Vào thế kỷ mười bảy, mục sư Martin Rinkart đã hầu việc Chúa tại Saxony, Đức hơn ba mươi năm suốt thời kỳ chiến tranh và dịch lệ. Có năm ông đã thực hiện hơn 4.000 tang lễ, kể cả của vợ ông, và nhiều lúc thức ăn khan hiếm đến nỗi gia đình ông phải chịu đói. Mặc dù đã có thể rơi vào tuyệt vọng, nhưng đức tin của ông nơi Chúa vẫn mạnh mẽ và ông không ngớt tạ ơn Ngài. Thực vậy, ông tuôn đổ sự biết ơn của mình vào bài “Nun danket alle Gott”, bài hát sau này đã trở thành bài thánh ca rất được yêu thích, mang tên “Cùng Nhau Tạ Ơn Chúa”.

Mục sư Rinkart đã học theo gương của tiên tri Ê-sai, người đã chỉ dạy dân sự tạ ơn Chúa trong mọi lúc, kể cả khi họ thất vọng với Ngài (Ês. 12:1) hay khi bị kẻ thù áp bức. Thậm chí những lúc như vậy họ vẫn phải tôn cao danh Chúa: “cho các dân tộc biết công việc của Ngài” (c.4).

Chúng ta có thể dễ dàng tạ ơn trong những mùa lễ hội như Lễ Tạ Ơn, khi chúng ta thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn với bạn bè và gia đình. Nhưng liệu chúng ta có bày tỏ lòng biết ơn với Chúa trong những lúc khó khăn, như khi thiếu vắng một người thân trên bàn ăn, khi đang chật vật với tài chính hay bị mắc kẹt trong mâu thuẫn với người thân của mình không?

Hãy đồng thanh với Mục sư Rinkart, hòa lòng và hòa tiếng dâng lời ngợi khen và tạ ơn cho “Đức Chúa Trời đời đời, Đấng cả trái đất và thiên đàng tôn thờ”. Chúng ta hãy “ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ” (c.5).