GIÔ-SÉP
Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi
Sáng thế ký 50:20
Mặc dù Giô-sép đã sống tại Ai-cập trong phần lớn cuộc đời của mình, nhưng có thể xem ông là người đại diện tốt nhất cho những người Do Thái sống tại quê hương. Ông có một đời sống thanh sạch và một tấm lòng thuần khiết, nhưng phải chịu đau khổ từ những điều mà người khác làm cho ông. Cha Gia-cốp yêu thương Giô-sép, nhưng ông bị các anh em trong gia đình ghen ghét và rồi âm mưu với nhau bán đứng ông như bán một tên nô lệ. Bị đem đi tới Ai-cập, làm đầy tớ trong nhà của quan thị vệ Phô-ti-pha, ông bị nữ chủ nhân vu cáo tội quấy rối tình dục và bị tống vào tù. Lúc đó không ai còn nhớ đến tên Giô-sép ngoại trừ Đức Chúa Trời. Trước giả Thi thiên viết về Giô-sép, “Người ta cột chân người vào cùm, làm cho người bị còng xiềng.” (Thi thiên 105:18). Sách cầu nguyện Anh giáo phiên bản năm 1877 ghi, “Xiềng xích đi vào linh hồn người.” Chúng ta thấy rằng Giô-sép chịu đựng các loại đau khổ khác nhau. Thật là một người nam kiên cường của Đức Chúa Trời.
Người ta đã nói rằng những gì cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc vào những gì cuộc sống tìm thấy trong chúng ta, và sự thật này được biểu lộ trong cuộc đời Giô-sép. Trong bài viết này, chúng ta tập chú vào các điểm chính, và những phản ứng của Giô-sép trước những hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra. Chúng ta cũng tìm hiểu thái độ của cha Giô-sép và mười người anh em của ông.
CÁC ANH EM: “ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ LÀM GÌ CHO CHÚNG TA ĐÂY?’
Sau khi gặp “người làm chúa tại Ai-cập”, các anh em của Giô-sép vừa nói với nhau, vừa run, mà rằng: “Đức Chúa Trời đã làm chi cho chúng ta đây?” (Sáng thế ký 42:48). Họ ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi không biết điều gì đang xảy ra khi nhìn thấy tiền bạc của họ được để lại trong những bao lương thực. Mỗi người tự vấn lương tâm của mình. Họ có thể nghĩ đến sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho họ vì họ đã đối xử tệ với Giô-sép trước đây! Lẽ ra họ đã không nên làm điều đó.
Khi trở về đến nhà các anh em Giô-sép tìm thấy tất cả tiền bạc của họ còn nằm y nguyên trong những bao lương thực. Họ trình bày với với người cha già Gia-cốp câu chuyện bên Ai-cập và giải thích tại sao Si-mê-ôn đã bị giữ lại làm con tin. Vị tể tướng của Ai-cập sẽ chỉ phóng thích cho Si-mê-ôn nếu trong lần tới họ mang theo Bên-gia-min.
Hiển nhiên, Giô-sép vẫn còn nhớ trong giấc mơ của mình là tất cả mười một anh em sẽ phải quì trước mặt ông (Sáng thế ký 37:5-11), do đó ông giữ Si-mê-ôn lại và yêu cầu các anh em phải đem Bên-gia-min tới.
Khi còn ở chung trong một gia đình, hành vi xấu xa của các anh em được thể hiện khi họ cư xử với Giô-sép bằng thái độ thù địch. Gia-cốp, Giô-sép và Bên-gia-min yêu thương nhau, nhưng các anh em còn lại làm cho đời sống họ trở nên khổ sở khi ganh tị với Giô-sép. Theo Sáng thế ký 50, các anh em đã làm điều sai, đối xử tệ với Giô-sép (câu 15, 17). Họ có ý định giết chết Giô-sép (câu 20). Bất chấp Giô-sép van xin, họ đã tàn nhẫn ném người em trai xuống một cái hố, rồi sau đó kéo lên bán cho lái buôn như bán một tên nô lệ (Sáng. 42:21-22).
Các anh em đã cư xử cách độc ác với Giô-sép. Sau đó họ nói dối cha mình là Giô-sép đã chết và ngụy tạo bằng chứng để cho Gia-cốp được thuyết phục. Walter Scott đã nói đúng, “Một mạng lưới rối rắm sẽ được dệt nên khi lần đầu tiên chúng ta đánh lừa một ai đó.” Gia-cốp đã không còn thấy đứa con trai yêu dấu trong suốt hai mươi năm. Tấm lòng ông tan nát vì cho rằng nó đã chết. Đây rõ ràng là một tội ác mà các anh em đã làm trên người cha già của họ. Có phải Gia-cốp đã phải trả giá vì trước đây ông cũng đã từng nói dối cha mình là Y-sác! Và điều đó có làm cho ông tha thứ cho các con trai mình vì sự dối trá và độc ác của họ?
Đức Chúa Trời đang làm gì? Ngài đang đem mọi thành viên trong gia đình vào trong lẽ thật: ăn năn, xưng tội và nhận sự tha thứ. Đức Chúa Trời sử dụng Giô-sép để giải quyết vấn đề với các anh em trong sự khôn ngoan và kiên nhẫn.
GIA-CỐP – “ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG LÀM GÌ!”
Gia-cốp không nói rằng Đức Chúa Trời không làm gì, nhưng đây là cách mà ông cảm thấy trong tấm lòng. Gia-cốp nói với các con trai độc ác, “Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết!” (Sáng. 42:36). Trong câu này ông muốn nói rằng: Mọi sự đang chống lại tôi. Và ông nhìn thấy các hoàn cảnh xảy ra theo chiều hướng đó.
Hãy nhìn lại những gian truân của Gia-cốp. Một nạn đói xảy ra trên vùng đất hứa. Các con trai của ông phải xuống Ai-cập để tìm nguồn thực phẩm cho một đại gia đình. Gia-cốp cho rằng đứa con trai yêu dấu là Giô-sép đã chết, và bây giờ Si-mê-ôn lại bị bắt làm con tin tại Ai-cập. Tình hình càng tồi tệ hơn khi vị tể tướng Ai-cập thông báo rằng Si-mê-ôn chỉ được phóng thích khi các con trai đem Bên-gia-min đến trình diện trong chuyến đi kế tiếp. Cả Bên-gia-min và Giô-sép là hai con trai của Ra-chên. Gia-cốp rất yêu mến người vợ này. Ông không muốn mất thêm Bên-gia-min nữa. Trong tình thế bất khả kháng, Gia-cốp đành phải để cho Bên-gia-min đi mà không biết điều gì xảy ra. Gia-cốp phải đưa ra một quyết định khó khăn. Gia-cốp có thể đang tự hỏi, Đức Chúa Trời đang ở đâu?
Gia-cốp đã quên đi lời hứa của Chúa dành cho ông tại Bê-tên nhiều năm trước, “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” (Sáng thế ký 28:15). Khi Gia-cốp bỏ trốn khỏi nhà La-ban, Đức Chúa Trời phán với ông, “Hãy trở về xứ của tổ phụ ngươi, chốn bà con ngươi, ta sẽ phù hộ ngươi” (Sáng. 31:3). “Ta không bao giờ bỏ ngươi” là câu phủ định. “Ta sẽ phù hộ ngươi” là một lời xác định. Cả hai lời hứa đều bảo đảm rằng Chúa ở cùng Gia-cốp. Trong đêm tối Gia-cốp đã vật lộn với Đức Chúa Trời, sau đó Ngài đổi tên ông từ Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên. Sau khi vật lộn với Đức Chúa Trời, bây giờ ông là người chiến thắng – ông trở thành hoàng tử của Đức Chúa Trời. Chắc chắn cái chân khập khiễng của ông sẽ gợi nhớ nơi ông một lẽ thật: “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31)
Sẽ không quá khó khăn cho Gia-cốp trong cơn đói kém, cuối cùng ông nhận được sự trợ giúp cho gia đình của mình. Chúng ta đều biết điểm kết thúc của câu chuyện này. Và điều đó làm cho chúng ta dễ chịu với trích dẫn được liên hệ trong Rô-ma 8:28, “Gia-cốp ơi, không phải mọi sự đang chống lại ông, mà là chúng hiệp lại để làm điều tốt nhất cho ông.” Tuy nhiên Gia-cốp không biết đến Rô-ma 8:28, chính điều này làm cho tấm lòng ông tan vỡ trong đau khổ. Nếu đặt mỗi chúng ta vào trường hợp của Gia-cốp, có thể lắm chúng ta cũng sẽ tự hỏi: Đức Chúa Trời đang ở đâu, Ngài có chăm sóc tôi không? Tạ ơn Chúa, ngày nay chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những cảm xúc của Gia-cốp và tìm thấy bài học cho mình.
GIÔ-SÉP – “ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ Ý ĐỊNH LÀM ĐIỀU TỐT CHO TÔI.”
Ít nhất là năm lần chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh “Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép” (Sáng. 39:2, 3, 21, 23; Công vụ. 7:9). Điều này có nghĩa Chúa kiểm soát mỗi biến cố, mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời Giô-sép và gia đình ông để bày tỏ ra ý muốn tốt đẹp của Ngài và danh Ngài được vinh hiển. Điều quan trọng cần ghi nhớ là Chúa làm việc theo ý định tốt đẹp của Ngài xuyên suốt mọi hoàn cảnh trong toàn bộ mọi trải nghiệm của Giô-sép, chứ không phải chỉ ở giai đoạn cuối cùng. Rô-ma 8:28 không nói rằng, “Cuối cùng Chúa sẽ làm mọi việc tốt đẹp”. Chúa làm tất cả mọi việc trong mọi thời gian đều do ý định tốt đẹp của Ngài, bất luận chúng ta cảm thấy như thế nào.
Điều tốt đẹp quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành là thông qua Giô-sép Ngài bảo tồn tuyển dân Israel, để từ đó Ngài ban cho thế giới quyển Kinh Thánh và Con của Ngài. Giô-sép là một đầy tớ được chọn để che chở tuyển dân và cứu một thế giới đang hư mất. Đức Chúa Trời đã “sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi.” (Thi thiên 105:17)
Những điều đã xảy ra là tốt đẹp cho Gia-cốp và các con trai của ông. Gia-cốp chắc nhận thức rằng ông đã gặt các quả đắng từ một số hạt giống của sự lừa dối mà ông đã gieo ra nhiều năm trước. Các anh em của Giô-sép cuối cùng đã được đưa đến nơi mà miệng họ phải ngậm lại và họ đã không còn nói dối và bào chữa cho mình. Giu-đa thưa với Giô-sép là người đang làm “chúa tại Ai-cập”: Chúng tôi sẽ nói cùng chúa làm sao? Sẽ phân lại làm sao? Sẽ chữa mình chúng tôi làm sao? Đức Chúa Trời đã thấu rõ điều gian ác của tôi tớ chúa rồi. Nầy, chúng tôi cùng kẻ đã bị bắt được chén nơi tay đều làm kẻ tôi tớ cho chúa (Sáng. 44:16). Các anh em gian ác (ngoại trừ Bên-gia-min) rơi vào tình cảnh “miệng nào cũng phải ngậm lại” (Rô-ma 3:3:19), không thể bào chữa tội lỗi của mình. Phải mất hai mươi hai năm, tội lỗi của các anh em mới bị chỉ ra. Giô-sép tha thứ cho họ và bảo đảm sự cấp dưỡng dành cho họ và con cái của họ. Vài năm sau đó Giô-sép có đứa con đầu tiên, ông đặt tên là Ma-na-se – “quên” – điều này có nghĩa là Giô-sép không còn nắm giữ bất kỳ một mối căm thù nào với các anh em mình. F. W. Robertson đã nói, “sự trả thù duy nhất của Cơ đốc nhân là trả thù bằng sự tha thứ.” Làm thế nào Giô-sép có thể ghét anh em mình khi ông nhận thức rằng Chúa luôn luôn tể trị mọi biến cố và làm mọi việc đều có ý định tốt cho ông?
Có lẽ bản thân Giô-sép là người đã nhận nhiều điều tốt đẹp hơn bất cứ một ai khác. Thi thiên 105:17 ghi, “Ngài sai một người đi trước Y-sơ-ra-ên, là Giô-sép bị bán làm tôi mọi.” Giô-sép lúc bị các anh em bán đứng chỉ là một thiếu niên mười bảy tuổi. Vào thời điểm đó Giô-sép đã có hai giấc mơ, nhưng cậu thiếu niên này chưa được huấn luyện trong “trường kỷ luật” của Chúa. Hai giấc mơ đẹp, nhưng sau đó lại trở thành cơn ác mộng vì các anh em ghen ghét “thằng nằm mộng.” Vì thế Chúa đã gửi đến một bài học kỷ luật khác để rèn đúc nên Giô-sép và huấn luyện ông trở thành người mà có thể làm vinh hiển danh Ngài trong mọi hoàn cảnh.
Giô-sép trải nghiệm nỗi đau khi bị bán làm nô lệ và phải rời xa gia đình thân yêu. Ông bền chịu trong sự nhẫn nhục, làm việc cực nhọc trong tư cách của một “tên nô lệ Hê-bơ-rơ” trên đất khách quê người. Đối diện với những cám dỗ, bị vu oan, bị tống vào tù và bao nhiêu nghịch lý khác, Giô-sép vẫn chiếu ra ân điển và sự thương xót của Chúa mà không một lời oán than! Từ một thiếu niên nô lệ rồi được cất nhắc lên làm người cai trị – nhân vật quyền lực thứ hai tại Ai-cập, Giô-sép đã chứng minh rằng ông là một người trung tín trong những việc nhỏ nhất, vì vậy Đức Chúa Trời đã ban cho ông dư dật mọi điều (Ma-thi-ơ 25:11).
Tôi cho rằng Kinh Thánh ghi lại bảy lần Giô-sép khóc. Ông đã khóc khi bị anh em mình quăng xuống hố (Sáng thế ký 42:21-21). Ông khóc khi các anh em mình xưng nhận tội với nhau (Sáng. 42:24). Ông khóc khi nhìn thấy Bên-gia-min (Sáng. 43:30). Giô-sép cũng khóc lớn khi hòa giải với các anh em (Sáng. 45:2, 14-15), và khóc khi nhìn thấy cha mình sau hơn hai mươi năm (Sáng. 46:29). Cũng như với bất kỳ một người con trai nào, ông khóc khi cha qua đời (Sáng. 50:1). Khi Giô-sép nghe lời trần tình của các anh em cầu xin từ nơi ông sự tha thứ, ông đã khóc, và bảo đảm với họ rằng ông sẵn lòng tha thứ. Các anh em lúc đó chỉ muốn được làm nô lệ cho ông, nhưng ông bảo đảm rằng họ vẫn là anh em với ông. Điều này có giống như trong Lu-ca 15:19-21?
Các bài học kỷ luật trong đời sống Giô-sép, cộng với đức tin kiên định của ông nơi Đức Chúa Trời đã biến đổi và hình thành nên một nhân cách sáng chói vĩ đại trong Kinh Thánh. Ông rất giống với Chúa Giê-su Christ! Giống như Chúa Cứu thế, Giô-sép là Con của cha Gia-cốp bị chính anh em mình ghét bỏ rồi phản bội. Ông đã bị anh em bán đứng một cách bất hợp pháp, bị vu cáo tội quấy rối tình dục rồi bị kết án tù. Giô-sép từ trong nhà tù được đem ra để nhận lãnh ngôi cai trị, từ đau khổ lên ngai vinh hiển và cung ứng lương thực cho thế giới (Giô-sép bảo tồn sự sống, Chúa Giê-su ban cho sự sống.) Giô-sép tha thứ cho các anh em mình và ban cho họ nhà để ở với thực phẩm đầy tràn. Giô-sép còn làm nhiều hơn thế! Tôi hy vọng rằng bạn có thể thấy bài học này: khi chúng ta chịu đau khổ vì cớ Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài càng hơn. Chúng ta đọc lại câu này: “chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài” (Rô-ma 8:28-29)
Giữa muôn vàn khổ đau và phiền muộn, hãy có đức tin nơi Chúa để có thể nói được: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời toan làm điều ích cho tôi.” Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời có ý định làm điều tốt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất. Khi chúng ta nhận thức rõ ý định của Ngài, chúng ta biết rằng Chúa cho phép những hoàn cảnh nghiệt ngã xảy ra để biến đổi chúng ta trở nên giống như Con của Ngài.
Giữa trũng đau thương Đa-vít nói, “Nhưng tôi đã tin cậy nơi sự nhân từ Chúa. Lòng tôi khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa. Tôi sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi.” (Thi thiên 13:5-6).
Giô-sép nói, “Chúa có ý định làm điều tốt cho tôi.” Chúng ta có thể phản hồi, “Chúa là tốt lành trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh!”
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi
Trích từ tác phẩm Discover The Key Themes Of 63 Bible Characters Life Sentences
Bài đọc thêm: https://huongdionline.com/2018/12/08/ong-hoang-cua-nhung-giac-mo-4/