Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

 

CHƯƠNG TRÌNH  ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ CHO CHÚA
ĐÁNH THỨC NGƯỜI KHỔNG LỒ ĐANG NGỦ TRONG HỘI THÁNH

Viện Nghiên Cứu Gallup đã có thống kê cho thấy trong hầu hết các Hội Thánh ở Mỹ chỉ có 10% tín hữu là tích cực hoạt động trong việc thờ phượng, dâng hiến, dạy đạo, truyền giáo. Trong khi đó có 50% tín hữu chỉ đi nhóm rồi về nhà, lúc nào cũng ở không, không muốn làm gì, nói mấy cũng vậy. Nhưng Gallup cũng nhận thấy có 40% tín hữu còn lại thì hầu hết đều muốn làm nhưng không được mời hoặc muốn làm nhưng không biết làm sao. Mục Sư Rich Warren gọi đây là một mỏ vàng chưa khai thác. Ông nói: “Nếu chúng ta dùng 40% số người nầy, cùng với 10% người có sẵn, chúng ta sẽ có 50% tín hữu trong Hội Thánh cùng nhau phát triển Hội Thánh.” Mục Sư Rich Warren nói tiếp: “Chúng ta đang có một người khổng lồ đang ngủ trong Hội Thánh.”

Bí quyết “đánh thức người khổng lồ” để phát triển Hội Thánh ngày nay là trang bị chương trình Đào Tạo Môn Đồ cho các Hội Thánh để ai nấy đều biết cách thi hành đại mạng lịnh Chúa. Nguyên tắc và phương pháp Đào Tạo Môn Đồ được Kinh Thánh giới thiệu trong 2 câu Kinh Thánh chép ở Ma-thi-ơ 28:18-20 và 2 Ti-mô-thê 2:2.

  1. TIN CẬY VÂNG LỜI THI HÀNH ĐẠI MẠNG LỊNH CỦA CHÚA…
  2. GIAO THÁC PHÚC ÂM CHO MẤY NGƯỜI TRUNG THÀNH… CÓ TÀI DẠY DỖ NGƯỜI KHÁC…

Tôi cảm ơn Chúa là Chúa đang dẫn dắt để người Việt chúng ta có thể thành lập VIỆN ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ (Vietnamese Missionary Institute). Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam đang có một học trình đơn giản gồm 3 cấp:

  1. Tôi Muốn Biết Chúa.
  2. Tôi Muốn Theo Chúa.
  3. Tôi Muốn Hầu Việc Chúa.

Ba cấp nầy có thể học xong trong 6 tháng đến một năm và được cấp CERTIFICATE OF MISSIONARY PREPARATION.

Ngoài ra, Viện còn một chương trình tiếp theo để đào tạo những người lãnh đạo mở thêm Hội Thánh mới: “Tôi Muốn Thành Tôi Tớ Chúa.” Phương pháp của chương trình nầy là lắng nghe tiếng Chúa, nghiên cứu Kinh Thánh, đọc, thảo luận sách giáo khoa của Viện, tự khám phá ý muốn Chúa… với tinh thần “leaders are readers and readers are leaders” (người lãnh đạo là người đọc sách, người đọc sách là người lãnh đạo).

Nguyên tắc thì ít nhưng phương pháp thì nhiều. Nguyên tắc không thay đổi nhưng phương pháp có thể thay đổi. Tôi thấy mạng lịnh Đào Tạo Môn Đồ Cho Chúa là một nguyên tắc không thay đổi, chúng ta phải vâng lời thi hành…nhưng ngày nay với phương tiện truyền thông liên lạc rộng khắp và nhanh chóng chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp mới thi hành đại mạng lịnh của Chúa. Ví dụ đặt mục tiêu: Mỗi người đào tạo 1 học trò,  mỗi năm sinh cho Chúa 1 người con thuộc linh. Qua lớp học hằng tuần, qua internet, qua điện thoại, qua cầu nguyện, qua tiếp xúc học viên…Tôi nhận thấy phương pháp học để dạy và dạy để học (learn to teach and teach to learn) là một phương pháp tốt và thích hợp nhất với đời sống bận rộn của chúng ta trong thế giới ngày nay. Hãy bắt đầu, Chúa sẽ dẫn dắt bạn.

——————————————–

 

CAC NHAN SU TG MIEN BAC

ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ CHO CHÚA

 

Giáo sư Dallas Willard là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới triết lý ngày nay. Một ngày kia có một sinh viên đang học tiến sĩ tại một Trường Đại Học danh tiếng của Hoa Kỳ đã hỏi ông:

– “Thưa Giáo sư, tại sao ông là một nhà giáo dục thông minh, có suy nghĩ, có học thức, lại đi theo Chúa Giê-su?”

Một cách đơn sơ, ông Dallas Willard đã trả lời bằng một câu hỏi:

– “Anh hãy cho tôi biết, anh suy nghĩ có một người nào khác Chúa Giê-su đáng để tôi có thể theo không?”

Một câu trả lời thật hay.

Chúa Giê-su đã đến thế gian, đã kêu gọi: “Hãy theo Ta.” Và hàng từ đó hàng triệu, hàng tỉ người đã đi theo Ngài. Họ là những tín hữu của Chúa, họ trở thành những môn đồ của Chúa.

Trong tiếng Hy Lạp có chữ môn đồ, mathetes, là một chữ rất có ý nghĩa trong thế giới Hy Lạp. Triết gia Plato đã phát triển một hình thức suy nghĩ hay còn gọi là một triết lý sống vốn phân biệt lãnh vực thuộc thể và thuộc linh. Lối suy nghĩ nầy vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay khi chúng ta phân biệt chuyện phàm tục với chuyện thiêng liêng. Hình thức suy nghĩ do Plato phát triển được gọi là tư tưởng Plato.

Triết gia Plato có một người đi theo ông tên là Aristotle. Aristotle là môn đồ của Plato. Aristotle là một học trò và tin theo triết lý của Plato. Aristotle, môn đồ của Plato, đã phát triển những trường học gọi là các học viện (academies), để truyền dạy cho thế hệ trẻ về tư tưởng và thế giới quan của Plato. Một phần phương cách tổ chức bởi Aristotle được gọi là lập luận của Aristotle. Aristotle đã hệ thống hóa và tổ chức lại những tư tưởng của Plato để dễ truyền thụ cho người khác. Từ các học viện nầy có những môn đồ được sản sinh ra đi vào đời thường với thế giới quan của Plato. Họ là những bác sĩ, luật sư và giáo sư, nhưng họ có thế giới quan của Plato.

Trong thời điểm nầy của lịch sử, người La-mã đã chiếm được Hy Lạp. Dưới guồng máy quân sự khổng lồ của La-mã, nước Hy Lạp bị chiếm đóng. Nhưng người La-mã gặp ngay một vấn đề. Dân chúng đã được trang bị với tư tưởng Plato và hệ thống lý luận của Aristotle đã thâm nhập lan tràn nền văn hóa La-mã. Người ta gọi đó là sự Hy Lạp hóa. Người dân La-mã đã bị “Hy Lạp Hóa” mặc dầu họ thống lĩnh lãnh vực quân sự. Ảnh hưởng Hy Lạp đã thâm nhập nền văn hóa La-mã bởi sức mạnh của điều chúng ta gọi là “môn đồ hóa.”

Chúa Giê-su là bậc thầy trong lãnh vực môn đồ hóa. Ngày nay ít người biết đến Plato, Aristotle, nhưng người ta biết Chúa Giê-su về tư tưởng, về thế giới quan của Ngài. Chúa Giê-su đã truyền lịnh cho những môn đồ của Ngài ra đi môn đồ hóa muôn dân. Ai tin nhận Chúa và vâng lời Chúa sẽ trở thành môn đồ của Chúa. Môn đồ Chúa có trách nhiệm đào tạo người khác làm môn đồ cho Chúa. Từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Dưới tác động bởi quyền năng và sức mạnh vô địch của Đức Thánh Linh, nhiều người đã bước vào hàng ngũ môn đồ của Chúa Giê-su. Môn đồ hóa là chủ đề quan trọng để Hội Thánh Chúa thực hành. Sách giáo khoa là Kinh Thánh. Viện Truyền Giáo là một phương tiện. Người tham gia tiến trình môn đồ hóa là mỗi một môn đồ của Chúa. Các Hội Thánh địa phương muốn tồn tại phải xây dựng chương trình trang bị môn đồ.

Tôi suy nghĩ đến các Trung Tâm Đào Tạo Môn Đồ ở các Hội Thánh địa phương, ở các tư gia. Tôi muốn được góp phần. Ở đó mỗi tuần có những người muốn tìm kiếm Chúa, muốn đi theo Chúa và muốn hầu việc Chúa. Tất cả các học viên sẽ học các môn học căn bản của chương trình trang bị môn đồ, họ phải kết ước tìm môn đồ cho mình để dạy lại các giáo huấn của Kinh Thánh mà họ đã học. Mọi người muốn thành môn đồ Chúa sẽ kết ước dự phần thi hành Đại Mạng Lịnh của Chúa. Mạng lịnh môn đồ hóa của Chúa Giê-su được chép trong Ma-thi-ơ 20: 18-20. Sứ đồ Phao-lô đã áp dụng và ghi lại mạng lịnh môn đồ hóa nầy trong thư tín gởi cho người học trò của mình là Ti-mô-thê ở 2 Ti-mô-thê 2:2. Ti-mô-thê là một môn đồ của Phao-lô. Phao-lô có nhiều môn đồ khác như Tít, Phi-lê-môn, Lu-ca, Si-la… Phao-lô cũng có những người bạn đồng công, đồng hành như Ba-ba-ba, Lu-ca, Mác, Bê-rít-sin và A-qui-la. Mỗi người tín đồ của Chúa hôm nay nên có một ông thầy như Phao-lô, một người bạn như Ba-na-ba và một người học trò như Ti-mô-thê.

Người bắt đầu theo Chúa cũng nên suy nghĩ ngay đến cương vị môn đồ Chúa và sẵn sàng trả giá để làm môn đồ của Chúa. Người tín đồ của Chúa  dù làm nghề gì, sinh sống ở đâu, vẫn có thể trở thành môn đồ Chúa. Môn đồ là người được trang bị để thực hành tiến trình môn đồ hóa các người khác. Chưa tham gia môn đồ hóa người khác bạn mới chỉ là một thân hữu hay là một tín hữu.

Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam đang tiến hành xây dựng thêm nhiều Trung Tâm Đào Tạo Môn Đồ ở khắp các nơi có người Việt sinh sống. Viện cung cấp tài liệu hướng dẫn và sẽ cấp Chứng Chỉ Trang Bị Truyền Giáo cho các tín đồ ghi danh học ở các Trung Tâm Đào Tạo Môn Đồ.

Dù người đó là giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, quân nhân, thương gia, nông dân, công nhân, chính trị gia, thợ làm nail, người nội trợ… nếu tin nhận Chúa và vâng lời Chúa đều có thể làm môn đồ Chúa.

Muốn thành môn đồ Chúa, tôi phải trả giá gì?

  1. Hãy suy nghĩ cho kỹ: Lu-ca 14:28-33
  2. Hãy đến cùng Chúa và quyết định theo Chúa: Ma-thi-ơ 11:28,

Ma-thi-ơ 4:19, Lu-ca 5:27-28.

  1. Hãy liều bỏ mình, vác thập giá theo Chúa: Ma-thi-ơ 16:24-27; Lu-ca 14:25-27
  2. Không hổ thẹn về Chúa và sẵn sàng mất sự sống vì Chúa: Mác 8:34-38

Trở thành môn đồ của Chúa có dấu hiệu gì?

  1. Tin cậy và vâng giữ lời dạy của Chúa. Giăng 8: 31-31
  2. Yêu Chúa và yêu nhau. Giăng 13:34-35
  3. Sống có kết quả cho Chúa. Giăng 15:8

Làm môn đồ Chúa, tôi phải làm gì?

  1. Hầu việc Chúa như một người làm tôi tớ: Giăng 12:26, Ma-thi-ơ 20:25-28
  2. Ý thức trách nhiệm phục vụ của một người tôi tớ: Lu-ca 17:10
  3. Ý thức vinh dự được Chúa giao nhiệm vụ: Lu-ca 12:48b.
  4. Tìm kiếm và môn đồ hóa người khác: 2 Ti-mô-thê 2:2, Cô-lô-se 4:3-4
  5. Noi gương Chúa Giê-su, “Con đã tôn vinh Cha trên đất và làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17: 4).
  6. Noi gương Phao-lô, “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 11:1).

Chúa hứa ban gì cho môn đồ Chúa?

  1. Trăm lần hơn ở đời nầy, sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau: Mác 10:28-30
  2. Phần thưởng lớn lắm: Lu-ca 6: 23, 35, 38; Ma-thi-ơ 1:27

Gương Chúa Giê-su môn đồ hóa như thế nào?

            Noi gương cách môn đồ hóa của Chúa Giê-su:

  1. Come and See (Hãy Đến Xem).
  2. Come and Follow Me (Hãy Theo Ta).
  3. Come and Stay With Me (Hãy Ở Trong Ta).

VMI xây dựng chương trình đào tạo môn đồ theo 3 giai đoạn:

  1. Tôi Muốn Biết Chúa.
  2. Tôi Muốn Theo Chúa.
  3. Tôi Muốn Hầu Việc Chúa.

Gương Hội Thánh đầu tiên môn đồ hóa như thế nào?

Bước đi bởi đức tin, nhờ cậy quyền phép của Chúa Thánh Linh, Hội Thánh Tân Ước đã:

  1. Giảng đạo trước đám đông: Công vụ 2:14, 13:44-45, 17:13
  2. Thăm viếng chăm sóc ở nhà riêng: Công vụ 2:46, 20:20

-Nhà của bà Ma-ry, mẹ Giăng Mác: Giăng 12:12

-Nhà của bà Ly-đi: Công vụ 16:40

-Nhà cùa Bê-rít-sin và A-qui-la: Công vụ 18:26, Rô-ma 16:3-5

-Nhà của Nim-pha: Cô-lô-se 4:15

-Nhà của Phi-lê-môn: Phi-lê-môn câu 2.

            (Nhà thờ mới có thời Hoàng Đế Constantine, thế kỷ 4.)

  1. Môn đồ hóa từng người một:

-Bê-rít-sin và A-qui-la đem A-bô-lô về nhà để môn đồ hóa: Công vụ 18:24-26

 

Gương yêu Chúa nhiều vì được tha nhiều

Người đàn bà xức dầu cho Chúa: Ma-thi-ơ 26:6-13;

Người yêu Chúa nhiều vì được tha nhiều: Lu-ca 7:36-50.

Có một truyền thuyết Cơ-đốc kể lại suy nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang sai mỗi người đến thế gian với một sứ điệp phải báo tin, với một bài hát đặc biệt để hát cho người khác nghe và với một hành động yêu thương đặc biệt để ban cho người lân cận. Ý nghĩ nầy thật là có ý nghĩa. Tôi nghĩ chỉ những môn đồ Chúa Giê-su mới làm được việc nầy. Những môn đồ Chúa tiếp tục ra đi vào thế giới với một lời hứa, “Ta sẽ ở cùng con luôn… cho đến tận thế.”

Trong tự truyện Never Alone (Không Bao Giờ Cô Đơn) của mình, ông Joseph Girzone, một cựu linh mục đã ra khỏi chức vụ và quyết sống giống như Chúa Giê-su. Ông kể kinh nghiệm có một hôm ông đi mà không biết mình sẽ ăn gì vì ông không có tiền. Đi dọc đường, ông nhìn thấy trên đường mương có mấy đồng bạc nằm ở đó. Ông không biết làm sao lại có tiền ở đó, vì chỗ đó vắng lắm. Ông đến gần, cúi mình xuống và thấy rõ số tiền gọn gàng nằm ở đó, vừa đủ để ăn bữa tối. Lúc đó ông cảm thấy nghe rõ tiếng phán của Chúa Giê-su, “Ta bảo con rồi, đừng có lo, ta sẽ chăm sóc con.”

Tôi đang bước đi bởi đức tin để giúp xây dựng thêm những Trung Tâm Đào Tạo Môn Đồ Chúa. Tôi đang kinh nghiệm Chúa đang ban phước cho chức vụ mới của tôi và tôi có thể nói Never Alone (Không Bao Giờ Cô Đơn) như ông Joseph Girzone trên đây. Có hàng trăm người đang ủng hộ tôi. Có thể Chúa đang cảm động bạn muốn trở thành một người đồng hành với tôi. Chúng ta cùng nhau góp phần thi hành Đại Mạng Lịnh, môn đồ hóa những người Chúa đang đem đến gần chúng ta.

Bạn muốn góp phần xây dựng thêm những Trung Tâm Đào Tạo Môn Đồ Chúa giữa các cộng đồng người Việt trên thế giới không? Xin hãy cầu nguyện Chúa dẫn dắt và liên lạc với chúng tôi.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Giám Đốc
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

Các Website:

https://daotaomondo.com
http://huongdi.today

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn