Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Rô-bô-am Làm Điều Ác

Rô-bô-am Làm Điều Ác

Rô-bô-am làm điều ác, vì không rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va.

2 Sử ký 12:14

Khi tìm hiểu về lịch sử nước Anh, bạn sẽ sớm nhận ra nhiều vị vua không chỉ có một con số gắn liền với tên mà họ còn có biệt danh. Richard đệ nhất còn được gọi là Richard Dũng Cảm, và William đệ nhất thì có biệt danh là William Nhà chinh phạt. Bạn nghe nói về Edward Tử vì đạo, Edward Người bị đày ải, và Edward Người xưng tội. Tuy nhiên, nhà vua mà tôi  chú ý đến đó là Ethelred đệ nhị, người đã cai trị Anh Quốc từ năm 978 – 1016 và được gọi là Ethelred Người Chưa sẵn Sàng. Từ “chưa sẵn sàng” này được dịch từ chữ redeles trong tiếng Anglo-Saxon có nghĩa là “không có sự cố vấn.” (Từ “ready” – sẵn sàng – trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ rede.) Khi người Đan Mạch tấn công nước Anh, Ethelred đã không lắng nghe lời cố vấn từ những nhà quý tộc mà quyết định mặc cả với kẻ thù. Ông đã lập ra một loại thuế mới tại Nước Anh để bóc lột dân chúng và mua chuộc người Đan Mạch. Nhưng sự việc không thành. Các nhà quý tộc hai lần từ bỏ nhà vua, và cuối cùng, người Đan Mạch xâm chiếm đất nước. Đáng lý Ethelred phải lắng nghe những cố vấn của mình để trở thành Ethelred Người sẵn sàng.

Câu chuyện lịch sử này khiến tôi nhớ đến vua Rô-bô-am, con Sa-lô-môn và cháu Đa-vít. Ông cũng là người đã bác bỏ lời khuyên của các trưởng lão mà lấy trộm các tài vật từ trong đền thờ của Đức Chúa Trời để mua chuộc Si-sắc, vua Ai Cập. Tôi không biết Rô-bô-am đã làm gì trong những năm tháng vua cha Sa-lô-môn đang trị vì, nhưng đến khi lên ngai, Rô-bô-am đã không được chuẩn bị và không biết đưa ra các quyết định đúng đắn. Ông chính là Rô-bô-am Không Có cố vấn.

Với những trải nghiệm của “Rô-bô-am Không Có cố vấn” chúng ta hãy cùng xác định những điều cốt yếu cho sự lãnh đạo hiệu quả. Làm thế nào để trở nên một người sẵn sàng để Chúa sử dụng?

TÌM KIẾM CHÚA

Trước giả sách Sử ký đã khẳng định Rô-bô-am “không rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử ký 12:14). Tìm cầu Chúa nghĩa là tin cậy Chúa, mong muốn có mối tương giao với Chúa và làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự. Điều này đòi hỏi phải có sự cầu nguyện, sự thờ phượng và suy ngẫm Lời Chúa. Nghĩa là chúng ta đói khát Chúa như khi chúng ta đói khát thức ăn và nước uống. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến sự vâng phục và trải nghiệm cá nhân với Chúa một cách liên tục, khiến Chúa có thể uốn nắn và dẫn dắt chúng ta.

Khi đem hòm giao ước trở về Giê-ru-sa-lem, Đa-vít đã viết một Thi thiên đặc biệt để cảm tạ Đức Chúa Trời về sự kiện này. Bài thánh thi được chép lại trong 1 Sử ký 16 có đoạn: “Hãy lấy danh thánh Ngài làm vinh; phàm ai tìm cầu Đức Giê-hô-va, khá vui lòng!  Phải tìm cầu Đức Giê-hô-va và sức mạnh Ngài, phải tìm mặt Ngài luôn luôn” (c. 10-11). Khi chuẩn bị cho Sa-lô-môn kế vị ngai vàng, Đa-vít đã nói rằng: “Vậy bây giờ, hãy hết lòng hết ý tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (1 Sử ký 22:19). Đã có ai dạy cho Rô-bô-am biết về những sự kiện trên không? Đã có ai cố gắng dạy dỗ Rô-bô-am và nhận thấy ông không sẵn lòng lắng nghe? “Người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” Đã bao giờ Rô-bô-am từng đọc những lời của Đa-vít trong Thi thiên 34:10?

Một người tìm cầu Chúa nghĩa là họ phải hướng lòng về Chúa và không hai lòng. Động từ “tìm cầu” trong 2 Sử ký 12:14 nghĩa là cố định, xác định, không phải là sự dao động. Đa-vít đã viết rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc; Tôi sẽ hát, phải, linh hồn tôi sẽ hát ngợi khen. (Thi thiên 108:1). Sa-lô-môn biết những bài học cá nhân mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ cho Đa-vít bởi vì Đa-vít đã kể lại cho ông (1 Sử ký 28; 1 Các vua 8:15-21), nhưng đã có ai kể cho Rô-bô-am về di sản thuộc linh đồ sộ này? Mẹ của Rô-bô-am là một người Am-môn (1 Các vua 14:21, 31), bà có lẽ là một trong số các “bà vợ ngoại giao” của Sa-lô-môn, và có lẽ bà đã góp phần đẩy Sa-lô-môn vào việc thờ lạy hình tượng. Có lẽ Sa-lô-môn đã quá bận rộn với tất cả dự án và công việc nên không thể chuẩn bị con trai mình cho sự lãnh đạo. Song không nghi ngờ gì, đứa con này đã dành nhiều thời gian ở với người mẹ của mình. Bà có thể dạy cho con mình được điều gì tốt đẹp?

Người lãnh đạo phải là người rất nổi tiếng của công chúng, tuy nhiên điều quan trọng nhất trong đời sống người đó là Đức Chúa Trời nhìn thấy những gì. Và những điều Chúa mong muốn nhìn thấy thì Rô-bô-am không có. Quốc gia thay đổi, người lãnh đạo thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, nhưng Đức Chúa Trời muôn đời không bao giờ thay đổi và Ngài muốn dân sự Ngài học biết: “từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi” (Thi thiên 90:1).

VÂNG THEO Ý MUỐN CHÚA

Theo tục lệ, vị vua mới của Y-sơ-ra-ên sẽ nhắc lại giao ước với Chúa và dân sự trong lễ đăng quang, ông hứa sẽ trung tín vâng theo luật pháp Chúa và phục vụ quốc gia. Sa-lô-môn được xức dầu làm vua tại Ghi-hôn trên núi Si-ôn, tuy nhiên vì biết đất nước có sự chia rẽ, Rô-bô-am chọn đi đến Si-chem trong chi phái Ép-ra-im. Hành động này sẽ làm hài lòng mười chi phái phía bắc là những người đã mất bảy năm mới có thể chấp nhận Đa-vít, và giờ đây dưới sự dẫn dắt của Giê-rô-bô-am, họ đang đứng lên phản kháng chế độ cai trị nặng nề của Sa-lô-môn (1 Các vua 11:26-40). Dân sự đang đứng bên bờ vực của một cuộc khởi nghĩa để thành lập một vương quốc mới, ứng nghiệm lời tiên tri của A-hi-gia. Từ Ai Cập, Giê-rô-bô-am trở về để xin vua giảm bớt gánh nặng thuế khóa, nghĩa vụ lao động và nghĩa vụ cung cấp lương thực cho hoàng tộc và ngựa của nhà vua. Rô-bô-am lắng nghe và hứa sẽ trả lời trong ba ngày. Phải chi ông tìm cầu Chúa, chắc hẳn ông đã có câu trả lời đúng đắn cho dân sự.

Vị vua mới cầu hỏi ý kiến của các quan chức trong cung, họ là những trưởng lão biết rõ các công việc quản trị nội bộ của vua Sa-lô-môn. Chúng ta có thể thấy nội các của Sa-lô-môn trước đây có sự chuẩn bị để làm việc với vị vua mới. Tuy nhiên, Rô-bô-am thay đổi cung cách làm việc. Thay vì nghe theo các trưởng lão, nhà vua đã quay lưng lại với họ. Ông muốn nghe các lời nói hợp với lỗ tai của mình từ những người trẻ tuổi.

Tôi có ấn tượng rằng Rô-bô-am dành nhiều thời gian chơi đùa cùng các bạn trẻ của mình hơn là dành thời gian học hỏi từ các trưởng lão khôn ngoan của đất nước. Đây không phải là vấn đề hai thế hệ khác nhau, nhưng chính là vấn đề thuộc linh. Tuổi tác không đảm bảo cho sự khôn ngoan, nhưng tuổi trẻ cũng không đồng nghĩa với sự ngu ngốc. Giô-sép, Đa-vít, Đa-ni-ên và những người bạn của ông là những người đã có những quyết định khôn ngoan khi còn trẻ. “Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên dại sẽ bị tàn hại” (Châm ngôn 13:20). “Hãy nghe lời khuyên dạy, và tiếp nhận sự giáo hối, để con được khôn ngoan trong lúc cuối cùng” (Châm ngôn 19:20). Những nguyên tắc trong Kinh Thánh không hề lỗi thời và hoàn toàn đúng đắn với mọi thế hệ, tuy nhiên Rô-bô-am đã phớt lờ.

CHĂM LO CHO DÂN SỰ CHÚA

Ba ngày sau, các phái đoàn đến gặp vua, Rô-bô-am chỉ quan tâm đến việc họ tôn trọng thẩm quyền và chấp nhận quyết định của vua. Ông quên (hoặc chưa từng học được) rằng lãnh đạo hiệu quả cần có tầm vóc lẫn thẩm quyền, còn Rô-bô-am chỉ là một người nhỏ bé, không phải là người khổng lồ. Đa-vít, ông nội của Rô-bô-am, đã đánh bại nhiều kẻ thù và chiếm được tấm lòng của dân sự, và thậm chí Sa-lô-môn cũng được cả đất nước tôn trọng vì sự khôn ngoan và những thành tựu ông đạt được, thế còn Rô-bô-am là ai? Thậm chí ông còn không có tiếng nói bởi vì ông chỉ là tiếng vọng của những người bạn mình. Vị vua này nghĩ rằng chế độ độc tài chuyên chính sẽ làm dân sự ấn tượng, nhưng không, chúng chỉ khiến họ thêm chống đối. Chẳng phải Sa-lô-môn đã từng viết về những lời nói khắc nghiệt sao? “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm ngôn 15:1). “Lời của miệng người khôn ngoan có ơn; nhưng môi của kẻ khờ dại lại nuốt lấy nó” (Truyền đạo 10:12).

Đa-vít nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên như một đàn chiên, và người chăn thì không đánh đuổi, cũng không đánh chiên bằng roi. Ông yêu thương và dẫn dắt dân sự. Sa-lô-môn cũng bắt đầu triều đại của mình bằng thái độ trên, nhưng sau khi hoàn thành đền thờ, thái độ của ông thay đổi, nhà vua bắt đầu “sử dụng” dân sự để hoàn thành những kế hoạch của mình. Tệ hơn nữa, Rô-bô-am đã không bắt chước tấm gương của ông nội mình.

Các trưởng lão đã cố vấn cho Rô-bô-am trở nên một người phục vụ (1 Các vua 12:7), nhưng nhà vua muốn người dân phục vụ hơn, còn mình thì chỉ đạo. Khi Con Trời đến thế gian, Ngài đã đến như một tôi tớ và Ngài đã làm gương cho chúng ta noi theo (Phi-líp 2:1-10). Khi chúng ta phục vụ cho một người nhỏ nhất cũng có nghĩa là chúng ta đang phục vụ Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46). Trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta lãnh đạo bằng sự phục vụ và nhận lãnh bằng sự ban cho. Thế gian không hiểu điều này, nhiều người tuyên xưng là người tin Chúa cũng phớt lờ, nhưng đây vẫn luôn là phương cách mà Đức Chúa Trời hành động. Rô-bô-am không phục vụ dân sự nên hậu quả là ông phải hầu việc cho vua Ai Cập mà thậm chí ông phải trả tiền cho vua Ai Cập để được làm điều đó!

HÃY NHỚ SỨ MẠNG CỦA MÌNH

Đức Chúa Trời lựa chọn dân tộc Do Thái để trở nên đầy tớ của Ngài giúp đem lẽ thật vào thế gian – lẽ thật về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, lẽ thật Kinh Thánh, và Đấng Mê-si chính là lẽ thật. Mỗi một đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho dân tộc này chính là cách thức trong ân sủng Chúa để giúp họ hoàn thành trách nhiệm của mình. Họ là một dân biệt riêng khỏi thế gian và thậm chí bị thế gian bắt bớ, nhưng họ có một sứ mệnh quan trọng. Mỗi khi quên đi sự kêu gọi lớn và thánh, người lãnh đạo đất nước đã khiến cho chính mình và dân sự của ông lâm vào khủng hoảng, và Đức Chúa Trời buộc phải trừng phạt họ.

Ngài đã trừng phạt Rô-bô-am. Khi Rô-bô-am sai A-đô-ram, một quan chức lớn tuổi nhất và đáng tin cậy nhất của mình đi đàm phán với Giê-rô-bô-am và dân sự của ông, họ đã ném đá A-đô-ram đến chết, và đây chính là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng đang nổ ra. Như lời tiên tri A-hi-gia đã báo trước, đất nước bị chia cắt thành vương quốc Giu-đa và Bên-gia-min ở phía nam (1 Các vua 12:23) và vương quốc phía bắc bao gồm mười chi phái còn lại. Lẽ ra Rô-bô-am đã làm vua của một đất nước vĩ đại, nhưng kết cuộc, ông chỉ cai trị hai chi phái. Lẽ ra đất nước đã có được hòa bình, nhưng kể từ đó trở đi, giữa Y-sơ-ra-ên và Giu-đa luôn xảy ra chiến tranh và tranh chấp biên giới (1 Các vua 14:30).

Vương quốc Giu-đa có đền thờ và chức vụ tế lễ của người Lê-vi, tuy nhiên Rô-bô-am cũng cho phép dân sự lập các hình tượng ngoại giáo và ông thậm chí đã đến các nơi cao cùng với các người nam mại dâm phục vụ trong đền miếu (1 Các vua 14:22-24). Đến đây, chúng ta có nhìn thấy ảnh hưởng từ người mẹ ngoại bang của vua không? Năm thứ năm đời trị vì của vua Rô-bô-am, Chúa sai vua Ai Cập đến xâm lược và cướp đi những vật báu từ trong đền thờ, trong đó có các tấm khiên bằng vàng rất đắt giá của vua Sa-lô-môn (1 Các vua 10:16-17; 14:25-28). Sự việc này xảy ra không khiến cho Rô-bô-am hạ mình, ông không có điều gì thay đổi. Háo hức muốn giữ thể diện, Rô-bô-am đã dùng các khiên bằng đồng để thay thế cho các khiên đã mất, những lính bảo vệ sẽ vác các khiên này khi vua vào đền thờ. Dần dần, mọi thứ trong vương quốc trở nên mất giá trị, và chỉ bởi giao ước giữa Đức Chúa Trời với Đa-vít mà Ngài không tận diệt vương quốc này.

Qua đây, có một thông điệp gửi đến cho Hội Thánh ngày nay. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sứ mệnh đặc biệt đó là đem tin mừng của Đức Chúa Giê-su Christ đến với thế giới hư mất, và những người lãnh đạo cần phải làm gương và khích lệ dân sự noi theo. Khi Hội Thánh trở nên giống như thế gian thì không thể đến với thế gian cách hiệu quả được. Phải chăng chúng ta vẫn còn những tấm khiên bằng vàng, hay các khiên ấy được làm từ đồng thau hoặc giấy? Phải chăng chúng ta chỉ giữ thể diện của mình?

Rô-bô-am là thế hệ thứ ba bắt đầu từ Đa-vít, nhà sáng lập vương triều lẫn vương quốc, nhưng thường thì thế hệ này chính là thế hệ làm cho mọi thứ sụp đổ. Tôi đã nhìn thấy điều này xảy ra nơi thương trường, các mục vụ liên hệ phái, các tổ chức tình nguyện, và đặc biệt là ở các Hội Thánh. Đây chính là thế hệ người Do Thái thứ ba kể từ cuộc chinh phục xứ Ca-na-an (Các quan xét 2:6-15) cũng như là thế hệ thứ ba trong vương triều của nhà Đa-vít. Đã có nhiều Hội Thánh và các mục vụ liên hệ phái bắt đầu sụp đổ kể từ thế hệ lãnh đạo thứ ba. Nếu chúng ta không vâng lời dạy trong 2 Ti-mô-thê 2:2, điều này sẽ tiếp tục xảy ra: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào sự lãnh đạo, và người lãnh đạo cần được trang bị để lãnh đạo.

Sa-lô-môn viết trong Truyền đạo 2:18-19 rằng: “Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn ngoan hay là ngu dại?” Chúng ta biết rằng người con của Sa-lô-môn là ngu dại – và chúng ta cũng nên lưu ý không noi gương xấu của Rô-bô-am. Nếu chúng ta không biết về quá khứ và hiểu về thực tại thì chúng ta không thể lãnh đạo con người đi vào tương lai.

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn