Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Lăng Kính Của Chúa

Lăng Kính Của Chúa

“Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:2)
Bạn có bao giờ mang kính râm phân cực (polarized sunglasses) – là loại kính mắt chuyên dụng được thiết kế để giảm độ chói từ các bề mặt như nước, tuyết và kính? Có thể chúng ta sẽ lấy kính ra rồi đặt nó lại vào trên mắt nhiều lần với sự thích thú. Mọi màu sắc của cảnh vật chung quanh đều thay đổi khi đeo kính vào. Đôi kính râm phân cực cắt giảm ánh sáng chói mắt, làm cho các cảnh vật rõ ràng, và khiến màu sắc trở nên sống động lung linh hơn.
Là Cơ đốc nhân, những gì chúng ta tin – hay lăng kính bên trong của tâm trí chúng ta – sẽ tác động lên cách chúng ta sống và trở thành người như thế nào. Nếu bạn nhìn xem Chúa như một thân vị và nối kết với Ngài trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ trải nghiệm niềm vui trong mối tương giao với Ngài. Nếu bạn nhìn vào thế giới loài người theo như cách mà Đức Chúa Trời nhìn, bạn sẽ trở nên tử tế, lịch sự, văn minh hơn với người khác. Nếu bạn tin rằng mọi điều bạn đang sở hữu là thuộc về Christ, bạn sẽ dành thì giờ và những tài lực của mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Chúa Giê-su mong muốn chúng ta nhìn đời thông qua lăng kính của Ngài – chúng ta được biến đổi tâm trí. Chúa sẽ thay đổi tâm trí của tín nhân khi chúng ta xác lập rõ ràng những gì mình tin tưởng.
Khi suy ngẫm về những gì chúng ta tin theo Kinh Thánh, thế giới quan của chúng ta sẽ thay đổi và mỗi chúng ta sẽ càng ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su nhiều hơn. Những người khác sẽ ghi nhận sự khác biệt của bạn. Và những gì bạn đăng tải trên facebook và các mạng xã hội cũng trở nên khác biệt hơn.
🙂
xin cho con nhìn thế giới
qua lăng kính của Chúa
bằng đôi mắt của Ngài
khi một câu hỏi lóe lên
không ai giải đáp được
xin Lời Ngài trả lời con

Tường Vi

Cây Sồi hay Cây Mướp?

Một thương gia giàu có, muốn gởi con trai mình vào một trường danh tiếng, nhưng khi nhìn thấy chương trình học, ông lắc đầu, hỏi ông hiệu trưởng, “Con tôi phải học tất cả những môn nầy sao? Các ông có thể soạn một chương trình ngắn hơn không? Tôi muốn con tôi phải tốt nghiệp trong thời gian ngắn nhất, sớm chừng nào tốt chừng đó!”
Ông hiệu trưởng đáp, “Thưa ông, điều đó tùy thuộc vào việc ông muốn con ông trở thành gì: Một cây sồi hay một cây mướp? Để có được một cây sồi, cần tới 20 năm, và để có một cây mướp chỉ cần 2 tháng là đủ!”
Thế giới mà chúng ta đang sống, cái gì cũng nhanh! Vậy mà con người vẫn muốn mọi thứ phải nhanh hơn nữa! Người ta nôn nóng sự thành đạt! Nhưng tất cả mọi thứ đều nhanh hơn phỏng có ích gì, nếu chính nó phá vỡ một điều vô cùng quan trọng: Nhân cách con người!
Đức Chúa Trời đã rèn luyện những tôi tớ của Ngài bằng nhiều phương cách, song dù phương cách nào chăng nữa, thời gian vẫn là yếu tố quan trọng để đạt được sự hoàn thiện. Nô-ê miệt mài giảng đạo dưới áp lực của sự chế nhạo ngót 120 năm. Gia-cốp vừa gặt lấy hậu quả của sự gian dối, vừa học tập cuộc sống khiêm nhường suốt 20 năm phục vụ cho La-ban. Môi-se tưởng những năm tháng của trường Quân sự Ai Cập là có thể trở thành người lãnh đạo, song ông phải tiếp tục học 40 năm chăn chiên để có thể ứng dụng cho sự chăn dẫn bầy chiên của Đức Chúa Trời. Đa-vít dù đã được xức dầu làm vua đương khi Sau-lơ còn cầm quyền, song vẫn được rèn luyện một cách nghiệt ngã nhiều năm như một kẻ trốn chạy.
Để trở thành người hữu ích cho Chúa, cho xã hội, hãy chấp nhận một kỷ luật trong rèn luyện, mà trên tất cả, là sự tu chỉnh đức hạnh.

Câu gốc suy gẫm:
“Vậy nên, về phần anh em phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, … tiết độ … nhịn nhục … tin kính … tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.” (2 Phi-e-rơ 1:5-7). Amen!

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn