Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Người Việt Thích Đạo Nào?

Người Việt Thích Đạo Nào?

Tại Sao Người Việt Thích Theo Phật Và Không Thích Theo Chúa Giê-su? 

Trong bài viết này chúng ta thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên đây.

  1. Tại sao người Việt chọn theo Phật giáo?

Người Việt gắn bó, gần gủi với Phật giáo xuất phát từ điều kiện lịch sử của dân tộc từ ngàn xưa. Trong bài viết này, chúng ta giới hạn chủ đề khi đề cập đến Phật giáo Việt Nam, chỉ tập trung vào một số câu hỏi được nêu ra.

Trong một bài tham luận về sự hình thành Phật giáo ở Việt Nam, tác giả Lê Tuấn Huy đã viết:

“Vào thế kỷ thứ hai, sự thâm nhập của Phật giáo vào Việt Nam đã ở vào một giai đoạn mới. Đã hình thành tăng đoàn, công việc hành đạo từ đó mà cũng đi vào tổ chức, các tăng sĩ bắt đầu dịch kinh, sáng tác, chùa chiền cũng đã được xây cất. Ở thế kỷ này, sự hành đạo cũng gặp một ít trở ngại từ phía những người ủng hộ Khổng, Lão. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản được ảnh hưởng của Phật giáo vì nó đã thâm nhập vào dân gian.” [1] 

Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chúng ta đọc thấy:

“Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến thời nhà Đinh – Tiền Lê, nhà Lýnhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, được ảnh hưởng mạnh của phong trào chấn hưng Phật giáo của các nước, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.

Tóm lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn:

  • Từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộclà giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp;
  • Thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần là giai đoạn cực thịnh;
  • Từ đời Hậu Lêđến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái;
  • Từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn chấn hưng.” [2]

Phật giáo ăn sâu vào tâm hồn người Việt  được thể hiện qua bài thơ sau đây.

Nhớ chùa

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Hòa thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không) [3]

Có thể nói rằng tác giả Huyền Không đã nói hộ tâm tư tình cảm của 12,2 % người Việt hiện nay. “Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông.” Đối với nhiều người Việt ngôi chùa là hình ảnh thân thương, nơi hội tụ của sự từ bi, hỉ xả. Nơi mà câu kinh tiếng kệ đã đi vào tâm thức của bao nhiêu thế hệ.

Có nhiều lý do khiến người Việt theo Phật giáo, chúng ta có thể nói đến:

  • Đi từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược chúng ta luôn luôn bắt gặp những ngôi chùa, thiền viện, tịnh xá và những tượng Phật lớn nhỏ khắp nơi. Sự hình thành và gia tăng các ngôi chùa này là một tiến trình trải qua hàng ngàn năm. Bên cạnh đó hệ thống các thư viện, sách vở của Phật giáo cũng được phát hành và lưu truyền rộng rãi làm thỏa mãn tâm trí của nhiều người, và rồi họ học tập để trở thành Phật tử. Theo truyền thống từ ngàn xưa. Người Việt thờ cúng ông bà cha mẹ, tổ tiên và rồi tham dự vào các lễ nghi của một ngôi chùa rất gần ngay trong địa phương của mình. Khi gặp những khổ đau bất hạnh trong đời sống, thì ngôi chùa và những câu kinh tiếng kệ cùng giáo lý của chúng là liều thuốc giảm đau cho nhiều người. Một trong những lý luận của nhà Phật là: “Hãy tự cứu lấy mình,” hay “Hãy tự mình đốt đuốc mà đi,” và lý luận này phù hợp với sự khôn ngoan và tâm trí tự nhiên của người Việt. Về một phương diện có thể nói rằng theo Phật giáo giống như đi trên một con đường rộng dễ chịu với hàng cây xanh ngắt hai bên đường. Trong khi theo đuổi niềm tin Cơ đốc sẽ phải đi trên một con đường hẹp đầy khó khăn.
  • “Đạo Phật đã du nhậpvào Việt Nam từ những kỷ nguyên Tây lịch, rồi tồn tại, phát triển và chan hòa với dân tộc này cho đến tận hôm nay. Nếu thời gian là thước đo của chân lý thì với bề dày lịch sử đó, Đạo Phật đã khẳng định chân giá trị của nó trên mảnh đất này. Trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa chính trị đặc biệt là xét trên khía cạnh hệ thống tư tưởng, thì Đạo Phật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hình thành một quan niệm sống và sinh hoạt cho con người Việt Nam.” [4] 
  • Truyền thống từ ngàn xưa của người Việt là lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người đã khuất. Truyền thống này tiếp tục được lưu giữ khi một người hay một gia đình bước theo Phật giáo. Trong một phương diện thì Phật giáo là một tôn giáo thờ cúng nhiều thần – điều này được thấy rõ khi quan sát các pho tượng của nhiều danh nhân, hay các vị thần tưởng tượng được bài trí trong các ngôi chùa. Về điểm này Phật giáo đã đáp ứng phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt.
  • Phù hợp với nhận thức và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhiều người. Phật giáo là một tôn giáo dễ dàng cho mọi người tham dự vào, trong khi không cần phải trả giá cho niềm tin đó (một người theo Phật giáo tại Việt Nam thì không phải đối diện với nhiều khó khăn và bách hại giống như theo Cơ đốc giáo). Có thể đi chùa hoặc không đi, hoặc đi chùa không phải vì lý do tôn giáo mà chỉ là một hành động tự phát, thấy người khác đi thì mình cũng đi. Và nếu có lễ tang trong gia đình thì sẵn sàng mời các nhà sư đến cầu kinh tụng niệm và tiến hành chôn cất người chết theo nghi thức Phật giáo. Điều này phù hợp với nhận thức chung của nhiều người Việt. Triết lý hay những nền tảng căn bản lý luận của Phật giáo thu phục được từ giới trí thức đến bình dân. “Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên “Tam giáo đồng nguyên” (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và “Tam giáo đồng quy” (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh “Tam giáo tổ sư” với Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt. Ngoài ra Phật giáo Việt Nam còn được hòa trộn với tất cả các tôn giáo khác để hình thành Đạo Cao Đài vào thập niên 1920 với quan điểm là “Thiên nhân hợp nhất” và “Vạn giáo nhất lý”. [5] Những công tác xã hội từ thiện của Phật giáo cũng gây ảnh hưởng tốt lên đa số người Việt, và các Phật tử cũng như những nhà hảo tâm sẵn sàng đóng góp cho những hoạt động đó.
  • Có những người không đến chùa hoặc rất hiếm khi đến chùa, nhưng nghiên cứu và đọc các sách về Phật giáo và thừa nhận mình là Phật tử. Bên cạnh đó chúng ta thấy những người có học vị cao, đi du học ở Mỹ tiếp xúc với nền văn hóa Cơ đốc, nhưng vẫn giữ niềm tin nơi Phật Giáo. Những người này không thể thay đổi một khi họ đã khăng khăng giữ vững lập trường theo Phật giáo, vì đối với họ Phật giáo là tôn giáo tốt nhất trên thế giới. Trong một số trường hợp, cũng có người từ bỏ niềm tin vào Cơ đốc giáo như ông Phạm Công Thiện và chuyển đến tôn vinh những lý thuyết của Phật giáo và thậm chí trở thành giáo sư về Phật học. Ông này lên chương trình giảng dạy cho các sinh viên của Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước 1975 (Phạm Công Thiện được một số người nhìn nhận là triết gia của Việt Nam) [6]Hiện tượng chuyển đổi tôn giáo hay chuyển đổi niềm tin vẫn thường xảy ra trong mọi thời đại. Trong cộng đồng Cơ đốc chúng ta cũng biết đến cựu tu sĩ Phật giáo Thích Huệ Nhật và nhiều tu sĩ Phật giáo khác đã thay đổi niềm tin của mình và trở về với những lẽ thật căn bản của Phúc âm. [7]
  • Có không ít một số người Việt đi chùa, cúng Phật là để tìm kiếm phúc lộc thọ, sự giàu có, buôn may bán đắt. Họ sẵn sàng đóng góp, dâng cúng tiền bạc cho các nhà chùa trong ảo tưởng sẽ nhận được điều họ đang trông đợi. Dĩ nhiên không phải mọi Phật tử đều đi theo xu hướng này. Có những người theo Phật giáo là để tu sửa chính mình, thành tâm niệm Phật thường xuyên để tìm kiếm những khoảng trời bình an trong tâm hồn. Những Phật tử chân thành cũng thường ăn chay, cầu nguyện Trời Phật, niệm Phật, ngồi thiền để vượt qua những khó khăn trở lực trong cuộc sống. Phật tử tin vào thuyết luân hồi, nghiệp chướng đồng thời dung hòa với các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng ông bà, Nho Giáo, Khổng Giáo… để lý giải các câu hỏi về những khổ nạn trong đời sống và tìm ra một hướng đi phù hợp với nhận thức của mình.
  • 2. Thái độ của người Việt với Cơ đốc giáo?

Trong một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa và các niềm tin tôn giáo của Trung Quốc và các quốc gia chung quanh. Đa số người Việt đối kháng với Cơ đốc giáo. Và khi nhìn vào nếp sống đạo của người Tin Lành, họ không thể chấp nhận được chuyện người Tin Lành không lập bàn thờ ông bà tổ tiên, không đốt nhang khấn vái người chết, không ăn đồ cúng. Họ dị ứng ngay. Đối với họ, những chuyện như thế là không thể chấp nhận được. Và họ cũng không thể vượt qua được khi biết rằng tiếp nhận ánh sáng Phúc âm thì đồng nghĩa với việc từ bỏ những truyền thống đó. Công giáo tại Việt Nam cho phép giáo dân lập bàn thờ tổ tiên bên dưới bàn thờ Thánh Chúa. Còn Tin Lành thì tuyệt đối không chấp nhận chuyện này.

  1. Kinh Thánh nói gì về chủ đề này?

“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều.  Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” (Ma-thi-ơ 7:13-14)

Chúa Giê-su dạy rằng con đường thập tự không có nhiều người đi. Đó là một con đường hẹp. Trong khi đường rộng thì vẫn luôn luôn hấp dẫn số đông người.

“Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người;
Nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.” (Châm ngôn 14:12)

Người ta có thể đánh giá cao một tôn giáo nào đó và tham gia vào. Đó là con đường của họ đi dường như có vẻ chánh đáng, khôn ngoan theo xác thịt. Nhưng đích đến của nó chỉ là sự chết.

Sứ đồ Phao-lô dạy trong sách Rô-ma:

“Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật.  Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi,  bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.  Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại;  họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.” (Rô-ma 1:18-23)

  1. Là Cơ đốc nhân, chúng ta cần chia sẻ Phúc âm cho người theo Phật giáo như thế nào? 

Dĩ nhiên cầu nguyện nhiều cho thân hữu trước, trong và sau khi chia sẻ Phúc Âm. Có thể những gì chúng ta gieo ra khó có thể kết quả ngay trước mắt. Tuy nhiên kết quả là công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ đơn giản làm người gieo giống. Một câu hỏi khác liên quan đến đề tài này là chúng ta có trung tín trong công tác gieo hạt giống Phúc âm? Phần trích dẫn sau đây đáng để Cơ đốc nhân suy nghĩ:

“Trong gần bốn thập kỷ, một người Ấn Độ đã dốc sức để hồi sinh vùng đất cát nắng cháy. Chứng kiến sự xói mòn và thay đổi hệ sinh thái đã phá hủy cù lao mà ông yêu mến, ông bắt đầu trồng cây, tre rồi đến bông vải. Giờ đây, những khu rừng tươi tốt và động vật hoang dã phong phú đã lấp đầy hơn 500 héc-ta đất. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sự tái sinh này không phải do ông làm. Nhận biết thế giới tự nhiên được tạo dựng cách diệu kỳ, ông ngạc nhiên về cách hạt giống được gió mang đến vùng đất màu mỡ. Chim và động vật cũng tham gia gieo trồng, và sông cũng góp phần giúp cây cối phát triển.

Cõi tạo vật vận hành theo cách mà chúng ta không thể hiểu và kiểm soát được. Theo Chúa Giê-su, nguyên tắc này cũng áp dụng cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Ngài phán: “Vương quốc Đức Chúa Trời cũng tựa như một người vãi hạt giống xuống đất… hạt giống vẫn cứ nẩy mầm và mọc lên mà người ấy chẳng biết thể nào” (Mác 4:26-27). Chúa mang sự sống và sự chữa lành đến cho thế giới, đó hoàn toàn là những món quà không cần sự điều khiển của chúng ta. Chúng ta làm bất cứ điều gì Chúa muốn, rồi nhìn thấy sự sống phát triển. Chúng ta biết rằng mọi thứ đều xuất phát từ ân điển của Ngài.”  [8]

Là môn đồ Đấng Christ, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương tiện của ân điển để đem tội nhân đến với Chúa. Đại mạng lệnh rao giảng Phúc âm đến tận cùng thế giới là không thay đổi, nhưng phương pháp để rao giảng trong mỗi thời đại có thể khác. Bạn có thể sử dụng phương cách của tác giả Bill Fay sau đây:

Khi rao giảng Phúc âm, chúng ta có thể sử dụng năm câu hỏi để chia sẻ về Chúa Giê-su:

  1. Bạn có loại đức tin nào cho đời sống tâm linh của bạn?
  2. Theo bạn, Chúa Giê-su Christ là ai?
  3. Theo suy nghĩ của bạn, thiên đàng và địa ngục có thật không?
  4. Khi qua đời bạn muốn về đâu? Nếu bạn chọn thiên đàng. Tại sao bạn muốn ở đó?
  5. Nếu những gì bạn đang tin không phải là lẽ thật. Bạn có muốn biết lẽ thật là gì[9]

Năm câu hỏi này được sử dụng theo cách dò đá qua sông. Bạn có thể bắt đầu với câu hỏi nào cũng được khi bạn cảm thấy được Chúa hướng dẫn.

Bạn có thể hỏi thêm câu này: Tôi xin phép được chia sẻ Kinh Thánh với anh (chị) để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên? Nếu người đó đồng ý, bạn mở Kinh Thánh ra và bắt đầu trưng dẫn. Còn nếu họ không đồng ý, bạn không làm gì cả. Nhưng hãy nhớ là bạn không thất bại. Bạn đã vâng phục Chúa, rao giảng Phúc âm, và kết quả tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (1 Cô-rin-tô 3:6)

Trong sách Tin Lành Cho Người Theo Phật Giáo, tác giả viết:

“Phật giáo là một tôn giáo đề nghị con người phải tự làm lấy. Nói theo một ý nghĩa, Phật giáo giống như những huấn luyện viên bơi lội dạy cho một người sắp bị chết chìm rằng hãy tự tập bơi để có thể tự cứu mình. Hay như một thầy thuốc bảo bệnh nhân rằng: “Bệnh anh nặng lắm, nguy hiểm cho tánh mạng, cần phải giải phẩu. Nè, dao mổ đây. Anh hãy tự học cách mổ để tự mổ lấy.” Nhưng đó là lời khuyên của bác sĩ (ngoại nhân); còn anh là bệnh nhân thì phải tự nghiên cứu coi lời khuyên bác sĩ nói có đúng hay không rồi sẽ tự chữa
Tin Lành là người cứu sống những kẻ đang hoạn nạn. Tin Lành là những gì Đức Chúa Trời đã làm xong cho con người, để tìm kiếm con người, giải cứu con người và đã xuống với họ để giúp đỡ họ. Phật giáo chỉ là vấn đề con người tự tìm đường và tự chiến đấu để tự giải thoát. Phật giáo dạy “phải làm”, thì chẳng có gì chắc chắn là bạn làm sẽ có kết quả cả. Bạn làm đến bao giờ thì mới biết là đủ số việc lành để được cứu rỗi. Chắc chắn là bạn chẳng bao giờ biết được và cũng không thể nào biết được. Đây là điểm dị biệt sâu xa giữa hai tôn giáo.” [10]  

Rao giảng Phúc âm cho người theo Phật giáo không bao giờ dễ dàng. Những lời chứng cá nhân của chúng ta dành cho mọi người, đặc biệt là các Phật tử rất nên được sử dụng trong nhiều tình huống. Trên huongdionline.com có lời chứng sau đây:
https://huongdionline.com/2017/09/09/truoc-day-toi-la-mot-phat-tu/

  1. Kết luận:

Tỉ lệ dân số của một quốc gia tiếp nhận Phúc âm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Và trong trường hợp người Việt, như đã trình bày ở trên phụ thuộc vào đặc tính, tôn giáo, văn hóa truyền thống của dân tộc trải qua nhiều thế kỷ. Đa số người Việt chọn theo Phật Giáo xuất phát từ nhận thức, môi trường giáo dục, hoàn cảnh sống và các điều kiện lịch sử. Tại sao quốc gia A có tỉ lệ tin Chúa cao, còn quốc gia B tỉ lệ thấp vẫn luôn là một câu hỏi khó. Tại sao dân tộc C có nhiều người tin Chúa, còn dân tộc D thì ít? Trách nhiệm thuộc về mỗi chúng ta là những người nhận lấy ta-lâng từ nơi Chúa. Mỗi người trong chúng ta phải tự vấn chính mình: tôi có đang làm lợi ra các ta-lâng Chúa giao? (Ma-thi-ơ 25:14-30)

Trách nhiệm cầu nguyện, rao giảng Phúc âm thuộc về chúng ta. Còn kết quả là công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta có nên dốc sức đuổi theo những con số trên bảng tổng kết tỉ lệ người tin Phúc âm? Bài học của vua Đa-vít về kiểm tra dân số có nhắc nhở chúng ta? (2 Sa-mu-ên 24). Điều chúng ta theo đuổi là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho chính mình và  hội thánh.

“Đức Chúa Trời muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.” (1 Ti-mô-thê 2:4)

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Giăng 1:9)

Tường Vi

Tài liệu tham khảo:

  1. http://www.daophatngaynay.com
  2. https://vi.wikipedia.org/wiki
  3. https://www.thivien.net
  4. https://thuvienhoasen.org  
  5. https://voer.edu.vn
  6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Pham Cong Thien
  7. https://huongdionline.com/2015/08/07/mot-cuu-dai-duc-phat-giao-gap-chua/
  8. https://huongdionline.com/2019/10/26/hat-giong-dien/
  9. https://huongdionline.com/2018/04/13/nam-cau-hoi-khi-gioi-thieu-chua-gie-su/
  10. https://huongdionline.com/2015/05/26/tin-lanh-cho-nguoi-phat-giao/

 

 

 

 

 

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn