Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Vào một ngày tháng mười một nóng bức, tôi ngồi giữa khung cảnh Châu Phi rộng lớn, hớp ngụm trà nóng cùng một người bạn tên Bullen. Xung quanh chúng tôi là những tòa nhà bị hư hại tại một vùng đất bị tàn phá bởi cuộc nội chiến suốt hai mươi năm. Tại Sudan, nơi đây trước kia từng rất thịnh vượng thì giờ đây chỉ còn héo úa và buồn thảm. Hàng nghìn Cơ đốc nhân đã mất dưới tay chế độ chiến binh Hồi Giáo. Họ là những anh chị em của Bullen và cũng là anh chị em của tôi nữa.

Bullen mất gia đình từ nhỏ và tự lớn lên tại Sudan. Nhưng khi nhìn vào gương mặt ngâm đen mảnh khảnh của anh ngày hôm đó, đập vào tôi là nụ cười tỏa sáng mỗi khi anh nói khiến người khác cũng nở theo nụ cười.

Chúng tôi nói về câu chuyện Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống của Bullen như thế nào, làm thế nào Ngài đã đem anh đến với niềm tin nơi Đấng Christ khi mà anh đã hoàn toàn đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Chúng tôi nói về những công việc Chúa và về kế hoạch mà Ngài dành cho tương lai của chúng tôi. Giữa cuộc nói chuyện, Bullen hạ tách trà nóng xuống từ miệng, nhìn vào mắt tôi và nói: “Thưa mục sư David, tôi sẽ ảnh hưởng thế giới.”

Một tuyên bố thật thú vị. Anh là một chàng trai sống ở bụi rậm Châu Phi và gần như chẳng có nguồn lực nào. Một người chưa từng được thấy thế giới xa hơn những ngôi làng xung quanh anh ta. Một người với vẻ bề ngoài chẳng có nhiều hy vọng rằng anh ta có thể thay đổi số phận đời mình.

Tôi hỏi: “Bullen, anh sẽ ảnh hưởng thế giới như thế nào?”

Anh đáp: “Tôi sẽ khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.”

“Vậy anh sẽ ảnh hưởng thế giới bằng cách khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.”

Nụ cười nở rộng trên gương mặt anh. “Tại sao không?” anh hỏi. Rồi anh tiếp tục hớp ngụm trà.

Tôi không bao giờ quên câu hỏi ấy.

Tại sao không?

Đêm hôm ấy khi ngã lưng trong túp lều vách đất mái lá, tôi không thể xua đi câu hỏi của Bullen. Anh ấy đã hỏi với một niềm đam mê đầy thuộc linh và cũng đầy ngây thơ. Anh không chỉ đủ lạc quan để nghĩ rằng anh ta có thể ảnh hưởng thế giới, nhưng anh cũng có đủ niềm tin để biết phải làm điều đó như thế nào. Anh thật sự tin rằng khi vâng mệnh lệnh đào tạo môn đồ mà Đức Chúa Giê-su đã truyền thì anh sẽ ảnh hưởng được thế giới.

Trong chương này tôi xin khẳng định rằng kế hoạch cuộc đời của Bullen cũng chính là kế hoạch mà Đức Chúa Giê-su muốn dành cho mỗi một chúng ta. Bất kể chúng ta đang sống ở quốc gia nào, có những kỹ năng gì, được hưởng nền giáo dục ra sao, hoặc có bao nhiêu thu nhập, Đức Chúa Giê-su đều truyền cho tất cả chúng ta phải đào tạo môn đồ, và đây chính là phương cách để chúng ta ảnh hưởng thế giới. Thật vậy, Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cùng tham gia với Ngài trong một cuộc hành trình rất đơn giản đó là chia sẻ phúc âm cho mọi nước bằng cách sống cuộc sống vì sự tốt lành cho người khác và vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

 

Bước tiếp theo

Trong chương sách trước, chúng ta thấy rằng cần phải liên kết phước hạnh với mục đích của Đức Chúa Trời. Tôi mang ơn các cố vấn, các đồng sự, các mục sư và các tác giả đã giúp tôi nhận ra bản tính của Đức Chúa Trời là tập trung vào chính Ngài.

Đồng thời tôi cảm thấy lo lắng khi Cơ đốc giáo đương đại đang phớt lờ bước tiếp theo. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta để mọi nước sẽ biết đến sự vinh quang của Ngài. Tuy nhiên câu hỏi vô cùng quan trọng vẫn còn lại đây. Làm thế nào chúng ta khiến cho mọi nước biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời? Nếu Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta có ân điển để chúng ta đem phúc âm đến tận cùng trái đất, vậy làm thế nào chúng ta làm được điều đó? Có phải chúng ta bước ra đường và công bố sự vinh quang của Đức Chúa Trời? Phải chăng tất cả chúng ta đều cần phải đi đến các quốc gia khác? Nếu đi, chúng ta sẽ làm gì khi đến nơi? Quyển sách này có ý nghĩa gì với cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

Về việc này, Đức Chúa Giê-su có rất nhiều điều dạy dỗ cho chúng ta. Nếu chúng ta từ bỏ chính mình để dấn thân vào công tác đem phúc âm đến thế giới, rất có thể ngay lập tức chúng ta sẽ lập ra các chiến lược mang tính đổi mới và các kế hoạch tỉ mỉ. Rất có thể chúng ta sẽ tổ chức các hội nghị, phát triển các chương trình, và sáng lập các quỹ. Rất có thể chúng ta sẽ mời những nhân vật nổi tiếng để thu hút đám đông đến với các sự kiện lớn. Có lẽ chúng ta sẽ thành lập các hội thánh siêu lớn và chủ tọa các hội nghị siêu lớn. Có lẽ chúng ta sẽ… có lẽ chúng ta sẽ làm những việc mà chúng ta đang làm ngày nay.

Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su rất khác chúng ta. Với nhiệm vụ đem phúc âm đến thế giới, Đức Chúa Giê-su đã đi khắp các con đường Y-sơ-ra-ên để tìm kiếm một số ít những người nam. Xin đừng hiểu lầm tôi – Đức Chúa Giê-su không hề hững hờ với sứ mệnh của Ngài. Ngài đang khởi đầu một cuộc cách mạng, nhưng cuộc cách mạng ấy không tập trung vào số đông. Ngược lại cuộc cách mạng của Chúa tập trung vào một số người nam ít ỏi. Ngài không tập trung giành được một vị trí nào đó. Nhưng Ngài tập trung lựa chọn một số người ít ỏi. Trong kế hoạch thay đổi dòng lịch sử, Đức Chúa Giê-su cố ý tránh xa khỏi mọi danh hiệu, tước hiệu, sự tung hô và sự nổi danh. Tất cả những gì Chúa muốn đó là một số ít những người có cùng suy nghĩ với Ngài, có cùng tình yêu thương như Ngài, thấy những điều Ngài thấy, dạy dỗ như Ngài đã dạy và phục vụ như Ngài đã phục vụ. Tất cả những gì Ngài muốn là cách mạng hóa tấm lòng của một số ít người, và những người đó sẽ ảnh hưởng thế giới.

 

Ván cược lớn của Đức Chúa Giê-su

Hãy hình dung Đức Chúa Giê-su trước thời gian Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá. Khi cầu nguyện với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giê-su đã thuật lại chức vụ của Ngài ở trên đất. Ngài bắt đầu rằng: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.”[1] Kế đến Đức Chúa Giê-su kể về công việc của Ngài.

Điều bất ngờ là khi Đức Chúa Giê-su tóm tắt công tác của Ngài trên đất, Ngài đã không nhớ lại các bài giảng vĩ đại mà Ngài đã giảng cùng với tất cả những người đã đến để nghe Ngài. Đức Chúa Giê-su không nói về những phép lạ mà Ngài đã làm – khiến cho người mù được thấy, người què được đi và hóa thức ăn cho hàng nghìn người. Thậm chí Ngài đã không đề cập đến việc khiến người chết sống lại. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su liên tục nhắc đến nhóm nhỏ những người nam mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài từ giữa thế gian. Những con người này chính là công tác Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Giê-su. Thật vậy, họ chính là cuộc sống của Đức Chúa Giê-su.

Khi đọc Giăng 17, bạn sẽ nhận thấy Đức Chúa Giê-su đã yêu thương và đầu tư cho các môn đồ của Ngài như thế nào. Hãy suy nghĩ về lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su với Đức Chúa Cha về các môn đồ của Ngài:

  • “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian.”
  • “Phàm mọi điều thuộc về Con tức là thuộc về Cha, mọi điều thuộc về Cha tức là thuộc về Con, và Con nhân họ được tôn vinh.”
  • “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con.”
  • “Bây giờ Con về cùng Cha, và đương khi còn ở thế gian, Con nói những điều đó, hầu cho trong lòng họ được đầy dẫy sự vui mừng của Con.”
  • “Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.”[2]

Đức Chúa Giê-su đã sống vì các môn đồ. Trong thời gian chức vụ của Đức Chúa Giê-su trên đất, Ngài đã dành nhiều thời gian cho mười hai môn đồ hơn tất cả thời gian mà Ngài dành cho những người khác cộng lại. Nếu bạn thật sự suy nghĩ thì điều này rất đáng kinh ngạc. Vào thời gian cuối cùng Con Đức Chúa Trời ở trên đất, Ngài đã đánh cược tất cả vào mối quan hệ giữa Ngài với mười hai con người này. Thậm chí trong khi cầu nguyện, Đức Chúa Giê-su đã nhắc đến một người trong số các môn đồ (Giu-đa) đã bị thất lạc. Vậy giờ chỉ còn mười một người. Mười một người này chính là nhóm nhỏ chịu trách nhiệm tiếp nối tất cả chức vụ mà Đức Chúa Giê-su đã khởi đầu.

Sau lời cầu nguyện ở phòng cao, Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập tự giá. Ngài phục sinh từ phần mộ và hiện ra cho các môn đồ. Ma-thi-ơ 28 ghi lại một trong số những khoảnh khắc cuối cùng giữa Đức Chúa Giê-su và các môn đồ. Mười một môn đồ tụ tập xung quanh Ngài, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”[3]

Sau khi dành cả cuộc đời của Ngài với mười một con người, giờ đây Đức Chúa Giê-su phán với họ rằng: “Hãy ra đi và làm như thế cho những người khác.” Đây chính là chiến lược vĩ đại của Đức Chúa Giê-su: đào tạo môn đồ.

(Còn nữa)

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn