Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản Của Kinh Thánh

Thử Nghiệm Nguyên Lý Cơ Bản Của Kinh Thánh

Trong quyển sách TAKING BACK YOUR FAITH FROM THE AMERICAN DREAM,  chúng ta đã khám phá những tuyên bố đầy mạnh mẽ về mục đích  cuộc sống qua lời dạy của phúc âm nhưng trái ngược với giấc mơ Mỹ. Những tuyên bố đó là: sự thành công thật chính là hy sinh trọn vẹn. Sự hy sinh tuyệt đối không nhằm tôn cao bản thân nhưng tôn Chúa lên trên hết. Mục đích của cuộc đời vượt trội hơn đất nước và nền văn hóa mà chúng ta đang sống. Ý nghĩa cuộc sống được tìm thấy ở cộng đồng, không phải ở chủ nghĩa cá nhân; niềm vui đến từ sự rộng lượng, không phải ở chủ nghĩa vật chất; và lẽ thật đến từ Đấng Christ, không phải từ bất kỳ lý thuyết nào. Trên hết, Đức Chúa Giê-su chính là phần thưởng xứng đáng để chúng ta đánh đổi tất cả để tìm hiểu, thử nghiệm và tận hưởng.

Tuy nhiên những tuyên bố như trên vẫn chỉ là lý thuyết nếu không có kiểm chứng. Đây là lý do cần có thử nghiệm. Khi bạn kiểm chứng một tuyên bố, bạn sẽ biết được tuyên bố ấy là phù phiếm hay là sự thật. Và khi bạn khám phá một tuyên bố chính là sự thật thì bạn sẽ thay đổi quan điểm cá nhân, sắp xếp lại suy nghĩ, và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với sự thật đó. Việc này sẽ đảo lộn cuộc sống bạn – hoặc nói đúng hơn, xoay chuyển cuộc sống bạn về đúng với trật tự cần phải có của nó.

Vậy tôi xin thách thức bạn thực hiện một thử nghiệm. Tôi xin thách thức bạn hãy kiểm chứng những tuyên bố trong phúc âm, có lẽ theo một cách mà bạn chưa từng thực hiện. Tôi xin mời bạn kiểm chứng xem có phải vâng phục trọn vẹn mạng lệnh của Đấng Christ đem lại ý nghĩa, sự thỏa mãn và hài lòng hơn là theo đuổi giấc mơ Mỹ. Và tôi xin đảm bảo rằng nếu bạn hoàn thành cuộc thử nghiệm này, bạn sẽ không bao giờ ngừng khao khát từ bỏ trọn vẹn đời sống của bạn cho Đấng Christ vì sự vinh quang của Ngài trên khắp thế giới.

Chúng tôi gọi đây là Radical Experiment (Thử nghiệm Nguyên lý Cơ bản / Thử Nghiệm Ảnh Hưởng Sâu Rộng)

 

Một năm

Cuộc thử nghiệm này kéo dài một năm. Đến nay tôi nhận ra rằng khoảng thời gian một năm không thích hợp với lối suy nghĩ phổ thông. Những nhà triết học về phát triển hội thánh đương đại trên các tạp chí, các bài báo, các tờ bướm và những chiêu trò quảng cáo đã nói rằng để đạt được hiệu quả, chúng ta cần phải tổ chức mọi công tác trong những giai đoạn nhỏ kéo dài sáu đến tám tuần. Những người tham dự hội thánh ngày nay muốn những cam kết ngắn hạn nhưng đem lại lợi ích dài hạn.

Tôi biết ơn lịch sử Cơ Đốc đã không luôn tuân thủ triết lý này. David Brainerd (1718-47) đã trải qua nhiều năm cô đơn, trầm cảm và đau đớn trước khi được nhìn thấy Đức Chúa Trời đem sự phục hưng đến với thổ dân Châu Mỹ ở vùng Đông Bắc. William Carey (1761-1834) đã kiên trung rao giảng phúc âm suốt bảy năm trước khi nhìn thấy một người được cứu tại Ấn Độ. John Hyde (1865-1912) suy yếu dần sau nhiều đêm dài cầu nguyện và kiêng ăn để được nhìn thấy người dân tiếp nhận Đấng Christ tại một cánh đồng truyền giáo khó khăn nhất trên thế giới là Bang Punjab, Ấn Độ. Những tấm gương như Brainerd, Carey và Hyde khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu lợi ích dài hạn khởi phát từ cam kết dài hạn?”

Thậm chí thế gian cũng tin vào điều này. Lý do nào khiến các học sinh phổ thông dành thêm ít nhất bốn năm và tiêu tốn hàng nghìn đô-la để tiến xa hơn trong việc học? Lý do nào khiến các sinh viên luật và sinh viên y khoa không hề chán nản khi thực hiện những công việc và lịch trình đầy mệt nhoài? Lý do nào khiến các nhạc công ngày đêm luyện tập nhạc cụ, và lý do nào khiến các vận động viên dành nhiều năm tập luyện cho một sự kiện thể thao? Con người luôn thực hiện những cam kết dài hạn với khao khát nhận được lợi ích dài hạn. Tôi đoán rằng bạn đã có ít nhất một cam kết dài hạn mà bạn có thể nhìn lại với đầy sự thỏa mãn.

Vậy thách thức của tôi dành cho bạn đó là hãy dành một năm để thay đổi trọn vẹn những năm tháng còn lại của cuộc đời bạn. Mặc dầu vậy tôi tin rằng việc tập trung vào một năm là rất quan trọng bởi vì có nhiều điều bạn có thể thực hiện trong một năm nhưng không thể duy trì trong nhiều năm. Và có nhiều điều bạn có thể trì hoãn trong một năm nhưng không thể trì hoãn lâu hơn. Chính vì thế thách thức ở đây không phải là mãi mãi.

Thách thức kéo dài một năm, bao gồm năm yếu tố. Tôi xin thách thức bạn dành một năm tới đây để:

  1. Cầu nguyện cho cả thế giới;
  2. Đọc trọn Kinh Thánh;
  3. Hy sinh tài chánh cho một mục đích cụ thể;
  4. Dành thời gian đi đến một nơi xa;
  5. Gắn kết với một cộng đồng nhân cấp.

Tôi tin rằng – không, tôi biết rằng – nếu bạn giữ chặt các thách thức trên trong một năm, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống sinh động như chưa bao giờ xảy ra trước đây. Bạn sẽ biết cảm xúc không thể nào sánh được khi trở thành một phần trong công tác Chúa tại nơi bạn đang sống và trên khắp thế giới. Bạn sẽ sẵn sàng giũ bỏ mãi mãi những điều không xứng đáng của giấc mơ Mỹ và nắm lấy giấc mơ đẹp đẽ, trường tồn mà Đức Chúa Trời dành cho bạn.

Hãy đi chi tiết vào năm yếu tố dẫn bạn đến kết quả trên.

 

Cầu nguyện cho cả thế giới

Tôi nhận ra rằng việc này thoạt tiên nghe có vẻ chung chung, mơ hồ, không rõ ràng, và thậm chí có phần bất khả thi. Có lẽ bạn nghĩ rằng: Liệu cá nhân tôi có thể thật sự cầu nguyện cho thế giới một cách cụ thể và có hiệu quả? Tôi xin trình bày ý muốn của tôi và lý do vì sao việc này lại quan trọng.

Trong một thế giới với hơn 4.5 tỷ người không tin Chúa và hơn một tỷ người trên bờ vực của cái chết vì thiếu lương thực, chúng ta cần phải bắt đầu một hành động nào đó. Vậy hành động đó là gì? Đức Chúa Giê-su cho chúng ta câu trả lời. Trong Ma-thi-ơ 9, chúng ta nhìn thấy đám đông vây quanh Đức Chúa Giê-su, Ngài động lòng thương xót vì họ “cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.” Vậy Đức Chúa Giê-su quay sang các môn đồ và phán rằng: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”[1]

Những lời trên có khiến bạn bất ngờ? Chúng khiến tôi bất ngờ… bởi hai lý do. Thứ nhất, khi xung quanh Đức Chúa Giê-su là những người đau ốm, nghèo khổ và thiếu thốn, tôi nghĩ Ngài ngay lập tức sẽ truyền lệnh cho các môn đồ: “Phi-e-rơ, con hãy đến với người này. Giăng, con hãy chăm sóc cho người kia. Anh-rê, con hãy giúp đỡ người đằng kia.” Nhưng đó không phải là điều Đức Chúa Giê-su đã nói. Vâng, quả thực Đức Chúa Giê-su đã có những hướng dẫn cho các môn đồ như chúng ta đã phân tích ở chương 8 của quyển sách này. Tuy nhiên việc đầu tiên Chúa truyền dạy các môn đồ đó là họ phải cầu nguyện trước khi Ngài tiếp tục dạy họ làm bất cứ việc gì khác.

Bất ngờ hơn nữa đó là điều Đức Chúa Giê-su bảo các môn đồ phải cầu nguyện. Tôi nghĩ Đức Chúa Giê-su sẽ nói rằng: “Các con đã thấy nhu cầu. Mùa gặt thì thật trúng. Vậy hãy cầu nguyện cho những người cùng khốn kia. Hãy cầu nguyện cho họ.” Nhưng Chúa không nói vậy. Đức Chúa Giê-su không nói rằng hãy cầu nguyện cho con người hư mất. Ngược lại, Ngài dạy các môn đồ hãy cầu nguyện cho hội thánh.

Theo bạn tại sao khi Đức Chúa Giê-su nhìn thấy đám đông với những nhu cầu to lớn ở xung quanh thì Ngài quay sang các môn đồ và bảo các môn đồ hãy cầu nguyện cho chính họ? Câu trả lời thật giản dị. Khi Đức Chúa Giê-su nhìn thấy đoàn dân đông cùng khốn, hiển nhiên điều Ngài lo lắng không phải con người hư mất không được đến cùng Đức Chúa Cha. Ngược lại, điều Đức Chúa Giê-su lo lắng chính là các môn đồ của Ngài không đến với con người hư mất.

Hãy suy nghĩ về điều này. Sẽ ra sao nếu bạn và tôi áp dụng những lời này của Đức Chúa Giê-su vào một thế giới với hơn một tỷ người chưa từng nghe đến phúc âm? Một thực tại mang tính nền tảng ngay lập tức hiện ra: chúng ta không cầu nguyện. Đây là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi tại sao nhu cầu thì quá lớn mà những người thực hiện công việc Chúa thì quá ít. Đám đông đang chờ đợi lắng nghe, và nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta đó là cầu nguyện xin Chúa của mùa gặt sai phái Cơ Đốc nhân đến với cánh đồng.

Đây là một bước mà rất có thể bạn và tôi đã bỏ sót và cũng là điều nguy hiểm nhất nếu bị lơ là. Qua phúc âm, chúng ta nhận thấy mình không xứng đáng và cũng không đủ khả năng để hoàn thành bất kỳ điều gì có giá trị đời đời nếu không nhờ năng quyền của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang lập kế hoạch, lên chiến lược, sử dụng nhân sự, tuy nhiên để vâng phục Đấng Christ cách trọn vẹn buộc chúng ta phải là một dân tộc cầu nguyện.

Không lâu trước đây một người bạn của tôi đã đến Hàn Quốc và ở lại ít tuần, đây là một đất nước chứng kiến sự bùng nổ đạo Chúa trong những năm gần đây. Một số người ước tính rằng gần một nửa dân số Hàn Quốc đã tiếp nhận Chúa trong thế kỷ trước. Lãnh đạo hội thánh rất quan tâm đến năng quyền của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và đó là lý do cho sự vực dậy tâm linh xảy ra rộng khắp trên đất nước này.

Một buổi sáng nọ khoảng bốn giờ tại khách sạn, bạn của tôi bị đánh thức bởi âm thanh lớn bên ngoài. Anh bối rối tiến đến cửa sổ, kéo tấm màn và nhìn thấy một sân vận động chật kín người. Anh tự hỏi: Người Hàn Quốc chơi môn thể thao gì lúc bốn giờ sáng? Cảm thấy nản lòng, anh trở lại giường và cố gắng ngủ mặc cho tiếng ồn từ sân vận động phía bên kia đường.

Sáng hôm đó anh xuống sảnh khách sạn và hỏi viên quản lý về sự kiện thể thao đã xảy ra tại sân vận động. Viên quản lý khách sạn đáp: “Thưa ông, đó không phải là một sự kiện thể thao. Đó là một buổi nhóm cầu nguyện của hội thánh.”

Bạn và tôi đang sống trong một nền văn hóa mà tại đó chúng ta hội họp nhiều giờ liền tại sân vận động hoặc quanh chiếc TV để theo dõi mấy chàng trai chạy quanh một mảnh sân, trên tay cầm một chiếc banh bằng da heo và cố gắng vượt qua vạch trắng ở cuối sân. Chúng ta bày tỏ sự phấn khích, cảm xúc và tình yêu dành cho môn bóng bầu dục cũng như những môn thể thao khác, và điều này dấy lên một câu hỏi: sẽ ra sao nếu hội thánh cũng cầu nguyện với nhiệt huyết giống như thế? Sẽ ra sao nếu tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Giê-su vượt trội hơn những điều tầm thường hời hợt, những điều đã chiếm lấy sự chú ý của chúng ta? Sẽ ra sao nếu chúng ta dành nhiều thời gian trước Chúa để cầu thay cho hội thánh, cho những người chưa tin, và cho những người nghèo khó trên thế giới?

Dĩ nhiên Thử Nghiệm Ảnh Hưởng Sâu Rộng không nhất thiết phải bắt đầu tại sân vận động. Thử nghiệm này có thể bắt đầu tại phòng khách hoặc gian phòng thay đồ mà bạn dành để cầu nguyện. Bất cứ nơi đâu cũng có thể là nơi bạn kết nối hành động cầu nguyện với mục đích của Đức Chúa Trời dành cho thế giới.

Tuy nhiên, hãy quay trở lại với câu hỏi của tôi: liệu những cá nhân như bạn và tôi có thể thật sự cầu nguyện cách đặc biệt cho cả thế giới? Câu trả lời là có.

Nhiều năm trước tôi được giới thiệu một quyển sách vô giá có tựa đề Operation World  của tác giả Patrick Johnstone, quyển sách này tạo nên cuộc cách mạng cho đời sống cầu nguyện của tôi hơn bất cứ quyển sách nào khác ngoài Kinh Thánh. Quyển sách này chứa đựng những thông tin chi tiết về mỗi một quốc gia trên thế giới, trong đó có thông tin về các tôn giáo, cập nhật về hoạt động truyền giáo và những điều cần cầu thay cho mỗi quốc gia. Sách cũng có những hướng dẫn cầu nguyện để bạn có thể làm theo và trong một năm bạn có thể cầu nguyện cụ thể và có chủ đích cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Sách cũng có một phiên bản dành cho trẻ em để sử dụng trong các gia đình, và mọi thông tin trong sách đều được cung cấp miễn phí trên Internet (www.operationworld.org)

Tôi xin giới thiệu với bạn về Ben và Jennifer, hai trong số rất nhiều phụ huynh trong hội thánh của chúng tôi đang sử dụng tài liệu này để cầu nguyện cách mạnh mẽ cho mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên thế giới. Mỗi tối họ cùng hai con, bốn tuổi và hai tuổi, cầu nguyện cụ thể cho một quốc gia. Dần dần, cuộc sống của họ được tiếp cận với công việc Chúa khắp thế giới, và tấm lòng của họ được biến đổi theo như ý muốn Chúa dành cho các dân tộc. Jennifer nói rằng: “Đức Chúa Trời cho chúng tôi nhìn thấy những nhu cầu cụ thể của các dân tộc trên khắp thế giới. Gia đình của chúng tôi được thay đổi mỗi ngày và chúng tôi được chuẩn bị để dự phần vào sứ mệnh của Ngài.”

Cầu nguyện không phải là một hành động thuộc bề nổi, không quyết liệt, nhưng hãy ghi nhớ lịch sử hội thánh. Chỉ một thế kỷ trước, lời cầu nguyện của một người, Evan Roberts (1878-1951), đã thúc giục cuộc phấn hưng tại xứ Wales với khoảng một trăm nghìn người tiếp nhận Chúa chỉ trong một vài tháng. Sự ảnh hưởng lan xa khỏi xứ Wales. Một phong trào toàn cầu được khơi dậy giữa dân sự Chúa, và Cơ Đốc nhân bắt đầu truyền giáo khắp thế giới. Nhiều năm sau đó, số Cơ Đốc nhân tại Indonesia tăng gấp ba. Tại Ấn Độ, số Cơ Đốc nhân tăng hơn mười sáu lần so với số tín hữu Hindu. Khắp thế giới chứng kiến sự tuôn đổ Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện có thể tạo ra những tác động to lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Vậy lời cầu nguyện của bạn có thể làm được điều gì khi được Chúa ban năng quyền?

Kết lại, khía cạnh đầu tiên của Thử Nghiệm Ảnh Hưởng Sâu Rộng đó là cầu nguyện cho thế giới trong một năm. Tôi xin thách thức bạn hãy cầu nguyện một cách có chủ đích, cụ thể và mạnh mẽ cho ý muốn của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên khắp thế giới.

(còn nữa)

[1] Ma-thi-ơ 9:37

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

Nguồn:

https://books.google.com.vn/books/about/Radical.html?id=JrCvAAOVX2MC&printsec=frontcover&source=kp_read_button&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn