Hội Thánh Và Cơn Đại Nạn
Trong bài viết này chúng ta nhìn vào nền tảng chính của Kinh Thánh để luận giải những lẽ thật về hội thánh và cơn đại nạn.
Hội thánh được hiểu cách khái quát là thân thể của Đấng Christ, Ngài là Đầu. Hội thánh tập hợp tất cả những người thuộc về Đức Chúa Trời trong mọi thời đại, là cộng đồng của những người tiếp nhận Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa và kinh nghiệm sự tái sinh.
Cơn đại nạn được hiểu là những hoạn nạn rất lớn, rất kinh hoàng sẽ xảy ra trên địa cầu trong tương lai trước khi Chúa Giê-su tái lâm một cách hiển nhiên.
CƠN ĐẠI NẠN
Cơn đại nạn được đề cập trong Đa-ni-ên 12:1, “Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ. Bấy giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu.” Quyển sách ở đây chính là Sách Sự sống. Những ai có tên trong sách này sẽ được giải cứu cách kỳ diệu ra khỏi cơn đại nạn.
Trong Ma-thi-ơ 24:21-22, Chúa Giê-su phán: “Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.” Cả Đa-ni-ên và Chúa Giê-su đều đề cập đến cơn đại nạn sẽ đến trên thế giới.
Sách Khải huyền cho chúng ta biết một số chi tiết sẽ xảy ra trong suốt thời gian đại nạn. Chương 6 bắt đầu với việc mở ra bảy ấn của sự phán xét. Cơn đại nạn tiếp diễn xuyên qua bảy tiếng kèn và bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ ra trên đất. Chúng ta cần đọc cẩn thận từ chương 6 đến chương 19 của sách Khải huyền để thấy những sự kiện khủng khiếp xảy ra trong thời gian này.
Tuy nhiên cần phân biệt có hai loại hoạn nạn khác nhau được đề cập trong Kinh Thánh:
– Cơn đại nạn được Chúa Giê-su và Đa-ni-ên nói đến mà những chi tiết của nó được Giăng mô tả trong sách Khải huyền.
– Những hoạn nạn mà Chúa Giê-su cảnh báo là sẽ đến với hội thánh trong suốt mọi thời đại.
Chúa Giê-su phán với các môn đồ trong Giăng 16:33, “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” Hội thánh sẽ trải qua hoạn nạn trong thế gian. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là hội thánh sẽ phải đương đầu với hoạn nạn khởi phát từ thế gian và từ hệ thống kiểm soát thế gian của Satan. Những hoạn nạn loại này đã và đang xảy ra cho dân sự Chúa khắp nơi trên đất.
Nhưng cơn đại nạn sẽ đến trên địa cầu khởi phát từ thiên đàng. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ đổ ra phán xét những kẻ tội lỗi trong suốt cơn đại nạn nầy. Khi ấn thứ 6 được mở ra trong Khải huyền 6:12-17 sứ đồ Giăng viết, “Tôi nhìn xem, khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, thì có một cơn động đất lớn; mặt trời bèn trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng trở nên như huyết. Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống. Trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn, và hết thảy các núi các đảo bị quăng ra khỏi chỗ mình; các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?”
Khải huyền 11:18 cũng tuyên bố: “Cơn thạnh nộ của Ngài đã đến.”
Như vậy sự hoạn nạn mà những con cái Chúa phải trải qua khởi phát từ Satan, kẻ đang lừa dối thế giới. Còn cơn đại nạn đổ xuống trên thế giới tội lỗi đến từ Đức Chúa Trời.1
Tại sao cơn đại nạn nầy xảy đến? Có những lý do chính sau đây:
– Để thử thách những người sống trên đất. “Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.” (Khải huyền 3:10).
– Đức Chúa Trời trút cơn giận của Ngài trên những kẻ ác. “Một con trong bốn con sinh vật ban cho bảy vị thiên sứ bảy cái bát bằng vàng đựng đầy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, là Đấng hằng sống đời đời.” (Khải huyền 15:7)
– Hủy diệt những kẻ đã hủy phá thế gian. “Các dân tộc vốn giận dữ, nhưng cơn thạnh nộ của Ngài đã đến: Giờ đã tới, là giờ phán xét kẻ chết, thưởng cho tôi tớ Chúa là các đấng tiên tri, thưởng cho các thánh và các người kính sợ danh Chúa, thưởng cho kẻ nhỏ cùng kẻ lớn, và hủy phá những kẻ đã hủy phá thế gian.” (Khải huyền 11:18). Bất cứ ai rơi vào một trong những đối tượng nầy sẽ phải đi qua cơn đại nạn.
Có một câu hỏi quan trọng ở đây: hội thánh của Đức Chúa Trời ở đâu khi cơn đại nạn xảy ra?
HỘI THÁNH PHẢI TRẢI QUA CƠN ĐẠI NẠN?
Hội thánh không phải trải qua cơn đại nạn. Chúng ta hãy để Kinh Thánh chứng minh điều này.
Chúng ta đọc lại một câu chuyện trong Sáng thế ký chương 18 và 19. Ở đây Đức Chúa Trời phán bảo cho Áp-ra-ham biết trước về sự phán xét sắp xảy đến cho các thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham phản ứng lại, ông đối nại với Chúa: “Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (Sáng. 18:23). Nếu trong thành phố có 50 người công bình thì sao? Đức Chúa Trời trả lời rằng nếu Ngài tìm thấy có 50 người công bình Ngài sẽ tha thứ cho cả thành phố đó.
Chúng ta lưu ý là toàn bộ lập luận được Áp-ra-ham đưa ra được xây dựng trên nền tảng: Sẽ không công bằng cho Đức Chúa Trời khi Ngài đoán phạt người công bình chung với kẻ gian ác. Không có nơi nào trong Kinh Thánh chúng ta có thể tìm thấy sự định tội của Chúa đổ ra cho người công bình chung với kẻ gian ác.
Khi các thiên sứ đến thành Sô-đôm, họ không thể tìm thấy mười người công bình mà Áp-ra-ham đã đề cập đến. Họ chỉ có thể giải cứu một người công bình là Lót ở đó. Chỉ khi nào Lót được đưa ra khỏi thành phố thì án phạt của Chúa mới trút xuống Sô-đôm. Các thiên sứ công bố lời này để giải cứu Lót trong Sáng thế ký 19:22, “Mau mau hãy lại ẩn đó, vì ta không làm chi được khi ngươi chưa vào đến nơi.” Họ đã không thể làm bất cứ điều gì cho đến khi Lót được an toàn.
Trong Lu-ca 17 Chúa Giê-su cũng nói đến trường hợp của Lót. Chúa đã chỉ ra rằng ngay khi Lót ra khỏi Sô-đôm thì án phạt của Đức Chúa Trời đổ xuống thành phố. “Ngày Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm sinh, giết hết dân thành ấy.” (Lu-ca 17:29). Khi viết thư tín thứ nhì, sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt để làm gương cho người gian ác về sau. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã giải cứu người công bình là Lót, là người đau khổ về cách sống tội lỗi của cư dân thành phố lúc bấy giờ. “Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình), thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét.” (2 Phi-e-rơ 2:7-9).
Sứ đồ Phao-lô viết trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9, “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Và ông cũng xác nhận lần nữa trong Rô-ma 5:9, “Chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!”
Từ những phần Kinh Thánh trên đây, chúng ta được thuyết phục rằng hội thánh sẽ không phải trải qua cơn đại nạn.
Bất kỳ một lý lẽ nào tìm cách chứng minh rằng hội thánh phải đi qua cơn đại nạn, hứng chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, phải giải thích điều nầy: Đức Chúa Trời có khi nào thay đổi đường lối của Ngài để trừng phạt người công bình chung với kẻ gian ác? Nếu Chúa thay đổi dường lối của Ngài thì có nghĩa là thuộc tính của Ngài đã thay đổi để đẩy tuyển dân đối mặt với cơn thạnh nộ. Tuy nhiên Đức Chúa Trời xác nhận rằng Ngài không thay đổi. “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi.” (Ma-la-chi 3:6) và “Đức Chúa Giê-su Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hê-bơ-rơ 13:8)
Một phép suy diễn thông thường được biết đến là tam đoạn luận. Một tam đoạn luận bao gồm: một tiền đề chính, một tiền đề thứ và một kết luận. Khi một tiền đề là phủ định và tiền đề kia là xác định, thì chỉ có một kết luận phủ định được theo sau. Ví dụ: Tiền đề chính là xác định: Các con chim đều có cánh. Tiền đề thứ là phủ định: Chó không có cánh. Vậy suy ra kết luận theo sau phải là phủ định: Chó không phải là chim.
Tiền đề chính của chúng ta là phủ định: Hội thánh không được định sẵn cho cơn thịnh nộ. “Chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ.” (Rô-ma 5:9) và “Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Tiền đề thứ là xác định: Cơn đại nạn là sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời. “Chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?” (Khải huyền 6:16-17). Vậy kết luận rút ra phải là phủ định: Hội thánh sẽ không trải qua cơn đại nạn.
Bất kỳ một lý luận nào bất chấp phép suy diễn này, thì cũng giống như cố gắng chứng minh chó là chim. Không cần thiết phải có thêm những luận cứ để chứng minh rằng hội thánh sẽ không trải qua cơn đại nạn. Những bằng chứng Kinh Thánh đưa ra trên đây đủ để loại bỏ những quan điểm sai trật. Vì vậy chúng ta cứ nắm chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời.
SỰ CẤT LÊN
Hội thánh không phải trải qua cơn đại nạn. Vậy thì khi cơn đại nạn diễn ra, hội thánh đang ở đâu? Có nhiều bằng chứng từ Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng hội thánh đã được cất lên trời, trước khi cơn đại nạn đổ xuống trên đất. Có thể bạn chưa được thuyết phục về điều này, nhưng tất cả chúng ta đều trông đợi sẽ được gặp Chúa Giê-su Christ vào một thời điểm bất ngờ theo như những gì được Kinh Thánh bày tỏ sau đây.
Đối với những người thờ phượng Đức Chúa Trời, suy nghĩ về sự cất lên của hội thánh trong tương lai luôn đem lại niềm an ủi lớn. Và chúng ta cũng nên chia sẻ chủ đề này để khích lệ các tín hữu khác. Phao-lô viết, “chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17-18). Giáo sư William Mounce giải thích, “sự cất lên diễn tả hành động của Đức Chúa Trời trong việc di chuyển cách kỳ diệu con người từ một vị trí đang hiện hữu đến một nơi khác.”3 Sự cất lên cũng được hiểu là Chúa Giê-su tái lâm một cách ẩn nhiên trong khoảng không trung, và chỉ những người thuộc về Chúa sẽ được di chuyển và biến hóa một cách kỳ diệu ra khỏi trái đất để hội hiệp cùng Ngài. Đây là một sự kiện quan trọng đầy phước hạnh trong tương lai dành cho hội thánh. Khi mô tả về người nữ tài đức nhìn về tương lai, Sa-lô-môn viết trong Châm ngôn 31:25, “Nàng mỉm cười trước các ngày tháng tương lai.” (theo bản dịch mới) 2. Và chúng ta cũng vậy – hãy mỉm cười trước các ngày tháng tương lai, vì biết rằng chúng ta sẽ được gặp Chúa trong vinh hiển.
Chúng ta hiểu rằng sự cất lên có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Cùng với sứ đồ Phao-lô, Cơ đốc nhân trông mong “sự xuất hiện vinh hiển của Ðức Chúa Trời vĩ đại và Ðấng Giải Cứu chúng ta, là Ðức Chúa Giê-su Christ.” (Tít 2:13). Sự cất lên là một sự kiện đầy vinh diệu có một không hai – đó là ngày mà chúng ta được vinh hóa và thực sự trở về nhà!
Thời điểm Chúa đến một cách ẩn nhiên (sự cất lên) không được nói trước cho bất kỳ ai. Vì thế, chúng ta hãy cứ tiếp tục phục sự Đức Chúa Trời cho tới ngày tiếng kèn hiệu lệnh của Đức Chúa Trời (trump of God) (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16) gọi chúng ta đến gặp Ngài giữa những đám mây. Trong bản Kinh Thánh Tiếng Anh KJV, 1Thessalonians 4:16, được viết là: For the Lord himself shall descend from heaven with a shout, with the voice of the archangel, and with the trump of God: and the dead in Christ shall rise first. Bản Tiếng Việt dịch là: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.” Trong ngụ ngôn về sự kiện Chúa sẽ trở lại, Chúa Giê-su dạy: “Có một vị thế tử đi phương xa, đặng chịu phong chức làm vua rồi trở về; bèn gọi mười người trong đám đầy tớ mình, giao cho mười nén bạc, và dạy rằng: Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về.” (Lu-ca 19:12-13). Là Cơ đốc nhân, chúng ta có trách nhiệm làm lợi ra các nén bạc (các ân tứ) mà Chúa đã giao.
Sự tái lâm của Đấng Christ trở thành động lực lớn cho chúng ta làm việc, chứ không phải là lý do để chúng ta dừng lại mọi công tác và chỉ biết trông đợi. Phao-lô viết trong 1 Cô-rinh-tô 15:58, “hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn” sau khi ông nói về sự biến hóa và thắng trận sau cùng của hội thánh. Vị sứ đồ cũng dẫn chúng ta đến kết luận về thái độ của Cơ đốc nhân trong khi chờ đợi Chúa trở lại: “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6). Dừng lại hay từ bỏ các mục vụ không bao giờ là ý định của Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hãy làm việc trong khi còn là ban ngày, vì “tối lại, thì không ai làm việc được.” (Giăng 9:4). Tâm thái của chúng ta phải là tiếp tục nắm bắt các cơ hội để rao giảng tin lành về nước Đức Chúa Trời trong thì hiện tại, vì có thể ngày mai không còn cơ hội nữa.
Sự trở lại ẩn nhiên của Chúa trên không trung (sự cất lên) sẽ xảy ra rất nhanh chóng – chúng ta không cần phải chờ đợi thêm các dấu hiệu khác nữa. Hãy sống phục vụ Chúa như thể hôm nay là ngày cuối cùng của chúng ta. Mỗi ngày mới đến là một món quà Chúa dành cho và chúng ta sử dụng nó để thi hành mọi mục vụ mở mang nước của Đức Chúa Trời.
Tường Vi biên soạn
Các tài liệu tham khảo:
- Chuck Smith. The tribulation and the church.
- https://gotquestions.org
- William Mounce, “Snatch,” in W.D. Mounce. Mounce’s Complete Dictionary of Old and New Testament Words.