Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Chương Trình Của Chúa

Chương Trình Của Chúa

Tôi ngước mắt lên trên núi:
Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?
Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va,
Là Đấng đã dựng nên trời và đất. (Thi thên 121: 1-2)
Sau khi đọc xong Thi Thiên 121, Sa-ra gấp quyển Kinh Thánh lại để trên đầu giường, trằn trọc và thao thức. Bây giờ là mấy giờ? Không biết. Có lẽ là sau nửa đêm, chưa nghe tiếng gà gáy trong xóm. Lòng dạ người mẹ trẻ xốn xang, sáng ngày mai các con mình sẽ ăn gì đây? Sa-ra nằm vắt tay lên trán thầm cầu nguyện: Chúa Jesus ôi, Ngài thấy hoàn cảnh của con, xin Chúa thương xót tiếp trợ. Con không thể mượn tiền hay gạo của ai được vào lúc này. Nếu Ngài không bày tỏ sự thương xót cho con, các con của con sẽ chết mất. Con tin rằng sự tiếp trợ đến từ Chúa, Ngài không thể nào để cho con bị khủng hoảng và vấp ngã trong thời khắc khó khăn này. Chúa tạo nên trời và đất, và Ngài đang kiểm soát mọi biến cố xảy ra, Ngài vẫn chăm sóc cho từng con chim sẻ. Con vững tin vào sự thành tín của Ngài cũng sẽ quan tâm đến con và các con của con nhiều hơn các con chim sẻ kia.
Cách đó bốn mươi lăm cây số, một người đàn ông được Chúa đánh thức khi đang ngủ. Ông ta bỗng dưng ngồi chồm dậy. Lạ thật, Chúa muốn nhắc nhở mình điều gì? Người đàn ông mở quyển Kinh Thánh Tân Ước trên đầu giường, ông bật công tắc đèn và đọc:
“Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”. (Ma-thi-ơ 25:34-40).
Chung quanh mình những ai cần được giúp đỡ vào lúc này? Có ai đang ở trong tù mà mình chưa thăm viếng họ? Người đàn ông suy nghĩ miên man. Lạy Chúa Jesus Ngài muốn con phải làm gì khi Ngài dùng đoạn Kinh Thánh này nhắc nhở con? Và rồi ông chợt nhớ đến một người…ông biết việc ông phải thực hiện vào ngày mai.
Khi mặt trời vừa lên sau lũy tre của làng Tịnh Khê thuộc Quảng Ngãi, người đàn ông im lặng ra khỏi nhà trên chiếc Honda 67. Ông nhắm hướng huyện Núi Thành lên đường. Dừng lại ở chợ Châu Ổ, Bình Sơn mua một ít gạo và hàng nhu yếu phẩm, chín giờ ba mươi sáng hôm ấy ông đã đến trước ngôi nhà tranh vách đất của Sa-ra. Từ trong nhà một thằng bé chạy ra, nó la toáng lên:
– Mẹ ơi, có bác Hùng đến thăm. Cháu xin chào bác ạ.
– À, cậu nhỏ này ngoan thế, có mẹ ở nhà không con?
Người đàn ông bước vào nhà. Trước mặt ông là một thiếu phụ ốm yếu, xanh xao, tóc chưa kịp chải.
– Chào cô Sa-ra, cô có khỏe không?
– Cảm ơn bác Hùng tôi không được ổn lắm.
Người đàn ông hiểu hoàn cảnh của người phụ nữ mà ông đang đối diện. Chồng cô ấy đã vào tù sáu tháng nay sau khi bị kết án ba năm tù giam vì một lý do nhạy cảm. Ông biết ông phải giúp đỡ người phụ nữ này như là một hành động hiển nhiên theo Lời Chúa dạy.
– Tôi đến đây để gởi cho cô những thứ này.
Ông Hùng đặt bao gạo và các thứ linh tinh xuống sàn nhà bằng đất nện. Ông cũng đưa thêm cho Sa-ra một phong bì.
– Cô giữ ít tiền này để chăm sóc tụi nhỏ.
Sa-ra nói lời cám ơn và mời ông Hùng ngồi xuống trên một cái ghế dài bằng gỗ xiêu vẹo. Hai người trao đổi với nhau chung quanh tin tức về chồng của Sa-ra đang ở tù trong một trại giam trên một huyện miền núi Quảng Nam. Sa-ra cho biết chồng của cô vẫn khỏe mặc dù đời sống vật chất và tinh thần trong trại rất khắc nghiệt. Tuần rồi có một thanh niên tên là Nghĩa mãn hạn hai năm tù trở về nhà, ghé thăm Sa-ra và cho biết tình hình của anh Tín Thành là chồng Sa-ra. Nghĩa nói rằng cứ mỗi sáng sớm vào khoảng 5 giờ Tín Thành thức dậy và bắt đầu cầu nguyện rồi hát các bài Thánh ca tôn vinh Chúa. Hành động của anh làm cho cả phòng giam thức giấc và quản lý trại giam cũng rất bực mình. Nghĩa nghe các bài hát của anh từ lúc mờ sáng nhiều lần đến nỗi anh nhớ luôn lời của bài ca: “Nào cùng nhau ta lớn tiếng hát vui mừng, dâng lên Jesus muôn lời chúc tôn. Thờ phượng bằng tâm linh vỗ tay cho đều…”. Khi anh ta đang nói đến chuyện này thì Sa-ra cắt ngang lời anh ta: Anh có muốn tin Chúa giống như anh Thành không? Nghĩa trả lời: Thực ra là tôi đã tin Chúa trong tù qua đời sống và lời làm chứng của anh Thành. Anh ấy đã làm phép báp-tem cho tôi khi chúng tôi cùng lội qua một con suối trên rừng trong một lần đi đốn củi. Bây giờ được mãn hạn tù trở về tôi quyết định sẽ tìm đến một Hội Thánh địa phương gần nhất để sinh hoạt.
Sa-ra và ông Hùng thầm tạ ơn Chúa về những điều Chúa đang làm trên đời sống của anh Thành. Như vậy là rõ ràng Chúa có một chương trình khi đưa Tín Thành vào nhà tù. Những phạm nhân ở đó cần được nghe giảng Phúc Âm và Tín Thành – một truyền đạo tình nguyện lại rất thích hợp cho mục vụ đó. Trước đây trong một buổi nhóm cầu nguyện Tín Thành đã từng thuật lại cho mọi người nghe về một khải tượng mà Chúa đã cho anh thấy. Tín Thành nói rằng trong giấc mơ anh thấy mình bị trói trong một nhà giam và ở nơi ấy anh đã kiêng ăn cầu nguyện rồi trung tín rao giảng Phúc Âm. Có một số bạn tù tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa qua lời giảng của anh, rồi sau đó thiên sứ của Chúa đến mở trói và dẫn anh ra khỏi nhà tù. Thật là một giấc mơ kỳ lạ! Có phải anh sẽ đi con đường của các sứ đồ trong thế kỷ đầu tiên? Anh nhớ lại chức vụ của các sứ đồ Phi-e-rơ, Phao-lô và Si-la trong sách Công Vụ. Thực tình anh không muốn bản thân sẽ đi con đường gian truân giống như các sứ đồ. Nhưng nếu đó là kế hoạch của Chúa dành cho anh, thì anh là ai mà dám từ chối ý định tốt đẹp của Ngài? Tín Thành lớn lên trong một gia đình có truyền thống hầu việc Chúa. Ông nội của anh là một trong những tín hữu đầu tiên tại vùng đất huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam này. Rồi đến đời cha của anh cũng là một cán sự tận tụy với công tác truyền giảng Phúc Âm của Cục truyền giáo. Là con trai trưởng trong một gia đình hầu việc Chúa, anh được dạy dỗ và huấn luyện từ rất sớm để đi theo tiếng gọi của Chúa.
Từ khi chồng vào tù Sa-ra đối diện với muôn vàn khó khăn. Một phụ nữ với ba đứa con, đứa lớn nhất bảy tuổi, đứa nhỏ nhất hai tuổi còn ẵm trên tay. Nhà chỉ có ba sào ruộng và một mảnh vườn bé nhỏ lại không có đàn ông, làm thế nào để tiếp tục với việc canh tác? Sa-ra băn khoăn suy nghĩ: Lạy Chúa Ngài sẽ hướng dẫn con như thế nào đây trong những ngày sắp tới? Những trăn trở của một người mẹ trẻ được thấu hiểu tất cả từ một Đấng tể trị khôn ngoan. Ngài có cách của Ngài để giúp đỡ Sa-ra trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
Sa-ra được trưởng thành từ một gia đình yêu mến Chúa. Cô được dạy dỗ để tin rằng bước đường cùng của con người là khởi điểm để Đức Chúa Trời hành động. Há có điều gì khó quá cho Đức Giê-hô-va? Mọi sự đều có thể đối với một Thiên Chúa toàn năng. Như vậy thì không có gì để mà phải lo lắng cả. Sa-ra tự nói với chính mình. “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, còn tôi Jesus bỏ sao?” là lời từ một bài Thánh ca mà Sa-ra vẫn thường nghe trong các buổi nhóm của Hội Thánh.
Nhưng đã là con người, mà lại là phụ nữ chân yếu tay mềm thì đương nhiên có những lúc buồn bã tuyệt vọng khi hoàn cảnh chung quanh dường như bế tắc? Sa-ra được các anh chị em tín hữu trong tỉnh đến thăm viếng, an ủi sau khi nghe tin Tín Thành vào tù. Họ đề nghị kiêng ăn cầu nguyện tại nhà của Sa-ra để có thể chia sẻ nhiều hơn với cô ấy về tinh thần lẫn vật chất. Thông thường sau những buổi nhóm như vậy, Sa-ra lên tinh thần rất nhiều, cô nhận được những câu Kinh Thánh mạnh mẽ như: Đức Chúa Trời ở nơi thánh Ngài, là cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa (Thi thiên 68:5). Sa-ra hiện nay có khác gì một người góa bụa? Có chồng nhưng chồng lại ở trong tù là một gánh nặng trong hiện tại, chỉ mong sao ngày tháng qua mau, khi Tín Thành trở về thì may ra đời sống sẽ dễ chịu hơn. Một chị em cũng nhắc nhở Sa-ra câu này: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15). Người chị em giải thích câu Kinh thánh và nhấn mạnh rằng dù hoàn cảnh có thế nào Thiên Phụ từ ái vẫn chăm sóc và lo lắng cho mẹ con của Sa-ra. Trong những buổi nhóm ấy mọi người không quên chia sẻ với Sa-ra những hỗ trợ về vật chất. Vậy là xem như Đức Chúa trời đã dùng các anh chị em trong Hội Thánh khắp nơi tiếp trợ cho mẹ con Sa-ra trong suốt thời gian Tín Thành ở tù.
Trong thời gian này có một chuyện xảy ra là ngôi nhà tranh vách đất của Sa-ra đến thời kỳ mục nát và nó bị xiêu vẹo sau một cơn bão với sức gió mạnh cấp mười hai quét vào các tỉnh miền Trung. Căn nhà nghiêng đi trông thấy và bắt buộc Sa-ra phải làm lại một căn nhà khác mới ở được. Lúc bấy giờ công ty điện lực miền Trung cũng đang thi công đường dây điện cao thế đi ngang qua mảnh vườn của Sa-ra. Giữa vườn họ dựng lên một trụ điện với những thanh sắt lớn hình kim tự tháp, thế là Sa-ra được bồi thường một số tiền gần như tạm đủ để làm lại căn “nhà xiêu vách nát kèo cột lung lay” của mình. Căn nhà mới được xây bằng gạch không tô bởi một người thợ là tín hữu trong Hội Thánh và cha của Sa-ra làm phụ hồ. Đó chỉ là một căn nhà nhỏ cấp bốn với diện tích sử dụng bốn mươi tám mét vuông. Một vài anh chị em trong Hội Thánh biết được Sa-ra xây nhà đã nhanh chóng đóng góp cho việc này như một hành động chia sẻ tình yêu thương.
Cái khó khăn của Sa-ra là học tập sống bằng đức tin mỗi ngày kể từ khi Tín Thành không còn ở nhà. Hằng tháng Sa-ra ẵm đứa con hai tuổi thuê xe Hon-da ôm lên trại cải tạo thăm chồng, có lúc thì nhờ một anh em trong Hội Thánh chở đi. Con đường đất sỏi ngoằn ngoèo chạy từ nhà lên trại giam làm cho người ngồi trên xe giống như cưỡi ngựa. Hai tiếng đồng hồ ngồi sau xe làm cho quần áo Sa-ra dính đầy bụi đường. Còn bé Thùy Hương ẵm trên tay thì phờ phạc như một cái xác không hồn sau chặng đường năm mươi cây số. Lên tới nơi chỉ được gặp chồng mười lăm phút, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt rám nắng của cô khi nhìn thấy chồng qua ô cửa sổ. Tín Thành dường như vẫn vững vàng trong cơn thử thách, nhưng trong đôi mắt anh không thể che giấu được những nét u buồn. Gởi cho chồng một ít gạo, mì ăn liền, ve dầu gió, thuốc chống cảm sốt mà Sa-ra đã chuẩn bị trong suốt một tuần lễ trước, Tín Thành ngậm ngùi nhận quà từ vợ với đôi mắt long lanh như muốn khóc. Có ở trong hoàn cành này mới thấy được những khó khăn vủa vợ chồng Sa-ra vào lúc này. Thật là:
Chỉ một ô cửa thôi
Anh đứng phía bên trong
Em mòn mắt bên ngoài
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt
Hết giờ thăm, Sa-ra lặng lẽ ra về với đôi mắt đỏ hoe. Cái cảnh này cứ hai tháng lập lại một lần. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Chúa Jesus ôi, xin Ngài an ủi và thêm sức cho chồng của con. Sa-ra cầu nguyện trên đường về.
Mùa mưa bão đến trên dãi đất miền Trung, những con đường nông thôn bị nước phủ kín, rồi những ngày không khí lạnh tràn về kèm theo những trận mưa phùn dường như không bao giờ dứt, đó cũng là những tháng ngày ảm đạm của Sa-ra và các con nhỏ. Con đường trước nhà bùn đỏ lên tới ống chân, mọi người phải vác xe đạp lên vai đi qua cho tới khi ra tới quốc lộ Một. Các anh em trong khu vực cũng giới hạn các lần thăm viếng đến nhà Sa-ra vì rất khó khăn về di chuyển. Nhưng Chúa cũng cảm động có những anh chị em không ngại điều kiện thời tiết, đường sá để chuyển sự giúp đỡ đến cho Sa-ra. Việc Tín Thành vào tù được thông tin ra thế giới bên ngoài, một vài Hội Thánh hải ngoại không hiểu từ đâu mà họ có hình của Tín Thành và họ âm thầm cầu nguyện và tìm cách giúp đỡ cho gia đình của anh. Vậy là có người từ nước ngoài về mang theo những món quà để chuyển đến cho các mẹ con của Sa-ra kèm theo những lời cầu nguyện động viên khích lệ. Chúa là Đấng thành tín, nếu Ngài có thể sử dụng một con quạ để đem thức ăn đến cho tiên tri Ê-li trong thời Cựu Ước thì Ngài cũng có thể tiếp trợ cho Sa-ra bằng nhiều phương cách thần thượng khác nhau mà không ai có thể dự đoán được. Một số người trong xóm nhìn thấy Sa-ra vẫn đứng vững sau khi chồng vào tù họ suy đoán rằng có lẽ cô này nhận được sự giúp đỡ đặc biệt nào đó từ cộng đồng Hội Thánh.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Tín Thành vào tù đã hai năm. Sa-ra cũng đã quen dần với cảnh một mình chăm sóc con cái. Còn một năm nữa anh ấy sẽ về. Sa-ra nhủ thầm trong bụng, rồi mọi việc sẽ qua thôi.
***
Dũng là một phạm nhân về hình sự chung phòng giam với Tín Thành ra khỏi trại giam sau bốn năm thụ án. Nó trở về nhà và quyết tâm làm lại cuộc đời. Nó tìm đến thăm nhà của Sa-ra trong lúc Tín Thành còn chưa mãn hạn tù. Sa-ra ngạc nhiên và có phần e ngại vì chưa từng gặp người này bao giờ:
– Xin lỗi anh là ai?
– Tôi là Dũng, biệt danh Dũng xế độ là một người ở chung trong phòng giam với chồng của cô. Tôi được ra tù trước và tìm đến đây thăm cô.
Sa-ra bớt đi vẻ e dè:
– À, thì ra vậy. Anh hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của anh.
Dũng từ tốn nói:
– Tôi vào tù vì tội ăn cắp xe gắn máy của người khác. Trước khi bị bắt giam tôi đã từng ăn cắp trót lọt năm chiếc xe gắn máy. Đến chiếc xe thứ sáu thì tôi bị tóm cổ. Rất may cho tôi, đang khi tôi thụ án và hối hận về những việc làm của mình thì gặp anh Tín Thành. Lúc đầu tôi không biết anh ấy làm nghề gì, tại sao phải vào tù. Nhưng qua tiếp xúc tôi biết anh ấy là một người truyền đạo của Chúa. Tôi đã được nghe anh ấy làm chứng về Chúa Jesus. Anh ấy nói rằng Chúa Jesus yêu tôi và Ngài đã chết trên thập tự giá để đền tội cho tôi. Lúc đầu nghe như vậy, tôi thấy thật khó chấp nhận nhưng rồi nhiều tuần lễ trôi qua, anh ấy cứ đọc cho tôi nghe câu Kinh Thánh này: “Đức Chúa Jesus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15). Và rồi thật lạ lùng lời ấy đã đi vào tâm hồn tôi, thuyết phục tôi ăn năn tội lỗi và cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Sau đó anh ấy hướng dẫn tôi nhận phép báp tem và bắt đầu dạy Kinh Thánh cho tôi. Đời sống tôi bắt đầu thay đổi từ ngày đó, đến nỗi các bạn tù và cán bộ quản lý trại giam cũng ngạc nhiên. Tôi biết ơn anh Tín Thành rất nhiều vì nhờ anh mà tôi đã gặp Chúa Jesus. Vì vậy sau khi mãn hạn tù tôi tìm tới đây thăm cô và xin phép gởi đến cho cô món quà nhỏ này để lần tới cô có lộ phí đi thăm anh Tín Thành. Dũng lấy ra một phong bì và ân cần đặt vào tay Sa-ra.
Sa-ra cảm động trước chân tình của Dũng:
– Cám ơn anh, tôi sẽ chuyển tin tức về anh đến chồng tôi trong lần đi thăm sắp tới. Xin Chúa ban phước cho anh.
Dũng ra về, anh tìm đến một Hội Thánh địa phương trong khu vực và tham gia các sinh hoạt của Hội Thánh.
***
Một năm sau, Dũng theo dõi tin tức từ trại giam và biết chính xác ngày Tín Thành được tự do. Hôm đó anh thức dậy thật sớm chạy xe Honda đến trước cổng trại cải tạo đón Tín Thành trở về. Chín giờ sáng hôm ấy, một ngày mùa Hạ năm 1994 Tín Thành tươi cười bước ra khỏi cổng trại thì đã thấy Dũng đợi sẵn ở đó. Dũng chạy lại ôm lấy anh:
– Chúc mừng anh được tự do trở về với gia đình.
– Ồ, không ngờ được gặp Dũng ở đây. Anh đợi ai thế?
– Đợi anh chứ còn ai, thôi lên xe tôi chở về.
Tín Thành trèo lên chiếc Honda của Dũng. Hôm nay trời thật đẹp cho đôi bạn, họ cười nói vui vẻ trên đường về nhà. Dũng cho Tín Thành biết rằng anh ta đã học xong chương trình Trường nhân sự (school of workers) cấp một và hai, hiện nay anh ta là nhân sự truyền giáo của Hội Thánh địa phương. Tín Thành mỉm cười và thầm tạ ơn Chúa. Ba năm anh vào tù không phải là vô ích. Chúa đã dùng anh để gieo hạt giống Phúc Âm nơi ấy, và những hạt giống đó bây giờ đang nẩy mầm. Điều này có phải là chương trình của Chúa dành cho anh?
MỸ LOAN

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn