Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / Giới thiệu sách / Thiên Lộ Lịch Trình

Thiên Lộ Lịch Trình

BUNYAN, JOHN

(1628-1688)

Về truyện ngụ ngôn mang đậm tính giáo dục Cơ Đốc, không ai có thể qua mặt John Bunyan được. Vì John Bunyan là người được dư luận Cơ Đốc nhân rộng rãi khắp các nước Tin lành được truyền đến công nhận là tác giả của loại truyện ngụ ngôn đã được viết theo lối văn cổ điển nước Anh khá hấp dẫn. Đó là tác phẩm Thiên Lộ Lịch Trình.

John Bunyan chào đời tại Elston, Bedfordshire, nước Anh, năm 1628. Ông là con trai của người thợ hàn đồng rất nghèo. Gia cảnh ở giai cấp thấp như vậy cho nên John Bunyan không được học hành bao nhiêu ở tuổi ấu thơ, chỉ biết chữ đủ để đọc Thánh Kinh thôi. Trong cuộc nội chiến của những năm 1644-1646 (hay 1650), ông là binh lính chiến đấu dưới cờ của phe Nghị viện một thời gian. Người vợ đầu của ông kết hôn năm 1649 là một tín nữ Cơ Đốc khá kính mộ Đức Chúa Trời. Bà này đã giới thiệu cho ông một số sách giáo lý của nhóm Kiến tín và chính bà cũng đã cải đạo cho ông, rồi do lòng nhiệt thành bà đã yểm hộ, khích lệ ông cung hiến cuộc đời mình cho Ngài. Năm 1651, ông ký hợp đồng nhận giảng dạy trong những buổi thờ phượng công cộng tại Bedford. Nhưng John Bunyan cũng đã bị cám dỗ mà trải qua nhiều năm thất vọng vì tình trạng xuống dốc thuộc linh của mình. Cuối cùng ông đã kinh nghiệm sự bảo đảm công tác cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Con Một yêu dấu của Ngài trong đời sống ông. Ông gia nhập làm hội viên Giáo hội Độc lập ở Bedford. Nhưng bước khởi đầu này, ông chỉ là giáo đồ “hữu danh vô thực”. Nhưng nhờ đức tin bền chặt và sự nhẫn nhục cầu nguyện của hiền thê mà ông đã ăn năn, được Chúa thăm viếng, phục hồi linh lực, như ông đã tường thuật trong tập bút ký về sau của mình gọi là “ân sủng dư dật” trong đó ông tự nhận mình là “Tội nhân hàng đầu”. Sau khi đã thật sự gặp Chúa, đời thuộc linh lớn mạnh, ông biệt dâng mình chỉ phụng thờ và hầu việc Ngài. Ông gia nhập Giáo hội Báp-tít cũng ở Bedford và bắt đầu đi giảng ở nhiều nơi đầy linh ân và thành quả. Đó là năm 1657, ông trở nên đầy tớ của Đức Chúa Trời có lòng bùng cháy, là một diễn giả thánh khá danh tiếng. Lời giải bày Thánh Kinh đầy quyền năng đó đã thu hút nhiều số thính giả. Tuy nhiên sau ngày vua Anh phục hồi ngôi vị thì nhóm Bảo hoàng ra sức khủng bố phe Nghị viện và chức vụ truyền giảng Phúc Âm thuần túy đã đưa ông vào khám tù sau thời kỳ cải cách năm 1660. Ông bị bắt và cầm ngục ở Bedford trong 12 năm (1660-1672) vì vi phạm sắc lệnh đối với các hội nghị họp do nhóm Thanh giáo cấu kết với chính quyền thời đó ban hành và ông cũng phải nếm cảnh lao lý lần thứ hai, năm 1676.

Chính những năm cô đơn, lao nhọc trong vòng tù tội này mà các cuốn sách lưu tồn tên tuổi ông bắt đầu xuất hiện. Trong thời gian mất tự do, ông đã để nhiều thì giờ suy gẫm Lời Chúa và sáng tác nhiều thi ca, sách vở. Quyển “Grace Abounding to the Chief of Sinners” (1666) là một ký thuật về cuộc lữ hành thuộc linh của riêng John Bunyan, trong đó ông đã mô tả công tác của Đức Chúa Trời dạy bảo và truyền phán cho ông qua mỗi sự việc xảy ra quanh cuộc đời ông. Tác phẩm kiệt xuất “The Pilgrim’s Progress” (Thiên Lộ Lịch Trình) được xuất bản ban đầu năm 1678. Đó là một truyện ngụ ngôn đặt nền tảng trên đời sống tâm linh của một tín nhân (là nhân vật chính) Trong sách thuật lại một Cơ Đốc nhân trên bước đường về quê trời đã đối mặt với nhiều hạng người ở đời mang nhiều bản chất khác nhau như ông Truyền đạo, anh Tín trung, anh Ba phải, anh Lợi đồ, anh Tuyệt vọng… hành trình đầy gian nan của Cơ Đốc nhân đã đưa đẩy anh đến thành phố của sự Hủy diệt (Tương vong thành ) xuyên qua trũng Đau buồn (ưu uất) đến dưới chân Thập tự giá, thung lũng Bóng tối, chợ Hư hoa, chốn Hoài nghi và nhiều nơi khác cho đến Thiên thành ánh sáng. Bút pháp ngôn ngữ của John Bunyan khá thú vị, lôi cuốn người đọc say mê, pha lẫn niềm vui mừng, những câu đối đáp dân gian quen thuộc trong văn chương Anh và luôn luôn vang vọng những trang Thánh Kinh làm nền tảng đức tin lời Đức Chúa Trời, được nắn đúc theo khuôn khổ của giáo thuyết Calvin và vị trí độc đáo của riêng ông. Phải công bình mà nhận xét Thiên Lộ Lịch Trình là một danh tác Cơ Đốc xuất sắc, một quyển sách thuộc loại “Best seller” của văn chương Cơ Đốc giáo, và các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, nó chỉ thua có Thánh Kinh mà thôi. Nó hấp dẫn không cứ là hạng tín hữu nào. Đọc nó giáo dân được thúc đẩy nhiều bài học thuộc linh thôi thúc, mong muốn sao mình cũng đi trọn bước đường theo Chúa như anh Cơ Đốc đồ kia, từ khi còn sống trong thế gian tội lỗi, rồi được gặp Chúa tái sanh, nên thánh và qua lắm gian truân, thử thách nhưng vẫn cứ theo Chúa tận trung cho tới khi đắc thắng khải hoàn bước vào Nước Vinh quang đời đời.

Ngoài ra, quyển “Thánh chiến” (The holy war) của ông cũng khá nổi tiếng, ra mắt năm 1682, qua đó ông dùng óc tưởng tượng phong phú về một cuộc chiến tranh để tạo tác một truyện tích ẩn dụ khác. Thật ra sách này hơi khó hiểu, pha trộn tính cách cá nhân và những biến thiên của vũ trụ. Nhưng nó cũng là một tập Thiên Lộ Lịch Trình mang bản sắc mới mà chẳng bao lâu chính nó được kể như là một loại văn chương cổ điển, một trong những áng văn bất hủ.

Sau khi được tự do rồi, Mục sư John Bunyan cũng vẫn tiếp tục hầu việc Chúa giữa Giáo hội độc lập. Do công tác kiên tâm truyền giảng của ông mà đã thức tỉnh nhiều con dân Chúa, từ hàng giáo phẩm đến tín đồ, nhất là chinh phục được nhiều linh hồn tội nhân quy thuận Chúa.

John Bunyan được Chúa rước về Nhà Ngài vào năm 1688.

Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín, được lắm, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi coi sóc nhiều, hãy đến hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi. (Ma-thi-ơ 25:21)

Nguồn:

http://www.nhulieuthanhkinh.com/

Thien_L_Lch_Trinh_-_Pilgrims_Progress

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn