Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Làm Phiền Đức Giê-hô-va Bằng Lời Nói

Làm Phiền Đức Giê-hô-va Bằng Lời Nói

“Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh em;  nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ.” (1 Cô-rinh-tô 14:18-19)

Nếu bạn biết cách chọn lựa các từ ngữ, thì chỉ cần năm từ ấn tượng có thể diễn đạt các ý tưởng làm thay đổi cuộc sống.

Thomas Jefferson đã viết năm từ sau đây trong bản Tuyên ngôn độc lập: Mọi người (sinh ra) đều bình đẳng (All men are created equal). Về sau Abraham Lincoln đã trích dẫn năm từ này trong bài diễn văn nổi tiếng Gettysburg Address.

“Một cảnh tượng ghê gớm đang ám ảnh Âu Châu” (A specter is haunting Europe) là những từ mà Karl Mark và Friedrich Engels sử dụng để mở đầu trong bản Tuyên ngôn cộng sản. Nội dung của nó đã làm rung chuyển một phần của thế giới.

Vào ngày 18 tháng 6 năm 1940, Thủ tướng Winton Churchill đã làm say mê dân chúng nước Anh với một bài diễn văn được kết luận bằng năm từ khó quên: “Chúng ta hãy tự mình gánh vác bổn phận, và hãy chịu trách nhiệm trước lịch sử. Nếu Khối Liên Hiệp Anh và Đế chế của nó tồn tại trong một ngàn năm, con người trên thế giới vẫn sẽ nói: ‘Đây là khoảng thời gian thành công vĩ đại nhất của họ.’  This was their finest hour.”

Kinh Thánh là “lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12) chứa đựng nhiều lời công bố bao gồm năm từ – mà Đức Thánh Linh có thể truyền cảm hứng để dẫn dắt chúng ta trong thế giới hỗn loạn ngày nay. Trong quyển sách này tôi sẽ chia sẻ sự suy ngẫm cá nhân trên nền tảng một trăm cụm từ ngắn trong Tân Ước của bản Kinh Thánh New King James Version.

Tôi tin rằng khi bạn suy ngẫm Lời Chúa và xem xét những điều tôi chia sẻ, Đức Thánh Linh sẽ soi sáng, khích lệ bạn khám phá ý chỉ của Đức Chúa Trời và vui thích thực hiện nó.

 

Warrren W. Wiersbe

Các ngươi đã làm phiền Đức Giê-hô-va bởi những lời nói mình.

Ma-la-chi 2:17

Trong cuộc sống, đã có ai từng nói quá nhiều đến nỗi bạn chán ngán lắng nghe người ấy? Có thể là đứa con nhỏ của bạn, hoặc một người anh em nào đó luôn luôn đặt câu hỏi từ sáng đến tối, hoặc một sinh viên không ngừng nói về một vấn đề nào đó, hoặc một đồng nghiệp cảm thấy họ có trách nhiệm phải kể cho bạn nghe mọi tin tức “nội bộ” của công ty. Trong mục vụ của tôi, tôi thường phải chịu đựng những cuộc điện thoại từ các tín hữu, những người nghĩ rằng họ đang gặp phải vấn đề và muốn tôi biết tường tận từng chi tiết. Tôi nhận ra rằng lắng nghe là một mục vụ quan trọng để người ta có thể nói ra vấn đề của mình, tuy nhiên thời gian thì quý báu mà lời nói thì dường như quá rẻ tiền.

 

Tuy nhiên, tại sao Đức Chúa Trời lại chán ngán lời nói của chúng ta khi Ngài đã biết trước ý tưởng trong trí và lòng của chúng ta rồi. Từ khi bắt đầu, Ngài đã nhìn thấy sự kết thúc và Ngài không bất ngờ với những bài diễn văn dài dòng của chúng ta. Đức Chúa Giê-su phán rằng chỉ những người ngoại đạo “tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm,” nhưng Ngài dạy chúng ta không được bắt chước họ (Ma-thi-ơ 6:7-8). Đức Chúa Cha chán ngán lề thói thờ phượng, những của tế lễ và lời cầu nguyện của người Y-sơ-ra-ên, đó là những điều không đến từ tấm lòng của dân sự Ngài (Ê-sai 29:11). Trong thời Ma-la-chi, sau khi người Do Thái đã rời Ba-by-lôn để hồi hương và tái thiết đền thờ, dân sự tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ thi hành phép lạ lớn để gây ấn tượng trước dân ngoại, nhưng phép lạ đã không xảy ra. Dân sự tranh luận cùng Chúa, song còn tệ hơn thế nữa, các thầy tế lễ cảm thấy ngán ngẩm mục vụ của họ trong đền thờ mới (Ma-la-chi 1:12-13). Mọi chất liệu dệt nên đời sống tôn giáo của họ giờ đây đã quá yếu mòn và họ tha thiết cần sự phấn hưng. Đức Chúa Trời chán phải nghe những lời cầu nguyện và các bài thánh ca không thành tâm. Ngày nay chúng ta có đang mắc phải vấn đề này không?

 

Đức Chúa Giê-su gặp cùng một vấn đề như trên với dân sự trong thời của Ngài và với chính các môn đồ của Ngài. Một người cha đầy muộn phiền đã đem đứa con bị quỷ ám của mình đến cho chín môn đồ là những người không lên núi hóa hình cùng Đức Chúa Giê-su, tuy nhiên các môn đồ này không thể đuổi được quỷ đó (Ma-thi-ơ 17:14-21). Khi Đức Chúa Giê-su xuống núi và chứng kiến cảnh tượng đáng xấu hổ, Ngài phán rằng: “Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào?” Đức Chúa Giê-su giải cứu và trả đứa bé về với cha mình. Nhưng tại sao chín môn đồ thất bại? Đức Chúa Giê-su phán cùng họ rằng: “Ấy là tại các ngươi ít đức tin” (c. 20). Họ “không có đức tin và nghi ngờ” và hiển nhiên họ đã không kiêng ăn và cầu nguyện (c. 21). Đức Chúa Giê-su đã ban cho họ năng quyền để đuổi quỷ (10:1), nhưng khi Ngài vắng mặt, chín môn đồ đã nới lỏng kỷ luật thuộc linh. Một hậu quả bi thương của đời sống tâm linh yếu đuối đó là: chúng ta không thể giúp đỡ người khác và cũng không tôn vinh Đức Chúa Giê-su.

Dân Y-sơ-ra-ên làm buồn Đức Chúa Cha, chín môn đồ chủ chốt đã làm buồn Đức Chúa Con, và Hội Thánh ngày nay đang làm buồn Đức Thánh Linh. “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 4:30). Đức Thánh Linh ngự trong lòng mỗi một Cơ Đốc Nhân chân thật và Ngài vui lòng khi chúng ta vâng lời và buồn lòng khi chúng ta không vâng lời. Trong thư tín gửi cho các tín hữu tại thành Ê-phê-sô và Cô-lô-se, Phao-lô viết ra một số tội lỗi làm buồn lòng Đức Thánh Linh và khiến Ngài không hành động trong và qua chúng ta như: lừa dối, không công chính, giận dữ, trộm cắp, nói lời tục tĩu, cay đắng, nói lời dữ, và hận thù. Có những thái độ bên trong mà Đức Chúa Trời nhìn thấy từ tấm lòng của chúng ta, và Ngài muốn xóa khỏi chúng ta những điều ấy trước khi chúng bùng nổ và gây ra rắc rối.

Phải chăng Đức Chúa Giê-su thất vọng với chúng ta? Phải chăng chúng ta khiến Ngài chán ngán với những lỗi lầm của chính mình? Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm “phương cách tốt hơn” trong khi Đức Chúa Trời tìm kiếm con người tốt hơn, là những người không làm buồn lòng Chúa? Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Hãy noi gương Chúa.

Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.

Ê-phê-sô 4:31-32

Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn