Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / TRƯỚC TÒA ÁN CỦA CHÚA

TRƯỚC TÒA ÁN CỦA CHÚA

TRƯỚC TÒA ÁN CỦA CHÚA

Mục sư NGUYỄN VĂN HUỆ

Người Việt Nam trong nước đang bàn luận xôn xao về các vụ xử án oan sai, đặc biệt là những vụ án tử hình. Với phương tiện truyền thông truyền hình hiện đại người ta có dịp tìm hiểu để phân xử những chuyện xử án bất công. Ở đâu dân chúng cũng lên án bất công và binh vực nạn nhân. Ngày nay các tòa án có thể xử oan sai không? Có, có nhiều vụ án phải xử lại, phải bồi thường. Ở Mỹ các tòa án rất cẩn thận không để xử oan, không để mang tiếng bất công vì hối lộ, vì thiếu bằng chứng, các quan tòa còn cẩn thận trước tòa án lương tâm. Vậy mà vẫn có những vụ tù nhân bị xử oan, ở tù nhiều năm, sau khi có tội nhân thật sự ra đầu thú, chính tòa án phải xử lại, xin lỗi và bồi thường. Các tử tù thường được giữ thật lâu mới thi hành án để tránh bị giết oan. Nhiều nước ngày nay đã xóa bỏ án từ hình. Tử tù còn hy vọng được ân xá.

Ở các nước tự do dân chủ, tòa án thường độc lập (không bị ảnh hưởng bời cường quyền) nên ít thấy trường hợp xử oan. Nếu có trường hợp nghi ngờ không chắc, gia đình có khiếu nại, thì tù nhân có thể được xử lại giảm án hoặc được bồi thường đích đáng. Trong thời đại bùng nổ thông tin thời nay, các tòa án khắp nơi đều cố gắng xét xử công minh, kéo dài, nhiều cấp, để tránh oan sai. Công lý phải được thực thi. Công lý được tôn trọng.

Nhưng trong thời quân chủ, thời đế quốc, dân chúng ở dưới các chế độ độc tài chuyên chế thật tội nghiệp và bất công. Khi mạng sống con người không được tôn trọng. Khi người dân bị xem như người nô lệ, không có nhân quyền. Tôi nghĩ đến thời vua độc tài Hê-rốt, quan tổng đốc Phi-lát, người đã ra lệnh chém đầu Giăng Báp-tít, dùng gươm giết Gia-cơ, đóng đinh Chúa Giê-su.

Chúng ta hãy cùng xem lại một trường hợp thực thi luật pháp trong thời Chúa Giê-su để qua đó chúng ta có thể suy nghĩ đến lòng người và lòng Trời. Để suy nghĩ đến sự công bình và sự bất công. Đến đời nầy và đời sau. Để suy nghĩ đến sự hy vọng về ngày phán xét cuối cùng của Chúa dành cho loài người. Ngày nay chúng ta vẫn còn cơ hội để tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời. Sẽ không có một ai kêu oan trước tòa án của Đức Chúa Trời.

Xem Giăng 8: 1-11

Đức Chúa Giê-su lên trên núi Ô-li-ve.
Nhưng đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ; cả dân sự đều đến cùng Ngài, Ngài bèn ngồi dạy dỗ họ.
Bấy giờ, các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si dẫn lại cho Ngài một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ để người giữa đám đông, mà nói cùng Đức Chúa Giê-su rằng: Thưa thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm. Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; – còn thầy, thì nghĩ sao? Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Giê-su cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người. Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất. Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước; Đức Chúa Giê-su ở lại một mình với người đàn bà, người vẫn đương đứng chính giữa đó. Đức Chúa Giê-su bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa.

Loài người và Đức Chúa Trời thật khác nhau. Người Việt không thể quên những bài học hôm nay:

  1. Có hai hạng tội nhân: hạng phạm tội bị bắt công khai và hàng phạm tội nhưng chưa bị bắt. Theo tiêu chuẩn công bình riêng của loài người thì ai phạm tội mà xã hội chưa phát hiện và tố cáo thì không sao. Nhất là một người có tội lỗi thật nhưng được những người có quyền thế bao che hay bình vực thì cũng không sao. Xã hội loài người ở đâu cũng có phe phái, bao che nhau, bênh vực nhau.
  2. Người có tội bị bắt ra trước tòa án xã hội loài người bị coi khinh, xấu hổ và bị ném đá đến chết đúng theo pháp luật không có chỗ cho sự thương xót. Các tổ chức tôn giáo, đạo đức cũng luôn lên án theo tiêu chuẩn người đời từ thời xưa cho đến thời nay. Luật pháp, tôn giáo thường chỉ bắt bớ, lên án chứ không tha, không cứu được. Loài người không có khả năng sống công bình.
  3. Loài người ai cũng phạm tội như người đàn bà tà dâm, (bà không thể phạm tội tà dâm và bị bắt quả tang nếu không có mặt người đàn ông bị bỏ sót), nhưng những người câu nệ luật pháp luôn chạy tội của mình, quên tội của mình, và chỉ chờ tuyên án chết cho người khác. Luật pháp đời không bênh vực cho người cô thế, khó nghèo nhưng lại hay bênh vực cho người giàu có quyền thế. Xã hội nào cũng có bất công.
  4. Niềm hy vọng duy nhất của tội nhân là đến với Chúa, nhờ cậy Chúa bảo vệ. “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu.” Trước tòa của Chúa, tội nhân được thông cảm tha thứ, được cơ hội thứ hai: “Ta cũng không định tội người, hãy đi, đừng tái phạm.” Đây là niềm an ủi cho mọi người, cho bạn và tôi. Sẽ có một ngày chúng ta sẽ không còn than thở về sự bất công. Sẽ có một ngày Kinh Thánh gọi đó là nơi trời mới đất mới. Nơi của sự công bình ăn ở.
  5. “Cho nên chẳng còn sự định tội nào cho những kẻ ở trong Chúa Giê-su.” Để bênh vực, để tha thứ, để giải quyết sự bất công một lần đủ cả Đức Chúa Trời đã chấp nhận giải pháp hy sinh, ân xá bằng chính huyết đền tội thế của Con Trời. Chúa Giê-su phải chết đổ huyết trên thập tự giá công khai. Giống như dân Do Thái nhờ huyết để được vượt qua án chết, ngày nay chúng ta cũng nhờ huyết của Chúa Giê-su để được tha thứ, được xưng nghĩa, được trắng án. “Huyết Chúa mầu nhiệm biết bao…”
  6. Có tòa án đời nầy và sẽ có tòa án đời sau. Tòa án đời nầy bất công nhưng tòa án đời sau công bằng. Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế đã được Đức Chúa Trời giao trọn quyền xét xử loài người. Bạn có biết sự thật nầy không? Đây là tin mừng cho cả nhân loại.

“Theo như đã định cho loài người thì ai nấy đều sẽ chết một lần rồi chịu phán xét.”

Đời nầy nếu tội nhân không đến với Chúa, ăn năn tội, xin Chúa tha tội, nhờ Chúa biến đổi, sẽ không thể tránh ứng hầu trước Chúa và bị Ngài phán xét. Lúc đó sẽ không còn tòa trên nào để chúng ta khiếu nại. Đó là tòa chung thẩm.

Có một quy luật thiêng liêng mà nhiều người vẫn cố tình quên đi. Đó là không việc gì giấu mà không lộ. Loài người lập tòa án và nhà tù để phạt, Đức Chúa Trời sẽ lập tòa án sau cùng để thưởng và để phạt. Loài người bất công nhưng Đức Chúa Trời công chính. Nếu bạn không thấy sự xử án hôm nay, thì cuối cùng bạn cũng sẽ thấy ai nấy đều bị xử án. Có đời nầy và có đời sau. Vị quan án công bình cuối cùng chính là Đức Chúa Trời. Đây cũng là một lý do để tôi tiếp tục tham gia rao giảng Tin Lành để người Việt có cơ hội được Chúa xét xử công bình.

Kinh Thánh quả quyết: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (2 Cô-rinh-tô 5:10). Chúa Giê-su là quan án xét xử, nhưng mừng thay Chúa Giê-su cũng là luật sư biện hộ, đứng ra bênh vực cho con cái của Ngài.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn