Vả, Đức Giê-hô-va phán cùng người Giu-đa và cùng Giê-ru-sa-lem như vầy: Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai gốc.
Giê-rê-mi 4:3
Trong Kinh Thánh, gặt hái là hình ảnh “thu lấy kết quả,” dù là tốt hay xấu, từ những điều chúng ta nói hoặc làm. Chúa muốn đời sống của chúng ta kết quả (Ga-la-ti 5:22-23) và Ngài muốn một “mùa gặt những linh hồn” sau sự lao tác của chúng ta (Giăng 4:34-38). Chúng ta luôn gặt được những gì đã gieo. Đức Chúa Giê-su muốn “trái… lắm trái… nhiều trái” (Giăng 15:1-8).
Mùa gặt thành công cần sự chuẩn bị. “Ruộng mới” là mảnh đất bị bỏ không bởi vì nó không được cải tạo. Đất đó chưa được cày cũng chưa được gieo giống, chính vì thế không thể đem lại mùa gặt. Một lý do vì sao mảnh đất bị để không đó là “con gặt thì ít” (Lu-ca 10:2); và Lu-ca 9:57-62 cho chúng ta biết lý do vì sao con gặt ít: những người được Đức Chúa Trời kêu gọi viện cớ để từ chối lời kêu gọi của Ngài! Đức Chúa Giê-su tìm kiếm con gặt chứ không tìm những người đi la cà luôn luôn tìm cách biện hộ để từ chối.
Để chuẩn bị cần phải cày ruộng. Dựa trên ví dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-9, 18-23), hạt giống tốt là Lời Chúa sẽ đi vào lòng người nếu mảnh đất được vỡ ra bằng sự ăn năn và xưng tội. Những tấm lòng cứng cỏi không thể tiếp nhận lẽ thật của Đức Chúa Trời bởi vì ma quỷ đến cướp lấy hạt giống. “Hãy gieo cho mình trong sự công bình, hãy gặt theo sự nhân từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi” (Ô-sê 10:12). Mảnh đất được chuẩn bị thì có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên nếu đất lòng của chúng ta không được cải tạo thì đó thật là một bi kịch lớn.
Cày ruộng cần phải có sự kiên nhẫn. “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:62). Nếu chúng ta trung tín phục vụ, một ngày trong tương lai “nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:9). Nếu người cày ruộng không ngừng quay về phía sau và chỉ suy nghĩ về việc thoái lui thì người ấy sẽ gặt hái được gì? Thừa nhận rằng việc cày cấy là rất khó nhọc, tuy nhiên khi Đức Chúa Trời kêu gọi thì Ngài cũng ban cho năng lực. “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Kẻ thù đem đến cho chúng ta nhiều lý do để rẽ sang con đường dễ chịu, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã noi gương và khích lệ chúng ta kiên trì làm việc cho đến khi công tác được hoàn thành.
Sự kiên nhẫn đến từ đức tin. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta “trễ nải, nhưng cứ học đòi những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa.” (Hê-bơ-rơ 6:12). Đức tin và lòng nhịn nhục là hai đức tính tuyệt vời! Trong mỗi một khía cạnh của đời sống và sự phục vụ Cơ Đốc, chúng ta phải sống bởi đức tin, và từ đó chúng ta sẽ phát triển đức tính nhịn nhục. Nếu không có lòng nhịn nhục, chúng ta sẽ học được rất ít và dường như không thể hoàn thành công việc nào. Gia-cơ nhắc nhở chúng ta rằng sự thử thách đức tin sanh lòng nhịn nhục (Gia-cơ 1:4), đồng thời ông dùng ví dụ về người nông dân để khích lệ chúng ta. “Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa” (5:7). “Chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 3:9), vậy nếu chúng ta làm phần việc của mình thì Chúa sẽ làm phần việc của Ngài. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).
Đức tin đến từ việc sống trong Lời Chúa. “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11 để nhìn thấy công tác của Đức Chúa Trời trong lòng những ai tiếp nhận Lời Chúa và tin cậy nơi Ngài. Là những người làm công, chúng ta phải sống trong Lời Chúa và để Đức Thánh Linh hướng dẫn và ban cho chúng ta có năng lực. Chúng ta tiếp lấy công tác của những người khác, và họ cũng tiếp lấy công tác của chúng ta (Giăng 4:38), tuy nhiên chính Chúa là Đấng ban cho mùa gặt.
Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt.
Giăng 4:35
Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien