Tôi nhận được tin bạn vừa trải qua một cú sốc lớn trong cuộc đời. Những lời chia buồn của tôi có lẽ cũng khó làm cho bạn vơi đi những nỗi nhớ thương đối với đứa con thân yêu của bạn vừa mới ra đi về nơi yên nghỉ vì bệnh ung thư. Những gì tôi viết ra sau đây hy vọng sẽ giúp đỡ bạn được phần nào trong một sự kiện không mong đợi của gia đình bạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi này: Vì sao sự đau khổ lại xảy đến cho những con người chính trực và ngay thẳng như bạn?
Có một sách trong Kinh Thánh đã trở thành niềm cảm hứng cho tôi khi suy ngẫm về nó. Bây giờ bạn có thể đọc tiếp những giòng tôi viết sau đây.
Gióp không thiếu bất cứ thứ gì trong ngôi biệt thự cổ kính của mình. Toàn cả xứ Đông Phương không ai có thể sánh ngang bằng với ông về tư cách, đạo đức, tấm lòng kính sợ đối với Chúa cũng như về tài sản, vàng bạc của ông. Cơ nghiệp và uy tín của ông làm cho bất cứ ai cũng nghiêng mình thán phục. Các nhà quí tộc trong vùng cung kính mỗi khi gặp ông trong các buổi yến tiệc. Khi nói về ông, họ chỉ có một câu tóm lược: ông ấy vô địch về mọi phương diện, đơn giản vì ông ấy là GIÓP.
Đời sống trên đất của Gióp quá đầy đủ và hạnh phúc khiến Sa-tan cũng phải ganh tị. Nó quyết định tấn công Gióp. Sa-tan đến diện kiến Đấng Toàn Năng và đưa ra một lời thách thức:
-Gióp kính sợ Chúa vì Ngài đưa tay ra ban phước cho ông ấy về mọi phương diện. Nhưng nếu Ngài rút tay lại, ông ấy sẽ nguyền rủa Ngài cho xem.
Sa-tan đã lên một quỉ kế với chiến thuật cướp phá và hủy diệt đời sống của Gióp. Nó trở thành địch thủ của Gióp. Trong bối cảnh này, nó làm mọi việc tùy theo sự chấp thuận của Chúa và không thể làm được điều gì nếu Chúa không cho phép.
Đức Chúa Trời phán bảo Sa-tan:
– Được rồi, tất cả những gì Gióp sở hữu đều nằm trong tay ngươi, nhưng ngươi không được đụng đến cá nhân Gióp.
Sa-tan lui ra khỏi mặt Chúa. Nó chuẩn bị những ngón đòn đầu tiên trên cuộc đời Gióp.
Trong một ngày đẹp trời, khi các con của Gióp đang ăn uống trong nhà của người anh cả, một gia nhân chạy đến báo tin cho Gióp:
– Thưa ngài quí tộc, những con bò của ngài đang cày ruộng, lừa đang ăn cỏ thì quân cướp Xa-ba sống ở miền Nam sa mạc Á-rập tấn công, cướp lấy tất cả đàn súc vật và giết chết những gia nhân canh giữ. Nhờ ơn Chúa nên tôi thoát được chạy về đây báo tin cho ngài.
Đang khi gia nhân này còn đang trình bày diễn tiến của sự việc với tâm trạng hãi hùng, thì gia nhân thứ hai chạy đến chỗ ngồi của Gióp mang theo lời tấu trình tệ hại khác:
– Thưa ngài, sấm sét từ trên trời giáng xuống đốt cháy hết các bầy chiên và những người chăn. May mà tôi còn sống chạy về đây báo tin cho ngài.
Tai họa dồn dập đến với Gióp, người này còn chưa nói hết thì gia nhân thứ ba chạy về thở hổn hển:
– Quân Ba-by-lôn sống lưu động giữa sông Ơ-phơ-rát và Giô-đanh chia làm ba mũi tiến công cướp hết các lạc đà của ngài và giết chết các tôi tớ. Tôi nhanh chân bỏ của chạy lấy người về đây để báo hung tin cho ngài.
Chưa dừng lại ở đó, một gia nhân thứ tư chạy thục mạng từ bên ngoài vào với giọng nói đầy hốt hoảng:
– Các con trai và con gái của ngài (gồm bảy người con trai và ba cô con gái) đang ăn uống tại nhà người anh cả, thì một trận cuồng phong dữ dội từ sa mạc thổi đến như vòi rồng cuốn phăng đi mọi thứ làm ngôi nhà đổ sập, mọi người đều chết. Không hiểu sao tôi may mắn thoát được chạy đến đây báo tin cho ngài.
Gióp không khỏi bàng hoàng sau khi nghe bốn bản tấu trình thảm hại từ đám gia nhân. Ông đứng dậy xé áo choàng bên ngoài, rồi cạo trọc đầu chứng tỏ tấm lòng ông đau khổ tột cùng. Ông quì sấp mặt xuống đất thưa cùng Chúa Toàn Năng:
– Tôi chào đời trần truồng thế nào, đến khi chết tôi cũng trần truồng trở về. Chúa đã ban cho tôi mọi thứ, bây giờ Ngài lại cất đi. Đáng chúc tụng danh Chúa thay!
Trong từ điển của Gióp không hề có từ “oán giận” hay “bất mãn” với Đấng Toàn Tri. Ông tin rằng Chúa kiểm soát mọi hoàn cảnh mặc dù ông không hiểu tại sao những tai họa kinh hoàng này lại đổ xuống gia đình ông. Thật đáng kinh ngạc cho một nhà quí tộc sau khi đã mất hết mọi thứ, trở về với con số không, ông vẫn tin cậy Chúa hằng hữu!
Trên đây chỉ mới là khúc dạo đầu của Sa-tan trên cuộc đời Gióp. Nó dường như đã ghi được một điểm trong cuộc chiến chống lại tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
Sa-tan cũng đến cùng với các thiên sứ trước ngai của Chúa trong một lần khác. Chúa hỏi nó:
– Ngươi từ đâu đến?
– Tôi dạo chơi lang thang trên khắp thế giới.
– Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta. Dù ngươi tấn công tài sản và con cái của nó, nó vẫn là một con người hoàn thiện, không có một lời bất mãn kêu ca.
– Người ta bằng lòng làm mọi cách để tránh đau đớn. Gióp đã có một phản ứng thích hợp. Nhưng nếu Chúa giơ tay ra đụng đến xương thịt của ông ta, ông ta chắc sẽ nguyền rủa Ngài.
Chúa bảo Sa-tan:
– Được rồi, ngươi giỏi lý luận lắm. Gióp ở trong tay ngươi nhưng ngươi không được đụng đến mạng sống của người.
Sa-tan đắc ý lui ra khỏi hiện diện của Chúa. Nó tấn công Gióp lần nữa trên mặt trận thứ hai. Lần này Sa-tan dùng bịnh phung với một hình thức khủng khiếp, cộng thêm biến chứng sùi da, là một chứng dơ dáy và nhức nhối ở Ðông phương lúc bấy giờ để hành hạ Gióp.
Nó tạo ra vô số vết lở lói đau nhức trên toàn thân thể của Gióp. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, Gióp chịu cảnh ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Gióp ra khỏi thành phố, tự tách mình ra khỏi xã hội theo đúng nghi thức thời đó và ngồi trong đống rác. Ông dùng một miếng sành để gãi khắp người trông thật thảm thương. Cái dáng vẻ quí phái của Gióp không còn nữa. Ông như bị cùi hủi với những vết thương mưng mủ khắp người không giống ai. Sự đau đớn của Gióp lúc này là vô cùng. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, Gióp đang trải qua những đau khổ tột cùng về mặt thể xác nhưng lạ thay ông vẫn kiểm soát tư tưởng của mình. Dường như sự đau đớn của cơ thể không khiến tâm trí ông nao sờn. Tinh thần ông vẫn vững vàng như một ngọn núi lớn giữa tiếng gào thét chung quanh của những trận cuồng phong ác liệt. Gióp ngồi trên đống tro trong dáng vẻ sầu khổ đau đớn. Ông không hiểu tại sao điều này xảy đến với mình. Mà tại sao phải tìm kiếm nguyên nhân của nó trong khi sự sống và cái chết của ông đã đặt trong vòng tay của Chúa hằng hữu? Lòng tin kính của ông đối với Chúa thật lạ lùng mặc dù ông không phải là người Do Thái. Lúc này người vợ thân yêu của ông buông ra một câu nói tiêu cực:
– Tại sao ông cố chứng tỏ bản thân là một người hoàn thiện. Ông đã rơi vào tình huống này thì hãy rủa sả Đấng Toàn Năng và chết phứt đi cho rồi. Sống như ông thì chết là tốt hơn!
Trong ý tưởng của vợ Gióp, bà cho rằng kết quả đời sống tin kính của Gióp là như thế này đây. Vậy thì tại sao không rủa sả Đấng Tối Cao?
Gióp bình thản đáp:
– Bà nói giống như một đứa ngu dốt. Chẳng lẽ điều chi tốt Chúa ban cho thì nhận, còn điều xấu thì không nhận sao?
Thật lạ lùng, tư tưởng của Gióp trong sáng như pha lê. Ông không hề phạm tội trong ý tưởng vì vậy lời ông nói ra không xúc phạm đến Đấng Toàn Tri.
Gióp có ba người bạn thân Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Cả ba là những tiểu vương đương thời đến từ những vùng đất khác nhau. Khi nghe tin hoàn cảnh đau thương của Gióp, họ hẹn với nhau cùng đến thăm ông. Khi nhìn thấy tình cảnh của Gióp, họ sững sờ vì thấy ông đang ở trong sự đau khổ cùng tận. Những người bạn yên lặng cùng ngồi bên cạnh ông trong suốt bảy ngày đêm không thốt lên được lời nào.
Sau bảy ngày yên lặng chia sẻ đau thương với Gióp, các bạn hữu vốn là những ông hoàng sa mạc với nền học vấn và triết lý đương thời bắt đầu lên tiếng. Cuộc hội ngộ không mong đợi của nhóm bốn người trở thành một hội nghị với chuyên đề về sự đau khổ. Ê-li-pha là người đọc diễn văn chia buồn an ủi Gióp đầu tiên. Những lời Ê-li-pha nói mang tính chất của thần học truyền thống: Chỉ cần kiên nhẫn rồi mọi việc sẽ tốt đẹp. Ê-li-pha nhấn mạnh chúng tôi biết anh là một người đạo cao đức trọng. Vì thế đừng có sờn lòng nhụt chí. Anh đang chịu khổ vì thực ra anh chưa trọn vẹn, hoàn hảo nên cần được xử lý kỷ luật. Nhưng mọi chuyện sẽ qua đi, anh hãy rán chờ đợi.
Gióp phản biện trước bài diễn thuyết của Ê-li-pha. Ông không dễ dàng chấp nhận những lời an ủi theo cách đó.
Binh-đát đưa ra một diễn văn tiếp theo: Nếu Gióp vô tội anh sẽ không chết, Đấng Toàn Năng sẽ binh vực duyên cớ của anh. Đồng thời Binh-đát cũng khẳng định quan điểm của mình: Con cái Gióp đã phạm tội cùng Chúa, nên Ngài trừng phạt chúng?
Tới lượt Sô-pha kêu gọi Gióp: Hãy gỡ tội lỗi ra khỏi tay anh, đừng để điều ác nào còn lảng vảng trong nhà anh.
Cả ba bạn hữu tới thăm an ủi Gióp, nhưng những gì họ nói chỉ là theo hiểu biết truyền thống. Có ích gì khi chỉ ở trong cái khuôn của những định kiến và giáo điều! Ba ông hoàng sa mạc này đại diện cho sự hiểu biết của con người trong mọi thời đại. Những lời an ủi từ các bạn hữu vô tình trở nên những mũi tên bắn vào vết thương đang đau đớn của Gióp. Vô hình trung họ đến để lên án Gióp nhiều hơn là chia sẻ nỗi đau với ông.
Mỗi lần một người bạn phát biểu thì lập tức sau đó Gióp phản biện bằng một bài thuyết giảng dài dòng. Ai cũng có lập luận của mình, và mỗi người nói theo một cách, giống như bốn anh mù sờ voi, mỗi anh chỉ thấy một phương diện mà không thể thấy hết cả con voi. Mỗi người bạn thấy một phần của vấn đề nhưng họ không thể thấy hết được tất cả mọi thứ. Vấn nạn của sự đau khổ đến trên những con người mà lẽ ra họ được miễn trừ vẫn là một chủ đề hóc búa trong mọi thời đại. Gióp nói nhiều hơn tất cả mọi người cộng lại, ông đã phê phán các bạn hữu:
“Còn các ngươi là kẻ đúc rèn lời dối trá, thảy đều là thầy thuốc không ra gì hết…
Châm ngôn của các ngươi chỉ như châm ngôn tro bụi, những thành lũy của các ngươi thật là thành lũy bùn đất” (Gióp 13:4, 12).
Và ông cũng tự binh vực mình:
Chúa biết con đường tôi đi;
Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.
Chân tôi bén theo bước Chúa;
Tôi giữ đi theo đường Ngài, chẳng hề sai lệch.
Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài,
Vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi. (Gióp 23:10-12)
Sau các lời phát biểu của ba bạn hữu, Ê-li-hu một người trẻ tuổi xuất hiện. Ê-li-hu đưa ra một quan điểm trung dung giữa quan điểm của Gióp và nhóm ba bạn hữu. Thông điệp của Ê-li-hu nhấn mạnh khổ đau là hồi chuông cảnh báo từ Chúa dành cho con người. Ê-li-hu cho rằng Gióp đã sai lầm khi cáo buộc Chúa bất công. Ê-li-hu cũng ca ngợi quyền năng và sự khôn ngoan của Đấng cai trị trên mọi sự. Ông khuyên Gióp không nên ta thán mà hãy kêu cầu cùng Chúa về những khổ nạn của mình. Những gì Ê-li-hu thuyết giảng cũng mang trong đó một chút kiêu hãnh của tuổi trẻ. Gióp không thể thỏa lòng từ những gì bạn bè chia sẻ, ông phải đối diện với Đức Chúa Trời để nhận ra bài học Chúa muốn dạy.
Không ai nghi ngờ thiện chí của các bạn hữu Gióp, nhưng rồi họ đã nói một cách không xứng đáng về Chúa là Đấng tối cao, và những bài diễn thuyết dài dòng của họ chỉ làm cho Gióp thêm đau khổ, khiến ông có lúc cũng đã sai sót trong những lời nói. Dĩ nhiên trong Gióp có hai con người: Gióp kiên nhẫn và Gióp thiếu kiên nhẫn. Gióp, tôi tớ của Đức Giê-hô-va là một người trọn vẹn, nhưng đồng thời cũng là một con người với những giới hạn thông thường khó vượt qua. Thế nhưng trong mọi suy tưởng và lời nói, Chúa đã nhìn nhận Gióp là luôn nói về Ngài một cách đúng đắn. Gióp đã có những tranh luận với Chúa, nhưng ông luôn tin cậy Ngài bất luận trong hoàn cảnh nào. Câu nói nổi tiếng của ông: “Dù Chúa giết tôi, tôi vẫn còn tin cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15)
Gióp là một người công nghĩa vào thời đó trong cái nhìn của Chúa. Nhưng người công nghĩa vẫn phải đi qua những mất mát, đau thương trong cuộc đời. Không có ai trên thế giới này được miễn trừ điều đó. Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống!
Gióp, hiện thân của con người công nghĩa chịu đau khổ. Nhưng đến cuối cùng qua cơn thử thách Chúa đã bù đắp cho ông. Gióp đã đối mặt cùng Chúa, khi Ngài hỏi ông những câu hỏi thì mọi lý luận trong tâm trí Gióp sụp đổ và ông ngộ ra một bài học lớn:
“Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa,
Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài:
Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi,
Và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5-6)
Lòng ông tan chảy khi ông đối diện với những câu hỏi mang tính dạy dỗ của Đấng toàn năng. Nếu Gióp không trả lời được các câu hỏi của Đức Chúa Trời về vũ trụ, vạn vật, thì làm sao ông có thể hiểu nổi huyền nhiệm về sự đau khổ, đặc biệt là nó được dành cho những con người công bình chính trực? Gióp đã có những sai sót trong lời nói hướng về Chúa. Nhưng lạ thay Chúa vẫn đánh giá ông là một con người ngay thẳng.
Sứ điệp của Ðức Chúa Trời từ trong gió lốc ở phần cuối của sách đã tỏ ra một phần ý chỉ của Ngài. Chúa cho biết con người hữu hạn không thể hiểu biết mọi sự huyền nhiệm vô hạn của Ngài trong công cuộc sáng tạo và cai trị vũ trụ. Bởi vì tâm trí loài người có giới hạn, và họ sống trong một thế giới mà mỗi ngày họ thấy những điều khó hiểu, hơn nữa họ ở dưới những quyền lực mà tự mình không thể chống lại được.
Gióp đã đi qua những thử thách khó khăn và ông đã vượt qua bởi ân sủng của Chúa. Điều chắc chắn là bản thân Gióp đã được trang bị một tinh thần vững vàng trong nghịch cảnh, nên những gì ông nói phản ánh tính cách của một nhà quí tộc kính sợ và tin yêu Chúa. Và cuối cùng Chúa bù đắp cho Gióp gấp đôi những gì ông đã bị Sa-tan tước mất.
Chúa biết con đường Gióp phải đi qua, và Ngài tạm thời cho phép Sa-tan tấn công khủng bố Gióp trong một giới hạn, nhưng chắc chắn Chúa luôn gìn giữ tôi tớ của Ngài.
Sa-tan luôn luôn là một kẻ chiến bại!
Bạn thân mến!
Bạn đang trải qua những khổ nạn trong cuộc sống? Những gì bạn đối diện có so sánh được với Gióp? Hãy nhìn vào những hoàn cảnh đau thương chung quanh chúng ta. Mỗi ngày trôi qua trên thế giới này có rất nhiều cuộc đời đang sống trong những nỗi bất hạnh. Nguyên nhân nào? Tại sao phải tìm kiếm nguyên nhân trong khi cuộc đời của bạn và tôi đã đặt trong vòng tay của Chúa hằng hữu? Nguyên nhân của sự khổ đau vẫn còn là một huyền nhiệm với tâm trí con người. Phản ứng của chúng ta trong sự khổ nạn thì quan trọng hơn là tìm biết lý do của nó.
Một ai đó đã nói: Tôi thà tiếp tục tin cậy Chúa thành tín, tốt lành còn hơn là tìm kiếm câu trả lời cho hoàn cảnh của tôi.
“Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).
TƯỜNG VI
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn VIẾT CHO NIỀM TIN 2014)
Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?
Gióp 1:8
Một người bạn và tôi lái xe xuyên qua bang Pennsylvania, chúng tôi liên tục nhìn thấy các biển báo “coi chừng đá rơi!” Chúng tôi thích thú vì đó là một cảnh báo tốt, nhưng làm thế nào để thực hành điều này? Nếu chúng ta nhìn thấy một vài khối đá lớn từ trên đồi cao rơi xuống, có nên dừng xe ngay và điều này có thể gây tai nạn? Hay là chúng ta tăng tốc độ và cố gắng không trở thành mục tiêu của khối đá? Hay là chúng ta “tỉnh thức và cầu nguyện” và tin cậy Đức Chúa Trời giữ các tảng đá không rơi xuống? Bạn chọn cách nào?
Các tảng đá đã rơi xuống trên chiếc xe của Gióp, và ông đã không nhìn thấy là nó đang rơi. Ông đau khổ như một số người phải chịu. Vào một ngày kia tất cả tài sản to lớn của ông bị lấy đi và mười đứa con đều chết hết. Wow! Rồi thì một căn bệnh bí hiểm ung độc tấn công ông từ bàn chân tới đỉnh đầu làm ông vô cùng ngứa ngáy khó chịu. “Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro” (Gióp 2:8). Ông rời khỏi nhà và ngồi bên ngoài thành trên đống tro tàn nơi rác được thu gom. Ở đó ông than khóc, suy ngẫm, nói chuyện với các bạn hữu và chờ đợi Đức Chúa Trời giúp đỡ.
Hãy lưu ý là Đức Chúa Trời phán rằng Ngài không tìm thấy một lỗi lầm nào trong Gióp. Ngài đánh giá về ông: “nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng”. Lời khen ngợi từ Đức Chúa Trời dành cho Gióp tốt hơn bất cứ nhận xét nào từ phía con người hay ma quỉ hoặc thiên sứ. Gióp sống ở xứ Uz vào khoảng thời gian các tộc trưởng người Do Thái hành hương về Ca-na-an. Ông là một con người nhận được ơn phước dư dật từ nơi Chúa, tuy nhiên dường như ông cũng là một người hứng chịu sự thiệt hại lớn lao từ Ngài.
Tất cả chúng ta đều muốn một đời sống xuôi chèo mát mái. Chúng ta muốn nhìn thấy các biển báo chỉ đường loại “Hãy thư giãn. Không có đá rơi!” Chúng ta không muốn chuyến bay của chúng ta bị trì hoãn hay bị một thế lực nào can thiệp. Chúng ta không muốn bị rơi vào tình huống khẩn cấp hay gặp phải điều không mong đợi. Tuy nhiên cuộc sống không luôn đi theo những mong muốn đó. Đời sống được dệt nên bằng những điều phiền toái không miễn trừ cho bất cứ ai bên cạnh những điều may mắn khác. Và chúng ta không thể kiệt kê hết những trải nghiệm đau buồn của mỗi chúng ta. Vì vậy hãy vui hưởng những giây phút bình an khi gió yên biển lặng trên chiếc thuyền mong manh của chúng ta, và ý thức rằng giông bão có thể nổi lên vào bất cứ một ngày không mong đợi nào đó.
Các điểm chính của sách Gióp liên quan đến Đức Chúa Trời, Gióp, ba bạn hữu của Gióp và một người bạn trẻ tuổi tên là Ê-li-hu. Tuy nhiên câu chuyện cũng liên quan đến mỗi chúng ta. Đây là Lời của Đức Chúa Trời và chúng ta không thể phớt lờ. Khi nhìn vào các chi tiết trong mỗi tình huống. Quan điểm và phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào?
NHỮNG GÌ ĐỨC CHÚA TRỜI NHÌN THẤY
Đức Chúa Trời nhìn xem Gióp và Ngài thấy Gióp khác biệt với mọi người trên thế giới vào thời đó. Đức Chúa Trời bảo Sa-tan rằng: “….nơi thế gian chẳng có người nào giống như Gióp, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” Gióp đã mở tấm lòng mình ra với Chúa (6:21) và thừa nhận rằng mình không phải là người hoàn hảo (7:21), nhưng ông là một con người chính trực, thực hành sự công bình và thương xót với người khác. Ông thuộc loại người mà Cựu Ước gọi là “người công bình,” và không có ai trên thế gian giống như ông. (Nhiều thế kỷ sau đó tiên tri Ê-xê-chi-ên đồng ý với điều này. Đọc Ê-xê-chi-ên 14:14, 20.)
Chúng ta rất dễ dàng phạm lỗi khi đánh giá về một người nào đó, nhưng Đức Chúa Trời thì không. “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Chúa biết điều bí mật của tấm lòng con người (Thi. 44:21), vì vậy Gióp không thể đánh lừa Chúa và chúng ta cũng vậy. Lẽ thật này vửa khích lệ vừa cảnh báo mọi người. Con người có thể đánh giá sai về chúng ta, ma quỉ có thể cáo buộc chúng ta, nhưng Chúa biết tấm lòng chúng ta như thế nào. Vì vậy các bạn và tôi không có gì để sợ hãi. Nếu tấm lòng chúng ta gian dối với Chúa và người khác, khi ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối.
Khi đọc sách Gióp chúng ta ghi nhận rằng Gióp luôn luôn giữ gìn sự chính trực của ông trước mặt Chúa. Gióp không cố gắng làm vui lòng các bạn hữu khi lắng nghe các quan điểm thần học của họ về vấn nạn đau khổ của Gióp (Gióp 2:9; 6:29; 13:15; 27:5). Mức độ tội lỗi mà Gióp phạm phải sẽ đòi hỏi một mức độ kỷ luật đau khổ cân bằng?
Danh tiếng là điều con người để tâm tới, nhưng nhân cách mới là điều Đức Chúa Trời tìm kiếm nơi chúng ta. Bạn có thể hủy hoại uy tín hay danh tiếng trong một phút chốc, nhưng phải tốn nhiều năm để xây dựng nên một nhân cách tốt, và Chúa quan tâm đến chuyện này. Ngay từ đầu sách, Thiên Chúa nói rõ rằng Ngài không trừng phạt Gióp vì tội lỗi của ông. Và cuối quyển sách Chúa phán rằng Gióp đã nói về Ngài một cách đúng đắn (42:7), trong khi các bạn hữu đã nói không đúng về Đức Chúa Trời và Gióp. Tất cả các khổ đau không đến từ tội lỗi của Gióp, bởi vì Đức Chúa Trời có một mục đích cao hơn.
(còn nữa)
🙂
Warren W. Wiersbe
Trích từ: Discover the key themes of 63 Bible Characters Life sentences