Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Có Tôi Đây, Xin Hãy Sai Tôi

Có Tôi Đây, Xin Hãy Sai Tôi

Ê-sai nói điều đó, khi thấy sự vinh hiển của Ngài và nói về Ngài.

Giăng 12:41

Trong câu Kinh Thánh trên, sứ đồ Giăng muốn nhắc đến một trải nghiệm khiến cuộc sống của Ê-sai được thay đổi hoàn toàn. Trải nghiệm ấy được ghi lại trong Ê-sai 6 và ngay bây giờ chúng ta hãy dành thời gian để đọc chương Kinh Thánh quan trọng này.

Ê-sai là “con trai A-mốt,” điều này được nhắc đến mười ba lần trong Cựu Ước. Vậy cha của Ê-sai là một người có tiếng tăm trong cộng đồng Do Thái và rất có thể ông đã giữ một vị trí nổi bật trong chính quyền. Có lẽ vì thế mà Ê-sai đã dễ dàng tiếp xúc với các vị vua cùng những quan chức khác.

Tuy nhiên, người quan trọng hơn đó chính là Vị Vua mà Ê-sai đã nhìn thấy trong khải tượng về nước thiên đàng. Sứ đồ Giăng nói rất rõ rằng Ê-sai đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su là một khách bộ hành (Sáng 18), Gia-cốp nhìn thấy Ngài ở đầu một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời (Sáng 28:10-22; Giăng 1:51), và Giô-suê thì nhìn thấy Ngài là một tướng đạo binh (Giô-suê 5:13-15). Tuy nhiên, cũng giống như trải nghiệm của sứ đồ Giăng được ghi lại trong Khải Huyền 4-5, Ê-sai được phép nhìn thấy ngôi vinh quang trên thiên đàng và thấy Con Đức Chúa Trời đang cai trị đầy vinh hiển.

Khung cảnh này bày tỏ bốn lẽ thật về Đức Chúa Trời: Ngài “ngự trên ngôi rất cao,” Ngài rất thánh khiết, Ngài rất vinh hiển, và Ngài tể trị. Tuy nhiên nếu Đức Chúa Trời được tôn lên rất cao thì làm thế nào chúng ta đến được với Ngài? Nếu Ngài là thánh khiết thì làm sao Chúa có thể tiếp nhận những tội nhân như chúng ta? Nếu Chúa rất vinh hiển thì tại sao Ngài lại quan tâm đến những điều thuộc về đất thấp và chẳng có sự vinh hiển này? Và nếu Đức Chúa Trời là Đấng tể trị – nắm quyền tối thượng thì Ngài cần gì ở những tạo vật yếu đuối như chúng ta? Đức Chúa Giê-su Christ là đáp án cho mọi câu hỏi trên.

ĐỨC CHÚA TRỜI NGỰ TRÊN NGÔI RẤT CAO, NHƯNG NGÀI ĐÃ ĐẾN VỚI CHÚNG TA QUA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHRIST (Ê-sai 6:1-4)

Giăng đã viết rằng: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết. (Giăng 1:18), và Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Duy nhờ Đức Chúa Giê-su chúng ta mới có thể đến được cùng Cha.

Đức Chúa Giê-su nhập thể làm người, Ngài đã đến với thế giới này trong hình hài một con người và sống như một tôi tớ để bày tỏ Đức Chúa Cha và chịu chết trên thập giá. Ê-sai đã viết về sự giáng sinh diệu kỳ của Ngài. “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên [Đức Chúa Tri ở cùng chúng ta]” (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:23). “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta [nhân tính của Đức Chúa Giê-su], tức là một con trai ban cho chúng ta [thần tính của Đức Chúa Giê-su]” (Ê-sai 9:5). “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài” (Ê-sai 11:1-2).

Ê-sai cũng đã viết về chức vụ của Đức Chúa Giê-su bắt đầu từ chức vụ chứng đạo của Giăng Báp-tít. “Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta!” (Ê-sai 40:3; Ma-thi-ơ 3:1-3). Ê-sai nhìn thấy Đức Chúa Giê-su là đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời: “Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng… Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy” (Ê-sai 42:1, 3; Ma-thi-ơ 12:18-21).

Ê-sai cũng đã viết về chức vụ giảng đạo của Đức Chúa Giê-su. “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu” (Ê-sai 61:1-2). Đức Chúa Giê-su đã chọn phần Kinh Thánh này làm nền tảng cho sứ điệp của Ngài tại nhà hội thành Na-xa-rét, quê hương của Chúa (Lu-ca 4:16-21). Dân chúng ngưỡng mộ lời giảng dạy của Chúa nhưng họ lại chối bỏ Ngài và sứ điệp của Ngài. Chính Ê-sai cũng đã viết về điều này: “Ngài sẽ là nơi thánh, nhưng cũng là hòn đá vấp ngã, vầng đá vướng mắc cho cả hai nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-sai 8:14). “Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, làm nền bền vững: ai tin sẽ chẳng gấp rút” (Ê-sai 28:16; so sánh Thi thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42-44; Rô-ma 9:33; 1 Phi-e-rơ 2:4-8).

Vâng, Đức Chúa Trời ngự trên ngôi rất cao, nhưng Đức Chúa Giê-su Christ chính là chiếc cầu bắc qua vực thẳm và khiến chúng ta có thể nhận biết và có mối thông công với Đức Chúa Cha. Con cái Đức Chúa Trời được mời gọi “đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16).

ĐỨC CHÚA TRỜI RẤT THÁNH KHIẾT, NHƯNG NGÀI THA THỨ TỘI LỖI CHO CHÚNG TA QUA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHRIST (Ê-sai 6:5-7)

Ê-sai được lắng nghe các sê-ra-phim cùng nhau thờ phượng trước ngai Đức Chúa Trời rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân!” Khi nền ngạch cửa rúng động và đền thờ đầy những khói, có lẽ tiên tri Ê-sai đã được gợi nhớ đến khung cảnh tại núi Si-nai khi Đức Chúa Trời ban cho Môi-se bảng đá luật pháp (Xuất 19:16-20; Hê-bơ-rơ 12:18-21). Kết quả là gì? Ê-sai tự thấy chính mình là một tội nhân mà la lên đầy sợ hãi rằng: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:5).

Những sự kiện trong chương 6 xảy ra trước những sự kiện từ chương 1-5, chính vì thế Ê-sai nói rằng: “Khốn nạn cho tôi!” trước khi ông công bố các tai ương trong chương 5. Một nguyên tắc cần ghi nhớ đó là tiên tri Ê-sai đã phải đối diện với tội lỗi của chính ông trước khi đương đầu với dân sự về tội lỗi của họ. Khi đối diện với Đức Chúa Trời, cả Áp-ra-ham lẫn Gióp đều nhận rằng họ chỉ là “tro bụi” (Sáng 18:27; Gióp 42:6), còn Phi-e-rơ sau khi chứng kiến Đức Chúa Giê-su khiến lưới của ông đầy cá cách diệu kỳ thì nhận rằng ông là “người có tội” (Lu-ca 5:8).

Danh mà Ê-sai ưa thích xưng Đức Chúa Trời đó là “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên,” Danh này xuất hiện hai mươi lăm lần trong sách của ông. Từ thánh khiết diễn tả ý tưởng về sự trong sạch, hiến dâng và biệt riêng (“khác biệt trọn vẹn”). Y-sơ-ra-ên phải trở nên một “dân tộc thánh” (Xuất 19:5-6), một dân tộc được biệt riêng cho Đức Giê-hô-va và khác biệt với các dân tộc khác. Ê-sai biết rằng ông và dân tộc của ông không được thánh khiết, tuy nhiên còn hy vọng khác nào cho họ?

Vâng, vẫn còn hy vọng, bởi vì có một bàn thờ ở gần ngôi Đức Chúa Trời, và huyết của con sinh tế được đổ ra trên bàn thờ để chuộc tội lỗi con người. Vào ngày đại lễ chuộc tội hằng năm, thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái sẽ lấy lư hương đầy than lửa đỏ trên bàn thờ trước mặt Đức Giê-hô-va và hương bột mà đem vào Nơi Chí Thánh của đền thờ, và ngọn khói hương sẽ bao phủ căn phòng. Kế đến thầy tế lễ thượng phẩm sẽ rảy huyết của con sinh tế trên nắp thi ân thì chính người sẽ được tinh sạch (Lê-vi ký 16:11-14). Sê-ra-phim từ ngôi Đức Chúa Trời lấy một hòn than lửa đỏ từ trên bàn thờ đặt vào miệng tiên tri Ê-sai thì ông được sạch và được tha tội. Cả đền thờ trở nên giống như Nơi Chí Thánh khi ngọn khói bao phủ đền thờ.

Tất cả mọi điều này đều chỉ về sự chết của Đức Chúa Giê-su Christ trên thập tự giá để chuộc tội lỗi thế gian, và Ê-sai đã viết rất nhiều về sự chết của Ngài. Vị tiên tri đã được mặc khải để mô tả sự thương khó, sự chết và làm nên vinh hiển của Đức Chúa Giê-su trên thập giá trong Ê-sai 52:13-53:12 trong “Bài ca của Tôi tớ chịu đau khổ.” Cứu Chúa chúng ta chịu sỉ nhục và không có hình dung tốt đẹp (52:13-15), bị ghen ghét và chối bỏ (53:1-3), bị Đức Chúa Trời trừng phạt vì tội lỗi chúng ta (53:4-6), nhưng Ngài đã vâng phục cho đến chết trên thập tự giá (53:7-9). Nhưng nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời đã được thỏa mãn và tội nhân được xưng công bình!

Khi bạn kêu cầu sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời và tin cậy Đức Chúa Giê-su Christ, “lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi” (Ê-sai 6:7). Đức Chúa Trời rửa sạch mọi tội và khiến chúng ta “trở nên trắng như tuyết” (Ê-sai 1:18). Chúng ta được tha thứ tội lỗi (Ê-sai 33:24), Chúa đã ném mọi tội lỗi của chúng ta ra sau lưng Ngài (Ê-sai 38:17), Ngài không còn nhớ đến nữa (Ê-sai 43:25) và Ngài đã xóa tội lỗi của chúng ta như đám mây (Ê-sai 44:22). Ngài chính là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29).

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẦY VINH HIỂN, NHƯNG NGÀI BUỒN LÒNG VÌ THẾ GIỚI TỘI LỖI (Ê-sai 6:3b)

Thậm chí cho đến ngày hôm nay, các sê-ra-phim vẫn không ngừng kêu gọi nhau ngợi khen Đức Chúa Trời mà rằng: “Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” Đầy dẫy sự vinh hiển? Phải chăng đó là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Có những thời điểm bạn và tôi sẽ cảm thấy những điều đang diễn ra trên trái đất thật không hề “đầy dẫy sự vinh hiển Ngài” chút nào. Dường như chúng ta đang sống những ngày như thời Nô-ê, khi mà điều lớn lao của nhân loại chỉ là sự gian ác, và trái đất tràn đầy sự suy đồi và bạo lực (Sáng 6:5-13). Trong thời tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời buồn lòng khi nhìn thấy những con người có đạo đi đến đền thờ mang theo của tế lễ. Ngài thấy tay họ “đầy những máu” và cả thành phố chìm ngập trong sự bất công (Ê-sai 1:10-17). Rất nhiều người làm theo các hoạt động tôn giáo, nhưng ít ai quan tâm đến sự công chính của cá nhân và của đất nước. Đất nước Y-sơ-ra-ên được thịnh vượng, nhưng tâm linh của dân tộc thì nghèo thiếu, cả đất nước tràn đầy sự mê tín và thờ lạy hình tượng (Ê-sai 2:6-22). Có thật là “đầy dẫy sự vinh hiển” không?

Những người thờ phượng trên thiên đàng không thể nói sai. Theo Rô-ma 1:18-20, “quyền phép đời đời và bổn tánh” của Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng qua sự sáng thế, và Đa-vít khẳng định rằng thiên nhiên công bố sự vinh quang của Đức Chúa Trời và ngày đêm rao truyền công việc của Ngài (Thi 19:1-6). Điều này không có nghĩa Đức Chúa Trời không nhận biết điều gì đang xảy ra trên thế giới. “Đức Giê-hô-va ngự trong đền thánh Ngài; ngôi Ngài ở trên trời; con mắt Ngài nhìn xem, mí mắt Ngài dò con loài người” (Thi 11:4). Con người tội lỗi không hề có sự vinh quang nhưng chỉ như hoa cỏ sống một thời gian ngắn rồi héo úa và chết đi (Ê-sai 40:6-8). Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta vì sự vinh hiển Ngài (Ê-sai 43:7), tuy nhiên “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Không ai là ngoại lệ.

Trong thời tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời đau buồn vì tội lỗi của dân sự Ngài, còn ngày nay Ngài đau buồn vì tội lỗi của những người tự xưng là tín hữu, và Chúa cũng đau buồn về sự gian ác của thế giới. Đức Chúa Trời phán thông qua tiên tri Ê-sai rằng: “Ngươi… lấy tội lỗi mình làm cho ta phiền, lấy sự gian ác làm cho ta nhọc” (Ê-sai 43:24). Đức Chúa Giê-su khóc cho thành Giê-ru-sa-lem, còn tấm lòng của Phao-lô thì tan vỡ vì sự mù lòa của người Y-sơ-ra-ên (Lu-ca 19:41-44; Rô-ma 9:1-5). Tuy nhiên ngày nay có ai đau buồn vì thực trạng của xã hội và Hội Thánh? Nếu ngày nay Đức Chúa Trời sai một người như tiên tri Ê-xê-chi-ên để tìm kiếm có bao nhiêu người đang than khóc và đau buồn vì tội lỗi của dân sự Ngài, liệu ông sẽ tìm được bao nhiêu người (xem Ê-xê-chi-ên 9)?

Khi Đức Chúa Giê-su trở về cùng Đức Chúa Cha, Ngài không quay trở về với sự ngợi khen và vinh hiển của thiên đàng nhưng là để giúp dân sự của Ngài trên đất mở rộng vinh quang của Đức Chúa Trời qua việc chinh phục những người chưa tin và xây dựng Hội Thánh. Ngài ban Đức Thánh Linh đến với Hội Thánh để dạy dỗ chúng ta về Lời Chúa, ban năng quyền để chúng ta làm chứng và khiến chúng ta sống vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời trong một thế giới đầy tội ác. Ngày nay, chính Đức Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm được tôn cao đang trang bị cho các tôi tớ của Ngài để làm theo ý muốn Chúa (Hê-bơ-rơ 13:20-21), và nếu không có Đấng Christ và Đức Thánh Linh thì chúng ta sẽ không thể làm được gì. Trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su, điều đầu tiên Ngài cầu xin đó là: “xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha” (Giăng 17:1). Khi Đức Chúa Giê-su trở lại, đó sẽ là một ngày vui mừng, “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” (Ê-sai 11:9).

Từ bây giờ cho đến khi ấy, chúng ta có một công việc phải làm đó là hầu việc Chúa.

ĐỨC CHÚA TRỜI NẮM QUYỀN TỐI THƯỢNG, THÔNG QUA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHÚNG TA CÓ THỂ HẦU VIỆC NGÀI (Ê-sai 6:8-13)

Có thể Ê-sai không ngạc nhiên khi lắng nghe các sê-ra-phim ngợi khen Đức Chúa Trời, bởi vì sự ngợi khen thờ phượng tràn ngập thiên đàng. Nhưng chắc hẳn ông đã kinh ngạc khi nghe tiếng Chúa hỏi rằng: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Ê-sai 6:8). Phải chăng Đức Chúa Trời đầy quyền tể trị lại phải kêu gọi ai đó tình nguyện? Chẳng phải Ngài có quyền truyền lệnh để con người vâng theo ý chỉ của Ngài hay sao?

Khi Đức Chúa Giê-su thi hành chức vụ trên đất, Ngài đã sử dụng quyền năng thiên thượng và làm nhiều phép lạ. Gió và biển vâng lời Ngài, cá và chim vâng lời Ngài, bệnh tật và ma quỷ vâng lời Ngài, thậm chí sự chết cũng vâng lời Ngài. Nhưng đối với công việc chia sẻ Lời Chúa và mở rộng vương quốc Ngài, Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi sự giúp đỡ từ những người tin và đi theo Ngài. Đức Chúa Giê-su mượn chiếc thuyền của Phi-e-rơ để giảng cho đám đông trên bờ biển. Những người phụ nữ hào phóng đã giúp của cải cho Chúa (Lu-ca 8:1-3). Phi-e-rơ câu một con cá, lấy một đồng tiền kim loại từ miệng nó để trả thuế đền thờ cho Chúa Giê-su. Một bé trai đã giúp Chúa giải thích ý nghĩa của sự khiêm nhường và phục vụ. Một người vô danh đã cho Chúa mượn con lừa của mình để Ngài cưỡi vào thành Giê-ru-sa-lem, và một người khác thì cho Ngài mượn căn phòng cao để dự lễ Vượt Qua. Một lữ khách từ xứ Sy-ren vác thập tự giá của Chúa, và một nghị viên tòa công luận đã chuẩn bị mộ phần cho thi hài Chúa.

Vâng, chính Đức Chúa Trời nắm quyền tối thượng  đã hạ mình để cần sự giúp đỡ từ dân sự của Ngài. Chính Chúa của sự vinh hiển đã cho phép chúng ta giúp Ngài hoàn thành ý muốn và công việc Chúa trong thế gian này!

Tuy nhiên công việc Chúa không hề dễ dàng. Người nghe Lời Chúa không hiểu được thông điệp. Tấm lòng của họ đã chai sạn, đôi mắt họ mù lòa, và tai họ không nghe. Những lời tiên tri Ê-sai đã viết trong đoạn 6 câu 9-10 được Đức Chúa Giê-su trích dẫn lại trong Ma-thi-ơ 13:14-15; Mác 4:12 và Lu-ca 8:10; Giăng đã trích lại trong Giăng 12:39-41; và Phao-lô cũng đã trích lại trong Công vụ 28:25-27 và Rô-ma 11:8. Chúa không hứa với Ê-sai rằng đất nước sẽ được phấn hưng, nhưng ngược lại. Vương quốc Giu-đa sẽ suy tàn và dân sự sẽ bị bắt đi lưu đày, chỉ một số ít những người trung tín sẽ được ở lại. Nhưng dù số ít những người tin kính chỉ giống như gốc cây còn lại sau khi bị đốn (Ê-sai 6:13), từ gốc ấy sẽ ra một chồi, từ rễ nó sẽ ra một nhánh (Ê-sai 11:1). Đấng cứu rỗi sẽ đến!

Ê-sai đã trung tín trong chức vụ của mình dù công tác của ông rất khó khăn và dễ nản lòng. Ông đã giảng Lời Chúa và viết một quyển sách tuyệt vời cho chúng ta ngày nay. Tương truyền Ê-sai đã tử đạo dưới thời vua độc ác Ma-na-se. Có lẽ Hê-bơ-rơ 11:37 nhằm nói đến sự kiện này. Vâng, Đấng cứu rỗi đã đến! Ngài đã công khai đọc sách của tiên tri Ê-sai, Ngài lấy dẫn chứng từ trong sách ấy và Ngài đã làm trọn những lời tiên tri Ê-sai đã viết trước về sự giáng sinh, về chức vụ, về sự sống và sự chết của Ngài. Một ngày trong tương lai Chúa sẽ trở lại để hoàn thành lời tiên tri mà Ê-sai đã viết về vương quốc và sự vinh hiển của Ngài!

Ngày nay công tác Chúa vẫn rất khó khăn và người làm công trong nhà Ngài thì ít. Lòng người vẫn cứng cỏi và họ không muốn lắng nghe. Nhưng chúng ta phải trung tín.

Đức Chúa Cha chờ đợi chúng ta nói rằng: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi.”

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn