Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024

Ê-xê-chi-ên

Các từng trời mở ra, và ta xem những sự hiện thấy của Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chi-ên 1:1

Năm 597 trước Công Nguyên, Ê-xê-chi-ên được hai mươi lăm tuổi thì bị đày sang Ba-by-lôn cùng với vua Giê-hô-gia-kin yếu đuối và khoảng 10.000 người có kỹ năng làm thợ (2 Các 24:14). Năm năm sau, thay vì để Ê-xê-chi-ên làm một thầy tế lễ, Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông trở thành một tiên tri giữa vòng những người bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Cũng vậy, Ngài đã kêu gọi Giê-rê-mi rời bỏ chức vụ tế lễ mà làm tiên tri cho dân nghèo sót lại tại Giu-đa. Giống như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên phải chăn dắt một dân tộc khó trị, cứng lòng và tâm trí u tối, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã ban cho Ê-xê-chi-ên sự can đảm mà Ngài cần nơi ông.

Trước đó, Giê-rê-mi đã gửi một bức thư đến Ba-by-lôn để truyền cho người Do Thái hãy an cư tại đó, hãy xây nhà cửa, trồng vườn cây và cho con cái của họ lập gia đình bởi vì những người bị bắt đi lưu đày sẽ sống tại Ba-by-lôn trong bảy mươi năm (Giê-rê-mi 29:1-14). Nhiệm vụ của Ê-xê-chi-ên là giúp dân sự luôn luôn trung tín với Chúa bởi vì họ cần phải chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp quay trở về Giu-đa và tái thiết đất nước. Tuy nhiên giống như ở Giê-ru-sa-lem, ở Ba-by-lôn cũng có các tiên tri giả, những con người gian dối này đã giảng dạy về sự giải cứu ngược lại với sứ điệp của Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ban cho Ê-xê-chi-ên khải tượng về thành Giê-ru-se-lem để ông được biết về những việc đang xảy ra tại đó nhiều hơn cả những người đang sống tại Giu-đa!

Tại Ba-by-lôn, giữa những người ngoại quốc thờ lạy hình tượng, người Do Thái lắng nghe lời Chúa thông qua Ê-xê-chi-ên và Ngài đã nhắc họ hằng: “Ta là Đức Giê-hô-va!” (Tuyên bố này xuất hiện năm mươi chín lần trong sách của ông.) Ít nhất năm mươi lần Ê-xê-chi-ên viết rằng: “Có lời của Đức Giê-hô-va,” và ông đã trung tín công bố lời Chúa cho dân sự. Helen Keller đã viết rằng: “Người đáng thương nhất là người có thị lực nhưng không nhìn thấy.” Tuy nhiên Ê-xê-chi-ên là người vừa có thị lực vừa có tầm nhìn. Chúng ta sẽ xem xét ba khải tượng mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Ê-xê-chi-ên và học cách trở nên đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài với một dân tộc khó khăn trong những nơi khó khăn vào những thời điểm khó khăn. Từ bỏ luôn là một quyết định vội vã.

KHẢI TƯỢNG ĐEM LẠI SỰ KHÍCH LỆ: ĐỨC CHÚA TRỜI NGỰ TRỊ ĐẦY VINH QUANG (Ê-xê. 1)

Ê-sai được kêu gọi bước vào chức vụ sau khi ông nhìn thấy vinh quang của Đức Chúa Trời trong đền thờ (Ê-sai 6), còn sự kêu gọi của Giê-rê-mi đi kèm với khải tượng về cây hạnh và nồi nước sôi (Giê. 1:13-19). Tuy nhiên có lẽ khải tượng ban cho Ê-xê-chi-ên là phức tạp hơn hết.

Ông nhìn thấy một cơn bão mãnh liệt đến từ phương bắc (Ba-by-lôn), với những đám mây cuồn cuộn cùng sấm chớp. Chính giữa cơn bão là một ngọn lửa dữ dội giống như kim loại nấu chảy, và bên trong ngọn lửa là bốn “vật sống” mà trong Ê-xê-chi-ên chương 10 xác định đó là các chê-ru-bim. Mỗi một chê-ru-bim có bốn cánh và bốn mặt – một mặt người, một mặt sư tử, một mặt bò và một mặt chim ưng – và dưới mỗi chê-ru-bim là các bánh xe lấp lánh pha lê đan xen vào nhau, các bánh xe có sự sống, có đầy mắt và di chuyển bằng sức mạnh của chúng! Các con vật di chuyển giống như tia chớp còn các bánh xe đi theo chúng. Bởi vì các cặp bánh xe đan xen vào nhau nên chúng vừa có thể di chuyển tới lui, vừa có thể di chuyển trái phải mà không cần phải bẻ lái như ô tô ngày nay.

Ê-xê-chi-ên nhìn lên trên các con sinh vật cùng các bánh xe thì thấy một khoảng không pha lê rộng lớn, giống như đá lóng lánh, và rồi ông nhận ra mình đang trông thấy xe ngựa của Đức Chúa Trời. Bởi vì ở phía trên khoảng không là một cái ngai bằng bích ngọc, và ngự trên ngai chính là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên! Đây chính là “ngôi” vinh quang của Đức Chúa Trời hiện ra cho đầy tớ của Ngài nơi đất khách. Dù tại Ba-by-lôn nhưng Đức Chúa Trời vẫn luôn hiện diện đầy vinh quang và Ngài tể trị! Ê-xê-chi-ên choáng ngợp mà xấp mặt xuống đầy kinh ngạc, và không chỉ lần này nhưng nhiều lần khác trong khi thi hành chức vụ Ê-xê-chi-ên đã ngã xấp mặt xuống (xem Êxê 1:28; 3:23; 9:8; 11:13; 43:3; 44:4).

Khải tượng không chỉ tạo nên cảm giác choáng ngợp nhưng còn là một thông điệp đem lại sự khích lệ. Ê-xê-chi-ên biết rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy, đền thờ sẽ bị sụp đổ và dân Giu-đa sẽ tan lạc, tuy nhiên giờ đây điều ông nhìn thấy đó là Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngôi và cai trị đầy vinh quang! Ánh hào quang chung quanh ngai giống như cầu vồng (Ê-xê. 1:28), và cầu vồng thì nhắc chúng ta nhớ về giao ước của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ không dùng  nước lũ để hủy diệt sự sống trên trái đất một lần nữa (Sáng 9:8-17). Bốn gương mặt của mỗi một chê-ru-bim nghĩa là giao ước của Đức Chúa Trời đối với con người, với các tạo vật và với các con vật đã được thuần hóa (Sáng 9:10). Nô-ê nhìn thấy cầu vồng sau trận bão, nhưng Ê-xê-chi-ên nhìn thấy cầu vồng trong cơn bão và ông nhận được một thông điệp đó là mọi việc đều bình ổn. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ bị sửa phạt, nhưng đất nước sẽ không bị hủy diệt.

Chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của F. W. Robertson: “Sự vinh quang của Đức Chúa Trời tồn tại độc lập với mọi điều khác trong vũ trụ, nhưng con người muốn trở nên độc lập thì tự trở nên hổ thẹn. Đức Chúa Trời có mọi thứ do chính Ngài tạo ra – còn con người nhận lấy tất cả từ Ngài. Khi con người tự dứt khỏi Chúa thì họ cũng dứt khỏi mọi điều vĩ đại chân thật.”[1]

Sự vinh hiển của con người thì yếu ớt, tạm bợ, và phụ thuộc vào thế gian giống như hoa cỏ ngoài đồng (Ê-sai 40:6-8), nhưng sự vinh quang của Đức Chúa Trời thì trường tồn bất diệt, đầy năng quyền và không phụ thuộc vào bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì. Duy Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, Ngài cai trị đầy vinh quang. Các bánh xe trong khải tượng nói về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi và Ngài sẽ hành động cách nhanh chóng. Những con mắt trên bánh xe nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy và thấu hiểu mọi điều, còn cơn bão bày tỏ năng quyền vĩ đại của Chúa. “Sự vĩ đại chân thật” của chúng ta phải đầu phục ý muốn Chúa và chỉ nhằm tôn vinh Ngài mà thôi. Vậy khi bạn cảm thấy hoàn cảnh thật quá khó đối với mình, hãy nhớ đến khải tượng của Ê-xê-chi-ên và chấp nhận bằng đức tin.

KHẢI TƯỢNG VỀ SỰ ĐOÁN XÉT: ĐỨC CHÚA TRỜI CẤT ĐI SỰ VINH QUANG (Ê-xê. 7-11)

Trong Rô-ma 9:1-5, Phao-lô liệt kê tám phước lành tuyệt vời mà Đức Chúa Trời chỉ ban cho Y-sơ-ra-ên mà không ban cho dân tộc nào khác. Đầu tiên, Phao-lô đề cập đến “sự làm con nuôi,” nghĩa là Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham và hậu tự của ông làm dân tộc thuộc riêng về Ngài. Phước hạnh thứ hai là “sự vinh hiển” (c. 4), nghĩa là Đức Chúa Trời hiện diện cùng dân tộc của Ngài trong đền thánh. Đức Chúa Trời cũng lập giao ước cùng Y-sơ-ra-ên, Ngài ban cho họ có luật pháp thiên thượng và hướng dẫn họ phương cách thờ phượng mà Ngài chấp nhận. Ngài ban cho họ những lời hứa, trước là cho các tộc trưởng, sau là cho các tiên tri. Tuy nhiên phước hạnh lớn nhất chính là Con Ngài đã đến thế gian thông qua quốc gia Y-sơ-ra-ên để hoàn thành lời hứa của Ngài và đem sự cứu rỗi đến với tội nhân lạc mất. Quả thật Y-sơ-ra-ên là một đất nước giàu có.

Trong tám phước lành kể trên, có sáu điều không thể thay đổi, nhưng có hai điều có thể thay đổi và đã được thay đổi: sự thờ phượng trong đền thờ (Giăng 4:19-24) và sự vinh quang của Đức Chúa Trời ở cùng dân sự của Ngài. Các nước khác cũng có đền thờ, có thầy tế lễ và phương cách hiến tế của riêng họ, tuy nhiên duy chỉ Y-sơ-ra-ên mới có sự vinh quang của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật ngự trị. Khi Môi-se cung hiến đền tạm, sự vinh quang của Đức Chúa Trời đã ngự vào (Xuất. 40:34-38; Lê. 9:22-24) và đi cùng dân Y-sơ-ra-ên khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng nhiều thế kỷ sau, dân tộc này đã phạm tội và sự vinh hiển lìa khỏi họ (1 Sa. 4:12-22).

Khi Sa-lô-môn xây dựng đền thờ và cung hiến cho Chúa, một lần nữa, sự vinh hiển ngự cùng dân sự của Ngài (2 Sử. 7:1-3). Tuy nhiên, một lần nữa dân Y-sơ-ra-ên lìa bỏ Chúa mà thờ lạy hình tượng, chính vì thế Đức Chúa Trời bày tỏ cho Ê-xê-chi-ên nhìn thấy đền thờ đã bị làm cho ô uế như thế nào (Ê-xê. 8). Đức Chúa Trời phán rằng: “Hỡi con người, ngươi có thấy sự những kẻ nầy làm, tức là những sự gớm ghiếc lớn mà nhà Y-sơ-ra-ên đã phạm tại đây, đặng làm cho ta xa nơi thánh ta chăng?” (Ê-xê. 8:6). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bèn dấy lên khỏi chê-ru-bim trong Nơi Chí thánh, là nơi thường ngự, mà đến ngạch cửa (Ê-xê. 9:3; 10:4) và đi về phía nam của đền thờ, nơi mà Ngôi của Đức Chúa Trời đang bay lơ lửng bên trên như được mô tả trong chương 1. Từ đó, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đi đến cổng phía đông đền thờ (Êxê 10:3; 18-19), và rồi chê-ru-bim, ngôi và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thảy đều rời khỏi đền thờ để đi đến núi Ô-li-ve ở phía đông thành phố. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời đã rời bỏ đền thờ! Đức Chúa Trời không còn ngự trong nhà do tay con người dựng nên (Công vụ 7:48-50).

Sự vinh quang của Đức Chúa Trời trở lại với trái đất này khi Đức Chúa Giê-su đến trong xác thịt. Đời sống và chức vụ của Ngài luôn tôn vinh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (Giăng 1:14; 13:32; 17:4). Chúng ta đã làm gì với sự vinh hiển ấy? Chúng ta đã đóng đinh Chúa vinh hiển (1 Côr. 2:8)! Nhưng công tác cứu chuộc mà Đức Chúa Giê-su đã làm trên thập tự giá khiến sự vinh quang của Đức Chúa Trời có thể ngự trị trong đời sống của những ai đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-su. Nhờ Đức Thánh Linh, sự vinh quang của Đức Chúa Trời hiện diện trong mỗi một người tin Chúa, mỗi một Hội Thánh địa phương và trong Hội Thánh vô hình nói chung (1 Côr. 6:19-20; 3:16-17; Ê-phê-sô 3:21-22). Chúng ta chính là đền thánh của Đức Chúa Trời trong thế gian.

Đặc ân của Đức Chúa Trời thật quá lớn lao khi sự hiện diện đầy vinh quang của Ngài ở trong chúng ta và ở trong Hội Thánh của Ngài, tuy nhiên đây cũng là một trách nhiệm lớn lao dành cho chúng ta. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời lìa khỏi đền tạm và đền thờ bởi vì dân sự của Chúa phạm tội, cũng vậy, ngày nay những tội lỗi của chúng ta sẽ làm buồn lòng Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Ngài sẽ cất khỏi chúng ta năng quyền và sự vinh quang của Ngài. Tôi nhớ A. W. Tozer đã nói rằng: “Nếu Đức Chúa Trời cất Đức Thánh Linh khỏi thế gian này thì các Hội Thánh vẫn cứ tiếp tục công việc của họ mà ít ai nhận ra sự khác biệt.” Thật là một thảm họa!

Đức Chúa Trời có thể viết lên cánh cửa của rất nhiều mục vụ ngày nay rằng: “Y-ca-bốt, sự vinh hiển đã lìa khỏi.” Các buổi nhóm chung của chúng ta đầy sôi động và thú vị, nhưng sự vinh quang của Đức Chúa Trời ở đâu? Đức Chúa Trời có đẹp lòng với mục vụ của chúng ta hay không? Liệu rằng những tội nhân lạc mất sẽ sấp mình trước Chúa mà nói rằng: “Đức Chúa Trời thật đang ở giữa các bạn” (xem 1 Côr. 14:23-25)? Vance Hevner từng nhắc nhở chúng ta rằng lời cuối cùng Đức Chúa Trời đã phán cùng dân sự của Ngài không phải là “hãy đi dạy dỗ muôn dân” (Ma-thi-ơ 28:19-20) nhưng là lời cảnh báo trong Khải huyền chương 2 – 3: “hãy ăn năn, bằng chẳng!” Đức Chúa Trời cảnh báo rằng nếu chúng ta không dọn dẹp sạch sẽ và chuẩn bị đền thờ để sự vinh quang của Ngài quay trở lại thì Ngài sẽ cất chân đèn và sự làm chứng khỏi chúng ta. Chúng ta cần suy ngẫm sứ điệp của Đức Chúa Giê-su dành cho bảy Hội Thánh để nhận biết những tội lỗi nào chúng ta cần phải xưng ra trước Chúa và cần phải thay đổi điều gì.

KHẢI TƯỢNG VỀ SỰ ỨNG NGHIỆM: CHÚA PHỤC HỒI SỰ VINH QUANG (Ê-xê. 40-48)

Ê-xê-chi-ên không kết lại quyển sách của mình bằng những dòng tiêu cực nhưng viết rằng sự vinh quang của Đức Chúa Trời sẽ quay trở về với đất nước và với đền thờ trong vương quốc tương lai. Đức Chúa Trời đã rời khỏi đền thờ qua cổng phía đông để đi đến Núi Ô-li-ve, nhưng Ê-xê-chi-ên nhìn thấy đám mây vinh hiển tiến vào đền thờ qua cổng phía đông và tràn ngập đền thờ (Ê-xê. 43:1-5). Trong các chương sau đó, Ê-xê-chi-ên mô tả chi tiết về đền thờ mới, về vùng đất được phục hồi, về sự thờ phượng thiên thượng và về thành thánh. Ê-xê-chi-ên nói rằng tên của thành thánh sẽ là Giê-hô-va Shamma “Đức Giê-hô-va ở đó” (48:35). Đức Giê-hô-va ở tại đâu? Ngài ở bất cứ nơi đâu dân sự của Ngài tôn vinh Ngài.

Ngày nay, dù dân sự của Chúa đang trải qua hoàn cảnh ảm đạm như thế nào thì Đức Chúa Trời vẫn muốn quay trở lại và chia sẻ sự vinh hiển của Ngài với chúng ta. Theo Ê-xê-chi-ên, sẽ có một ngày Đức Chúa Trời mãi mãi quay trở lại và đổ đầy sự vinh quang trên dân sự của Ngài. Tuy nhiên, từ bây giờ đến lúc ấy, Chúa muốn ngự cùng và ban phước cho đời sống và chức vụ của chúng ta để chúng ta tôn vinh Ngài. Chúng ta gọi đây là: “sự phục hưng” nghĩa là “đời sống mới.” Và khi chúng ta có đời sống mới, chúng ta cũng sẽ dâng lên Chúa sự vinh hiển mới.

Nhiều năm trước khi tôi còn hầu việc Chúa với tổ chức Youth for Christ International (viết tắt là YFCI), nhiều nhân sự tại hội sở chính đã ra đi vào những ngày cuối tuần để rao giảng trong các chiến dịch của YFCI và tại các Hội Thánh địa phương. Khi chúng tôi quay trở về văn phòng, những cuộc đối thoại vào buổi sáng trong giờ giải lao thường tập trung vào công việc Chúa làm trên cánh đồng. Một nhân sự truyền giáo luôn hỏi chúng tôi một câu hỏi: “Chúa có đến với buổi nhóm họp ấy không?” Thoạt tiên, tôi không hiểu ý của anh ấy, nhưng rồi tôi biết anh ấy muốn hỏi rằng: “Mục vụ có làm đẹp lòng Chúa không? Đức Chúa Giê-su có được tôn vinh không? Tội nhân có tin cậy Đức Chúa Giê-su không? Mọi người có thấy rõ sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong buổi nhóm không?” Điều quan trọng không phải là các băng ghế trong khán phòng có được lấp đầy hoặc tiền dâng hiến nhiều bao nhiêu, nhưng điều quan trọng đó là căn phòng có được đổ đầy năng quyền và sự vinh quang của Chúa, và mọi người có nhận biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời không?

Chúng ta không cần phải chờ đợi vương quốc trong tương lai, nhưng chính hôm nay chúng ta cũng có thể kinh nghiệm “vương quốc, quyền năng và sự vinh quang” nếu chúng ta chuẩn bị đền thờ để Ngài ngự vào.

Hãy ăn năn – bằng chẳng!

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

[1] Frederick W. Robertson, Sermons, Third Series (London: Kegan Paul, Trench, Trubner, and Co., 1898), 237.

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn