Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Một Góc Nhìn Về Súng Tại Mỹ

Một Góc Nhìn Về Súng Tại Mỹ

gun 2

songdaoonline.com

Trong những ngày tháng qua, khi có những vụ nổ súng giết người vô tội chúng ta nghe thấy nhiều tin tức. Báo chí cũng đề cập nhiều về đề tài “Kiểm soát súng đạn”. Tổng Thống Obama cũng thường đề cập đến trong những bài diễn thuyết của ông.

Là người Việt-Nam, khi nói đến súng đạn chúng ta có vẻ hơi sợ sệt vì đất nước Việt-Nam đã nếm mùi súng đạn hàng mấy chục năm. Từ kháng chiến chống Pháp đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn sau đó; hơn nữa chính quyền không cho phép người dân có quyền sở hữu súng đạn. Nhưng chúng ta đang sống ở đất nước Hoa Kỳ và là người có niềm tin Cơ-Đốc. Chúng ta luôn ủng hộ những điều gì tốt cho đất nước và xã hội mà chúng ta đang sống miễn là không sai trái nền tảng Thánh Kinh. Nếu luật “kiểm soát súng đạn” chặt chẽ hơn có thể làm giảm bớt số người vô tội bị chết, thì chúng ta nên ủng hộ luật này. Và nếu có ít người vô tội bị giết vì những người có trách nhiệm mang súng bên người, thì chúng ta ủng hộ quan điểm này.

“Súng đạn” là những vật vô tri vô giác, nó chẳng khác nào như “dao búa” mà chúng ta thường sử dụng. Nhưng điều quan trọng là chúng ta sử dụng chúng như thế nào với mục đích gì. Trước khi có súng đạn con người cũng giết lẫn nhau. Hơn nữa, vì người dân không có súng nên nhà cầm quyền đã lạm dụng quyền hành giết hại cả trăm triệu người vô tội. Như Hitler của Đức Quốc Xã, Stalin của Liên Xô, Mao Trạch Đông của Trung Cộng, chưa nói đến Pol-Pot của Campuchia và những chính quyền khác.

Mỗi khi có một vụ nổ súng chết người, trước nhất chúng ta cần phải biết lý do hơn là cho rằng tại vì người đó có “súng đạn”. Cũng như khi anh cầu thủ dã cầu (NFL football) Jovan Belcher đã bắn chết người bạn gái rồi tự sát; nhà bình luận thể thao của NBC Bob Costas nói rằng “Nếu anh Jovan Belcher không có súng, thì anh và cô Kasandra Perkins vẫn còn sống.” Câu nói này chẳng khác nào như, “nếu OJ Simpson không có súng thì Nicole Brown Simpson vẫn còn sống.” Hay là “nếu Nhật Bản không có những chiếc chiếc máy bay thì không có Đệ Nhị Thế Chiến.” Cho nên tôi thấy sự lập luận này không đúng mấy. Anh cầu thủ NFL football, 25 tuổi, cao 6 feet 2 inches, nặng 228 lb này, nếu muốn giết một cô gái thì anh không cần súng đạn mà chỉ dùng tay cũng đủ.

Địa Bàn Gây Án

Chúng ta phải phân biệt giữa nạn nhân (victim) và thủ phạm (perpetrator). Xã hội cần phải lên án những ai giết người vô tội với hình phạt tối đa và đó là án tử hình. Một trong mười điều răn trong Thánh Kinh, không phải “Ngươi không được giết người (kill).” Nhưng là “Ngươi không được giết người vô tội (murder).”

Ngày 01, tháng 10, 2015 có vụ nổ súng tại trường Umpqua Community College, Tổng thống Obama nói: “Chúng ta biết rằng các tiểu bang có những pháp luật súng nhiều nhất có xu hướng ít người chết vì súng nhất.” https://www.whitehouse.gov/the-pressoffice/2015/10/01/statement-president-shootings-umpqua-community-collegeroseburg-oregon

Nhưng theo bài viết “Luật Súng, Chết Chóc và Tội Ác” ngày 4, tháng 10, 2015 của cô Lori Robertson, một nhân viên nhà báo của Factcheck.org (phản ứng lời tuyên bố của tổng thống Obama); cô viết rằng “Không có sự rõ rệt trong những thành phố đó, cũng không có bằng chứng rõ ràng về thống kê cho rằng (những tiểu bang) có những luật về súng nhiều nhất dẫn đến nhiều hơn hoặc ít hơn về tội phạm có liên quan đến súng.”http://www.factcheck.org/2015/10/gun-laws-deaths-and-crimes/

Những ai muốn giết người thường đi đến nơi nào mà những nạn nhân không thể tự vệ được mình. Chẳng hạn như vụ nổ súng tại rạp chiếu phim “Century 16” ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado vào ngày 20, tháng 7, 2012. Trong khi mọi người đang xem phim Batman, thì tên James Holmes vào bắn chết 12 người, bị thương 70 người. Có 7 rạp chiếu phim Batman, trong vòng 20 phút lái xe từ nhà của James Holmes. Nhưng anh ta không đi đến rạp chiếu phim gần nhứt hoặc đông người nhứt, anh ta chọn rạp chiếu phim cấm không cho phép mang súng vào rạp. Vì chỉ có rạp chiếu phim này anh mới thảnh thơi xả đạn mà không sợ người khác bắn lại mình.

Một địa điểm nữa mà tên James Holmes muốn nổ súng hàng loạt là ở tại phi trường. Nhưng anh ta loại trừ địa điểm này vì có quá nhiều an ninh tại phi trường.

Bạn nghĩ thế nào nếu trước nhà bạn có bảng ghi “Nhà này không có súng”? Bạn có cảm giác an toàn hơn không? Trong thực tế, những nơi nào không có súng là mục tiêu của những tội phạm. Hay nói cách khác, một tên trộm sẽ chọn nhà có chó hay nhà không có chó mà vào trộm?

Nếu ai đã  vượt biên tìm tự do thì biết rằng, có những tàu cướp biển Thái Lan chỉ có một cây súng ngắn mà họ có thể cướp không biết bao nhiêu thuyền VN. Những tàu thuyền sau này nghe kinh nghiệm cho nên họ thường đem súng khi vượt biên. Có một số tàu họ dùng những ống tre để làm thành những cây súng đại liên để ở trước mũi tàu để “hù” cướp biển.

Cũng giống như trường hợp trên, ngày 17, tháng 6, năm 2015; thanh niên tên Dylann Roof đã vào một nhà thờ người Mỹ Phi-Châu tại trung tâm thành phố Charleston, South Carolina bắn chết 9 người, bị thương 1 người. Charlotte Krol, bạn của hung thủ nói rằng “Tôi không nghĩ nhà thờ là mục tiêu chính của anh ta. Anh ta nói với chúng tôi, anh ta sẽ đến trường học là mục tiêu của anh. Nhưng anh ta không muốn vào trường học vì có an ninh bảo vệ… cho nên tôi nghĩ anh chọn nhà thờ.”

Năm 2013, Tổng thư ký của Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) trụ sở tại Lyon, Pháp. Ông Ron Noble lưu ý hai cách bảo vệ dân chúng khỏi những vụ nổ súng hàng loạt. “Một là, chúng ta muốn người dân có vũ trang; Hai là, bạn phải đi qua hệ thống an ninh nghiêm nhặt phi thường để đến mục tiêu.” Ông Noble cũng cảnh báo, kinh nghiệm đã dạy ông rằng, hầu như ngăn chặn những kẻ muốn giết người tìm lấy vũ khí là việc bất khả thi.

Ngày 1, tháng 10, năm 1997; thiếu niên 16 tuổi Luke Woodham ở Pearl, Mississippi dùng dao đâm mẹ mình ở nhà, rồi lấy súng vào trường bắn chết 2 học sinh và bị thương 7 học sinh. Trước khi Luke Woodham định rời trường thì ông hiệu trưởng Joel Myrick chạy ra xe truck mình lấy khẩu súng lục bắt giữ thiếu niên Luke và chờ cảnh sát đến. Trước năm 1995, khi chưa có luật “Cấm mang súng vào trường” (Gun-Free School Zone Act), ông Myrick thường mang súng bên người trong trường, nhưng sau thì ông phải để súng trong xe mình. Nếu không có luật “Cấm mang súng vào trường”, có lẻ ông Myrick đã ngăn chận thiếu niên Luke này sớm hơn.

Điều Kiện Mang Súng

Điều chính không phải là “kiểm soát súng đạn” mà là “lương tâm”

Có hai vấn đề mà tôi nghĩ chúng ta cần phải áp dụng: (1) Kiểm soát chặt chẻ hơn người mua súng. (2) Tạo điều kiện cho nhiều người tốt mang súng trong người để có thể tăng cơ hội ngăn chặn những tên sát thủ giết người vô tội.

(1) Kiểm tra gắt gao lý lịch của người mua súng, chẳng những kiểm tra lý lịch mà phải kiểm tra về mặt tâm thần. Nếu một người tâm thần không bình thường thì hoàn toàn không được sử dụng súng. Hơn nữa, người mua súng cần phải trải qua một lớp học về cách sử dụng và an toan trước khi bán súng cho họ. (2) Tạo điều kiện cho nhiều người tốt giấu súng bên người. Vì nếu muốn ngăn chận những người xấu dùng súng giết người vô tội, thì những người tốt cần phải có súng trong lúc khẩn cấp đó. Và đương nhiên những người này cũng phải qua lớp học trước khi cho phép giấu súng bên người. Có nghĩa là người mang súng bên người cần phải có giấy phép (Carry Concealed Weapon).

Rượu gây thiệt mạng cho nhiều người hơn súng đạn, nhưng chúng ta không cấm bán rượu. Chúng ta có luật “kiểm soát” gắt gao về ma túy, nhưng cũng không ngăn được hàng chục triệu người dùng bất hợp pháp. Chúng ta có bao giờ cho rằng, luật “kiểm soát” ma túy là một điều thất bại không?

Trong một lá thơ của triết gia G. K. Chesterton gởi trả lời cho tờ báo London Times đưa ra câu hỏi, “What’s wrong with the world?” Tạm dịch “Tại sao thế giới này ác quá?” G. K. Chesterton trả lời rằng, “Thưa ông, chính tôi. Trân trọng, G. K. Chesterton.” Có nghĩa là cái ác nằm bên trong con người.

Chúng ta đang sống trên đất nước Hoa Kỳ, là một đất nước tự do. Tu chính án thứ nhì của Hiến pháp Hoa Kỳ là “Bảo vệ Quyền mang vũ khí của dân thường và binh lính.” Cho nên ngăn chận những người xấu có súng là việc bất khả thi. Những người xấu luôn luôn có súng, cho nên điều hay nhất là để cho nhiều người tốt trang bị súng; chúng ta làm cũng giống như các quốc gia trên thế giới. Một quốc gia tốt hơn như Hoa Kỳ cần phải có nhiều vũ khí tối tân hơn những quốc gia xấu hay độc ác, như là những quốc gia cộng sản hoặc những bạo chúa độc tài như Hitler (tyrants)

Trong thời gian chiến tranh lạnh, có những người than phiền rằng Hoa Kỳ có những vũ khí nguyên tử là điều không tốt. Điều này không đúng, vì Liên Xô có những vũ khí nguyên tử thì mới là điều không tốt. Chúng ta cần phải quan tâm đến các chủ sở hữu của các vũ khí đó, chớ không phải là vũ khí.

Nhà triết học chính trị Irish Edmund Burke ở thế kỷ 18 nói rằng, “Để cho điều ác được thắng, thì người tốt chỉ đứng yên lặng.”

Kiểm soát Không Hiệu Quả

gun

Nếu luật lệ “Kiểm soát súng đạn” gắt gao có lợi ích thì hai thành phố Chicago và Washington là hai thành phố an toàn nhất; vì hai thành phố này có luật lệ “Kiểm soát súng đạn” gắt gao nhất.

Nhưng có làm giảm bớt tội ác không? Hỏi tức là trả lời; đương nhiên là không. Ngày 26, tháng 7, năm 2012 NBC Chicago nói rằng, Chicago là “Thành phố đẫm máu nhất toàn cầu”.

Trên báo The Washington Post (Ngày 13, tháng 11, năm 2007) nhà báo Paul Dugggan nói, tước khí giới người dân cư địa phương hoàn toàn không hiệu quả và “súng vẫn tới, và thi thể vẫn ngã xuống.”

Ngày 3, tháng 12, năm 2012 Nhà báo chuyên mục thể thao Kansas City Jason Whitlock nói rằng “Nhóm NRA cũng giống như nhóm KKK. Sự phê bình này chẳng khác nào nhóm PETA (nhóm này có phương hướng chỉ ăn rau cải và không ăn thịt) so sánh những con gà nhốt trong chuồng như những người Do Thái nhốt trong trại giam của Đức Quốc Xã. Hay là chương trình HBO “The Newsroom”, so sánh nhóm “Tea Party” (nhóm Trà hội trong đảng Cộng Hòa) chẳng khác nào nhóm khủng bố “Taliban Hoa Kỳ” (American Taliban). Chỉ vì nhóm “Tea Party” này cho rằng, những người bỏ phiếu cần phải có chứng minh thư (ID). Vào ngày 17, tháng 11, năm 2014 trong một lớp học ở Weslaco, TX. Giáo sư tiến sĩ Tâm lý học Blake Armstrong so sánh nhóm “Tea Party” với “Đức Quốc Xã.

Nếu chúng ta so sánh nhóm khủng bố Isis như nhóm NRA thì điều đó khó tưởng tượng được. Chỉ có những ai thiếu sự suy nghĩ mới so sánh hai nhóm này với nhau, hay rõ hơn những người đó không phân biệt được thế nào là đạo đức nhân phẩm. Để cho độc giả được biết, đây là một số điều mà Isis làm: Tấn công trực tiếp nhắm mục tiêu thường dân. Hành quyết những người dân vô tội. Bắc cóc, hãm hiếp qua mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Buôn bán phụ nữ và trẻ em để làm nô lệ. Buộc  trẻ em vào nhóm mình. Hủy phá những địa điểm có ý nghĩa tôn giáo, văn hóa. Tàn phá bừa bãi và cướp bóc tài sản và từ chối các quyền tự do cơ bản, và còn nhiều nữa. Nhưng chúng ta có thấy nhóm NRA có làm một trong những việc này không? Hỏi tức là trả lời.

Một vị giáo sư của tôi thường nói, “Làm rõ vấn đề quan trọng hơn là đồng ý.” Bất cứ vấn đề nào, chúng ta có những quan điểm khác nhau, chỉ có người không suy nghĩ mới đồng ý với tất cả mọi người. Tôi xin lưu ý, là những người Cộng Hòa hay Dân Chủ, không ai xem chuyện bắn giết người vô tội là việc bình thường. Vì nếu có người cho là “thường tình” thì họ chỉ nói với sự thiếu suy nghĩ.

Đạo Đức Suy Đồi

Thưa quí độc giả, điều mà chúng ta cần phải lưu ý đến, là đạo đức luân lý con người càng ngày càng suy giảm. những người dân đã có súng đạn từ khi thành lập nên đất nước Hoa Kỳ cho đến nay, nhưng chúng ta ít khi thấy những vụ giết người vô tội trước đây như hiện tại. Điều mà chúng ta quan tâm đến là lương tâm chớ không phải súng đạn. Đổ lỗi cho súng đạn chẳng khác nào đổ lỗi cho gas (khí), nếu không có gas thì Đức Quốc Xã đã không giết hại 12,000 người mỗi ngày trong phòng gas. Vấn đề là đúng/sai, tốt/xấu, thiện/ác.

Điều mà chúng ta cần là có nhiều bản viết “You shall NOT murder” (Ngươi chớ giết người vô tội) ở khắp nơi. Chúng ta hãy tưởng tượng việc gì sẽ xảy ra nếu chúng ta hủy bỏ những bản viết “speed limit” (tốc độ giới hạn) trên các đường phố và xa lộ? Cho nên vấn đề không phải là vật, mà là chủ nhân của vật ấy, lương tâm và tự kiểm soát hơn là súng đạn.

Chẳng những chúng ta cần những bản viết “You shall NOT murder” nhưng chúng ta cũng cần những bản viết như “The penalty for murder is death” (Hình phạt cho ai giết người vô tội là sự chết”. Nếu một người không kể mạng sống của người khác là quí trọng thì mạng sống của người đó cũng không đáng kể. Tôi có thể dùng Thánh Kinh để chứng minh rằng, hình phạt cho những kẻ giết người vô tội là án tử hình nhưng đây không phải là bài viết về điều này. Nếu ai là những người chống án tử hình (anti capital punishment), thì tôi xin hỏi, nếu có 3 thanh niên vào nhà quí vị chẳng những để cướp, nhưng còn thay phiên nhau hãm hiếp vợ và 2 con gái trước mặt người chồng, và sau đó giết cả người vợ và hai cô con gái của quí vị. Và nếu 3 thanh niên đó bị bắt, thì người chồng có nên xin tòa án chỉ nhốt tù mà không dùng án tử hình?

Chối Bỏ Đức Tin Thiên Chúa

Từ khi lập quốc, Hoa Kỳ là một quốc gia có Đức Tin vào Đức Chúa Trời. Vì không được tự do thờ phượng Thiên Chúa, họ đã phải chịu gian khổ lưu lạc đến Châu Mỹ. Nhưng khoảng từ nửa thế kỷ nay, đất nước Hoa Kỳ lần lần đã từ bỏ đức tin bằng những hành động cụ thể. Như 1962 họ lấy sự cầu nguyện ra khỏi trường học__ 1963 họ cấm không cho giáo viên dạy học sinh cầu nguyện__ 1972 họ cho tự do phá thai__ 1980 họ lấy 10 điều răn ra khỏi trường học__ 1987 họ chỉ cho phép dạy thuyết tiến hóa__ 1992 họ cấm không được cầu nguyện trong những buổi lễ ra trường__ 1997 họ cấm không được bày tỏ cử chỉ tôn giáo trong các cơ quan chánh quyền.

Rồi khi có những vụ nổ súng trong các trường học thì người ta hỏi việc gì đã xảy ra cho các con em chúng ta? Tại sao các con em bây giờ không giống như những con em ngày xưa? Chúng ta đã lấy Thánh Kinh ra khỏi trường học và bây giờ chúng ta phải đặt Thánh Kinh vào các trại tù.

Một Tuyên Úy ở trại tù Angola (là trại tù an ninh tối đa lớn nhất nước Mỹ) ở Louisiana (có biệt danh “Alcatraz của miền nam”) nói rằng, mỗi một ngăn tù thì có một quyển Thánh Kinh. Nhưng nếu chúng ta đặt những quyển Thánh Kinh đó trong các trường học ngày nay, họ sẽ đưa chúng ta ra tòa vì xâm nhập vào đời sống của thanh niên và thiếu nữ. [Ông nói tiếp] Tôi bảo đảm nếu nhiều Thánh Kinh được đặt vào trong các trường trung học nhiều chừng nào, thì sẽ bớt đi những người ở phía sau những song sắt này.

Vì không có đức tin vào Thiên Chúa, xã hội rối loạn, đạo đức băng hoại, suy đồi, bạo lực nổi lên dẫy đầy. Cụ thể là những vụ bắn giết bừa bãi vào trường học, nhà thờ, rạp hát, trung tâm xã hội v…v. gây những cái chết vô nghĩa, thảm thương người dân vô tội. Chúng ta cần phải lập lại những điều tốt đẹp đã làm trong quá khứ của quốc gia Hoa Kỳ!. Xây dựng lại niềm tin vào Thiên Chúa là việc làm cấp thiết của mọi người, nhứt là những người có trách nhiệm.

 

images (2)

Tái Tạo Đạo Đức Cách Nào?

Súng không là phải gốc rễ của sự giết người vô tội mà là lương tâm của chủ nhân súng. Tại sao chúng ta lo ngại về Iran có bom nguyên tử mà không lo ngại các quốc gia khác đang có bom nguyên tử? Vì bom nguyên tử không phải là vấn đề, vấn đề “ai” là chủ của bom nguyên tử.

Thiếu lương tâm về đạo đức là vấn đề quan trọng cho một người, một xã hội hay một quốc gia. Súng ở trong tay người có đạo đức là một điều tốt, súng ở trong tay của người vô đạo đức là một điều nguy hiểm. Chúng ta có bao giờ sợ một người có đạo đức dùng súng để giết người hàng loạt không? Đương nhiên là không. Điểm mà chúng ta cần nhấn mạnh là tính cách đạo đức của con người.

Điều chúng ta cần, là dạy cho mọi người biết điều thiện điều ác. Có một số người không biết thiện và ác. Thế kỷ 20 đã chứng minh điều này. Đó là thế kỷ đẫm máu nhiều nhất, hơn 19 thế kỷ trước đây cộng lại. Có một số người biết điều thiện, điều ác nhưng vẫn làm điều ác, vì họ nghĩ rằng không ai nhìn thấy và kiểm soát những điều họ làm. Cho nên đối với những người này chúng ta cần phải cho họ biết rằng, có một Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng ban mạng lệnh “Ngươi không được giết người vô tội”. Nếu ngươi giết người vô tội thì ngươi sẽ bị trừng phạt. Vì những người tin rằng, Đức Chúa Trời cấm giết người vô tội và sẽ trừng phạt những ai làm điều đó, thì chúng ta hầu như không thấy họ giết người vô tội.

Có bao giờ chúng ta thấy những người Do Thái sống sót của trại tù Đức Quốc Xã đi giết những người Đức vô tội không? Tại sao lại không? Vì những người Do Thái tin rằng, Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt họ nếu họ giết những người Đức vô tội.

Nhà văn người Nga Doyeresky nói rằng, Nếu không có Đức Chúa Trời thì việc gì cũng có phép làm.” Và tôi xin nói rằng: Nếu không có 10 điều răn thì việc gì cũng làm được.

images (1)

Tôi xin lập lại, vấn đề không phải là súng mà là đạo đức con người. Đất nước Hoa Kỳ đã thành lập trên nền tảng tin vào Đức Chúa Trời của Thánh Kinh. Chính vì vậy mà một trong những điều căn bản của bản hiến chương Hoa Kỳ (declaration) có câu “Đức Chúa Trời tạo dựng mọi người bình đẳng” (God had made all men equal). Trong bài cam kết với lá cờ Hoa Kỳ (pledge to the flag) có câu “Một quốc gia dưới quyền của Đức Chúa Trời” (One Nation under God). Trong những đồng / giấy tiền có giòng chữ “Chúng ta tin tưởng vào Đức Chúa Trời” (In God we trust). Và cuối cùng trên Chuông Tự Do (the Liberty Bell) có câu Thánh Kinh “…rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ.” (Proclaim Liberty throughout all the land unto all the inbabitants).

Nhà văn người Nga Doyeresky nói rằng, Nếu không có Đức Chúa Trời thì việc gì cũng có phép làm.”

Và tôi xin nói rằng: Nếu không có 10 điều răn thì việc gì cũng làm được.

MỤC SƯ TRẦN TẤN HƯNG
Phoenix, Arizona

Admin: Bạn đang sống ở Mỹ. Bạn có sử dụng súng? Bạn nghĩ gì về bài viết này? Hãy để lại bình luận bên dưới….   🙂

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn