Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Tìm Kiếm Phúc Lợi Cho Người Khác

Tìm Kiếm Phúc Lợi Cho Người Khác

Mục sư Warren W. Wiersbe thường trích dẫn một câu Kinh Thánh ngắn làm câu chìa khóa để mô tả các nhân vật trong Kinh Thánh. Trong bài này ông phân tích về đời sống, chức vụ của Anh-rê qua câu Kinh Thánh 1 Cô-rin-tô 10:24, “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác.”

Quí vị có thể nghe phần nhập đề của bài viết ở đây:

Nếu có ai đó nghĩ về “người khác”, người đó là Anh-rê. Ông là sứ đồ đầu tiên đi theo Chúa Giê-su sau khi được Giăng Báp-tít giới thiệu ông và Giăng với Cứu Chúa. Và sau đó ông đã tìm gặp anh mình là Si-môn, và giới thiệu Si-môn với Chúa Giê-su (Giăng 1:29-42). Tân ước cho chúng ta bốn danh sách các sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:1-4; Mác 3:16-19; Lu-ca 6:14-16; Công vụ. 1:13) và Si-môn Phi-e-rơ được đề cập đầu tiên trong danh sách. Không có ai trong vòng các sứ đồ hỏi rằng Phi-e-rơ có phải là người lãnh đạo nhóm mười hai sứ đồ hay không. Anh-rê là người thứ hai trong danh sách của Ma-thi-ơ và Lu-ca, và là người thứ tư trong các danh sách còn lại. Trong các sách Phúc âm, chúng ta quen với tên gọi Anh-rê là em của Si-môn Phi-e-rơ. Nhưng Anh-rê không quan tâm đến các thứ tự trong danh sách các sứ đồ hay mối liên hệ với Phi-e-rơ. Mối quan tâm lớn nhất của ông là những “người khác” – đặc biệt là ông đem những người khác này đến với Chúa Giê-su.

Ba sách Phúc âm đầu tiên không nói nhiều về Anh-rê, nhưng Phúc âm của Giăng cho chúng ta một bức tranh hấp dẫn về Anh-rê: đem người khác đến với Chúa Giê-su. Anh-rê quan tâm đến người khác, và ông tìm cách giới thiệu họ đến với Thầy của mình. Đó là lý do tôi chọn 1 Cô-rin-tô 10:24 làm câu gốc mô tả đời sống, chức vụ của Anh-rê.

ANH-RÊ ĐEM SI-MÔN, ANH CỦA ÔNG ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU (Giăng 1:40-42)

Khi Giăng Báp-tít bày tỏ cho Anh-rê và Giăng về Chúa Giê-su, hai môn đồ này đã đi theo Chúa Giê-su. Họ nói chuyện với Chúa, ở lại với Ngài và biết rằng Ngài chính là Đấng Mê-si. Giờ đây họ muốn chia sẻ tin tức tốt lành này đến cho những người thân yêu trong gia đình. Người anh của Anh-rê là Si-môn; người anh của Giăng là Gia-cơ có thể đã cùng đi với Anh-rê và Giăng từ Ga-li-lê đến khu vực sông Giô-đanh. Bởi vì sau khi gặp Chúa Giê-su thì hành động đầu tiên của Anh-rê là đi tìm Si-môn để giới thiệu Chúa Giê-su. Anh-rê “bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-su” (Giăng 1:42). Chúng ta cũng suy luận rằng Giăng cũng đã tìm gặp anh mình là Gia-cơ và giới thiệu Chúa Giê-su cho Gia-cơ. Tất cả bốn người ngư phủ này bây giờ ở trong gia đình của Đức Chúa Trời. Và và sau đó Chúa Giê-su kêu gọi họ dấn thân cho một chức vụ trọn thời gian mặc dù họ đã không biết kế hoạch của Ngài dành cho mình.

Câu hỏi đầu tiên của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là: “Ngươi ở đâu?” (Sáng. 3:9). Có phải bạn đang né tránh Chúa giống như A-đam và Ê-va? Bạn đang ở trong gia đình của Đức Chúa Trời hay đang thuộc về thế gian? Câu hỏi thứ hai của Chúa: “Em ngươi đâu?” (Sáng. 4:9). Ca-in tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình, nên trả lời: “Tôi là người giữ em tôi sao?” Ca-in đã trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác! Chúng ta có trách nhiệm nói cho mọi người gia đình chúng ta biết về Chúa Giê-su. Khi Chúa chữa lành cho một người bị quỉ ám, người này xin được ở lại với Ngài, nhưng Chúa phán: “Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào” (Mác 5:18-20). Người này vâng lời, và khi anh ta kể lại câu chuyện của mình cho mọi người, họ đều kinh ngạc. Một số người trong họ trước đó có thể đã nghe về Chúa Giê-su và tin Ngài.

Mỗi người được cứu đều có những trường hợp riêng biệt. Giăng Báp-tít trưởng thành trong một gia đình tin kính Chúa, và từ nhỏ đã mở lòng ra hướng về Chúa. Anh-rê và Giăng nghe Giăng Báp-tít giảng và rồi được giới thiệu đến với Chúa Giê-su. Anh-rê tiếp tục đưa anh mình là Si-môn đến với Chúa. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Si-môn Phi-e-rơ đã giảng một sứ điệp quyền năng đưa ba ngàn linh hồn trở về với Chúa. Và chu kỳ này tiếp tục giữa vòng các thánh đồ trung tín chia sẻ Phúc âm đến người khác. Tuy nhiên chúng ta không giới hạn Phúc âm chỉ trong phạm vi gia đình, mà hãy nhớ lệnh truyền của Chúa là phải đem Phúc âm đến tận cùng thế giới. Oswald J. Smith đã nói, “Ánh sáng chiếu xa nhất sẽ chiếu sáng nhất ngay trong nhà.”

 

ANH-RÊ ĐEM MỘT BÉ TRAI ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU (Giăng 6:1-13)

Đức Chúa Giê-su cùng môn đồ qua bờ bên kia của biển Ga-li-lê, một đoàn dân đông trên năm ngàn người đi theo Ngài. Khi nhìn thấy đoàn dân đông, Chúa biết Ngài phải làm gì để cấp dưỡng cho họ cả phần lương thực thuộc linh lẫn thuộc thể. Vào lúc này Ngài muốn thử các môn đồ để xem họ có hiểu các bài học Ngài dạy về sống bởi đức tin hay không. Trong mọi thử thách của đời sống là cơ hội để chúng ta dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời, để được lớn lên trong đức tin và có thể đáp ứng nhu cầu của những người khác.

“Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?” Đứng trước câu hỏi này của Chúa, các môn đồ đưa ra ba câu trả lời khác nhau. Một số môn đồ đề nghị rằng Chúa nên truyền lệnh cho dân chúng lui đi – hãy trở về nhà (Ma-thi-ơ 14:15; 15:23; 19:13-15). Giải tán đám đông và bạn sẽ giải quyết được nan đề lúc này! Phi-líp lập tức làm ngay phép tính: “Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít.” Hội thánh cần những người thực tế giống như Phi-líp, nhưng nếu như vậy thì có thể che giấu các phép lạ của Chúa. Hội thánh cần những người có đức tin. Khi bạn có thể giải thích những gì đang diễn ra trong chức vụ của bạn, thì Chúa đã không làm điều đó. Khi Ngài làm điều “bất khả thi”, Ngài được vinh hiển. (When you can explain what is going on in your ministry, the Lord didn’t do it. When he does the impossible, He gets the glory.)

Khi còn ở trong chức vụ mục sư, tôi thường đến nhà thờ sớm hơn giờ bắt đầu thờ phượng. Tôi đi bộ trong nhà thờ, nói chuyện với vài nhân sự ở đó. Điều này giống như xây dựng một cây cầu nối kết chức vụ mục sư với các anh chị em và thân hữu. Trong câu chuyện ở đây, Anh-rê có thể đã đi vào trong đám đông và phát hiện có một bé trai mang theo khẩu phần ăn trưa. Chìa khóa của vấn đề nằm ở đây. Chúa Giê-su chấp nhận lời đề nghị của Anh-rê: bé trai dâng lên phần ăn của mình, và Chúa Giê-su làm phần còn lại. Ngài phân phát bánh cho đàn dân đông từ khẩu phần ăn của một cậu bé. Đó là phép lạ! Sau khi ăn xong, cậu bé có thể trở về nhà mang theo bánh và cá nhiều hơn khẩu phần ăn trước đó mang theo. Đó là cách mà Chúa thực hiện phép lạ, “Hãy ban cho, rồi ngươi sẽ được ban cho nhiều hơn” (Lu-ca 6:38).

Chúng ta có thể hiểu rằng Anh-rê muốn chia sẻ Đấng Christ cho người anh trai Si-môn của mình, nhưng tại sao Anh-rê lại quan tâm đến một bé trai là một thiếu niên xa lạ với ông? Bởi vì cậu bé này cần biết về Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su cần khẩu phần ăn của em để nuôi dưỡng đám đông đang đói. Nếu chúng ta không đến với thế hệ trẻ bằng Phúc âm, làm sao chúng ta có thể thấy tương lai của Hội thánh? Nếu chúng ta không giới thiệu các em đến với Chúa Giê-su, làm sao Chúa có thể sử dụng các ân tứ và tài năng của chúng để nhân bội ra đáp ứng cho nhu cầu của thế giới. Tài sản quí báu của HHHhhội thánh không phải là tiền bạc được gởi trong ngân hàng nhưng là thế hệ trẻ – con cháu của chúng ta là lớp người có một điều gì đó để dâng lên Chúa Giê-su, và rồi Ngài nhân bội ra đáp ứng cho nhu cầu của hàng ngàn người khác.

ANH-RÊ VÀ PHI-LÍP ĐÃ ĐEM NHỮNG NGƯỜI HY-LẠP ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Qua ngày sau, có một đám dân đông đến đặng dự lễ, biết Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem, bèn lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 12:12-13) Sự kiện này xảy ra khi khi đoàn dân đông tập trung về Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua. Họ biết Chúa qua những phép lạ Ngài làm, vì vậy sự chào đón nồng nhiệt của họ dành cho Chúa là điều có thể hiểu được. Lúc này người Pha-ri-si nói với nhau: “cả thiên hạ đều chạy theo người (Chúa Giê-su)” (Giăng 12:19).

Những người Hy lạp trong đoàn dân đông đang đổ về Giê-ru-sa-lem dự lễ vượt qua có thể là những người đang đi tìm kiếm lẽ thật, chứ chưa hẳn là họ đã chuyển sang Do Thái giáo. Nhưng bất luận tôn giáo của họ là gì, thì tôn giáo cũng không đem đến thỏa mãn cho sự đói khát tâm linh của họ. Các triết gia Hy lạp không làm cho họ thỏa mãn và dường như kỷ niệm lễ Vượt qua của người Do Thái có một sức hút nhất định đối với họ. Họ đã nghe người khác nói về Chúa Giê-su và bây giờ họ muốn trực tiếp nghe sứ điệp và gặp được Ngài. Họ cảm thấy rằng Ngài là những gì họ cần, và họ đã suy nghĩ đúng.

Những du khách Hy lạp này tiếp cận Phi-líp (Phi-líp có cái tên Hy-Lạp) và Phi-líp đưa họ đến gặp Anh-rê. Anh-rê là người biết cách dẫn đưa người khác đến với Chúa Giê-su. Giới thiệu người khác đến với Chúa Giê-su có vẻ giống như một sự mạo hiểm cá nhân (truyền giáo cá nhân), nhưng thực ra nó là mục vụ chung của một nhóm (1 Cô-rin-tô 3:5-9). Giăng cho chúng ta biết những lời Chúa Giê-su dạy, nhưng không cho chúng ta biết hết những việc Ngài làm. Mặc dù chúng ta suy luận rằng Ngài đã tiếp nhận những người Hy Lạp này một cách ân cần và họ đã nghe thấy thông điệp mà Ngài đã giảng cho đám đông xung quanh Ngài. Đó là thông điệp về sự chết của Ngài. Ngài sẽ bị treo lên, bị đóng đinh trên thập hình. “Khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta. Ngài phán vậy để chỉ mình phải chết cách nào” (Giăng 12:32-33). Những người Hy lạp này đã đi một quãng đường rất xa về Giê-ru-sa-lem để rồi cuối cùng nghe một thông điệp “không mong đợi” như thế?

Nhưng sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa người Do thái và các dân tộc ngoại bang. Điều đó có nghĩa là người Hy lạp cũng được cứu qua sự chuộc tội của Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 2:11-22). Sẽ không có mùa gặt giữa vòng các dân ngoại cho đến khi hạt giống – Chúa Giê-su được trồng vào đất. Sự chết của Ngài đã đem sự sống đến cho toàn thế giới. Nếu bạn do dự không sẵn sàng cống hiến cho công tác truyền giáo toàn thế giới, thì hãy nhớ rằng sự chết của Chúa Giê-su đã mở ra cánh cửa cho toàn thể nhân loại. Ngài phán: “Khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” “Mọi người” là tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, nô lệ hay tự do. Tất cả đều được hoan nghênh khi đến với thập tự giá của Christ. Những gì người Hy lạp cần là Anh-rê chỉ cho họ đến với Con Đường Duy Nhất là Chúa Giê-su.

ANH-RÊ GIÚP ĐỠ PHI-E-RƠ ĐEM 3 000 NGƯỜI ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU

Lần cuối cùng chúng ta thấy Anh-rê được Tân ước đề cập đến là trong buổi cầu nguyện của mười một sứ đồ và một nhóm tín hữu trên phòng cao. Họ đang trải qua 10 ngày trong sự cầu nguyện trông đợi sự giáng lâm của Đức Thánh Linh theo lời Chúa hứa (Lu-ca 24:49; Công vụ. 1:12-15). Anh-rê được đề cập ở vị trí thứ tư trong nhóm sứ đồ. Ông không bao giờ đứng chung nhóm “ba người nổi bật” Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Nhưng điều này không làm Anh-rê lo lắng. Chúa Giê-su đã kêu gọi ông, ông là một sứ đồ và người lớn nhất giữa vòng các sứ đồ vẫn không được đề cập đến. Lúc bấy giờ họ không còn hỏi: “Giữa vòng chúng ta ai là người lớn nhất?” (Xem Mác 9:34)

Anh-rê đã cầu nguyện cho anh mình – Phi-e-rơ là người sẽ ban phát sứ điệp trong ngày lễ Ngũ tuần. Và bởi vì ông cầu nguyện, Anh-rê đã góp một phần trong sự cải đạo của 3 000 linh hồn hôm ấy. Đó là một sự hợp tác để cùng nhau lưới cá!

Chúa Giê-su không còn ở trên đất, vì vậy theo nghĩa văn tự Anh-rê không thể đem người khác đến với Ngài, nhưng ông có thể đem người khác đến với Chúa qua sự cầu nguyện. Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho Anh-rê và các sứ đồ khác để họ là những chứng nhân rao truyền sự cứu rỗi cho mọi người (Giăng 17:20). Đức Thánh Linh đã giáng lâm trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tín hữu tại đó được đổ đầy Thánh Linh. Họ ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi Phi-e-rơ đứng lên công bố sứ điệp cứu rỗi và mời gọi đám đông tin nhận Chúa, đã có 3 000 người mở lòng ra đón nhận sự cứu rỗi.

Một trong các hội thánh mà chúng tôi phục vụ, có một cô giáo đã nghỉ hưu đảm trách một lớp học tiểu học của Trường Chủ nhật. Mỗi năm khi các học sinh được thăng cấp lên trung học, cô giữ một danh sách tên của chúng và cầu nguyện cho từng em cho đến khi cô biết rằng chúng đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su. Khi tôi làm công tác chăn bầy tại đó, sau giờ thờ phượng cô giáo này thường thông báo cho tôi biết có một ai đó – trong danh sách cầu nguyện của cô đã tiếp nhận Chúa hoặc nhận báp-tem. Cô ta không rao giảng Phúc âm, nhưng cô cầu nguyện cho những người giảng Phúc âm và những linh hồn hư mất. Và Đức Chúa Trời đã liên tục trả lời sự cầu nguyện của cô. Những lời của G. Campbell Morgan nói về Anh-rê, tôi cũng có thể nói như thế về cô ấy, “một tâm hồn yên lặng, mạnh mẽ đứng phía sau hậu trường, nhưng đầy hiệu quả cho Chúa.” Những lời cầu nguyện quyền năng ở trong tâm hồn những tín hữu quan tâm đến người khác và muốn đem họ đến với Chúa Giê-su!

Chúa Giê-su ban những tên mới cho một số sứ đồ. Si-môn được đổi thành Phi-e-rơ hay Sê-pha nghĩa là “một viên đá.” Gia-cơ và Giăng được gọi là “con trai của sấm sét” (Mác 3:17). Lê-vi được đổi tên thành Ma-thi-ơ có nghĩa là “món quà của Chúa.” Nhưng Anh-rê vẫn giữ tên là Anh-rê. Trong tiếng Hy lạp tên ông có nghĩa là “có những đức tính tốt.” Đức tính tốt nhất của một người là có gánh nặng về những linh hồn hư mất và tìm cách đem họ đến với Chúa Giê-su.

Anh-rê là “vị thánh bảo hộ” của Scotland, Hy-lạp và Nga. Ông nên là “thánh bảo hộ” của các hội thánh địa phương và mỗi cá nhân tín hữu.

Từ “người khác” có được viết trong tấm lòng của bạn?

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn