LY-ĐI
Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
Hê-bơ-rơ 11:6
Khi Đức Chúa Giê-su còn thi hành chức vụ ở trên đất, có một nhóm những người phụ nữ đã đi theo để chăm sóc Chúa và các môn đồ của Ngài (Lu-ca 8:1-3). Ngoài ra cũng có những nữ tín hữu đã giúp đỡ Phao-lô trong nhiều thời điểm. Trong các sách thư tín của Phao-lô và trong sách Công vụ các sứ đồ đã kể tên ba mươi ba người đồng lao với Phao-lô, trong đó có ít nhất ba i phụ nữ. Ly-đi là người đầu tiên tin Chúa tại Châu Âu, bà đã tin Chúa tại thành Phi-líp (Công vụ 16:6-15). Từ sự kiện này, chúng ta được nhắc nhở về những yếu tố liên quan đến trách nhiệm rao truyền phúc âm.
NHỮNG SỨ GIẢ CỦA CHÚA
Phao-lô đang trên hành trình truyền giáo lần thứ hai, cùng đi với ông có Si-la, người thay thế Ba-na-ba, ngoài ra cũng có Ti-mô-thê, người thay thế Giăng Mác. Những đầy tớ Chúa đã phân rẽ nhau, tuy nhiên công việc Chúa vẫn tiếp tục được thực hiện. Họ không chỉ đi ra rao truyền phúc âm cho các thành phố nhưng họ cũng gây dựng các Hội Thánh mới và chia sẻ bức thư từ hội nghị Giê-ru-sa-lem. Điều này đem lại sự khích lệ rất lớn cho các tín hữu ngoại quốc (Công vụ 15:30-41).
“‘Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.’ Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào?” (Rô. 10:13-15). Đây là bản tóm tắt thần học truyền giáo của Hội Thánh. Đó cũng là lý do vì sao Phao-lô và những người bạn của ông đã phải đi rất xa. Họ đi xa không vì lòng thương hại “những người ngoại đạo”, cũng không vì lòng bác ái thương người hay những động cơ cao thượng nào khác. “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi” (2 Côr. 5:14), đây chính là động cơ khiến Phao-lô bước tới. Họ là các đại sứ của Đấng Christ.
Dù chúng ta là ai và đang sống ở đâu, khi chúng ta đã nhận biết Đức Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa và Chúa cuộc đời mình thì chúng ta có trách nhiệm chia sẻ tin mừng. Phao-lô và Si-la là một nhóm được Hội Thánh An-ti-ốt sai đi, sau đó Phao-lô thêm Ti-mô-thê vào. Bạn và tôi không cần một giấy tờ hợp pháp nào để có thể đi ra làm chứng cho Đấng Christ tại nơi chúng ta đang sống. Thực ra, chúng ta đã là chứng nhân – dù là chứng nhân tốt hay chứng nhân không tốt! Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm chứng ở bất cứ nơi nào chúng ta đi đến và những nơi mà chúng ta chưa đến! Khi chúng ta không thể đi, chúng ta vẫn có thể giúp người khác ra đi.
SỰ TỂ TRỊ CỦA CHÚA
Khi ba sứ đồ muốn đến Châu Á, Chúa đã đóng cánh cửa đối với họ. Ngài cũng đóng cánh cửa khi họ muốn đến Bi-thi-ni. Rồi một đêm tại thành Trô-ách, Đức Chúa Trời đã ban cho Phao-lô những sự chỉ dẫn mà ông cần để sau đó họ hướng về Châu Âu. (Từ “chúng ta” trong Công vụ 16:10 ngụ ý rằng Bác sĩ Lu-ca cũng đang đi chung đoàn.) Nhưng thậm chí sau khi đã đến thành Phi-líp, họ cũng không bắt tay ngay vào chương trình truyền giảng. Lu-ca ghi rằng họ “ở tạm đó vài ngày” trước khi tìm cơ hội làm chứng (Công vụ 16:12).
Vợ chồng tôi có cơ hội được hầu việc Chúa tại Kenya, Đông Phi trong vòng ba tuần với giáo hội của quốc gia và các nhân sự giáo sĩ của Hội Truyền giáo Nội địa Châu Phi (Africa Inland Mission). Sau khi chào đón chúng tôi đến với Châu Phi, điều đầu tiên giám mục của giáo hội quốc gia AIM nói với tôi đó là: “Bây giờ ông bà đã ở Châu Phi nên hãy tháo đồng hồ ra.” Ông ấy đã làm việc với người Mỹ trong nhiều năm và hiểu văn hóa đúng giờ, làm việc theo thời gian biểu của chúng tôi. Chúng tôi đã học cách kiên nhẫn. Một buổi họp được lên lịch lúc bảy giờ tối nhưng đến tám giờ mới bắt đầu, không ai cảm thấy khó chịu và cuộc họp cứ tiếp diễn bình thường. Họ biết rằng Chúa không vội vã và luôn có thời gian cho ý muốn Ngài.
Điều này không có nghĩa các tín hữu này không vội vã làm công tác Chúa, thực tế họ rất nôn nả làm công việc Chúa; họ chỉ không trở nên điên cuồng và căng thẳng về các thời hạn phải làm xong một công việc nào đó. Khi nhắc đến quyển sách nổi tiếng có tựa đề Chúa Của Bạn Quá Nhỏ Bé (Your God Is Too Small), Tiến sĩ Richard J. Mouw đã viết rằng: “Nếu phải chọn một sự thay đổi trên tựa đề của sách này để hiệu chỉnh về thần học thì đó sẽ là Đức Chúa Trời của bạn quá nhanh.”[1] Chúng ta thường lắng nghe những câu khẩu hiệu khuyên chúng ta phải “chinh phục thế giới trong thế hệ của bạn,” và có lẽ bạn đã tham gia vào những cuộc họp lên kế hoạch truyền giáo cho cả một thành phố trong hai tuần. Đây chính là phong cách của người Mỹ. “Lịnh vua lấy làm gấp rút” (1 Sa-mu-ên 21:8) có lẽ là một câu Kinh Thánh hay để tạo động lực, tuy nhiên chúng ta phải lý giải nó dựa trên văn mạch.
Tôi không khuyến khích sự lười biếng và trì trệ. Chúng ta nhớ câu chuyện về mười người nữ đồng trinh cầm đèn đi rước chàng rể trong ngụ ngôn của Chúa (Mat. 25:1-13). Chúng ta có xu hướng ngủ quên và đôi khi cần được đánh thức; nhưng thậm chí khi chúng ta ngủ quên, Đức Chúa Trời vẫn tể trị trên công việc của Ngài. Khi cố chạy nhanh phía trước chúng ta sẽ dễ bỏ lỡ hướng dẫn của Chúa hơn là tụt lại đằng sau, và hậu quả của việc vội vã thì khó sửa chữa hơn. “Chớ như con ngựa và con la” (Thi. 32:9). Sau khi Phao-lô và đồng sự của ông đến Phi-líp, họ nghỉ ngơi sau một hành trình dài, cầu nguyện và lên kế hoạch tìm đến buổi nhóm cầu nguyện của người Do Thái vào ngày Sa-bát.
ÂN ĐIỂN CHÚA
Bên cạnh giòng sông ngoài cổng thành, Phao-lô và các bạn của ông thấy một nhóm người hiệp nhau cầu nguyện, tất cả họ là phụ nữ. Trước đó một người đàn ông đã nói với Phao-lô trong một khải tượng ban đêm, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã dẫn họ đến với một nhóm những phụ nữ. Khi còn là một người Pha-ri-si chưa tin nhận Chúa, có lẽ Phao-lô thường cầu nguyện mỗi sáng rằng: “Con cảm tạ Chúa vì con là một người Do Thái chứ không phải là người ngoại quốc, một người tự do chứ không phải là một nô lệ, và là một người đàn ông chứ không phải là một phụ nữ.” Dĩ nhiên, phúc âm đã thay đổi tất cả các định kiến của Phao-lô (Gal. 3:28). Để thành lập một nhà hội Do Thái Giáo cần phải có ít nhất mười người nam, vậy số người Do Thái tại thành Phi-líp là rất nhỏ; hoặc có thể chính quyền La-mã đã ra lệnh cho người Do Thái phải rời khỏi thành phố và chỉ có người ngoại quốc mới có thể ở lại (Công vụ 18:1-4).
Người nổi bật nhất và có lẽ là giàu sang nhất trong số những người phụ nữ này đó là Ly-đi, một thương gia buôn hàng vải đến từ thành Thi-a-ti-rơ. Quê của bà nổi tiếng với nghề vải thường được dùng làm áo choàng cho các quan chức La-mã. Có lẽ Ly-đi là một quả phụ đang đảm trách việc kinh doanh của gia đình. Bà đã từ bỏ tôn giáo của người Thi-a-ti-rơ và trở nên “một người kính sợ Chúa,” tìm kiếm lẽ thật. Chúa đã hiện diện trong nhóm nhỏ những phụ nữ này, khi Phao-lô và những người bạn của ông cầu nguyện và chuyện trò cùng những phụ nữ, Đức Chúa Trời đã mở lòng của Ly-đi và bà được cứu. Bà là một người nữ thành công, giàu có và sùng đạo, nhưng bà vẫn cần Đức Chúa Giê-su. Các thành viên trong gia đình của bà cũng tin đạo và tất cả đều nhận báp-têm.
Việc Ly-đi tin đạo trong nhóm nhỏ này chính là khởi đầu của một mục vụ lớn với tên gọi “Hội Thánh Phi-líp.” Cũng vậy, tại một nhóm nhỏ trên đường Aldersgate của thành phố Luân Đôn, John Wesley cảm nhận tấm lòng của ông “nóng lên lạ lùng” và Giáo hội Giám lý được hình thành. “Vì ai là kẻ khinh dể ngày của những điều nhỏ mọn?” (Xa-cha-ri 4:10). Về sau, kẻ cai ngục cho người La-mã tại thành Phi-líp đã được cứu cùng với gia đình của ông, và họ đã gia nhập Hội Thánh. Ly-đi mở cửa tiếp đón Phao-lô và đồng sự của ông đồng thời hỗ trợ các nhu cầu vật chất. Sự rộng rãi của bà là một tấm gương khích lệ Hội Thánh hỗ trợ cho chức vụ truyền giáo của Phao-lô (Phil. 4:14-16).
SỰ KHÔN NGOAN CỦA CHÚA
Câu chuyện Phao-lô và Si-la bị bắt giam và được giải cứu đầy diệu kỳ là một câu chuyện rất nổi tiếng (Công vụ 16:16-40). Phao-lô là một công dân La-mã và có thể sử dụng quyền đó để không bị các quan chức đánh đòn, tuy nhiên ông đầu phục đến đỗi hạ mình và chịu xấu hổ vì ích lợi của Hội Thánh mới thành lập. Hơn thế nữa, Chúa dùng lời chứng của họ để cứu người cai ngục và gia đình của ông.
Khi các quan chức nhận ra rằng họ đã vi phạm luật pháp La-mã, họ đã sai người đến nói với Phao-lô và Si-la rằng hai sứ đồ được tự do rời khỏi tù, song Phao-lô từ chối hành động đó. Tại sao? Bởi vì ông muốn mọi người biết rằng hành động của các quan chức này là sai trái, các quan chức đã xin lỗi và Hội Thánh không phải là một nhóm phi pháp. Phao-lô và Si-la rời tù và công khai đến nhà Li-đi và gắn bó với các tân tín hữu. Nhờ Phao-lô, chúng ta có thể biết chắc rằng các quan chức La-mã sẽ rất thận trọng đối đãi với các Cơ Đốc Nhân.
Đức Chúa Trời ban cho Phao-lô sự khôn ngoan để biến hoàn cảnh khó khăn trở nên thắng lợi vĩ đại, và Ngài biến rủa sả nên phước hạnh (Phục. 23:5). Hơn thế nữa, Phao-lô và Si-la trở nên một tấm gương rất tốt cho các tân tín hữu. Họ đã tiếp nhận sự đau khổ và dùng nó để vinh danh Chúa và đem lại ích lợi cho Hội Thánh (Phil. 1:20-2:18).
Ly-đi là một người tìm kiếm Chúa. Bà thờ phượng Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, nhưng bà không biết về Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời “ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” Có thể Chúa không ban thưởng ngay, và cách Ngài ban thưởng có thể khiến chúng ta bất ngờ, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ thất hứa. Chúa sai Phao-lô đến chia sẻ phúc âm cho Li-đi, và bà trở nên một tín hữu tận hiến. Bà đã mở lòng, mở cửa nhà và mở rộng đôi tay cho Đức Chúa Giê-su Christ, và Chúa làm phần việc còn lại! Phúc âm luôn luôn là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16).
[1] Richard J. Mouw, How My Mind Has Changed, ad. James M. Wall and David Heim (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1991) 24.
Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien