Tôi đã hết sức cố gắng nhờ cậy Chúa để giảng những bài giảng có sứ điệp khích lệ và lạc quan trong suốt thời gian khi dịch lệ lây lan cách nhanh chóng (mặt) tại Hoa Kỳ. Tôi đã cố gắng nhìn về hướng Chúa Jesus nơi có ánh sáng (cuối đường hầm) mặc dù vẫn còn ngồi trong bóng tối (của tai họa). Tôi biết rằng cả tôi và dân sự của Chúa đều cần những sứ điệp hy vọng như vậy, cho dù xung quanh bóng tối vẫn còn đầy. Hãy thắp lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.
Tạ ơn Chúa, lời của Chúa đã nuôi tôi và dân sự của Ngài trong những ngày thật sự rất cần này. Nuôi tôi trước, rồi tôi nuôi lại dân sự. Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thi-thiên 73:25. Khi đứa con đang bệnh hoạn, mệt mỏi, có gì tốt hơn là đến ngồi vào lòng của Chúa và nghe lời Ngài nói?
Khi các phòng gym đóng cửa, việc (hữu ích) tôi làm mỗi buổi sáng là đi bộ vòng quanh khu vực nhà ở khoảng vài chục căn. Chúa cho thời gian này vào mùa Xuân, thỉnh thoảng lạnh một chút nhưng mà trời nắng, (trừ khi mưa J). Tôi thỉnh thoảng đội mũ, mặc jacket mỏng, thọc tay vào túi vừa đi vừa ngước nhìn trời (để nhìn xem Chúa đang ở đâu trên các tầng mây cao J), thấy mình bình an và thấy mình giàu, giàu nắng giàu mây, và cũng giàu thật vì gần cả tháng rồi, nhờ ăn uống tiện tặn mà vẫn chưa phải… liều mình xông vào các chợ mua thêm thực phẩm. Xin Chúa cho sống sót qua mùa đông 🙂 Vào buổi chiều, khi cắt luôn cả khoản Starbucks coffee thì thêm một vòng đi bộ quanh khu vực nhà nữa, vừa đỡ tốn tiền, vừa an toàn, vừa khỏe, lại vừa khỏi lo lắng chuyện gì. Thực hành nghiêm chỉnh social distancing 🙂 Đức Chúa Trời đã dạy rằng hãy vâng phục nhà cầm quyền, nhất là họ có thẩm quyền về dịch bệnh hơn mình, thì vâng lời nhà cầm quyền cũng là vâng lời Chúa 🙂
Nhưng cái chân hay đi cũng làm mình… bức xúc lắm. Chính quyền cũng không triệt hết các con đường sống của dân chúng (trong trường hợp còn có thể được), thì cũng ân huệ cho người nào ra đường có việc cần, và phải chứng minh khi bị cảnh sát… quay đèn. Việc đến nhà thờ để cầu nguyện có phải là việc cần không? Chắc chắn phải. Mà còn cần hơn là việc đi chợ. Khi lên đường dây cầu nguyện với anh chị em Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây vào tối thứ ba hàng tuần, tôi hỏi anh chị em là có đủ gạo mắm trong nhà không? Họ nói có. Tôi nói rằng hãy nấu cơm ăn với nước mắm khi còn có thể được, làm ơn ở nhà, vào phòng, ẩn mình một lát cho đến chừng cơn giận của Đức Chúa Trời đã qua 🙂 Một người cười nói: dạ, ăn cơm với nước mắm ở nhà vẫn còn tốt hơn là ăn cơm nhà thương 🙂 hoặc có thể là không còn được ăn nữa 🙂
Mỗi buổi chiều, tôi ăn mặc chỉnh tề một chút, lái xe lên nhà thờ, đi gặp Chúa thì cũng nên ăn mặc chỉnh tề một chút, cũng đề phòng khi bị cảnh sát chận lại thì có cái mà chứng minh. Đấy, tôi ăn mặc chỉnh tề đi lên nhà thờ cầu nguyện mà 🙂 Thật ra ở nhà cầu nguyện cũng chẳng sao hết, vì Chúa đâu có đòi người ta phải đến nhà thờ mới cầu nguyện được hay cầu nguyện trong nhà thờ thì sẽ… linh hơn, và Chúa ở đó sẽ nghe dễ hơn 🙂 Tôi mở cửa nhà thờ, vào nhà thờ, nhìn xung quanh nhà thờ, rồi quỳ xuống trên cái ghế mà mình vẫn ngồi hàng tuần, và cầu nguyện.
Tôi cầu nguyện từ lớn tới nhỏ, xin Chúa tể trị cơn đại dịch cứu thế giới, đặc biệt là cho dân Hoa Kỳ, một quốc gia kính sợ Ngài cho dù không toàn hảo, chẳng có ai là toàn hảo, xin Chúa thương xót giúp đỡ cho các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện ở các tuyến đầu, chấp nhận nguy hiểm bản thân để giúp người, cầu nguyện cho các bệnh nhân nhiễm virus, người nặng thì được chữa lành, người nhẹ sớm xuất viện. Cầu nguyện cho các nhà chuyên môn ngày đêm miệt mài trong phòng lab, cố tìm cho bằng được thuốc chủng ngừa và thuốc chữa căn bệnh thế kỷ này, chạy đua với thời gian ngày càng gấp rút. Cầu nguyện cho Tổng Thống Hoa Kỳ và nội các, các cộng sự viên phòng chống dịch của ông được sự khôn ngoan Thiên thượng để giúp dân vượt qua tai họa càng sớm càng tốt. Rồi cầu nguyện cho các tín hữu Hội Thánh khắp nơi, rồi cho các tín hữu Hội Thánh Báp-tít Greenville, Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, cho các giáo sĩ ở Việt Nam, rồi cho gia đình bên nội bên ngoại chung, ai tin Chúa rồi được Chúa giữ gìn, ai chưa tin xin Chúa cho họ sớm biết và tin Ngài trước khi quá muộn, cầu nguyện cho gia đình các con thảy đều ở xa, đứa thì ở New Jersey, top 2 trong top 10 các tiểu bang… hot nhất hiện nay, đứa thì Texas, đứa thì Illinois. Xong rồi thì tới mình, mà tới mình thì cũng bình an rồi, không xin thêm điều gì nữa.
Khi mở cửa ra ngoài nhà thờ, tôi thấy nắng vẫn còn đó. Tôi chần chừ một lát, mở cửa xe mà không vào trong xe vội, vì còn nhiều thì giờ mà. Người ta vẫn hay than là không có thì giờ để làm chuyện này chuyện kia, thì bây giờ Chúa cho có quá nhiều thời gian rảnh rỗi ở nhà mà không biết phải làm gì hết. Nhiều người rảnh quá lên facebook đùa cợt (một cách không có ý thức), share các món ăn, hay bàn luận chính trị (mà bản thân chẳng biết chút gì về chính trị), chửi bới người này người kia, hay tự cho mình công tác cập nhật thông tin các con số về coronavirus để giúp người, mà thường làm cho người ta sợ hơn là vui 🙂 Thường khi đọc những thông tin đại loại như vậy, thì tôi lướt qua cho nhanh không muốn nhìn. Tôi thấy bất nhẫn quá. Nhưng tôi cám ơn những người chia xẻ các đoạn Kinh Thánh, chia xẻ đức tin, viết những bài lạc quan (có thật), để khích lệ người, vì bi quan có thay đổi được gì đâu. Nếu phải chọn sự lạc quan để tồn tại thêm thời gian thì sao lại bi quan làm chi, vì chỉ làm cho người ta buồn thêm. Chúa Jesus có lần cũng nói về sự lo lắng (không phải lo về coronavirus) Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Thôi, hãy vui, vì tin rằng Đức Chúa Trời của mình vẫn quan phòng, tể trị mọi sự trên hoàn vũ này, chẳng có gì Ngài không biết hoặc không làm được.
Vả, những ngày gần đây, thì những cơn mưa nặng hạt, những trận gió lớn, lốc xoáy, cũng đã giảm bớt cường độ rồi. Tôi muốn tập trung vào Đức Chúa Trời và nhìn những dấu hiệu lạc quan Ngài ban cho những ngày này, xin Chúa ban cho Tổng Thống và các thống đốc tiểu bang sự khôn ngoan cân nhắc kỹ lưỡng về sự lợi hại khi reopen đất nước. Tôi nhìn lên trời, nhìn những đám mây trắng đang bay trong bầu trời đầy nắng, và tin rằng thế giới sẽ trở lại bình an trong sự thương xót của Đức Chúa Trời.
Mục sư Lữ Thành Kiến