Thứ Tư , 25 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Ân Tứ Khó Nhất

Ân Tứ Khó Nhất

Ban cho người nầy…… các ân tứ của những sự chữa lành trong cùng một Đức Thánh Linh.

1 Cô-rinh-tô 12:8-9

Ngày  hôm nay chúng ta có một sự hiểu biết đúng đắn về các qui luật căn bản  trong tự nhiên, ví dụ như luật về điện từ trường và trọng lực.

Qua sự nghiên cứu các qui luật nầy vận hành trong vũ trụ, con người có thể ứng dụng và khai thác nó trở thành nguồn điện năng phục vụ lợi ích nhân loại. Khi một chiếc phản lực cơ khổng lồ 747 bay lên bầu trời, thì đó không phải là một phép lạ, nhưng đơn giản nó chỉ là áp dụng tri thức khoa học về khí động lực học.

Nhưng nếu sứ đồ Phao lô nhìn thấy một chiếc phản lực cơ cất cánh? Ông ta sẽ không nghĩ đó là một phép lạ sao? Nếu chỉ nghe  về việc đó ông ta sẽ nói: “Điều đó không thể xảy ra. Anh không thể cho một khối lượng lớn như thế bay trong không khí.” Nhưng chúng ta đã học biết là không khí có thể thổi trên cánh máy bay để nhấc nó lên. Theo cách đó chúng ta đã bỏ qua luật của trọng lực khi chỉ nói đến luật của tự nhiên.

Dĩ nhiên chúng ta không biết hết các qui luật tự nhiên. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là chủ của các qui luật tự nhiên mà có thể chúng ta không nghĩ ra. Vì vậy khi Ngài làm một vài điều mà chúng ta không thể giải thích, chúng ta nói : “Thật là một phép lạ! Đó là điều không thể được.” Nhưng Đức Chúa Trời chỉ sử dụng các qui luật mà Ngài đã phát minh. Đối với Ngài, các phép lạ không là vấn đề. Nó rất dễ dàng.

Bạn có thể nói phép lạ là một điều gì đó mà con người không thể làm được. Sự khó khăn để thực hiện một phép lạ luôn được đo lường từ chính tác nhân của hành động đó. Khi Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện hành động, thì nói đến sự khó khăn là một điều ngớ ngẩn. Phao-lô nói với vua Ạc-ríp-ba: Tại sao trong quí vị có người cho rằng việc Đức Chúa Trời khiến người chết sống lại là điều không thể tin được?(Công Vụ 26:8)Đối với Đức Chúa Trời thì việc người chết sống lại chẳng là vấn đề gì cả. Ngài là Đấng ban hơi thở cho Adam trở nên một loài sanh linh từ bụi đất không có sự sống. Đó là điều không thể tin được nhưng việc nầy lại quá dễ dàng cho Đức Chúa Trời. Ngài luôn làm các phép lạ đầy kịch tính như thế trong suốt lịch sử loài người.

PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN.

Kinh Thánh chứa đầy các phép lạ. Và có lẽ phép lạ vĩ đại nhất là sự hình thành nên vũ trụ. Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên trời và đất (Sáng 1:1).Nếu bạn tin điều nầy, bạn sẽ không gặp rắc rối với những phần còn lại của Kinh Thánh. Với một Đức Chúa Trời siêu việt, vĩ đại, quyền năng vô hạn như vậy đã tạo nên toàn bộ vũ trụ, thì Ngài cũng có thể làm bất cứ điều gì khác.

Đáng buồn thay, có nhiều người không tin các phép lạ siêu nhiên. Họ cho rằng mọi điều phải được giải thích qua các hiện tượng tự nhiên.

Họ đưa ra một câu chuyện hoang đường về một vụ nổ lớn tạo nên vũ trụ cách đây 15 tỉ năm. Các khí thắp trong không gian bị đè nén quá chặt và đã tạo nên vụ nổ Big Bang. Trái đất và hệ mặt trời được tạo thành từ vụ nổ đó. Rồi vì một lý do chưa xác định, ánh sáng tác hợp với các loại không khí trên bầu khí quyển đầu tiên của quả đất tạo nên hơi nước nguyên thuỷ, từ đó tạo ra những tế bào nhỏ có những qui luật bên trong cho phép chúng tự sản sinh, tái tạo. Trải qua hàng triệu năm và qua nhiều chuỗi biến đổi, con người tự hình thành nên từ những phản ứng và tác hợp trong tự nhiên. Theo lý thuyết nầy thì con người chúng ta là sản phẩm của một quá trình biến đổi, tác hợp kéo dài không biết bao nhiêu năm. Sự sống con người không phải là một phép lạ. Điều nầy có thể giải thích cách dễ dàng!

Con gái tôi thích nghe một câu chuyện về một công chúa xinh đẹp. Cô ấy thường đến một cái ao, nơi có một con ếch thân thiện bơi lội, nhảy nhót và kêu ộp ộp mỗi khi cô ta đến. Một ngày đẹp trời kia, công chúa đến ao, con ếch dễ thương nhìn cô bằng ánh mắt thương cảm, trìu mến. Quá xúc động, cô ta nghĩ: Ngươi là một con ếch nhỏ đáng yêu, và hôn nó. Ngay lập tức con ếch biến thành một hoàng tử xinh đẹp. Nhiều năm trước đó con ếch là một hoàng tử nhỏ, bị một phù thuỷ ác độc bỏ bùa mê. Chỉ khi nào có một công chúa xinh đẹp hôn nó, thì ếch mới trở lại kiếp người. Mụ phù thuỷ cho rằng việc nầy sẽ chẳng bao giờ xảy đến. nhưng nó đã xảy ra. Con ếch đã trở lại nguyên hình hoàng tử đẹp trai trước đây. Hoàng tử kết hôn cùng công chúa sau đó và họ hạnh phúc mãi mãi. Câu chuyện rất kỳ diệu!

Dĩ nhiên con gái tôi không tin câu chuyện nầy. Nhưng nó thích. Nó đủ trí khôn để biết rằng: Không thể nào một con ếch lại biến thành một hoàng tử đẹp trai.

Ngày hôm nay nhiều người có học thức lại tin những điều nhảm nhí như thế về câu chuyện sáng tạo. Đó là một bi kịch! Họ tin rằng trải qua hàng triệu năm, con ếch xấu xí được biến đổi thành hoàng tử đẹp trai. Họ tin rằng con người là kết quả trong một quá trình tiến hoá. Thật đáng kinh ngạc, khi họ từ chối Đức Chúa Trời để tin những điều như thế.

Ý niệm lệch lạc về Đức Chúa Trời làm cho con người giải thích sai trật các phép lạ trong Kinh Thánh. Nếu khái niệm của bạn về Đức Chúa Trời quá hẹp hòi và giới hạn. Nếu bạn cho rằng Đức Chúa Trời chỉ hành động qua các qui luật tự nhiên, từ chối Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo siêu việt đã hình thành nên các qui luật tự nhiên. Khi ấy bạn sẽ giải thích các phép lạ trong Kinh Thánh theo cách của bạn. Chỉ khi nào bạn chấp nhận Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì phép lạ không còn là vấn đề để giải thích.

CÁC PHÉP LẠ TRONG CỰU ƯỚC

Đời sống Môi-se được đánh dấu bằng các phép lạ. Ông đã đem 10 bệnh dịch đến trên Ai Cập, Đức Chúa Trời dùng ông rẽ Biển Đỏ làm hai. Trong khi dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng, Môi-se đập gậy vào hòn đá, nước từ hòn đá chảy ra cho dân sự uống… Tất cả những điều nầy đã xảy ra một cách siêu nhiên.

Giô-suê cũng có ân tứ làm các phép lạ. Chúng ta đọc thấy nước sông Giô Đanh dồn lại thành đống cho dân Y-sơ-ra-ên đi qua như đi trên đất khô. Tường thành Giê-ri-cô đổ xuống sau bảy ngày diễu hành của dân sự. Mặt trời dừng lại trong chiến trận của Giô suê.

Chức vụ của Ê-li cũng đầy các phép lạ. Ông cầu nguỵện thì trời không mưa trong ba năm. Ông cầu nguyện lần nữa thì trời mưa. Ông được nuôi dưỡng cách kỳ diệu trong suốt ba năm hạn hán, đầu tiên là một con quạ mang thức ăn đến cho ông tại khe Cơ-rít, sau đó là một goá phụ nghèo chỉ còn lại một ít dầu và bột.

Rồi chúng ta nhớ đến Ê-li-sê, là người kế nghiệp chức vụ của Ê-li, cũng ghi lại nhiều phép lạ. Với cái áo choàng của Ê-li ông đã rẽ sông Giô-ñanh. Ông chữa lành nước đắng ở Giê-ri-cô, khiến con trai của Su-la-mít sống lại, làm cho cái rìu nổi lên…

Đến tiên tri Ê-sai, chúng ta thấy thế nào ông đã làm cho chiếc đồng hồ mặt trời dừng lại để làm chứng cho việc Chúa chữa lành Ê-xê-chia. Trong sách Đa-ni-ên chúng ta đọc thấy ba bạn Hê-bơ-rơ bước đi giữa lò lữa hực. Đa-ni-ên trong hang sư tử được thiên sứ bảo vệ. Cựu Ước đầy các phép lạ.

CÁC PHÉP LẠ TRONG TÂN ƯỚC

Đời sống chúa Jesus là một chuỗi các phép lạ, bắt đầu từ việc được sinh ra bởi một trinh nữ. Trong tiệc cưới tại Cana, Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài đã chữa lành con trai của một người quí tộc từ đằng xa. Ngài đã gọi kẻ chết sống lại, ít nhất là ba người trong đó có con trai của góa phụ ở Na in, con gái của Giai-ru và La-xa-rơ,  bạn hữu Ngài mà đã bị chôn cách bốn ngày trước đó. Ngài nuôi đoàn dân đông với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã bước đi trên nuớc….

Sách Công vụ đầy dẫy các phép lạ. Nếu bạn lấy các phép lạ ra, thì nó không còn là sách Công vụ nữa. Chúng ta đọc thấy Phi-e-rơ được thiên sứ giải cứu ra khỏi nhà tù. Ê tiên làm nhiều dấu kỳ phép lạ. Chuyến đi truyền giáo của Phi-líp xuống Sa-ma-ri đánh dấu hàng loạt các phép lạ.

Cả Phi-e-rơ và Phao-lô đều có ân tứ làm phép lạ. Phi-e-rơ khiến Đô-ca sống lại từ kẻ chết, bóng của ông che trên ai thì người đó được chữa lành. Chức vụ Phao-lô cũng đầy tràn các phép lạ. Từ việc chữa lành một quan tổng đốc ngoại bang, đến việc gọi Ti-chi-cơ sống lại, thoát khỏi ảnh hưởng của nọc độc rắn. Các phép lạ là một phần trong chức vụ các sứ đồ.

CÁC PHÉP LẠ HÔM NAY?

Đức Chúa Trời vẫn còn làm phép lạ hôm nay, hay nó đã dừng lại sau thời đại các sứ đồ? Đây là câu hỏi hiện hữu trong Thần học suốt nhiều năm. “ Có phải Đức Chúa Trời đã chết?” Phép lạ là một điều xảy ra siêu nhiên. Nếu Đức Chúa Trời vẫn còn sống và làm việc, thì những điều siêu nhiên tiếp tục xảy ra  và ngày của các phép lạ cũng không thể qua đi.

Sự cứu rỗi là một phép lạ. Khi một quan thị vệ trẻ tuổi giàu có đến gặp Chúa Jesus để tìm kiếm sự cứu rỗi. Người nầy đã ra về trong sự đau khổ vì yêu mến của cải đời nầy. Chúa đã phán với các môn đồ: Thật là khó cho người giàu vào nước trời. Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước trời. Rất ngạc nhiên các môn đồ hỏi lại: Vậy thì ai được cứu? Chúa trả lời: Điều chi con người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được (Ma-thi-ơ 19:23-26). 

Nếu phép lạ là những thành tựu mà con người không thể làm được, thì sự cứu rỗi là một phép lạ, vì con người không thể tự cứu chính mình. Vì thế nếu nói rằng thời đại phép lạ đã qua, có nghĩa là phủ nhận sự cứu rỗi của con người. Cảm tạ Đức Chúa Trời, thời đại phép lạ vẫn chưa qua. Ngài vẫn còn làm phép lạ.

Tôi đã nhìn thấy vô số các phép lạ biến đổi đời sống của những con người bị xã hội ruồng bỏ, sống trong tuyệt vọng và vô giá trị. Tôi đã nhìn thấy sự thay đổi xảy ra xuyên qua các phép lạ trong ân điển Đức Chúa Trời. Con người không thể tự thay đổi, mặc dù họ cố gắng vất vả.

Hầu hết chúng ta đều kinh nghiệm phép lạ loại nầy. Hãy nghĩ về một lĩnh vực của đời sống, ở đó bạn cố gắng chiến thắng chính mình nhưng vẫn bị đánh bại. Cuối cùng bạn bỏ cuộc và nhận ra bạn không thể làm được gì. Vì thế hãy để Chúa hành động. Phép lạ sẽ xảy ra. Đó chính là phép lạ trong đời sống bạn.

AI  CÓ ÂN TỨ LÀM PHÉP LẠ?

Những người nào có ân tứ làm phép lạ hôm nay? Về phần tôi, tôi không biết người nào có ân tứ nầy. Tôi công nhận là ngày hôm nay chúng ta đã không bày tỏ ra ân tứ nầy giống như các sứ đồ trong Tân Ước. “Đây là lỗi của ai?” Lỗi của Đức Chúa Trời hay của con người? Có phải Chúa đã không còn ban ân tứ làm các phép lạ cho Hội Thánh ngày nay?

Tôi không tin là Đức Chúa Trời đã lấy đi ân tứ làm phép lạ. Nhưng cũng thật khó khăn cho bất cứ ai sở hữu được ân tứ đó hôm nay. Một lý do của điều nầy là sức ép để thương mãi hoá ân tứ làm phép lạ  trở nên rất lớn. Tôi lo sợ cho nhiều người trong thế giới nầy mà qua họ Đức Chúa Trời không thể tin cậy để chuyển giao ân tứ làm phép lạ. Tại sao?

Hiểm họa đầu tiên rất dễ bị cám dỗ là sử dụng ân tứ nầy cho lợi ích cá nhân. Đây cũng là điều mà Satan cám dỗ Chúa Jesus trong đồng vắng. Sau kỳ kiêng ăn 40 ngày ma quỉ đến nói với Chúa Jesus: Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời, hãy truyền lệnh cho đá nầy trở nên bánh đi. Sa tan muốn nói với Chúa rằng: Hãy dùng quyền năng để thoả mãn nhu cầu vật lý của ngươi, thoả mãn xác thịt của ngươi. Chúa Jesus trả lời: Có Lời chép: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:3-4)

Hiểm họa thứ hai là sử dụng ân tứ nầy để đem vinh hiển về cho cá nhân từ những điều mà Chúa làm. Nếu bạn là người được Chúa sử dụng làm các phép lạ, thì người khác có khuynh hướng sẵn sàng đặt bạn lên bệ để tôn thờ. Họ sẽ nhìn vào bạn, tôn kính bạn là một con người đầy quyền năng của Đức Chúa Trời. Nguy hiểm ở đây là chấp nhận cách bợ đỡ như thế.

Con người thường muốn tỏ lòng biết ơn đối với những người được Chúa sử dụng hơn là đối với Đức Chúa Trời. Họ biết ơn Chúa về những gì Ngài đã làm, họ muốn có phần thưởng cho người được Chúa sử dụng. Trong chức vụ của tôi, nhiều người đến và nói: “Cho phép tôi chạm vào ông nhé? Hỡi người được yêu dấu.” Họ bắt đầu tâng bốc tôi.

Khi Đức Chúa Trời dùng Phi-e-rơ để chữa lành người què tại cửa đền thờ. Ông đã nói với đám đông lúc đó: Hỡi người Y-sơ-ra-ên, sao quí vị ngạc nhiên? Tại sao nhìn sửng chúng tôi dường như chúng tôi cậy quyền năng hoặc đức độ của mình mà khiến người què nầy đi được ( Công vụ 3:12). Đó là một lời quở trách ôn hoà. Vị sứ đồ muốn nói: Hỡi đồng bào tôi, quí vị thờ phượng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đấng chuyên làm phép lạ. Vậy tại sao lại ngạc nhiên về điều nầy? Cuối cùng chúng ta phải thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo ra vũ trụ. Không có gì khó quá cho Ngài. Tại sao lại tập trung sự chú ý vào chúng tôi? Không phải chúng tôi có đời sống công chính gương mẫu mà làm được những điều nầy” Ngay lập tức Phi-e-rơ chỉ cho người Y-sơ-ra-ên đến với Chúa Jesus Christ. Đám đông sẵn sàng tôn vinh Phi-e-rơ về phép lạ ông làm. Nhưng vị sứ đồ đã có đủ sự khôn ngoan không nhận lấy vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ những thầy giảng Tin Lành của thời hiện đại phải học tập tinh thần của Phi-e-rơ.

Điều tương tự như thế cũng đã xảy ra với sứ đồ Phao-lô. Qua chức vụ của ông Đức Chúa Trời đã chữa lành một người què 40 tuổi mà trước đó không bước đi được. Khi đám đông ở Lít-tra thấy việc đó, họ reo lên: Các thần linh đã hiện thân làm người xuống thăm chúng ta. Họ gọi Ba-na-ba là Mộc tinh và Phao lô là Thuỷ tinh. Vị tế lễ của Thần Mộc tinh có đền thờ ở ngoài thành đem nhiều bò đực và tràng hoa đến cổng thành, định cùng với dân chúng dâng tế lễ cho các sứ đồ.

Thật dễ dàng nếu Phao-lô và Ba-na-ba nghĩ rằng: Được rồi, chúng ta sẽ nhận lấy những lễ vật nầy, và cứ để họ nghĩ chúng ta là các vị thần. Hãy lôi kéo họ bằng mánh khoé nầy và sau hết đem họ đến chung quanh Đức Chúa Trời. Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba đã không làm như thế. Họ xác nhận họ chỉ là những con người bình thường, họ xé áo mình xông vào giữa đám đông để phản đối. Chật vật lắm họ mới can ngăn được dân chúng dâng tế lễ cho mình. (Công Vụ 14:8-18)

Nếu một người chưa sẵn sàng từ bỏ các tham vọng cá nhân để tìm kiếm vinh hiển riêng. Khi đó điều tệ hại nhất sẽ đến với anh ta nếu anh ta được Chúa ban ân tứ làm phép lạ. Ân tứ nầy sẽ nhanh chóng huỷ diệt anh ta. Đó là lý do thật không dễ dàng gì để có được ân tứ nầy.

CHƯỚNG NGẠI VẬT CỦA SỰ NGHI NGHỜ

Một điều khác cũng đối kháng với ân tứ nầy. Trước tiên đó là chủ nghĩa duy lý của chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi nó. Nó ở trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Nó ngấm vào suy nghĩ của chúng ta, mặc dù chúng ta cố gắng chống lại nó. Nó thâm nhập vào mọi nơi để chúng ta không  tin rằng Đức Chúa Trời còn làm phép lạ.

Ở đây tôi xin đưa ra một ví dụ. Tôi có một sự hiểu biết căn bản về cơ khí. Tôi biết là xe hơi tôi không thể khởi động được khi bình điện ắc qui đã hết. Tôi không thể cầu nguyện: Xin Chúa khởi động chiếc xe của con vào lúc nầy. Còn vợ tôi thì không biết gì cả về xe hơi, bà ấy có thể cầu nguyện cho chiếc xe nổ máy khi không còn điện trong bình ắc qui. Vì vậy chúng tôi ngồi đó và bà ấy nói: “Mình ơi, cố gắng thử một lần nữa đi.”

“Nó không thể nổ máy. Nó không thể khởi động. Anh biết là nó không thể mà!”

“Thì anh cứ thử một lần nữa xem sao. Cứ thử đi.”

“Thử làm sao được. Bình điện đã chết, em không hiểu gì cả.”

“Thử nghe lời em lần nầy xem nào. Thử đi.”

Thế là tôi vặn chìa khoá và phép lạ xảy ra, chiếc xe khởi động bình thường.

Chủ nghĩa duy lý của chúng ta ngăn cản các phép lạ siêu nhiên (Chủ nghĩa nầy chủ trương mọi việc phải được giải thích một cách hợp lý khoa học). Chúa Jesus đã cảnh báo: Khi Con người đến sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? (Lu-ca 18:8).Tất cả chúng ta phải đáp lại:Ôi lạy Chúa chúng con ở đây, chúng con tin, chúng con tin. Nhưng tôi nghĩ cần xác định giới hạn trong niềm tin của chúng ta, điều nầy được bày tỏ trong sự cầu nguyện.

Chúng ta dễ dàng cầu nguyện cho một số điều. Bạn bị nhức đầu? Không thành vấn đề, tôi sẽ cầu nguyện cho chứng nhức đầu của bạn. “ Lạy Chúa, trong danh Chúa Jesus Christ, xin hãy loại bỏ chứng nhức đầu nầy. Cảm ơn Cha.” Và rồi, nếu lời cầu nguyên không hiệu quả, hãy uống một viên Aspirin. Quá dễ dàng! Giả định một người mẹ bước vào phòng của bạn: “Chúng tôi mới nhận được phiếu chẩn đoán là đứa con nhỏ của chúng tôi bị bệnh bạch cầu, nhờ ông cầu nguyện cho nó?” Bạch cầu à? “Trong danh Chúa Jesus Christ xin Chúa chữa lành em bé nầy…” Và sau đó dường như mọi sự vẫn y nguyên, lời cầu nguyện không có tác dụng. Đây là một tình huống nghiêm trọng. Vì vậy bạn quì gối xuống và cầu nguyện khẩn thiết hơn: “Lạy Chúa Ngài là Đấng toàn năng, Ngài đang tể trị từ thiên đàng…” Và cứ thế bạn dốc đổ, gia tăng  sự cầu nguyện đến một mức độ cao nhất.

Chúng ta thường có khuynh hướng đem sự giới hạn của chúng ta đến với Chúa. Dường như chúng ta không thể loại bỏ điều nầy. Chúng ta áp đặt những gì chúng ta có cho Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy một  tình huống khó khăn không thể làm gì được, và chúng ta  cho rằng điều nầy cũng khó khăn đối với Chúa.

Giả sử có một cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam bị mất một cánh tay. Người nầy đến yêu cầu bạn cầu nguyện xin Chúa ban cho anh ta một cánh tay khác. bạn sẽ nói gì với anh ta? “Bạn ơi, tôi sẽ nói cho bạn biết Đức Chúa Trời có thể ban cho bạn sự khéo léo nhiều hơn trong cánh tay còn lại. Có một vài điều chúng ta phải chấp nhận nó. Chúa không ban cho ai một cánh tay mới bao giờ.” Bạn có biết là nếu bạn cắt một con trùng sống dưới bùn đất ra làm đôi, nó sẽ mọc ra cái phần mà bạn đã cắt bỏ. Một con bạch tuột nếu bị cắt đi một cái chân sẽ mọc ra cái chân mới. Có thể nào Đức Chúa Trời ban đặc ân cho trùng và bạch tuột nhiều hơn là cho chúng ta? Ngài có thể làm điều đó cho các loài vật khác mà lại không làm cho con người sao?

Chúng ta tự cột trói trong giới hạn của mình, tôi cũng ở trong số đó. Tôi không có đức tin để cầu nguyện xin Chúa ban cho một người nào đó một cánh tay mới. Đừng hiểu lầm ở đây là tôi không tin là Đức Chúa Trời có thể ban cho con người cánh tay mới. Tôi tin Đức Chúa Trời có thể làm điều nầy. Nhưng trong tình huống trên đây tôi không có đức tin để tin là Chúa sẽ làm. Tôi xin thú nhận đây là sự thiếu kém trong đức tin của tôi. Tôi không tự hào trong việc nầy. Ước gì tôi có loại đức tin để cầu nguyện và tin rằng Chúa ban cho người cựu chiến binh trên một cánh tay mới.

Yếu kém đức tin là một trong những nguyên nhân ngăn cản các phép lạ.  Có một số người tạo ấn tượng lên người khác là họ có một đức tin chân thật. Họ tìm cách lừa dối để mọi người lầm tưởng là họ có quyền năng của Đức Chúa Trời trong chức vụ của họ, nhưng thực ra họ chẳng có gì cả. Vì vậy họ thường xuyên dựng lên những lý luận hợp lý. Họ cho rằng những điều nầy sẽ giúp đỡ gia tăng đức tin người khác. Họ dùng những lý lẽ cũ rích để biện minh cho những phương cách mà họ đang theo đuổi. Nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy bất kỳ sự hỗ trợ thuộc linh nào cho những quan điểm như thế.

Một trong những mục sư phụ tá của chúng tôi là người phụ trách chuyên mục cho một tờ báo. Cách đây không lâu anh ta tham dự một buổi nhóm truyền giảng chữa lành tại Philadelphia. Người đầu tiên nhận được sự chữa lành là một người đàn ông lớn tuổi. Vài ống thở được nối với bình khí ô xi được đặt gần khuôn mặt của người đàn ông. Nhà truyền giảng Phúc Âm cầu nguyện cho người đàn ông, cái bình ô xi và những ống thở được lấy đi. Nhà truyền giảng yêu cầu người đàn ông chạy đi giữa hai dãy ghế. Ông già chạy vụt qua rồi quay trở lại. Nhà truyền giáo hỏi: “Ông cảm thấy thế nào?” Ông già trả lời: “Tôi cảm thấy rất tuyệt.” Cả khán phòng trở nên náo động.

Khi ông lão nầy và vợ ông ta chuẩn bị lên xe sau buổi nhóm, người bạn tôi nói với họ: Chờ một chút. Tôi cần nói chuyện với ông bà về những gì xảy ra tối nay. Người phụ nữ đáp lại: Có phải nhà truyền giáo muốn chúng tôi thuê cái bình khí thở ô xi cho tối mai nữa sao? Bạn tôi trả lời: Không, tôi chỉ muốn phỏng vấn bà về người chồng của bà. Sau đó chúng tôi được biết là chồng của bà ấy đã được chữa lành trước đó. Và rồi những người tổ chức chiến dịch truyền giảng yêu cầu ông ta đóng kịch giống như được chữa lành trực tiếp để kích thích đức tin của đám đông. Đây là sự lừa dối. Tôi không thể chấp nhận cho sự việc đó.

Đức Chúa Trời không cần các mánh lới quảng cáo cho Ngài. Ngài không cần chúng ta diễn kịch để thuyết phục người khác về quyền năng của Ngài. Ngài có đủ khả năng để làm những việc diệu kỳ không cần những nỗ lực đáng thương của chúng ta.

QUÁ NHIỀU TRÒ TIÊU KHIỂN

Một lý do khác nữa khiến chúng ta không nhận được ân tứ làm phép lạ, đó là mối thông công quá nông cạn của chúng ta với Đức Chúa Trời. Thế hệ hiện đại của chúng ta đã không bước đi gần gủi với Đức Chúa Trời.

Nhiều thú vui tiêu khiển của thế giới đối kháng với đời sống tương giao sâu nhiệm với Chúa. Chúa Jesus cảnh báo trong những ngày sau cùng, lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lần (Ma-thi-ơ 24:12). Ngài nói về những cái bẫy của đời sống sẽ cản trở mối thông công với chính Ngài. Đó là áp lực của mưu sinh, lòng ham muốn vô hạn,  sự cám dỗ của giàu có (Ma-thi-ơ 13:3-23).

Thời đại điện tử mang đến nhiều thú say đắm hơn. TV, điện thoại, những trò chơi trực tuyến trên máy tính…chiếm hết tâm trí của chúng ta, đến nỗi chúng ta không còn thì giờ suy gẫm về Đức Chúa Trời.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người mở rộng tầm hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, hiểu biết cái đại cương nhưng không sâu sắc. Chúng ta nông cạn. Và mối tương giao giữa Chúng ta với Đức Chúa Trời trở nên tồi tệ hơn.

Trên nhiều lĩnh vực, thời đại các sứ đồ trở nên quá xa vời cho chúng ta. Các sứ đồ đã có những đặc điểm nổi bật trong mối thông công với Đức Chúa Trời, mà qua đó Chúa có thể dùng họ để thực hiện các phép lạ. Thử hình dung Phao lô đi bộ từ Giê-ru-sa-lem đến Sê-sa-rê, cuộc hành trình mất hết ba ngày đường. Ông không hề nghe nhạc hay theo dõi tin tức trên Radio. Chung quanh ông là thiên nhiên tươi đẹp với cây cối, các  bông hoa, những con thú….Buổi tối ông cuộn mình trong tấm chăn của khách lữ hành và nhìn lên các vì sao. Trong hoàn cảnh đó có thể nào ông lại không suy nghĩ về Đức Chúa Trời và những công việc của Ngài! Trong bối cảnh tĩnh mịch, độc hành như thế là cơ hội để ông hướng tương giao, suy gẫm về Đức Chúa Trời.

Ngày hôm nay nếu bạn đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Sê-sa-rê. Bạn sẽ không đi bộ, bạn lái xe. Bạn cố gắng nghĩ đến một vài từ Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh và chú ý theo dõi dòng xe hơi hối hả lưu thông trên đường. Các tài xế chạy như điên, và bạn phải luôn luôn cảnh giác. Suýt chút nữa thì một chiếc khác đã tông vào xe bạn. Bạn lằm bằm trách móc người tài xế của chiếc xe kia. Tâm trí bạn căng thẳng và không còn lòng dạ nào để suy gẫm về Đức Chúa Trời, tình yêu và chương trình đời đời của Ngài. Bạn không có cơ hội nuôi dưỡng tâm linh của mình trong chuyến đi.

Thế giới ngày nay với nhịp sống xô bồ của nó lấy mất những điều mộc mạc đơn sơ khỏi đời sống chúng ta. Đó là lý do chúng ta không gần gũi sâu nhiệm với Đức Chúa Trời bằng các thánh đồ trong thế kỷ đầu tiên. Và có lẽ đó cũng là một trong những lý do làm cho ngày hôm nay thiếu vắng nhiều phép lạ.

MỘT NGOẠI LỆ CÓ THỂ XẢY RA.

Tôi đã từng gặp một phụ nữ có ân tứ làm phép lạ. Đó là một người chị em đơn sơ đến từ New Guinea. Cô ấy sống trong một khu rừng nhiệt đới và được hướng dẫn cách sống đơn giản. Khi tôi ngồi xuống bãi cỏ và nghe về những gì Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống cô ấy thì lòng tôi bốc cháy. Thật là một lời chứng đáng kinh ngạc! Đức Chúa Trời đã dùng cô gọi kẻ chết sống lại, mở mắt kẻ mù và những phép lạ khác…Tất cả những điều nầy được xác nhận từ một giáo sĩ địa phương. Chúa đã dùng cô để thành lập một trường học, là nơi mà tôi đã viếng thăm. Chính cô ta chẳng bao giờ cắp sách tới trường, nhưng cô ta lại đứng ra thành lập một trường học, vì Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho cô ta làm. Tôi đã nhìn thấy hàng trăm sinh viên đang được huấn luyện tại Trường nầy.

Người phụ nữ nầy có một thuận lợi là không bị ảnh hưởng bởi thế giới xô bồ mà chúng ta đang sống. Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi thầm nghĩ: Ước gì tôi có thể chia xẻ điều nầy với thế giới. Tôi muốn trở lại khu rừng đó, đem theo máy quay phim để làm một bộ phim về cuộc đời cô ấy.

TÌM KIẾM ÂN TỨ NẦY

Đức Chúa Trời vẫn đang làm việc, và chúng ta có thể trông chờ phép lạ xảy ra mỗi khi Ngài hành động. Kinh Thánh khích lệ chúng ta tìm kiếm những ân tứ tốt nhất. Và chắc chắn ân tứ làm phép lạ là một trong những ân tứ tốt nhất, đặc biệt là trong những chiến dịch truyền giáo. Những ân tứ nầy được dùng trong thời kỳ đầu tiên của Hội Thánh, nó lôi kéo con người đến với Phúc Âm, nó minh chứng cho lẽ thật của Tin Lành.

Tôi khích lệ bạn ao ước ân tứ làm phép lạ. Chắc chắn chúng ta phải có một vài sự chuẩn bị để tiếp nhận món quà Chúa ban. Tôi khao khát bàn tay của Đức Chúa Trời làm việc giữa vòng các con cái Ngài trong những phạm vi lớn hơn. Và tôi cũng tin là Đức Chúa Trời muốn làm điều đó. Thế nhưng, điều gì ngăn trở Ngài? Tôi nghĩ hiện nay chúng ta đang có hàng khối sai lầm. Chúng ta đang ngăn trở dòng chảy của Đức Thánh Linh trong những lĩnh vực như thế.

Chúng ta sẽ nhìn thấy ân tứ nầy vận hành trước khi Chúa trở lại? Rất có thể. Nếu Chúa thấy là thích hợp, và Đức Thánh Linh toàn quyền bày tỏ ân tứ nầy trong Hội Thánh. Chúng ta sẽ vui hưởng nó, kinh nghiệm thêm các phép lạ trước khi Chúa đến.

Chuck Smith

Translated by Hon Pham

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn