“Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả.” (Mác 11:13)
Khi một cây vả có nhiều lá thì đó là dấu hiệu cho biết nó có thể có nhiều trái. Nhưng trong câu chuyện này, cây vả có nhiều lá nhưng tuyệt nhiên không có một trái nào. Chúa Jesus muốn dùng hình ảnh cây vả không trái để dạy các môn đồ và chúng ta những bài học quan trọng.
Bài học đầu tiên dành cho tuyển dân Israel là nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc sinh bông trái. Trong Cựu Ước, các tiên tri thường dùng hình ảnh cây vả và cây nho làm biểu tượng cho tuyển dân Israel. Giê-rê-mi đã so sánh tội lỗi của tuyển dân giống như những trái vả thối rữa (Giê 29:17). Và Ô-sê cũng viết: “Ta đã gặp Y-sơ-ra-ên, như gặp trái nho trong đồng vắng; ta đã thấy tổ phụ các ngươi như trái chín đầu trên cây vả tơ…Ép-ra-im bị đánh; rễ nó đã khô. Chúng nó sẽ không ra trái nữa; dầu đẻ ra, ta cũng sẽ giết trái thương yêu của bụng chúng nó.” (Ô-sê 9:10, 16). Vào thời của Giô-ên, các con châu chấu đã tàn phá mùa màng của tuyển dân, Đức Chúa Trời gọi họ là “cây nho ta và cây vả ta.” (Giô-ên 1:7). Sự mô tả thông thường nhất về sự thịnh vượng của tuyển dân là họ được ngồi bình yên dưới cây nho và cây vả của mình (1 Các vua 4:25; Mi-chê 4:4). Tuy nhiên, tuyển dân trong thời Chúa Jesus thay đổi nhiều. Điều này đã khiến Chúa chúng ta khóc về thành Giê-ru-sa-lem và Israel vì họ có những lễ nghi tôn giáo nhưng không còn sinh bông trái nữa. Sự thờ phượng của tuyển dân giống như cây vả có nhiều lá nhưng không có trái. Chúa Jesus đã cảnh báo những người lãnh đạo tôn giáo thời đó: “nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó.” (Mat. 21:43). Tôi tin rằng từ “một dân khác” mà Chúa nói ở đây chính là Hội thánh (1 Phi-e-rơ 2:9). Thế nhưng, chúng ta tự hỏi xem, liệu chúng ta có đang kết quả hay cũng giống như tuyển dân Israel, có nhiều lá nhưng chẳng có trái nào!
Bài học thứ hai Chúa Jesus muốn dạy ở đây là chúng ta hãy cầu nguyện trong sự tin chắc. Các môn đồ đã nghe Chúa rủa sả cây vả. Và sáng hôm sau trên đường từ Bê-tha-ni đến Giê-ru-sa-lem họ nhìn thấy cây vả hôm qua đã khô tới rễ. Điều Chúa muốn dạy ở đây? “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời” (Mác 11:22). Ngài bảo họ rằng: “nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được.” (Mat. 17:20; 21:21). Hãy khắc ghi trong tâm trí là Chúa Jesus sống bởi đức tin (chứ không chỉ là quyền năng phép lạ) trong những năm trên đất. Ngài đã cầu nguyện với Cha, Ngài tùy thuộc vào Đức Thánh Linh, Ngài công bố lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải làm như thế. Tôi không bao giờ quên những lời của Vance Havner đã nói trong một kỳ hội thảo dựa trên Hêb. 11:24-29: “Môi-se nhìn thấy điều mà người khác không thấy được. Ông chọn điều không thế lực nào tiêu diệt được, và biến điều bất khả thi thành điều có thể.” Và chúng ta cũng vậy? Trong suốt những năm qua, vợ chồng chúng tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa Trời thực hiện những điều lớn lao trong cuộc đời của các thánh đồ, vì họ cầu nguyện và tin cậy vào Ngài. Hội thánh ngày hôm nay vẫn đang cầu nguyện trong đức tin và trông đợi Chúa làm những việc vĩ đại?
Bài học thứ ba được nối kết với bài học thứ hai, ấy là chúng ta phải trung thực với Đức Chúa Trời khi cầu nguyện. Có bất cứ điều gì cay đắng, căm hờn một ai đó còn tồn tại trong tấm lòng của chúng ta? Phải giải quyết điều này trên căn bản lẽ thật để Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta. Những người lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem âm mưu với nhau để giết Chúa. Họ đúng hay sai khi mặc chiếc áo tôn giáo trong kế hoạch này? Sự tin kính thực sự có gắn liền với ý tưởng giết người trong lòng? Chúa Jesus đã dạy rõ ràng vấn đề của tội lỗi bên trong tấm lòng (Mat. 5: 21-30) và chúng ta cần nhớ những gì Chúa phán. Chúng ta phải quyết định tha thứ và làm điều đúng cho người khác, nếu chúng ta trông đợi Chúa trả lời sự cầu nguyện. “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi.” (Thi. 66:18). Và “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” (Châm. 4:23).
Chúa Jesus vẫn đang tìm kiếm bông trái trong đời sống mỗi Cơ đốc nhân. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần trên hành trình theo Chúa. Chúng ta có đang ở trong Ngài, sanh bông trái và vận dụng đức tin dời núi?
“Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.”
(Giăng 15:4)
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi