Hãy cẩn thận, ở yên lặng; đừng sợ chi, lòng ngươi chớ bủn rủn vì cớ hai đuôi đuốc có khói, tức là vì cơn giận dữ của Rê-xin và Sy-ri, và của con trai Rê-ma-lia.
Ê-sai 7:4
Một thời gian tràn ngập nỗi sợ hãi. A-cha, vua Giu-đa, bị đặt trong một tình thế rất khó khăn. Rê-xin, vua Sy-ri và Phê-ca vua Y-sơ-ra-ên hiệp nhau lại đánh Giu-đa với mưu đồ đặt một vua mới lên cai trị vương quốc này. Tuy nhiên đền thờ và chức tế lễ đều nằm ở Giu-đa, còn A-cha thuộc về dòng dõi vua Đa-vít mà từ dòng dõi này Đấng Mê-si sẽ đến. “Bấy giờ A-cha và dân sự người trong lòng kinh động, như cây trên rừng bị gió lay” (c. 2). Việc làm khôn ngoan khi chúng ta cảm thấy sợ hãi đó là mở Kinh Thánh, lắng nghe tiếng Chúa, và nhận lấy cái nhìn của Ngài. Đức Chúa Trời không nhìn thấy Rê-xin và Phê-ca như những ngọn đuốc rực cháy đáng sợ nhưng chỉ là những ngọn đuốc gần tàn. Khi Môi-se sai các thám tử vào vùng đất Ca-na-an, mười người đã mô tả rất đúng về vùng đất tuy nhiên họ không nhìn thấy Chúa trong bức tranh ấy! Chỉ hai thám tử, Ca-lép và Giô-suê, nhìn vùng đất bằng cái nhìn của Chúa và khích lệ dân sự tiến vào để chiếm lấy đất. Mười thám tử không có đức tin đã chết, và dân Y-sơ-ra-ên đã lang thang trong suốt ba mươi tám năm sau, hễ ai từ hai mươi tuổi trở lên đều chết trong đồng vắng ngoại trừ Ca-lép và Giô-suê. Không có đức tin là một tội lỗi rất nguy hiểm (Dân số ký 13-14).
Thời gian của đức tin. Nhận lấy cái nhìn của Chúa nghĩa là bước đi bởi đức tin. “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3). Tuy nhiên chúng ta không được hai lòng khi tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa rồi sau đó dựa vào kế hoạch của bản thân (Gia-cơ 1:5-8); chúng ta phải hoàn toàn tin cậy Chúa. Đức tin là sống không mưu toan. Tuy nhiên, vua A-cha đã bí mật lập một hiệp ước cùng vua A-sy-ri, cầu xin viện trợ trong trường hợp Giu-đa bị tấn công (2 Các vua 16:5-9). “Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa, Nhưng chúng tôi nhờ cậy danh Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chúng tôi” (Thi Thiên 20:7). Một trong các danh xưng của Đức Chúa Trời chính là Giê-hô-va Ni-si, nghĩa là “Đức Giê-hô-va là cờ xí của tôi.” Danh xưng này giúp tưởng nhớ đến chiến trận đầu tiên mà người Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng sau khi ra khỏi Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 17:15-16). Nếu chúng ta nhớ lại những điều Chúa đã làm cho chính mình trong quá khứ, chúng ta sẽ được khích lệ để tin cậy nơi Ngài trong hôm nay. Đôi khi chúng ta phải nói cùng Chúa giống như lời người cha buồn rầu có đứa con bị quỷ ám, rằng: “Tôi tin, xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!” (Mác 9:24), và ghi nhớ rằng Đức Chúa Giê-su trân quý lời cầu nguyện ấy.
Thời gian cho sự trung tín. Con trai của Ê-sai, người đồng đi với ông gặp vua A-cha có tên là Sê-a-Gia-súp, nghĩa là “dân sót lại sẽ trở về.” Ý tưởng về một số ít những người Do Thái trung tín xuất hiện xuyên suốt trong Cựu Ước từ thời Nô-ê và gia đình của ông (Sáng thế ký 7:23) đến thời Giô-sép (Sáng thế ký 45:7) và mãi đến Ma-la-chi 3:16; cuối cùng chính Phao-lô đã nêu lên ý tưởng này trong Rô-ma 11:5. (Xem Ê-sai 1:9; 37:31-32; Lu-ca 12:32.) Đức Chúa Trời chưa từng nhờ cậy vào số đông để hoàn thành ý muốn của Ngài trên đất, ngày nay bạn và tôi là một phần của nhóm dân sót lại ấy. Ma-la-chi 3:16-18 mô tả rõ ràng những người còn sót lại là một nhóm nhỏ những người kính sợ Chúa, có mối thông công với nhau, cầu nguyện cùng nhau, suy ngẫm về những vấn đề thuộc linh, dạy dỗ lẫn nhau, và có sự tỉnh thức thuộc linh qua việc làm chứng cho những người chưa tin. Lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đó là: “vậy xin hãy vì những người còn lại đây mà cầu nguyện” (Ê-sai 37:4).
Thay vì sợ hãi và lo lắng, hãy “cẩn thận, ở yên lặng,” nhận biết rằng mọi việc đều do Chúa tể trị.
Ráng tập ăn ở cho yên lặng.
1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vinh