“Chị ơi! Chỗ này có phải nơi lấy que thử mang thai hay không?”
“À…! Tôi không hiểu chị nói gì! Tôi không phải là người Việt và tôi không nói được tiếng Việt.” Cô gái được hỏi trả lời bằng tiếng Anh.
“Tôi là người Campuchia cho nên tôi không hiểu.” Tuy không hiểu tiếng Việt nhưng cô gái người Khmer có tên là Bantey này lại cũng cố gắng tiếp cận.
“Chị có thể giúp tôi không?” Cô gái người Việt có tên là An hỏi bằng tiếng Anh rất bập bẹ trong trạng thái nhút nhát đầy lo âu.
“Làm gì?”
“Tôi muốn tìm que thử để biết tôi có mang bầu hay không?” An hỏi một cách ngập ngừng, e thẹn và ra tay làm dấu của bụng bầu. Ngôn ngữ của làm dấu cũng vô cùng công dụng khi cần thiết. Họ giúp nhau tìm que thử thai và cả hai đều vào phòng vệ sinh trong lần thử đầu tiên đó.
“Chúc mừng chị!” Bantey không biết gì về nội tình chỉ biết nói lời chúc mừng khi que thử cho hay dương tính.
Đối với những phụ nữ khác thì khi biết mình đã thụ thai, và được chúc mừng như vậy thì nguồn vui đó là cội nguồn cho những phấn khích. Nhưng đối với An, người con gái mới chân ướt chân ráo đến Úc được vài tuần, thì khi nhìn que thử đổi mầu, và Bantey cho biết được rằng mình đã thụ thai, thì thế gian đối với cô như đang sụp đổ xuống. Thế giới của An không còn là thế giới của mầu hồng, mầu xanh mà là một mầu xám xịt hình thành ngay trong tâm trí của cô.
Khi hai người chia tay. An lếch thếch như kéo lê đôi chân trên đường phố về chùa. Cô bước đi với tâm trạng não nề của một con người không biết ta đã làm gì để trở nên nông nỗi này. Cảnh tượng của những chiếc xe chạy qua ào ào trên đường không làm cô để ý. Hàng cây xanh tươi ngã ra hai bên đường có trổ những bông hoa nhưng cô không quan tâm. Tiếng của những con chim đang kêu ríu rít trong những tán lá đối với cô chỉ là dư thừa. Trong tâm trạng của cô chỉ muốn biết rằng, cái que thử bào thai kia có thể là không chính xác. Nhưng dù là cô còn nghi ngờ nhưng hơn ai hết trong thế gian này chỉ mỗi cô hiểu những gì mà cô đang cảm thấy trong thân thể của mình.
Cô về đến cổng chùa lúc nào mà cô cũng không hay và cô sẽ phải cố gắng quay trở lại với vẻ mặt trang nghiêm của một Ni cô, đã bao năm tu hành. Trong chùa cảnh tượng thật êm đềm, của nơi am thanh cảnh vắng để có một chút tĩnh lặng trong tâm linh. Với bề ngoài thầm lặng nhưng trong tâm trạng của An thì một cuộc chiến đang gay gắt xảy ra.
“Ta đã có thai! Trời ơi, sao sự thể lại có thể đến nông nỗi này?” Có lẽ lần đầu tiên cô kêu đến Trời. Cô ra sức tụng kinh nhưng những lời tụng niệm kia lại nặng như những cục chì, nó rơi ngay tưởng như lộp bộp trên thềm trước khi tiếng mõ được gõ.
Cô chỉnh đốn tư thế ngồi sao cho ngay ngắn, lưng thẳng với cổ, đầu ngay, cằm chúi xuống chút chút và cố thiền tịnh, nhưng cứ mỗi khi cô nhắm mắt lại thì cảnh tượng tại sao cô mang thai cứ rành rọt hiện ra. Trong tâm trí của cô nó cứ như cuộn phim, khi mắt cô mở và bận rộn với mọi việc thì cảnh tượng kia chỉ là viễn cảch mù mờ, nhưng chỉ đợi khi cô nhắm mắt lại thì cảnh tượng như người ta mở công tắc cho có điện chạy để cuộn phim mầu kia lại bắt đầu quay lên.
Tam bảo trên kia vì nhắm mắt cho nên không nhìn thấy nhưng cô đang nhìn thấy. Cái thai trong bụng hôm nay là trứng nước nhưng nó sẽ trưởng thành và một ngày nào đó nó sẽ to ra và không thể tiếp tục giấu được. Sợ hãi vô cùng mà cô không còn biết kêu ai giữa chốn muôn người. Thế gian đầy người, nhưng cô lại không quen biết bất kể ai để mà tâm sự. Cô có được cái thẻ điện thoại, và đêm đến cô điện về cho người mẹ đã cưu mang mình.
Chỉ vài câu chuyện thăm hỏi là cô phải bật lên tiếng khóc. Mẹ cô tưởng chỉ là cái khóc của những cô gái xa nhà và bà vỗ về thông cảm. Nhưng An đã nói ra những cảm xúc, những lo âu của cô, một sự thật mà cô đang mang trong thân thể mình.
“Mẹ ạ… con khóc không phải chỉ là do nhớ nhà. Con… Con… đã mang bầu…!” Cô chỉ có thể nói được như vậy và không thể cầm được những tiếng nấc, tiếng hít thở trong nghẹn ngào. Mẹ của cô khi nghe tin cũng tá hoả tinh thần.
“Cái gì? Con nói cái gì?” Bà ta không tin vào tai của mình nhưng An nhấn mạnh rằng đó là sự thật.
“Trời ơi! Con nói con mang bầu… Con mang bầu với ai?” Bà mẹ rít lên trong hai hàm răng. Cách nói và lời quát thét, phán xét chỉ làm cho tâm trí của cô gái vốn đã rối nay càng thêm rối bời.
Mẹ đẻ ra cô không thể giúp lúc này. Cô gọi điện thoại cho người đàn ông, tác giả của bào thai trong bụng. Cũng một giọng nói như khi cô báo tin cho mẹ.
“Em nghĩ rằng em đã có thai…!”
“Có thai?” Anh ta hỏi lại và ngừng trong khoảnh thời gian rất lâu.
“Có phải em bảo rằng em đã có thai?”
“Dạ!” An trả lời như miễn cưỡng.
“Không phải chúng ta đã dùng thuốc ngừa thai?” Người bạn hỏi một cách lạnh lùng.
“Dạ! Chúng ta có dùng thuốc ngừa thai… nhưng…!” An nghe mà chỉ muốn khóc to thêm, và muốn gào muốn thét. Nhưng vì đã là một nữ tu cả gần hai chục năm cho nên An tự kiềm chế cảm xúc.
“Đã dùng thuốc ngừa thai… mà em còn mang bầu hả? Không thể như thế được…!” Vẫn trong cái giọng lạnh lùng của cậu ta và muốn nêu lý do.
“Vậy là bây giờ lỗi lại là tại tôi không biết uống thuốc ngừa thai… Có phải anh muốn nói thế?” An hỏi nhưng người bên kia đầu giây im lặng. An suy nghĩ mông lung và lại chỉ biết chấp nhận với những tiếng khóc.
An cúp điện thoại, nhưng chỉ được vài phút, An muốn nói chuyện với tác giả của bào thai. An lại điện cho người đàn ông, vì trong lúc này An đang rất cần sự đồng cảm. Nghe điện và nhìn tin nhắn cho biết rằng một ni cô đã mang thai, người đàn ông trong khoảnh thời gian đã nghi ngờ. Anh ta lưỡng lự và thay vì trao cho An cảm xúc sung sướng của một người sẽ rời bỏ tính thanh niên, và trở về thiên chức làm cha. Anh ta nghi ngờ và rồi anh ta bắt đầu cho những lời khuyên.
“Hãy tẩy bào thai đó đi!”
“Tẩy bào thai đó đi hả?” An hỏi lại trong cảm xúc…
“Ôi sao mà thiên hạ dễ nói và tàn nhẫn đến thế?” An tự lầm nhầm trong tâm trí.
Những bất an trong tâm hồn, An lại gọi điện thoại tiếp cho mẹ để tìm sự cảm thông, và người mẹ kia cũng nhanh nhẩu cho An một lời tư vấn,
“Tẩy bào thai đó đi và tiếp tục với đạo tràng!”
Hai người thân duy nhất của cô trong thế gian hơn bảy tỷ người này đã đi đến quyết định là sẽ cho bào thai vô tội kia một bản án.
“Nó đáng chết chỉ vì nó còn là trứng nước… Họ quan trọng đạo tràng và tương lai hơn là một hài nhi vô tội…”
Nhưng cô lại là một con người đã bao năm ăn chay trường và tu thiền, cây cỏ, côn trùng và mọi chúng sanh ngoài kia mà mình không nỡ sát hại, huống chi cái bào thai con của mình? Sa ngã vào tình ái đã là phá giới… tẩy bào thai là sát nhân… lương tri của cô bắt đầu vận hành tối đa cho dù đã bao năm cô muốn vùi dập nó bởi vì nó chỉ là ảo tưởng.
“Làm sao ta có thể thực hiện điều này?” An ngồi khóc, và khóc trong nung nấu của tâm can.
Cô ngồi đó trong cảnh tĩnh mịnh của ngôi chùa nhưng tâm trí của cô bắt đầu oán trách. Cô oán trách mình trước vì đã không thể cầm được cái hừng hực của tình ái mặc dù bao nhiêu năm cô chủ tâm diệt dục. Cô oán trách người bạn trai đã không thể kìm được dục tính mà đã van lơn dụ dỗ để chiếm cho bằng được cái ngàn vàng. Cô oán trách đến cả kiếp và nghiệp của mình và ân hận vì không hiểu tiền kiếp, tiền nghiệp của mình đã làm đến nông nỗi gì để mà hôm nay sa ngã. Dù đã gần hai mươi năm khổ hạnh tu thiền, chay trường giữ các điều răn, vậy mà giờ đây cô đã bị đánh gục… bào thai trong mình sẽ là bằng chứng của sự gục ngã ấy.
Cô lại muốn gặp Bantey trong tiệm tạp hoá. An đã mạnh dạn bày tỏ ý định của người thân và lời khuyên của họ là nạo cái thai kia đi.
“Nạo thai?” Bantey cất cái giọng và nói một cách dứt khoát.
“Không được…! Nạo thai là sát nhân! Không được… không được! Không ai có quyền giết hại một hài nhi vô tội như vậy!” Bantey bày tỏ tiếng nói của lương tri và biện hộ cho bào thai chưa biết nói. An nghe vậy và cái sợ thể hiện ngay trên khuôn mặt của nàng. Bất lực, sợ sệt và những giọt nước mắt cứ lăn, cứ tuôn trôi đổ xuống. Tấm thân gầy guộc của cô nay ngoài cái bào thai đang hành hạ, còn thêm những cuộc tranh chiến cam go trong tâm hồn. Cô thổn thức trong tiếng nấc nghẹn ngào mà hình như nấc mãi mà không thể thốt ra lời.
“Tôi…! Tôi biết làm sao đây?” “Tôi không thể giúp gì được cho chị, nhưng Chúa của tôi sẽ có thể. Hội Thánh của Ngài sẽ có thể. Chị nên theo tôi cùng đến với Hội Thánh của tôi… Tôi sẽ giới thiệu chị… may ra chị sẽ tìm ra có lối thoát.”
Nghe nói đến với Chúa và đến với Hội Thánh, tâm tư của An như ngồi trên lò xo. Cô muốn biểu tình phản đối nhưng không tiện. Cô cúi đầu và lưỡng lự.
“Đến với Chúa ư? Đến với Hội Thánh ư? Tôi đâu có phải là người cùng đạo đâu mà đến với Chúa và Hội Thánh?” Cô bâng khuâng và luôn luôn tự hỏi nhưng cô không có một lối thoát nào.
“Bào thai là trứng nước hôm nay và sẽ là đứa trẻ ngày mai, và nó đang lớn.” Cô cũng đang bắt đầu cảm thấy những triệu chứng của một người phụ nữ nghén thai.
Đêm đêm khi tất cả những ngọn đèn đã tắt, cô không ngủ được và trong am thanh cảnh vắng đó, một mình cô trong phòng và biết rõ không ai có thể quan sát. Cô tự lấy bàn tay nhỏ và gầy guộc của mình vuốt vuốt vào phần bụng dưới, nơi mà một ngày nào đó sẽ gia tăng độ lớn, và như tự nhiên với thiên chức của người mẹ cô nựng nựng với người con, dù cô chưa biết nó sẽ là trai hay gái. Nựng con, nựng bào thai và hài nhi là một thiên chức của mỗi bà mẹ.
“Mẹ sẽ bảo vệ con! Mẹ sẽ bảo vệ con!” Cô nói vậy và lại oà lên khóc thầm trong đêm vắng.
“Nạo thai ư? Nếu làm như vậy tôi sẽ là một kẻ sát nhân…!” Cô nghĩ và sợ. Cô sợ lắm và chỉ biết khóc thầm mãi trong những đêm khuya.
“Chỉ có một lối thoát duy nhất mà thôi… hãy đến với Hội Thánh trong giai đoạn tạm thời.” Cô tự suy nghĩ và muốn làm theo lời khuyên của Bantey.
Một người chị em tên Hương cũng trong phái tu thiền bao nhiêu năm nay đã trở về thờ Chúa và là thành viên trong Hội Thánh nghe chuyện của An và đã bầy kế cho cô ra khỏi Chùa. An chỉ có một chút hành lý và An, một ni cô đã quyết định rời chùa về nhà của chi Hương ở tạm.
An về nhà của chị Hương được mấy tháng thì bộ gia cư đã gửi thư báo cho chị Hương rằng, chị ở nhà của chính phủ và không được phép cho người khác tá túc. Chị Hương thương An nhưng không thể cưỡng lệnh. An phải đi ở trọ trong nhà một người khác và đây là bước gian truân mà An không thể ngờ được.
Khi cô gái đến với Hội Thánh từ Mục Sư quản nhiệm đến tất cả những người lãnh đạo phải họp gấp để đi đến một quyến định là phải chăm sóc cho cô ta ngay mà không thể chậm trễ.
“Đây phải là do Chúa gửi cô ta đến đây trong vòng chúng ta! Không ai trong chúng ta truyền đạo cho cô ta… Cũng không ai trong chúng ta biết cô là ai. Nhưng cô ta đã đến với hoàn cảnh đặc biệt… Ta phải thực hiện và phải chăm sóc cô ta. Ta không có quyền lựa chọn…” Mục sư quản nhiệm đã nói như vậy để tất cả mọi người cùng đồng một quan điểm rằng, bằng mọi cách Hội Thánh của Chúa phải chăm sóc cho bé gái đang ở trong tình trạng cầu bơ, cầu bất này.
Một cuộc họp nhanh cùng mọi người, mà tất cả đều đi đến lối cụt. Mọi người tính đưa cô ta về khách sạn để cho cô ta trú tạm trong thời gian cấp bách. Nhưng từ trong lòng tôi cảm thấy vô cùng bất an. Một cái gì đó cứ như thúc đẩy và nhắc nhở trong đáy tâm hồn.
“Biết đâu đêm nay trong một lúc quẫn trí… trong khách sạn cô đơn ngay cạnh đại lộ, An chỉ nhắm mắt và bước liều xuống đường… với các đoàn xe chạy ào ào trên cao tốc… Nếu cô ta kết liễu cuộc đời… thì chính ta phải chịu hậu quả.” Lời cảnh báo của Đấng Thánh Linh nói rõ vào trong tâm trí của tôi, và bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng lo âu cho sự an toàn của hai mẹ con An.
“Phải cầu nguyện và xem ý Chúa mà thôi.” Tôi cũng bốc điện thoại lên để nêu ý kiến cho bà xã. Nhưng trong giờ làm việc bà xã của tôi không thể nhấc máy lên và tôi đành phải nhắn tin… và chờ đợi.
“Em…! Anh đang gặp đại nan đề… Bé An đang không có chỗ ở… Cô ta đang ở với anh trong văn phòng… Anh muốn đem cô ta về nhà mình… Em trả lời ngay cho anh…!” May mà sau khoảng nửa tiếng bà xã của tôi bắt điện thoại và nháy cho hay.
“Anh nên mang cô bé về nhà… Chúng ta có thể trông coi cô ta trong thời gian tạm thời…” Nhìn tin nhắn mà lòng tôi như mở hội. Người phụ nữ mang thai sáu tháng cần phải có nơi ăn chốn ở, mà trong nhà tôi thì đã chật chỗ. Tôi không thể tìm ra phòng trống cho cô ta ngủ nghỉ, và đành phải để cô nơi phòng khách mà tôi không yên tâm. Nhìn thấy người con gái mang thai sáu tháng ngủ trên chiếc băng-ca mà tôi chỉ biết nhìn lên cầu Chúa và bày tỏ lòng cảm thông.
“Chúa, Ngài mở cửa cho cô gái này đến với Hội Thánh… Nan đề này là của Chúa và của Hội Thánh… Xin Chúa giải quyết…”
Vâng Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện.
David là Mục sư quản nhiệm gọi tôi ra mà nói nhỏ. “Mình đã nói chuyện với bà xã… Bà ta đã cầu nguyện và suy nghĩ trong mấy ngày qua… Chúa đã cảm động, và chúng tôi đi đến quyết định là chúng tôi sẽ mang người con gái trong nhà cậu sang nhà tôi ở. Nhà chúng tôi có phòng cho cô ta…”
“Bao giờ thì cháu nó có thể qua nhà ông được?” Tôi hỏi cắt ngang câu chuyện mà David đang muốn giải thích.
“Ngay đêm nay… hay lúc nào cũng được, tuỳ ý ông.” David trả lời.
“Cô ta sẽ được ở trong nhà của ông bao lâu?”
“Vô thời hạn… cho đến khi nào cô ta sinh con…! Vì đây là ý Chúa… Em gái của bà xã tôi vừa mới dọn ra. Con gái tôi cũng đã lấy chồng… Chúng tôi nay đã có phòng riêng cho cô ta…”
Chỉ nghe vậy mà tôi nhìn người bạn đồng liêu ngấn lệ. Tôi biết rõ nếu Chúa không trả lời sự cầu nguyện của con cái Chúa trong một thời gian thật gần, cô gái mang thai kia sẽ phải đối diện với một đại nan đề. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng, tôi ngồi im và không nói.
“Hình như cậu đang quá xúc động về vấn đề này đúng không?” Nghe David hỏi mà tôi chỉ biết gật đầu khe khẽ.
“Làm sao tôi không thể xúc động trong lúc này được? Vậy là người con gái tội nghiệp này sẽ có nơi ăn chốn ở đàng hoàng từ đây!” Tôi nói và thở phào nhẹ nhõm, cái thở của người như đã trút được gánh nặng đã đè nén.
“Đây mới chỉ là chặng mở đầu thôi…! Trường hợp của cô gái này sẽ cần rất nhiều thời gian, sức lực và trí tuệ của chúng mình đó cậu!” David nhắn nhủ khi nhìn vào hoàn cảnh của An mà họ nhận ra rằng, đây là một trường hợp hình như chưa gặp bao giờ. Nếu như Chúa không ra tay cứu giúp trường hợp của cô ta sẽ rất là bi đát.
Và rồi đứa trẻ cũng được sinh ra trong vòng tay yêu thương của An và tất cả mọi người trong Hội Thánh. Nhưng khi mà đứa trẻ được sinh ra đó cũng là khi An phải đối diện với luật pháp, vì cô đã bỏ chùa ra đi. Cứ hàng hai ba tuần phải gặp luật sư đại diện và Hội Thánh đã quyết định bỏ tiền quỹ ra để lo kiện tụng cho An. Ba tháng một lần cô ta phải lên sở di trú báo cáo. Hôm xưa cô mang bụng bầu đi gặp cơ quan di trú và đã bị bác bỏ vì trường hợp của cô là không hợp lệ, và hôm nay cô lên sở di trú với đứa con thơ. Ở xứ sở Kangaroo này, thể chế và hành chính, nhất là vấn đề Di Trú là một vấn đề khá phức tạp.
Theo thường tình mẹ con của An bị toà từ chối Visa vài lần. An sợ lắm, nhưng từ Mục sư đến anh chị em trong Hội Thánh luôn luôn động viên An.
“Hãy vững tâm… Chúa sẽ làm phép lạ… Chúng tôi sẽ cùng chiến đấu cho An…”
Cháu gái kháu khỉnh quá. Mục sư đặt tên cho cháu là Xuân. Cháu đang ngủ rất ngon lành trong cái nôi mà anh chị em trong Hội Thánh tặng cho cháu. Làm người mẹ nay nhìn con ngủ trong nhịp thở đều đều. Lồng phổi nó hít không khí và căng lên và khi tụt xuống. Nhìn Xuân ngủ mà An cảm thấy cả một chặng đường mà mình đã trải qua. Bước ngoặt của cuộc đời thật quá lớn mà đến bây giờ chính An cũng vẫn tưởng như mình còn đang đi trong mơ. Trong tâm trí của cô bây giờ lại là những dòng suy nghĩ khác trước.
Cô tự bảo, “Không có Chúa, không có Hội Thánh, không có những anh chị em trong Hội Thánh coi mình như người thân, liệu mình có tồn tại đến hôm nay? Và liệu đứa con gái mà Mục sư đặt tên cho là Xuân có được hiện hữu?” Câu hỏi loé ra… và lại những giọt lệ rơi xuống vì cảm động.
Bé Xuân ngủ và An đến gần cửa sổ để nhìn ra ngoài đường. Ngoài kia những đứa trẻ trong lối xóm đã đi học về. An nhìn thấy chúng tung tăng nói cười và nàng tự nhủ, “Ôi tuổi trẻ sao vui như thế?” An nhớ lại ngày mình còn nhỏ cũng đi học… và cũng có một thời tung tăng… Nhưng nàng cũng chợt nhớ ra… “Mình đã bị bác bỏ đến mấy lần và không phải là thường trú nhân nơi đây. Mình không có gì hết thảy… Tương lai vẫn thật bấp bênh trớ trêu…” Nghĩ nghư vậy và nước mắt lại lưng tròng. An đưa tay gạt những giòng nước mắt đã đầm đìa.
Tiếng của Xuân đứa con gái nói và khóc trong mơ. Nghe con khóc, An chạy vội vào trong phòng. Nước mắt vẫn đầm đìa và nàng cúi xuống nhìn vào mặt đứa con đang ngủ… Vì khóc và giọt lệ của An vô tình chảy qua má, xuống cằm, rồi rơi xuống vào ngay vầng trán của con gái. Giọt lệ vỡ ra tung tóe trên khuôn mặt rất dễ thương của Xuân. An tuy khóc nhưng vẫn luồn tay xuống và dỗ con.
“Xuân ơi! Con cứ ngủ…ngũ…ngụ ngon!” Vì là trong lúc khóc nàng không thể nói ra chữ ngủ một cách bình thường.
“Mẹ đang cầu nguyện để Chúa của con… Chúa của mẹ sẽ cho con… Cho chúng ta có thêm cơ hội… Và con cũng sẽ được tung tăng cắp sánh đến trường như những đứa trẻ kia ngoài kia vậy…” An chỉ kịp nói xong và lại khóc như ngân ngất… Có lẽ đây là lần đầu tiên An biết gọi Chúa trong tâm trạng vừa tôn kính, vừa tin cậy và vừa chân thành.
Vài tháng sau, lời cầu nguyện của người mẹ đã bay đến nơi thánh Chúa. Bộ Di Trú gửi thư cho cả hai mẹ con, họ đã chấp nhận quyền làm người đặc biệt và được quyền ở lại Úc cũng theo diện đặc biệt và làm công dân nước Úc. Nhưng quan trọng hơn, đặc biệt hơn, An và con gái đã là công dân đặc biệt của Đức Chúa Trời.
Giọt lệ vẫn rơi khi An san sẻ chuyện thay đạo đổi đời của mình để khích lệ anh chị em tín hữu khác trong Hội Thánh. Nhưng cao hơn, An đã biết mình là con của Đức Chúa Trời và An hiểu thêm nhiều về một thiên chức.
UÔNG NGUYỄN |