Bạn phải có mục tiêu rõ ràng trong lòng (Đa-ni-ên 1:8).

Có vậy thì Đức Chúa Trời mới được vinh hiển trong cuộc đời bạn (Ma-thi-ơ 5:16).

Chúa không muốn dân sự Ngài bị trì trệ. Ngài muốn chúng ta tăng trưởng thuộc linh và bước đi với Ngài bằng kinh nghiệm hàng ngày sống động về tình yêu của Ngài. Bước đi với Đấng Christ là nhận ra những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta và sống trong sự sáng và kinh nghiệm những điều này. Đó là sống theo cách để Chúa được vinh hiển trong mọi điều chúng ta làm.

 

 

22

HỌC KINH THÁNH

Kinh Thánh là một quyển sách độc nhất:

Không phải lời của con người (1 Phi-e-rơ 1:20-21).

Được cảm hứng bởi Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16-17).

Tất cả Cơ-đốc nhân đều cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa mỗi ngày (Ma-thi-ơ 4:4). Đặc biệt là tân tín hữu (1 Phi-e-rơ 2:2).

Có nhiều bản kế hoạch đọc Kinh Thánh có sẵn ngày nay, và chắc chắn sẽ giúp bạn là tân tín hữu. Cũng có quá nhiều sách giải kinh xuất sắc về các sách trong Kinh Thánh. Nhưng hãy tìm lời khuyên từ những Cơ- đốc nhân nhiều kinh nghiệm hơn trước khi bạn mua.

Đừng nhầm lẫn giữa đọc Kinh Thánh và học Kinh Thánh. Thực ra đọc khoảng chục câu Kinh Thánh mỗi ngày là không đủ. Bạn cần dành thời gian và suy ngẫm Lời Chúa (2 Ti-mô-thê 2:15; Thi Thiên 119:15).

Cố gắng nhớ các phân đoạn Kinh Thánh (Thi Thiên 119:11).

Học Kinh Thánh nên luôn mở đầu bằng lời cầu nguyện xin cho sự mặc khải của Đức Thánh Linh, vì nếu không có Ngài giúp, chúng ta không thể hiểu đúng lẽ thật Chúa muốn chúng ta tin.

Kinh Thánh nên luôn được hiểu theo ý nghĩa của tác giả viết sách, vậy để giải nghĩa đúng Kinh Thánh, chúng ta phải chú ý tới nghĩa đen và cấu trúc ngữ pháp. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đưa ra bằng chứng về điều chúng ta tin trong tuyên bố của Kinh Thánh để khích lệ qua lời nói mà mang đến ích lợi.

Chúng ta không bao giờ được giải nghĩa một từ, câu, đoạn, hay phân đoạn tách ra khỏi bối cảnh.

Nguyên tắc không đổi khi giải nghĩa Kinh Thánh là dùng chính Kinh Thánh. Mỗi phân đoạn Kinh Thánh phải được giải nghĩa trong sự sáng của cả Kinh Thánh, và những phân đoạn khó trong sự sáng của những phân đoạn rõ ràng hơn. Chúng ta nên luôn nhớ rằng nguyên tắc không đổi nhưng sự giải nghĩa của chúng ta thì ngược lại.

Chúa không cho chúng ta sự sáng tỏ mọi điều ngay một lúc. Những khó khăn chưa được giải đáp không được phép ngăn trở sự học hỏi Kinh Thánh. Ghi lại những nan đề xuất hiện trong lúc học, tham khảo sách giải kinh, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những Cơ-đốc nhân và giáo sĩ trưởng thành hơn về những vấn đề này.

Học Kinh Thánh không thể tách rời khỏi đạo đức. Chúa sẽ chỉ gia thêm cho chúng ta sự sáng nếu chúng ta bước đi trong sự sáng được ban cho.

 

 

23

LỜI CẦU NGUYỆN

Thờ phượng còn hơn cả một hoạt động hàng tuần ở Hội thánh (Đa-ni-ên 6:10).

Lời cầu nguyện riêng tư mỗi ngày là đặc quyền của bạn (Lu-ca 18:1; 11:1-13).

Hãy xem tấm gương của Chúa Giê-su (Lu-ca 6:12; Ma-thi-ơ 14:23, Mác 1:35).

 

Lời cầu nguyện cần

  • thường xuyên (Cô-lô-se 4:2)
  • nhiệt tình (Gia-cơ 5:16-17)
  • cho chính mình (Ma-thi-ơ 6:9-13)
  • cho người khác (Cô-lô-se 1:9)
  • tin cậy (Mác 11:24)
  • kiên trì (Lu-ca 11:5-8)
  • với sự khiêm nhường và ăn năn (Lu-ca 18:13-14).

Có một khoảng thời gian đặc biệt mỗi ngày để gặp Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ đốc nhân thích buổi sáng hơn trong khi có những người thích buổi tối. Hãy tìm kiếm khoảng thời gian thuận tiện cho chính bạn.

Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 6:6 cho chúng ta thấy giá trị của lời cầu nguyện riêng tư. Nhưng chúng ta cũng được khích lệ nhóm lại cầu nguyện (Ma-thi-ơ 18:19-20).

Cơ-đốc nhân trong Công vụ thường nhóm nhau lại cầu nguyện (Công vụ 1:14; 2:42; 4:24-31; 12:5).

Gặp phải khó khăn trong khi cầu nguyện là điều thường thấy với tất cả Cơ-đốc nhân. Bạn khó tập trung; bạn thấy tâm trí bạn trên mây; bạn còn có những suy nghĩ xấu xa. Bạn từng đọc về Cơ-đốc nhân dành bốn đến năm tiếng cầu nguyện, và ma quỷ bảo bạn so sánh với bốn hay năm phút cầu nguyện của bạn, rồi khiến bạn nản lòng không cầu nguyện. Nhưng bạn không nên làm vậy. Đừng để ma quỷ lừa dối bạn. Hiện nay bạn là Cơ-đốc nhân non trẻ, nhưng trong hai mươi năm nữa nan đề này vẫn xảy ra. Không phải là vấn đề tuổi tác hay là kinh nghiệm. Đây là một phần của cuộc chiến liên tiếp với xác thịt và ma quỷ.

Nên quan điểm của chúng ta về cầu nguyện thường trái với Kinh Thánh. Chúng ta tưởng cầu nguyện là việc khó, vô ích và sai. Nhưng từ ngữ được Phao-lô sử dụng để miêu tả cầu nguyện là ‘chiến đấu’ (Cô-lô-se 4:12) và ‘phấn đấu’ (Rô-ma 15:30 BD 2011). Ông nhận ra có một trận chiến lớn đang diễn ra. Và khi Cơ đốc nhân cầu nguyện là khi họ ở ngay đầu chiến tuyến.

 

 

24

LÀM CHỨNG

Sau khi nhận được sự cứu rỗi lớn lao, Cơ-đốc nhân có một sự thôi thúc lớn đi nói với người khác về phúc âm.

Chúng ta kể cho mọi người nghe về tình yêu của Chúa bởi vì

  • Chúa Giê-su ra lệnh cho chúng ta (Công vụ 1:8; Mác 5:19)
  • chúng ta không thể ngừng nói về điều này (2 Cô-rinh-tô 5:14; Giăng 15:27)
  • chúng ta lo lắng cho những linh hồn hư mất (2 Cô-rinh-tô 5:11).

Đức Thánh Linh làm chứng và nhắc nhở con người. Đây là công tác của Ngài (Giăng 16:8-11; 1 Giăng 5:6, 9). Nhưng Ngài dùng chúng ta, và ban cho chúng ta cơ hội để nói cho mọi người về tình yêu của Chúa.

Chúng ta làm chứng theo nhiều cách như

  • nói về kinh nghiệm của chúng ta với Đấng Christ (Giăng 4:29-30)
  • giải thích câu Kinh Thánh (Công vụ 8:26-35)
  • mời mọi người đến nghe giảng phúc âm (Công vụ 10:24; Lu-ca 5:29)
  • chất lượng cuộc sống bạn (Ma-thi-ơ 5:16).

Lời chứng của môi miệng chúng ta phải được bổ trợ bởi lời chứng về lối sống của chúng ta. Mọi người thường bỏ qua lời chứng của chúng ta nếu họ không thấy phúc âm có ảnh hưởng lên đời sống chúng ta. Điều này thực sự đúng với những người họ hàng và đồng nghiệp.

Làm chứng bắt đầu bằng sự để tâm

Làm chứng đầu tiên bắt đầu bằng sự để tâm đến vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúa không được làm vinh hiển hay tôn kính trong thế giới này bởi phần lớn con người không biết và không yêu mến Ngài. Lẽ thật của bạn bị sa vào vũng bùn còn danh Ngài bị làm chơi. Cách duy nhất để thay đổi điều này là khiến người ta trở nên Cơ-đốc nhân. Hãy nhìn xem thái độ của bạn với Chúa bây giờ đã khác rồi, so sánh với trước khi bạn cải đạo. Nếu bạn đủ quan tâm tới vinh hiển của Chúa, bạn sẽ nói với mọi người về tin lành của phúc âm.

Làm chứng sau đó bắt đầu với sự để tâm đến người khác – quan tâm tới những người chưa tin đang ở trong gông cùm và sự mù quáng thuộc linh. Không có Đấng Christ, con người sẽ đi xuống hoả ngục. Bạn có để tâm không? Vậy thì hãy làm chứng cho họ về con đường duy nhất của sự cứu rỗi.

Làm chứng xuất phát từ sự thờ phượng

Quá nhiều Cơ-đốc nhân lâu năm nói với người mới cải đạo là điều đầu tiên họ cần làm là học cách làm chứng. Sai rồi. Nhu cầu chính của người mới cải đạo là học thờ phượng. Họ sẽ gặp khó khăn khi làm chứng trừ khi trái tim của người tín hữu được ngập tràn trong Chúa.

 

 

25

VÂNG PHỤC CHÚA

Chính Chúa Giê-su, bằng tấm gương và sự dạy dỗ của Ngài, coi sự vâng phục là điều tiên quyết chúng ta không được phép bỏ qua.

Với Đấng Christ

  • vâng phục là niềm vui (Giăng 4:34)
  • vâng phục là điều tiên quyết (Phi-líp 2:8).

Vâng phục là điều cần có

  • để được phước (Xuất Ai Cập ký 19:5)
  • để thuộc về Đấng Christ (Mác 3:35)
  • để ở trong Đấng Christ (Giăng 15:10)
  • để làm bằng chứng về sự cứu rỗi (1 Giăng 2:3-5)

Đừng chờ đến khi bạn được ‘nhắc nhở’ về những điều này: nếu Chúa phán điều gì, hãy làm điều đó.

Phi-e-rơ mở đầu thư tín đầu tiên bằng cách nói chúng ta ‘chọn… để vâng phục’ (1 Phi-e-rơ 1:2). Trong câu 14, ông lại nhắc lại. Rồi lại đến câu 22. Vâng phục là điểm bắt đầu của cuộc đời được thánh hoá.

Không gì có thể thay thế cho sự vâng phục (1 Sa-mu-ên 15:22)

Vâng phục không phải là một thuật ngữ máy móc, lạnh lùng. Vâng phục nên xuất phát từ tình yêu cho Chúa và sự thông công với Ngài. Thông công và vâng phục là một cặp đôi. Chúng ta hiếm khi được bảo trong Kinh Thánh là phải vâng theo mạng lệnh của Chúa; mà chúng ta được bảo ‘vâng lời ta’, ‘nghe tiếng ta’ (Xuất Ai-Cập Ký 19:5; Giô-suê 24:24; Giê-rê-mi 7:23; Hê-bơ-rơ 5:9).

Bài kiểm tra xem bạn có vâng phục Chúa về

  • những Cơ đốc nhân khác (Ga-la-ti 6:1)?
  • thờ phượng và nhóm lại thường xuyên (Hê-bơ-rơ 10:25)?
  • học Kinh Thánh (2 Ti-mô-thê 2:15)?
  • phép báp-têm (Công vụ 2:38)?
  • các Mục sư của bạn (Hê-bơ-rơ 13:17)?

Làm sao mà một Cơ-đốc nhân có thể kiên định coi Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời cảm ứng, luôn đúng, mà vẫn bất tuân mạng lệnh Ngài? Bởi người đó đã mất đi sự hiện diện thật của Lời Chúa. Tin đúng chưa đủ để bảo đảm sự vâng phục, mà là mối quan hệ đúng với ý muốn Chúa. Bạn cũng biết là mạng lệnh của Chúa không phải là gánh nặng (1 Giăng 5:3).

 

 

26

CÁM DỖ VÀ THỬ THÁCH

Hiện giờ bạn đã là Cơ-đốc nhân, nhưng tội lỗi còn chống phá bạn nhiều hơn cả trước khi bạn cải đạo. Bạn để ý đến tội lỗi còn nhiều hơn trước đây (Rô-ma 7:21-25).

Cám dỗ không phải là tội. Với tất cả Cơ-đốc nhân, đây là một nan đề thật sự. Đấng Christ từng bị cám dỗ (Lu-ca 4:1-13).

Ghi nhớ 1 Cô-rinh-tô 10:13

Cám dỗ đến với tất cả Cơ đốc nhân: đây là điều ‘phổ biến với con người’.

Cám dỗ không phải sự ép buộc: Chúa sẽ không để nó ‘cám dỗ quá sức mình’.

Bạn có thể trả lời có hoặc không: Chúa sẽ mở đường ‘cho ra khỏi’.

Có sự khác biệt giữa cám dỗ và thử thách.

Ma quỷ cám dỗ bạn phạm tội – để bất tuân Chúa (2 Cô-rinh-tô 11:3). Nhưng ma quỷ không thể khiến bạn phạm tội. Nó có thể nếu bạn làm nô lệ cho nó (Rô-ma 6:16); nhưng hiện giờ Đấng Christ là Chúa của bạn (Rô-ma 6:17-18) và ma quỷ không có quyền trên bạn (Rô-ma 6:6, 11-14).

Chúa mang thử thách đến để thử dân sự Ngài (Sáng thế ký 22:1; 1 Phi-e-rơ 1:6-7).

Khi bị cám dỗ hay thử thách:

  • tin rằng Đức Chúa Trời thành tín và Ngài có phương cách cho chúng ta thoát ra (1 Cô-rinh-tô 10:13)
  • chống lại (Gia-cơ 4:7)
  • chịu đựng và chiến thắng (Gia-cơ 1:12)
  • biến cám dỗ thành phước hạnh (Gia-cơ 1:2-4)
  • học Lu-ca 4 cách Chúa Giê-su đối phó với sự cám dỗ – Ngài đáp trả bằng Kinh Thánh (Lu-ca 4:4, 8, 12).

Hãy tưởng tượng một Cơ-đốc nhân năm mươi tuổi, thừa cân phải chiến đấu với nhà vô địch đấm bốc hạng nặng. Không ai kể cả người đó nghĩ rằng ông ta có cơ hội chiến thắng. Ngày chiến đấu đã đến và nhà vô địch đó tới, sẵn sàng với tâm thế chiến thắng. Rồi người Cơ-đốc nhân bé nhỏ của chúng ta bước vào. Nhưng ông không đi một mình; ông ở trong một chiếc xe tăng Sherman – vẫn là cái người năm mươi tuổi, thừa cân đó, nhưng được bao quanh bởi một cỗ xe chiến đấu hạng nặng. Hoàn toàn lật ngược tình thế. Người Cơ-đốc nhân đó bây giờ bất khả chiến bại – không phải bởi vì sức riêng mà là vì nguồn lực bao quanh ông ta.

Khi bạn chiến đấu với tội lỗi, bạn không đứng một mình; bạn ‘ở trong Đấng Christ’. Sức mạnh thánh ở quanh bạn và bạn là nhà vô địch trong Đấng Christ.

 

 

27

MA QUỶ

Ma quỷ có thật hay chỉ là tưởng tượng?

Người ta thường không tin vào ma quỷ. Nó thường được vẽ như một nhân vật truyện tranh bí ẩn trong bộ đồ bó màu đỏ có sừng và đuôi. Kinh Thánh thì biết rõ hơn. Ma quỷ có thật – thật như Đức Chúa Trời.

Ma quỷ từng là thiên sứ nhưng đã nổi loạn chống nghịch Chúa (Ê-sai 14:12-20).

Hắn tiếp tục chống lại Chúa và dân sự Ngài (Lu-ca 22:31-32; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:18; Ma-thi-ơ 4:1).

Kẻ chống đối này đôi khi rất hung dữ và nguy hiểm. Hắn đến chỗ chúng ta như ‘sư tử rống’ (1 Phi-e-rơ 5:8).

Có lúc hắn ranh ma hơn, và đến như một ‘thiên sứ sáng láng’ (2 Cô-rinh-tô 11:14).

Thủ đoạn thứ hai này nguy hiểm hơn. Phao-lô cảnh báo chúng ta về ‘mưu kế’ của kẻ thù (Ê-phê-sô 6:11).

Kinh Thánh tiếp tục cảnh báo chúng ta về sự xảo quyệt của ma quỷ.

Để ý những từ sau: ‘quỷ quyệt hơn’ (Sáng thế ký 3:1); ‘mưu chước’ (2 Cô-rinh-tô 2:11); ‘kẻ nói dối’ (Giăng 8:44); hắn ‘cám dỗ’ Ê-va (2 Cô-rinh-tô 11:3); ‘bẫy ma quỷ’ (1 Ti-mô-thê 3:7), hắn ‘dỗ dành cả thiên hạ’ (Khải huyền 12:9).

Khoảnh khắc bạn trở thành Cơ-đốc nhân, tất cả những mưu chước này được dùng để chống lại bạn. Đừng bao giờ coi nhẹ khả năng của ma quỷ, nhưng cũng đừng thổi phồng nó. Nó mạnh, nhưng không toàn năng. Chúa Toàn Năng, Cha và Chúa Cứu Thế của chúng ta, đã cho chúng ta công cụ để đánh bại ma quỷ (Ê-phê-sô 6:10-20).

Trước khi cải đạo bạn từng làm nô lệ cho ma quỷ (Giăng 8:44; Ê-phê-sô 2:2-3; 1 Giăng 5:19).

Ma quỷ là hoàng tử của thế gian (Giăng 12:31).

Trên thập tự giá, Chúa Giê-su đã đánh bại ma quỷ (Cô-lô-se 2:14-15).

Bạn cũng có thể đánh bại nó, chỉ khi bạn ở trong Đấng Christ.

Đọc Gia-cơ 4:7 và nhớ rằng bạn chỉ có thể chống lại ma quỷ hiệu quả khi bạn thuận phục Đức Chúa Trời trước hết.

 

 

28

VUI THOẢ VỚI CHÚA

Trở thành Cơđốc nhân không bao giờ khiến cho cuộc đời bạn tẻ nhạt và sầu khổ.

Bạn được định để có

  • cuộc đời trọn vẹn (Giăng 10:10)
  • niềm vui (1 Phi-e-rơ 1:8)
  • bình an (Rô-ma 5:1)
  • thoả lòng (Phi-líp 4:11).

Nếu tất cả những gì chúng ta nhắc đến là thật, thì sự bình an và niềm vui này cũng đúng với bạn.

Nếu bạn muốn vui thoả với Chúa, để vui thoả cuộc đời Cơ-đốc nhân mới, thì chỉ có một con đường (Phi-líp 4:4-9). Con đường để vui thoả Đức Chúa Trời là dâng chính mình cho Ngài (Rô-ma 12:1-2).

Cơ-đốc nhân hai lòng, thoả hiệp luôn vật lộn (Mác 14:66-72).

Cơ-đốc nhân tận trung có thể vui mừng trong gian nan (Công vụ 5:40-41).

Bạn có nhiều thứ để vui mừng trong:

  • đặc quyền không thể ví sánh khi trở thành Cơ-đốc nhân (Phi-líp 3:7-9)
  • tình yêu của Chúa cho chính bạn (Ga-la-ti 2:20)
  • lời hứa gìn giữ bạn của Chúa (2 Cô-rinh-tô 4:6-18)
  • sản nghiệp của bạn (1 Phi-e-rơ 1:3-9).

Bạn không thể vui thoả với Chúa từ xa. Bạn cần đến gần Ngài hơn (Thi thiên 16:11).

Đọc Thi Thiên 66. Đây là một Thi Thiên ngập tràn nhiệt huyết, mãnh liệt và chân thực. Chúng ta không biết ai viết, nhưng rõ là người này thực sự vui hưởng Chúa của mình. Thứ tôn giáo lạnh lẽo, trang trọng, danh nghĩa thoả mãn nhiều người nhưng không phải dành cho ông. Chúa sống động, chân thật với ông và ông chỉ cần vui mừng trong Ngài. Không có thứ gì giả tạo về tôn giáo của ông. Sự nhiệt huyết đó không phải kiểu cảm xúc được thúc đẩy, và sự mãnh liệt không phải đến từ buổi nhóm được sắp đặt giả tạo. Chúa là Đấng có thật với ông và tỏ ra như vậy.

 

BACK COVER

HÃY CHUẨN BỊ ĐỂ LÀM VIỆC Ở THIÊN ĐÀNG

Tác giả: Rick Warren; Chuyển ngữ: Timothy Phan

 

 

“Hãy dùng mọi phần của thân thể anh chị em để dâng vinh hiển lại cho Đức Chúa Trời”  

(1 Cô-rinh-tô 6:20 BD TLB). 

 

Bạn muốn Chúa dùng bạn như thế nào? Bạn có thể sử dụng những năng khiếu của mình theo cách nào trong cái nhìn của vĩnh cửu? Điều đó có nghĩa là dùng thì giờ của bạn ở dưới đất để chuẩn bị cho thời gian của bạn ở trên trời.

 

Kinh Thánh nói trong 1 Cô-rinh-tô 6:20 rằng, “Hãy dùng mọi phần của thân thể anh chị em để dâng vinh hiển lại cho Đức Chúa Trời” (BD TLB).

 

Nhiều người—kể cả một số Cơ-đốc nhân—có một quan niệm sai lầm lớn về thiên đàng. Họ nghĩ rằng khi bạn lên thiên đàng, bạn sẽ nghỉ ngơi vui chơi ăn uống, mặc áo choàng trắng, chơi đàn hạc và lơ lửng trên mây. Nhưng không một điều nào trong những điều đó có trong Kinh Thánh!

 

Vậy thì bạn sẽ làm gì trong hàng tỷ tỷ năm đó khi bạn lên thiên đàng?

 

Chúa có chương trình để bạn phục vụ trên thiên đàng. Bạn sẽ có công việc—những điều vui thích bạn sẽ làm để phụng sự Chúa. Và thì giờ của bạn trên đất là sự thực tập cho điều đó.

 

Nếu bạn hy vọng Chúa sẽ ban cho bạn một nơi phục vụ nghiêm túc trong cõi vĩnh hằng, bạn không thể sử dụng thì giờ của bạn trên đất chỉ để sống cho riêng mình được.

 

Chúa muốn bạn hiểu rằng ngay bây giờ là cơ hội của bạn để chuẩn bị sẵn sàng cho điều thật sự. Bạn sẽ đem lên thiên đàng chỉ có hai điều: nhân cách và kỹ năng của bạn. Bạn sẽ không đem theo được bất kỳ tiền bạc hay tài sản nào của mình. Bạn sẽ không đem được một thứ vật chất nào lên thiên đàng.

 

Vì vậy, đừng lãng phí thì giờ của bạn vào những gì bạn không thể đem theo được với bạn. Thay vào đó, hãy dùng thì giờ của bạn để phát triển những kỹ năng phục vụ của bạn và xây dựng nhân cách của bạn cho giống Chúa Giê-su hơn.

 

HƯỚNG ĐI TỪ THIỆN

HUONG DI-THE WAY OF VIETNAMESE FAMILY OF FAITH, INC.

  1. O. Box 570214, Dallas, TX 75357, USA

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn