Còn hai tháng nữa là tròn hai năm nó xa nhà, xa quê hương. Đây là lần đầu tiên trong đời nó xa gia đình lâu như vậy. Nhớ ngày còn ở Sài Gòn, hai ba tuần nó lại về quê thăm ba mẹ nó. Nhưng giờ đây nó muốn về thăm, đó là một hành trình dài… nửa vòng trái đất…
Giờ này chắc ba mẹ và anh chị nó đang an giấc. Nó cầu nguyện Chúa cho họ có một giấc ngủ ngon và bình an trong Chúa.
Ngày nó chuẩn bị đi xa, nó gọi cho cậu nó và chào tạm biệt. Cậu nó hỏi: “Con đi học gì bên đó?” Con học nâng cao chuyên môn của con à? “Không, thưa cậu. Con đi học Thánh Kinh.” Cậu nó vô cùng ngạc nhiên. Đúng thôi, ngay chính nó, nó cũng không tưởng tượng được một ngày nó quyết định rời xa quê hương, đến một nơi mà cách quê nó hơn nửa vòng trái đất để mà học, học về lời Chúa chứ không phải về chuyên ngành mà nó đam mê từ thời niên thiếu. Tận trong lòng nó, từ nhỏ nó nghĩ sẽ hầu việc Chúa bằng cách dâng tài chính cho công việc Chúa chứ chưa bao giờ nó muốn đi học trường kinh thánh để trở thành nhà truyền giáo, mục sư như ông bà, các cậu và anh em họ của nó.
Nó lớn lên trong một vùng quê nghèo, lớn lên trong cái thời mà cơm không đủ ăn, gạo phải mua từng ký một. Ba mẹ nó vất vả đi làm thuê cho người ta để nuôi ba chị em nó mà vẫn không đủ ăn. Mỗi lần đi mua gạo, nó phải cầm theo cuốn sổ cho người ta ghi nợ vào đó, cuối năm ba mẹ nó bán được con heo mới trả hết được nợ, tiền dư được chỉ đủ mua một con heo con để nuôi tiếp và cỡ một ký thịt ba rọi (loại mà mở nhiều hơn thịt). Hồi đó được ăn miếng thịt ba rọi đó giống như nó được ăn đại tiệc vậy. Năm này qua năm khác, tuổi thơ nó lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất nhưng tình thương ba me dành cho chị em nó thì luôn đầy. Nhà có mỗi một chiếc xe đạp đòn dong, loại xe dành cho nam, có một thanh ngang (đòn dong) phía trước. Đó là chiếc xe mà ba mẹ nó chở nó đi nhà thờ mỗi tuần. Mẹ nó ngồi đằng sau, nó ngồi trên “đòn dong” của xe đạp, có hôm tê chân, rớt chiếc dép hồi nào không hay, ba mẹ nó phải đạp xe vòng lại để tìm. Anh chị nó lớn hơn thì ba mẹ không chở đi cùng được, thường là phải đi bộ đến nhà thờ, đoạn đường khoảng chừng hai cây số. Thỉnh thoảng nó xin ba mẹ cho đi bộ cùng anh chị nó, tuy nắng hơi mệt nhưng rất vui.
Tuổi thơ nó là buổi sáng đến trường, chiều về lấy mấy cái gió, cái lờ ra bờ ao, hoặc các con rạch nhỏ để bắt cá tép cho bữa cơm chiều.Tuổi thơ nó là những buổi tối ngồi bên cây đèn dầu ( loại đèn ba nó làm từ hủ chao đã ăn xong, gắn tim đèn vào, đốt bằng dầu lửa) để học bài chuẩn bị cho ngày mai đến trường. Sau chiến tranh, nhà nó trở nên rất rất nghèo. Ba mẹ nó, ngày xưa ngồi bàn giấy làm việc, giờ nai lưng trần ra đi làm thuê, làm mướn để nuôi con. Nghĩ lại nó thương và phục ba má nó lắm. Có hôm ba nó phải dậy sớm khoảng bốn năm giờ sáng để đi chài bắt cá tép cho nó và anh chị nó có bữa cơm ngon. Điều duy nhất nó luôn nằm lòng lời dạy của ba má nó đó là phải học để nên người, cho bằng chị bằng em và phải luôn biết nhờ cậy Chúa.
Nó lớn lên trong nghèo khó, nó thèm cuộc sống sung túc giàu sang như gia đình những đứa bạn nó. Bởi vậy nó cố mà học, cho tương lai nó và gia đình nó. Ước mơ cháy bỏng của nó là học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để giúp ba mẹ nó thoát khỏi cảnh nghèo. Nó ước mơ vào ngành kinh tế, và Chúa đã cho nó toại nguyện. Bốn năm miệt mài đèn sách cũng xong. Nó đi làm, thu nhập của nó, khối bạn cùng trang lứa ước ao. Công ty nó làm, đó là mơ ước của nhiều sinh viên sau khi ra trường. Nhà nó giờ không còn nghèo như xưa. Không thể nói là giàu nhưng đó là cuộc sống mà có nằm mơ, hai mươi năm về trước nó cũng không dám tưởng tượng ra. Nó lại miệt mài đèn sách, kiếm thêm bằng cấp, học vị. Ngày đi làm, tối đến trường. Cuối tuần thì la cà cùng đám bạn, đi shopping… Cuộc sống của nó bây giờ có khối người mơ ước. Vậy mà nó thấy thiếu thiếu cái gì đó, nó tự hỏi nhưng nó không trả lời được. Đôi lúc nó tự hỏi: “Người ta sống làm gì? Sinh ra, lớn lên, đi làm, kiếm tiền, chi xài, hết tiền lại đi làm tiếp, lập gia đình, sinh con rồi cái vòng lẩn quẩn ấy lại tiếp tục?” Nó biết, sau khi xong đời này, chỗ của nó là Thiên Đàng. Nó chắc chắn vậy nhưng trong lòng nó vẫn còn những thắc mắc với những câu hỏi mà nó chưa có lời giải đáp.
Một ngày nọ, Chúa nhắc nhở nó về việc học Thánh Kinh. Ừ, lâu rồi, kể từ ngày nó ra trường, bận túi bụi với viêc cơ quan, học hành nâng cao bằng cấp, thời gian riêng tư học Thánh Kinh, tương giao với Chúa, nó đã bỏ qua. Có chăng là trước khi đi ngủ nó thưa chuyện với Chúa vài câu, chưa đầy năm phút nó đã lo đi ngủ. Sáng dậy, nó lật đật cầu nguyện với Chúa, xin Chúa chúc phước cho nó trong ngày mới, dăm ba câu, chưa đầy năm phút, nó đã lo chạy cho kịp giờ làm. Đọc Thánh Kinh, thỉnh thoảng nó mở ra, đọc vài ba đoạn rồi thôi. Ba mươi tuổi đời, quyển Thánh Kinh nhỏ xíu như vậy, nó chưa từng đọc xong. Còn sách vở nó học, nó không nhớ nổi nó đã học và đọc xong bao nhiêu quyển. Nó tự hỏi trong lòng rằng tại sao nó cố gắng học cho nhiều để lấy thật nhiều bằng cấp có thể, đọc cho thật nhiều sách để có thật nhiều kiến thức càng tốt nhưng tại sao lời Chúa không còn là khao khát nó muốn học như thời niên thiếu, tại sao quyển Kinh Thánh nhỏ vậy mà nó chưa đọc xong?
Thế là nó cầu nguyện xin Chúa mở đường cho nó để nó có thể học biết về Ngài nhiều hơn. Nó nộp hồ sơ vào một trường Thần Học. Sau một thời gian dài chờ đợi, cầu nguyện, nó nhận được thông báo rằng nó được cấp học bổng toàn phần. Niềm vui trong nó dâng trào … Nhưng sau đó, hàng tá câu hỏi nảy ra trong đầu nó: nếu nó đi học, đồng nghĩa với việc nó phải từ bỏ công việc hiện tại mà nó yêu thích? Nếu nó đi học, nó phải xa gia đình? Nếu nó đi học, bạn bè đồng nghiệp nó sẽ vượt xa nó trong nghề nghiệp? Nếu nó đi học trường Thần Học , sau khi ra trường nó sẽ làm gì? Nó thấy con người mình thật mâu thuẫn, lúc cầu nguyện thì ao ước có được nhưng khi được Chúa đáp lời rồi, nó lại lo lắng, toan tính theo ý riêng mình.
Đất nước mà nó sắp đến để học, đó là miền đất hứa của nhiều người. Biết nó có cơ hội để đi đến đó học, mọi người cứ thúc giục nó đi. Nhưng tận trong lòng , nó vẫn còn lưỡng lự. Nó đã xin Chúa cho nó đi học nước ngoài về Thánh Kinh. Giờ Chúa đã đáp lời nó. Nó lại lưỡng lự. Đúng là bản chất của con người không khi nào đồng ý với hiện tại của mình. Và rồi nó cũng làm hồ sơ xin visa để đi học. Nhưng trong lòng nó vẫn suy nghĩ rằng, đi cũng được, không đi cũng được. Chẳng sao. Và nó đi phỏng vấn. Người ta không cấp cho nó visa. Không sao, nó lại về với công việc của nó, niềm đam mê của nó và là mơ ước của nhiều người. Nó quyết định từ bỏ ý định đi du học. Cả gia đình nó khuyên nó đi phỏng vấn lại. Nó nói không. Cuộc sống nó như vậy cũng tạm ổn rồi. Tới miền đất mới, học cái mà sau khi nó lấy bằng về chẳng làm cho thu nhập của nó cao hơn thì có ích gì. Nó nghĩ vậy. Lời cầu nguyện mà nó xin, Chúa đã đáp lời, giờ đây nó không còn thích nữa. Nó quyết định từ bỏ, nhưng nó không tìm được sự bình an trong quyết định của mình. Đi hay ở? Học hay không? Những câu hỏi đó cứ lẩn quẩn trong đầu nó. Và nó cầu nguyện: “Chúa ơi,nếu Ngài thật sự muốn cho con đi học, xin Ngài cho con thấy ý muốn của Ngài một lần nữa.” Những ngày đó là vào mùa mưa, ngày nào nó bước ra khỏi cơ quan để chạy xe máy về nhà, nó đều bị ướt nhèm mặc dù nó có bận áo mưa. Nó cầu nguyện Chúa: “Nếu là ý Chúa muốn con đi học, xin Chúa cho con năm ngày không mưa liên tục, con sẽ đi phỏng vấn xin visa lại.” Và Chúa đã cho năm ngày không mưa. Ngày nó đi phỏng vấn, nhân viên đại sứ quán ký giấy cấp visa cho nó mà anh ta lắc đầu. Nó hiểu cái lắc đầu của anh ta, anh ta không hiểu vì sao anh ta lại cấp visa cho nó, với điều kiện và hoàn cảnh như nó, khó mà xin được visa. Nhưng nó hiểu anh ta cấp visa cho nó vì Chúa bảo anh ta phải làm vậy. Nhận kết quả phỏng vấn visa, nó bước ra khỏi cửa văn phòng lãnh sự quán, trời mưa tầm tã… Chúa nhắc nó về lời cầu nguyện năm ngày không mưa và ý muốn của Ngài cho nó đi học.
Hai năm, không dài với một đời người nhưng đó là hai năm đáng giá nhất trong cuộc đời theo Chúa của nó cho đến nay. Nó học biết Chúa nhiều hơn. Nó khám phá được nó là ai trong Chúa một cách trọn vẹn hơn. Nó hiểu được trách nhiệm của một Cơ Đốc Nhân là gì một cách rõ ràng hơn, riêng tư hơn. Lời cầu nguyện của nó bây giờ không chỉ dành cho bản thân nó, gia đình nó và những người nó yêu thương nhưng trong đó còn có những lời cầu nguyện dành cho tha nhân, dành cho những linh hồn đang lạc mất… Nó biết học biết về Chúa như thế chưa đủ, chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình. Nó còn sẽ học và đeo đuổi Ngài cả cuộc đời nó , cho đến ngày nó trở về nhà Cha nó, thiên đàng. Nó chưa biết sẽ làm gì sau khi ra trường nhưng nó biết chắc một điều là Ngài vui lòng sử dụng nó cho vương quốc của Ngài và nó sẵn sàng vâng lời khi Chúa gọi nó đi.
Viết từ Dallas
TULIP