Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Mùa Xuân Trong Thơ Nguyễn Bính

Mùa Xuân Trong Thơ Nguyễn Bính


Tôi rất yêu thơ Nguyễn Bính, vì tôi là người miền quê, mà thơ Nguyễn Bính lại nói về thôn quê nhiều hơn bất cứ nói về nơi nào khác, nên tôi yêu. Tôi đoan chắc rằng cũng có rất nhiều người yêu thơ Nguyễn Bính như tôi, không chỉ là vì họ sống ở miền quê như tôi, mà bèn là do thơ Nguyễn Bính đậm đà tình cảm, sâu lắng tình người nữa.

Nguyễn Bính sinh năm 1918, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Trọng Bính, quê ở Thôn Thiện Vịnh, Xã Cộng Hòa, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Hà Nam. Ông tạ thế ngày 20.1.1966.

Có thể nói, thi sĩ là một người yêu thích hoa, đặc biệt là các loài hoa của làng quê, miền quê Việt Nam. Trong thơ ông, hoa chiếm một vị trí khá trang trọng. Hoa làm cho thơ ông đẹp thêm lên rất nhiều, đầy hương vị thêm lên rất nhiều. Mùa Xuân là mùa của hoa khoe sắc thắm khắp nơi nơi, làm đẹp muôn người, muôn nhà. Nhân dịp mùa Xuân mới về, chúng ta cùng bước vào vườn hoa của Thi sĩ Nguyễn Bính-một nhà thơ của chân quê, tình quê, hồn quê và cũng là nhà thơ của hoa nữa để thưởng thức cái đẹp đẽ, cái thơm tho của các loài hoa trong thơ ông.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo:“Thôn Đoài hát tối nay.”

(Mưa Xuân).

Hoa xoan là hoa của miền quê, của đồng quê, nhất là làng quê miền Bắc của Thi sĩ. Hoa xoan trắng đẹp một cách gần gũi với người dân quê, thanh bạch giống như tấm lòng của họ.

Nơi này chán vạn hoa tươi

Để yên tôi hái đừng mời tôi lên

Một đi làm nở hoa sen

Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai

Hương thơm như thể hoa nhài

Những môi tô đậm làm phai hoa đào

Nõn nà như thể hoa cau

Thân hình yểu điệu ra màu hoa lan.

(Lòng yêu đương).

Như cả một rừng hoa được nhà thơ đem trồng trong vườn yêu đương của mình để cho tình yêu được thăng hoa. Nào là hoa sen, hoa mai, hoa nhài, rồi hoa đào, hoa cau, hoa lan đều có đủ, đẹp ơi là đẹp!

Anh trồng cả thảy hai vườn cải

Tháng chạp hoa non nở cánh vàng

Lũ bướm láng giềng đang khát nhụy

Mách cùng gió sớm rủ rê sang.

(Hết bướm vàng)

Hoa cải đang e ấp nở dưới trời Xuân ấm áp, cộng với bướm vàng đang say sưa hút nhụy hoa làm vàng rực cả khu vườn của thi sĩ. Đáng yêu làm sao!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều (Chân quê).

Hoa chanh, một loài hoa rất gần gũi với những người ở thôn quê, làng quê. Hoa chanh đơn sơ, mộc mạc như người dân quê mộc mạc, đơn sơ, nhưng đó là “hương đồng, gió nội”, đó là “hồn quê” đấy, nhớ giữ gìn, chứ đừng để bay mất đi thì không còn biết “ăn làm sao, nói làm sao” được nữa với bà con làng xóm thân yêu.

Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều cả gió bám đầy áo em.

(Hoa cỏ may).

Không gì bình dị hơn hoa cỏ may, ấy vậy mà thi sĩ vẫn lưu tâm đến, vì nó chính là … hồn anh, hồn của mọi người làng quê. Hoa cỏ may gần gụi với người dân quê biết bao, quấn quýt với người dân quê biết bao!

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

(Xuân về).

Hoa bưởi, hoa cam, toàn là những loài hoa thân thương, quen thuộc của miền quê Việt Nam. Thiếu những loài hoa nầy, người làng quê như thiếu… làng quê vậy.

Chòm hoa râm bụt bên bờ giếng

Nở đỏ như muôn mảnh lụa điều

Tôi dối lòng tôi nên chẳng dám

Nhận là mình đã bắt đầu yêu.

(Nhặt nắng)

Ở miền quê Việt Nam, hầu như nhà nào cũng có trồng hoa dâm bụt để cho nhà được mát mẽ và thêm đẹp đẽ. Hoa dâm bụt có màu đỏ không kiêu sa nhưng đằm thắm, mặn mà như những cô thôn nữ mặn mà, đằm thắm vậy. Những chàng trai, cô gái miền quê thường hay tỏ tình qua những hàng dâm bụt, chàng thi sĩ ở đây cũng vậy, yêu cô thôn nữ bên thôn Đông, nhưng còn thẹn thùng, e ngại không dám “nhận mình là đã bắt đầu yêu”. Ôi, thế mới lạ cơ chứ!

Lòng anh như hoa hướng dương

Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời

Lòng em như cái con thoi

Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành.

(Em với anh).

Hoa hướng dương là một loài hoa được nhắc tới như là một loài hoa cao thượng, trong sáng, vì khi nở nó luôn hướng về phía mặt trời để đón lấy ánh sáng và nhờ đó mà hoa thêm rạng ngời, vàng óng rất đẹp. Tấm lòng của thi sĩ giống như hoa hướng dương, luôn hướng đến điều tốt lành, trong sáng, luôn dành cho tình yêu, cho người mình yêu những gì trong sáng, đẹp đẽ nhất.

Nhà gianh thì sẵn đấy

Vợ xấu có làm sao

Cuốc kêu dài bãi sậy

Hoa súng nở đầy ao.

(Thanh đạm).

Không có gì chân chất, bình dị hơn hoa súng. Hoa sung nở trong ao, trong đầm, thơm một cách mộc mạc, dễ chịu và gần gũi vô cùng với người dân quê. Phải chăng đó cũng chính là tâm hồn chân quê của chính thi sĩ?

Vườn nhà Tết đến hoa còn nở

Chị gởi cho em một cánh hồng

Tha hương chả gặp người tri kỷ

Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng.

(Xuân tha hương).

Tết đến, thi sĩ không về nhà ăn tết được, ở nơi tha hương, thi sĩ nhớ về quê nhà, nhớ đến vườn hoa Tết của gia đình, và mong

được một cánh hồng từ nhà gởi đến làm quà tết để được ấm lòng khi phiêu bạc phương xa. Thật cảm động làm sao trước nỗi lòng của một thi sĩ tha hương!

Mùa thu hoa cúc lại tàn

Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong!

Người về để lạnh phòng không

Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương.

(Thu rơi từng cánh).

Nói đến mùa Thu là nói đến hoa cúc, hay nói cách khác, thiếu hoa cúc thì không thể gọi là mùa Thu. Mùa Thu cũng là mùa của hoài niệm, mùa của nỗi nhớ niềm thương. Lòng chàng thi sĩ như đong đầy nhớ thương khi mùa Thu về trong cô liêu.

Lữ hành bắt gặp quán cơm

Bầy ong bắt gặp mùi thơm hoa rừng là ta biết mùa xuân đang cận kề, mùa xuân đà hiển hiện cho ta cho người rồi.
Đèo cao cho suối ngập ngừngNắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều.

(Đường rừng chiều).

Hầu như văn nhân thi sĩ nào cũng đều được Trời phú cho một tâm hồn giàu cảm xúc, một tấm lòng ưa khám phá, tìm kiếm. Nguyễn Bính thi sĩ cũng vậy, ông cũng ưa làm lữ khách để đi đây, đi đó khám phá, kiếm tìm những điều mới mẽ cho mình, cho thơ ca của mình. Một lần đi trong con đường rừng chiều, thi sĩ thỏa thích với mùi thơm của hoa rừng lan tỏa trong không gian. Thật thú vị cho đời của một thi nhân!

Nhà tôi có một vườn dâu

Có giàn đỗ ván có ao cấy cần

Hoa đỗ ván nỡ mùa xuân

Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm.

(Nhà tôi).

Đỗ ván là một loại cây mình dây, hầu như thôn quê nhà nào cũng có trồng đỗ ván để có thêm nguồn thực phẩm trong gia đình. Mỗi khi nhìn thấy đỗ ván nở hoa

Cùng quen thuộc với hoa đỗ ván, thiên lý cũng là loài hoa được nhiều người dân quê ưu ái trồng trong vườn nhà mình, cũng để có thêm món ăn ngon cho gia đình. Hoa thiên lý thơm một cách thoang thoảng, nhưng ấn tượng lắm, khó quên lắm, chứ đừng có xem thường:

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu

Con cò bay lả trong câu hát

Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.

(Chiều thu)…

 

Có lẽ còn một vài loài hoa nữa trong thơ Nguyễn Bính thi sĩ mà trong bài viết nầy chưa đề cập đến đầy đủ được, nhưng chỉ ngần ấy loài hoa đó thôi, cũng đủ cho ta thấy những vần thơ thi sĩ dành cho hoa cũng không phải là ít. Khá nhiều loài hoa xuất hiện trong thơ của Nguyễn Bính, và phần lớn trong số đó là các loài hoa của miền quê, của thôn quê, của làng quê thân thương Việt Nam. Nào là hoa xoan, hoa cau, hoa bưởi, hoa cỏ may, hoa cam, hoa cải, hoa đỗ ván, hoa sung, hoa râm bụt,… và nhất là hoa chanh. Thật thú vị khi điểm mặt những loài hoa dễ thương dễ mến, gần gũi, quen thuộc như thế trong thơ của Nguyễn Bính. Qua những loài hoa chân chất, mộc mạc ấy, ta cũng dễ nhận ra một điều là Nguyễn Bính được sinh ra là để yêu thương thôn quê, làng quê, miền quê vậy.

Vâng, quả thật như vậy! Những câu kết trong bài thơ “Chân quê” của thi sĩ giống như là “tuyên ngôn thi ca”của ông tuyên bố với mọi người:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Nói đến mùa Xuân là phải nói đến hoa. Mùa Xuân mà thiếu hoa thì có thể nói không còn gì là mùa Xuân nữa.

Mỗi khi nhìn thấy hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa, chất ngất trong mùi thơm của hoa, tôi thường tự hỏi ai làm cho hoa thơm thế, ai mặc cho hoa màu đẹp thế? Và tôi tìm được câu trả lời thật rõ ràng, thật chí lý, không có gì rõ ràng, chí lý hơn. Câu trả lời ấy ở trong Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ, chương 25, từ câu 25 đến câu 29 như sau:

“Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quý trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó.”

Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật cho con người chúng ta được hưởng, trong đó có muôn ngàn loài hoa xinh tươi, đẹp đẽ, thơm tho vô cùng mà chúng ta được nhìn thấy hàng ngày, nhất là vào mỗi dịp xuân về.

Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban muôn ngàn loài hoa xinh tươi, đẹp đẽ cho bạn và cho tôi được thưởng thức. Chỉ có Đấng tuyệt mỹ mới có thể làm ra được những loài hoa tươi đẹp như thế phải không bạn?

Mùa Xuân đang về với mỗi một chúng ta, muôn hoa tươi đang khoe sắc để đón Xuân sang. Hãy chuẩn bị tâm hồn để vui Xuân, để thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của các loài hoa và hãy cùng tôi nói lời cảm ơn Đấng tuyệt mỹ đã ban các loài hoa tươi thắm cho chúng ta.

Chúc bạn hưởng một mùa Xuân an lành trong tình yêu của Đấng tuyệt mỹ ban cho!

NGUYỄN ĐÌNH BÙI THỊ

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn