Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Họ không yêu mạng sống của họ

Họ không yêu mạng sống của họ

Lịch sử hội thánh có rất nhiều câu chuyện về những con người mà như lời của sách Khải Huyền đã viết: “[họ] chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết.”[1]

John Paton (1824-1907) không được nhiều Cơ đốc nhân ngày nay biết đến. Trong mười năm, ông là mục sư của một hội thánh đang phát triển tại Scotland, nhưng Đức Chúa Trời bắt đầu khiến tấm lòng của ông cưu mang cho New Hebrides, một nhóm các hòn đảo tại Thái Bình Dương mà tại đó con người ăn thịt lẫn nhau và họ chưa biết đến phúc âm.

Ông cưu mang cho một hòn đảo nọ. Hai mươi năm trước đã có hai giáo sĩ đến hòn đảo ấy. Họ bị giết và bị làm thịt. Chính vì thế không ngạc nhiên khi nhiều người can ngăn mục sư Paton hãy thôi suy nghĩ về việc tiếp bước hai vị giáo sĩ kia. Paton viết rằng: “Trong số rất nhiều người đã tìm cách can ngăn tôi có một quý ông Cơ đốc thân yêu đã lập luận rằng: ‘Những kẻ ăn thịt người! Anh sẽ bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt!’”

John Paton đáp lại rằng: “Thưa ngài Dickson, ngài có tư tưởng tiến bộ trước thời đại, nhưng tư tưởng của ngài sẽ phải sớm bị chôn vùi trong mồ mả và bị sâu bọ gặm nhấm; Tôi xin thưa với ngài rằng nếu tôi không sống, chết, phục vụ và tôn vinh Đức Chúa Giê-su thì dù bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt cũng chẳng khác gì bị sâu bọ gậm nhấm; và đến Ngày Lớn của Chúa, thân thể phục sinh của tôi và của anh sẽ sống lại giống như nhau theo như hình ảnh của Đấng cứu rỗi phục sinh.”

Người đàn ông rời căn phòng, thốt lên: “Tôi không còn gì để nói.”[2]

Ở tuổi ba mươi ba, John Paton cùng vợ đến New Hebrides. Hành trình đó không hề dễ dàng. Chỉ một vài tháng sau khi họ đến nơi, vợ và đứa con nhỏ mới sinh đã chết, và mục sư đã đơn độc dùng đôi tay trần đào mộ chôn vợ và con của ông. Nhiều lần tính mạng của ông bị đe doạ. Nhưng những năm sau đó, vô số người ăn thịt người ở khắp New Hebrides đã nhận biết sự bình an của Đấng Christ, và các hội thánh khắp nước Úc, Scotland và khắp thế giới Phương Tây bị thách thức để trỗi dậy truyền bá phúc âm đến những nơi khó tiếp cận nhất.

Jim Elliot (1927-56) cũng có câu chuyện tương tự, dẫu cuộc đời của ông đã có một kết thúc khác. Elliot tin rằng Đức Chúa Trời đã dẫn dắt ông đến với người Huaorani Indian, một bộ tộc khét tiếng với việc giết chết bất cứ ai tiếp cận họ. Họ chưa từng nghe đến phúc âm, chính vì thế Elliot tham gia cùng một số người khác tin rằng họ có trách nhiệm đem phúc âm đến với bộ tộc này. Elliot là một nhà giảng đạo đầy ân tứ, vậy rất nhiều người trong hội thánh đã cố gắng can ngăn ông. Họ nói công việc đó thật mạo hiểm.

Elliot đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Chắc chắn những ai đã nhận biết tấm lòng yêu thương vĩ đại của Đức Giê-hô-va sẽ từ chối những điều họ yêu quý để chia sẻ sự bày tỏ tình yêu của Chúa.” Ông viết tiếp:

Hãy suy nghĩ về sự kêu gọi từ Ngôi Thiên Đàng: “Hỡi con hãy ra đi,” và tiếng nói ở khắp nơi xa gần: “Hãy đến giúp chúng tôi,” và thậm chí tiếng kêu từ những linh hồn bị đoạ đày nơi âm phủ: “Hãy sai La-xa-rơ đến với các anh chị em của chúng tôi để họ không phải đến nơi này.” Bị thúc ép bởi những tiếng nói ấy, tôi không dám ở lại nhà trong khi người Quichua (thổ dân Nam Mỹ) đang bị hư mất. Vậy sẽ ra sao nếu các hội thánh đầy sung túc tại quê nhà cần được lay động? Họ có Kinh Thánh, có Môi-se, có các tiên tri và nhiều điều khác. Lời kết tội của họ được ghi trong các sổ ngân hàng mà họ đang sở hữu cũng như ở những lớp bụi phủ trên bìa quyển Kinh Thánh mà đã lâu họ không đọc. Tín hữu tại Mỹ đã bán cuộc sống của họ cho Thần Tài, và Đức Chúa Trời có thẩm quyền phán xét những ai thỏa hiệp theo tinh thần của hội thánh Lao-đi-xê.[3]

Vào ngày 8 tháng 1 năm 1956, Elliot cùng bốn cộng sự đã tiếp cận các thành viên người Huaorani tại một bãi biển. Họ được tiếp đón bởi những ngọn giáo và tất cả đã chết dưới bàn tay của các thành viên bộ lạc. Elliot có nên nghe lời những ai đã can ngăn ông không? Bạn chính là người quyết định. Những ngày sau đó, vợ của Elliot, Elisabeth đã tham gia dẫn dắt chính những người đã dùng giáo đâm chồng bà đến với Đấng Christ, và kể từ ngày ấy, sự bình an của Đấng Christ tể trị trên bộ tộc này.

Hãy suy nghĩ về một trường hợp khác. Rất ít Cơ đốc nhân biết về C. T. Studd (1860-1931), một người Anh Quốc giàu có đã bán tất cả gia sản để đem phúc âm đến nhiều nước. Gia đình và nhiều anh em Cơ đốc đã đến để khuyên can Studd không thực hiện chuyến đi ra nước ngoài. Nhưng ông đã đi, đầu tiên là đến Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ. Vào tuổi năm mươi, ông quyết định vì là Cơ đốc nhân ông sẽ không nghỉ hưu, chính vì thế ông đã đi đến Sudan và sống đến cuối đời tại đó. Ngôi mộ của ông chính là điểm tựa của Hội Vận Động Truyền Giáo Quốc Tế, tổ chức đã lan truyền hạt giống phúc âm ra khắp Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

Hãy lắng nghe về phần thưởng mà Studd theo đuổi, đây là những lời cuối cùng ông đã ghi lại trước lúc chết:

Chúng ta đã chờ đợi nhau quá lâu nên nỗi không ai đã khởi đầu! Thời gian chờ đợi đã qua rồi!… Trước một thế giới, vâng, một thế giới Cơ đốc uỷ mị, thiếu đức tin, lãnh đạm và trượt dốc, chúng ta sẽ dám tin cậy Đức Chúa Trời… và chúng ta sẽ làm điều đó bằng niềm vui khôn xiết của Chúa vang vọng trong tấm lòng. Chúng ta thà chết sớm hơn nghìn lần vì tin cậy nơi một mình Chúa hơn là sống mà trông cậy nơi con người. Và khi chúng ta đối diện với hoàn cảnh này thì cuộc chiến đã thắng lợi, và kết quả của chiến dịch vinh quang hiện lên trước mắt. Chúng ta sẽ có sự thánh khiết thật của Đức Chúa Trời, không phải lời nói ẻo lả, những lời ngon ngọt hay suy nghĩ đẹp đẽ; chúng ta sẽ có sự thánh khiết của người đàn ông, là sự thánh khiết từ đức tin can đảm và nhờ công tác cho Đức Chúa Giê-su Christ.[4]

 

DAVID  PLATT

Translated by Vinh Hien

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn