Công. 23:8 “Vì chưng người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ, thần chi hết, còn người Pha-ri-si lại nhận cả hai điều tin ấy”.
Mat 23:13 “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở”.
PHE PHA RI SI:
Người ta cho rằng phe Pha-ri-si phát sinh từ thế kỷ thứ 3 T.C., trước cuộc khởi nghĩa của Macchabées. Khi xứ Do-thái ở dưới quyền cai trị của Hy-lạp và người Hy-lạp cố gắng Hy-lạp hóa người Do-thái, thì giữa vòng người Do-thái có một khuynh hướng mạnh mẽ muốn tiếp nhận văn hóa Hy-lạp cùng những tập tục tôn giáo thờ hình tượng của họ.
Sự dấy lên của phe Pha-ri-si là một phản ứng và phản kháng khuynh hướng nầy giữa vòng đồng bào Do-thái. Mục đích của họ là bảo tồn sự toàn vẹn quốc gia và sự tuyệt đối tuân theo luật pháp Môi-se. Vậy, phe Pha-ri-si phát sinh từ lòng ái quốc nồng nhiệt và mộ đạo, nhưng sau đã biến thành một phe chú trọng nghi thức, cậy công bình riêng và giả hình. (Xem thêm Ma-thi-ơ đoạn 23).
PHE SA ĐU SÊ:
Người ta cho rằng phe Sa-đu-sê phát sinh cùng một lúc với phe Pha-ri-si. Bị những nhận xét trần tục hướng dẫn, họ thuận theo tập tục Hy-lạp, và đứng chung cương vị với các người theo văn hóa Hy-lạp. Họ không dự phần cuộc khởi nghĩa của Macchabées để giành tự do cho dân tộc.
Họ thuộc về đoàn thầy tế lễ, và dầu là phẩm chức tôn giáo của quốc gia, nhưng họ thẳng thắn và công nhiên vô tôn giáo. Họ không đông lắm, nhưng giàu và có thế lực. Dầu duy lý và có tinh thần thế gian, nhưng họ lại kiểm soát tòa Công luận rất chặt chẽ.
(Tòa Công luận: Là cơ quan được thừa nhận cầm đầu dân Do-thái đương thời Đấng Christ. Người ta cho rằng nó có từ thế kỷ thứ 3 T.C.. Nó gồm 70 nhân viên, phần nhiều là thầy tế lễ và quí nhân thuộc phe Sa-đu-sê, vài người thuộc phe Pha-ri-si, vài thầy thông giáo, một số trưởng lão (của chi phái hoặc của gia tộc). Tòa Công luận do thầy tế lễ thượng phẩm chủ tọa, và mất đi khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, năm 70 S.C..)
CÁC THẦY THÔNG GIÁO:
Các thầy thông giáo là người chép Kinh Thánh. Đây là một chức nghiệp có từ thời rất xưa, và rất quan trọng đương lúc chưa có máy in. Người ta cho rằng họ bắt đầu xuất hiện đương lúc dân bị lưu đày và hợp thành một đoàn thể có tổ chức chính thức. Công việc của họ là kê cứu, giải thích và biên chép Kinh Thánh.
Vì họ hiểu biết luật pháp tỉ mỉ, nên cũng được gọi là thầy dạy luật (luật sư), và được thừa nhận là người có thẩm quyền. Các quyết định của thầy thông giáo trở thành luật pháp truyền bằng miệng, tức là “lời truyền khẩu” . Đương thời của Macchabées, họ đông lắm và rất có thế lực trong vòng dân chúng.
SƯU TẦM