Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Phúc âm sẽ là tin tốt lành

Phúc âm sẽ là tin tốt lành

Phúc âm sẽ là tin tốt lành…
Dr. Jim Denison.
Cảnh sát Điện Capitol của Hoa Kỳ đã xác nhận vào tối ngày sáu về cái chết của một trong những nhân viên của họ do bị thương khi một đám đông xông vào Điện Capitol hai ngày trước. Trong khi tin tức về cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ tiếp tục loan truyền, tôi muốn làm điều gì đó mà tôi chưa từng làm trong hai mươi năm tôi viết bài tiểu luận mỗi ngày: Tôi muốn chia sẻ một bài giảng luận.
Thật ra, tôi muốn soạn bài giảng cho bạn mà tôi sẽ giảng vào Chúa nhật này. Tôi làm như vậy sau khi dành cả ngày thứ Năm để phỏng vấn trên các đài phát thanh toàn quốc; những câu hỏi tôi đã được hỏi là những câu hỏi mà mọi người dường như đang thắc mắc ngày hôm nay. Tôi hy vọng bài giảng của tôi sẽ giúp họ và cung cấp cho bạn một cách để đạt được mục đích trao quyền.
Kinh văn tôi dùng là lời nói quen thuộc của Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi: “Các con là muối của đất, nhưng nếu muối mất chất mặn đi, thì lấy gì làm cho mặn lại?” (Ma-thi-ơ 5:13a). Hãy xem phép ẩn dụ mạnh mẽ này áp dụng cho cá nhân và cho quốc gia của chúng ta.
Một câu hỏi đặc biệt sâu sắc: “Trong bối cảnh của các cuộc bạo động ở Điện Capitol, bạn sẽ nói gì với những người đang tự hỏi tại sao họ nên tham gia vào nền văn hóa băng hoại của chúng ta?” Câu trả lời của tôi gồm có 2 phần: bởi vì đó là mệnh lệnh của Chúa, và bởi vì tìm cách thay đổi văn hóa thay đổi chúng ta theo chiều hướng tốt nhất.
Chúa Giê-xu dạy rằng: “Các con là muối của đất.” Tuy nhiên, muối sẽ không có ích gì nếu nó vẫn ở trong bình đựng muối. Cơ đốc giáo là một đức tin nhập thể — cũng giống như Chúa Giê-su đã nhập thể chính mình vào thân thể trần thế của Ngài, vào trong chúng ta (1 Cô-rinh-tô 12:27). Giờ đây, chúng ta được giao nhiệm vụ “đi” và làm cho muôn dân thành môn đệ Ta (Ma-thi-ơ 28:19), bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem và tiếp tục cho đến “tận cùng trái đất” (Công vụ 1: 8).
Với Cơ đốc nhân, thối lui trước những thử thách của thời đại không phải là một lựa chọn xứng hợp.
Sự gắn bó như vậy cũng rất quan trọng đối với cuộc sống sung mãn mà Chúa Giê-xu dự định cho chúng ta (Giăng 10:10). Đức Chúa Thánh Linh ban năng quyền cho chúng ta ở mức độ chúng ta sẵn sàng thực hiện ý định của Đức Chúa Trời với tư cách là nhân chứng của Ngài (Công vụ 1: 8). Để kinh nghiệm cuộc sống tốt đẹp nhất, phước hạnh nhất, chúng ta phải hoàn toàn thuận phục lời kêu gọi chia sẻ phúc âm của Chúa cho mọi người trên đất.
Câu hỏi thứ hai mà tôi được hỏi liên tục là, “Tại sao điều này lại xảy ra? Mục sư có thể đưa ra một số manh mối không?”. Câu trả lời của tôi là nhiều người Mỹ không hoàn toàn tin cậy vào quy trình bầu cử, những người lãnh đạo được họ bầu, hoặc những người mà họ không đồng ý.
Sau cuộc bầu cử năm 2000, chỉ có 18% đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng George W. Bush đã thắng một cách công bằng. Sau cuộc bầu cử năm 2016, 66% đảng viên Dân chủ tin rằng Nga đã lũng đoạn cuộc bầu cử. Giờ đây, 67% đảng viên Cộng hòa tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 là “gian lận.”
Nếu chúng ta không thể tin tưởng vào hệ thống bầu cử, thì chúng ta khó có thể tin cậy vào những nhà lãnh đạo được bầu chọn. Trong thời đại mà nhiều người đã lợi dụng các tổ chức trở thành nền tảng cho sự nổi danh và thăng tiến cá nhân, những người lãnh đạo tận tụy trở nên thiếu hụt. Trong thời đại mà mạng xã hội cho mọi người một thế đứng để truyền tải ý kiến của họ trong khi chỉ lắng nghe những người cùng phe đảng, thì sự sáng suốt sẽ không còn nữa. Trong một nền văn hóa mà chúng ta coi những người không cùng chính kiến là kẻ thù, thì sự tha thứ và ân sủng rất khan hiếm.
Tuy nhiên, tôi xin nói thẳng: giải thích rõ ràng những gì đã thúc đẩy những kẻ bạo loạn không phải là lời bào chữa cho hành vi của họ. Những gì chúng ta thấy hôm thứ Tư thật ghê tởm và tội lỗi. Lời kêu gọi của Đức Chúa Trời rất rõ ràng: “Hãy chấm dứt hành động bạo tàn và áp bức, hãy thi hành công bình và công chính.” (Ê-xê-chi-ên 45: 9). Chúng ta được dạy rằng: “Đừng lấy ác trả ác hoặc rủa sả trả rủa sả” (1 Phi-e-rơ 3: 9a).
Nhà vận động cho tù nhân quá cố Chuck Colson lưu ý: “Những người không thể kiềm chế bản năng cơ bản của chính mình, những người không thể đối xử với nhau một cách lịch sự, không có khả năng tự lập chính quyền.” Ông nói thêm: “Không có đạo đức, một xã hội chỉ có thể bị cai trị bằng sự sợ hãi, một sự thật mà những bạo chúa hiểu quá rõ.”
Câu hỏi cuối cùng mà tôi thường được hỏi: “Cơ đốc nhân có thể thay đổi nền văn hóa đã bị băng hoại của chúng ta chăng? Nếu vậy thì làm thế nào?”. Tôi sẽ trả lời bằng bốn mệnh lệnh từ lời Kinh thánh.
1. Phải ăn năn. Chúa Giê-su hỏi: “nếu muối mất chất mặn đi, thì lấy gì làm cho mặn lại?” Câu hỏi của Chúa đòi hỏi chúng ta phải tự vấn lòng: Trong bối cảnh của cuộc bạo động ở điện Capitol, tôi nên xưng nhận tội lỗi nào? Tất nhiên, tôi không đề nghị bạn dung túng hoặc tham gia vào những gì đã xảy ra ở Washington. Nhưng bạn có đang phạm tội liên quan đến quốc gia và văn hóa của chúng ta theo những cách khác không? Bạn đã sử dụng mạng xã hội và các phương tiện khác để vu khống (Thi thiên 101: 5), buôn chuyện (Châm ngôn 16:28) hoặc lên án (Gia cơ 4:11) không? Bạn đã chủ động tìm cách ảnh hưởng đến nền văn hóa của mình như bạn cần nên làm chưa?
Nê-hê-mi (1: 4–10) xưng nhận tội lỗi của dân tộc mình mặc dù ông không hề phạm chúng một cách cá nhân. Tinh thần đoàn kết với quốc gia của ông nên là mô hình liên kết của chúng ta với quốc gia.
2. Tha thiết cầu thay. Chúng ta được kêu gọi để cầu nguyện cho những người lãnh đạo, ngay cả (và đặc biệt) khi chúng ta không đồng ý với họ (1 Ti-mô-thê 2: 1–2). Đây là phản ứng tức thì của nhiều nhà lãnh đạo Cơ đốc đối với bạo lực ở Washington và lẽ ra là của chúng ta nữa.
Bạn có biết tên của thống đốc, thị trưởng, ủy viên hội đồng thành phố, và hội đồng trường học tại địa phương bạn không? Bạn có đang cầu nguyện mỗi ngày để Chúa dẫn dắt, bảo vệ, ủy quyền, và sử dụng họ không?
3. Phát ngôn hòa nhã. Một phần của việc đưa “muối” của chúng ta ra khỏi lọ là nói lên sự thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15). Như chúng ta đã biết, vu khống và buôn chuyện là tội. Nhưng nói lên sự thật theo lời Kinh thánh về các vấn đề và những linh hồn chúng ta gặp gỡ là một món quà của ân sủng vĩnh cửu.
4. Hành động tích cực. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang kêu gọi nhiều Cơ đốc nhân tham gia công vụ hơn là đáp lời kêu gọi của Ngài. Bạn có thể bắt đầu từ đâu? Bạn có thể tạo ra sự khác biệt nào ở nơi bạn sống? Sứ mệnh nào lớn hơn Chúa đang kêu gọi bạn phục vụ?
Nhà thần học Phúc âm quá cố Carl F. H. Henry lưu ý, “Phúc âm sẽ là tin tốt lành nếu nó đến đúng lúc.”
Làm thế nào anh chị em sẽ đem phúc âm đến nền văn hóa của chúng ta hôm nay?
Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn