Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Bước Ngoặt Mới

Bước Ngoặt Mới

“Rầm, rầm… loảng xoảng…Đừng ông ơi… hu hu…”

Tiếng đồ đạc va chạm xen lẫn với tiếng la khóc xé lòng của cả nhà ông Điển. Tiếng chửi rủa của ông làm kinh động cả xóm làng miền quê hẻo lánh ấy, bà con hàng xóm cứ nghĩ là gia đình ông có xung đột, vài người đến dự định can ngăn nhưng không phải như vậy. Tiếng kêu khóc vang ra kéo bà con tới đông nghịt.

– Bà con ơi! Ông Điển nổi giận tuôn đổ bàn thờ xuống đất hết trơn rồi. Có tiếng người nào đó la lên.
– Trời đất quỷ thần ơi! Ông đó sao mà to gan quá, ông bà về vặn cổ ổng chết chứ chẳng phải đùa đâu….
Tiếng xầm xì trong cái thôn Trung Đạo, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày ấy…

Ông Nội tiếp tục kể làm cho tôi cuốn hút theo… Có lẽ do tôi là đứa cháu gái lớn nhất của Nội nên được ưu tiên phần biết rõ về nguồn gốc gia tộc.Sau năm 1975 mọi gia đình ở thành phố Đà Nẵng bắt đầu trở về lại quê hương để sinh sống, người lớn thì ra đồng ruộng để lo cày cấy vụ mùa. Lúc ấy tôi còn nhỏ, mới chín tuổi đầu nên tôi thường quấn quít bên ông, tôi cũng hay quan tâm đến những người bà con ở quê mà mình vừa mới gặp mặt, phải xưng hô theo vai vế vì thế tôi luôn tò mò muốn biết người nầy người kia, bà con và xưng hô thế nào… Nội luôn trả lời những thắc mắc của đứa cháu gái mà ông thương mến vì thế tôi được Nội và ba tôi kể phần nào câu chuyện cuộc đời ông cho tôi nghe:

– Cháu biết không! Tộc Nguyễn của mình là dòng tộc lớn, có danh tiếng và giàu có lắm. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống gia phong, lễ giáo bao đời nên xóm làng rất nể nang, trọng vọng. Hồi xưa ông bà tổ, ông bà cố sinh con nhưng khó nuôi, sinh con gái nhiều hơn con trai nên ông là người con trai mà cả dòng tộc mong đợi để nối dòng giống cho gia tộc vì thế nên ông bà cố lo cho ông ăn học thành tài. Thời Pháp thuộc của thế kỷ hai mươi ông là cậu học trò xuất sắc tinh thông nho học nên được phong Điển lễ thời bấy giờ. (Điển là học vị Điển lễ).

– Ông ơi! Vậy là chừ con mới hiểu tên của ông nhưng sao vẫn gọi là ông Điển Huynh ạ? Tôi nói ra thắc mắc của mình.

– À! Huynh là tên con trai của ông nên người ta hay gọi ông là ông Điển Huynh -Giọng ông lúc thì đều đều, lúc cao trào làm cho tôi thích thú- Năm 1935 ông đã cưới bà nội của con, sinh người con gái đầu lòng nhưng mất ngay lúc mới chào đời. Gia đình nho giáo nên việc thờ cúng luôn đặt lên hàng đầu, tiếp sau đó bà sinh người con gái thứ hai cũng chết nên ai bảo thờ cúng gì ông cũng làm theo, đi coi thầy xem bói, tốn mâm cỗ cúng khấn vái cầu xin con để nối dõi cho ông bà.  Rồi bà nội con mang thai, Trời thương nên cho ông một cậu con trai tên Nguyễn Huynh, nhưng sống chưa đầy tháng rồi cũng qua đời, lúc đó ông đau khổ thất vọng tột cùng, ông giận thần thánh mà ông đã cúng vái cầu xin, ông không còn lòng tin nữa nên tuôn đổ hết bàn thờ mà bao nhiêu đời ông bà ta lưu truyền lại vì ông là con cháu đích tôn của dòng họ phải lo việc thờ cúng ấy nên trong nhà lúc nào cũng nghi ngút khói hương tụng niệm, khẩn cầu nhưng cả ba người con đều chết yểu. Ông mất niềm tin vào thầy bói, ông mất cả niềm hy vọng trong cuộc đời, ông thấy dường như mình có lỗi với tổ tiên vì không có con để nối dòng giống. Bà con trong thôm xóm lo sợ vì chính ông lớn tiếng công bố: “Từ nay tôi không thờ bất cứ thần nào nữa, không cúng bái thờ lạy các người nữa, đập phá hết bàn thờ, có giỏi thì vô bắt tôi luôn đi… sự thách đố của ông làm cho bà con kinh hãi.

Đến năm 1938 thì bà nội sinh tiếp người con trai nữa, không biết ai bày vẽ mà bà mụ đỡ sinh tại nhà khoét cái tấm phên bằng nứa có quét lớp phân trâu cho nó chắc đó, bà mụ lấy cái bẹ chuối làm cái máng xối đưa từ trong buồng ra ngoài hè, khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời thì bà mụ đưa đứa bé theo máng xối bẹ chuối lọt ra ngoài hè luôn, bên ngoài có một bà ôm đứa bé và la lên: “Con bê nhà ông Điển mới đẻ… con bê nhà ông Điển mới đẻ…”

– Chính ông cũng không hay biết kế hoạch của bà mụ mà! Và rồi ông gọi đứa con trai là Bê luôn, chính là ba của cháu giờ đó! Vài năm sau bà cũng sinh thêm ba người con nữa, ông vui mừng vì ông Trời thương cho ông bà có ba con trai và một con gái. Gia đình ông không còn thắp nhang thờ cúng gì kể từ lúc bàn thờ bị ông đập phá đó. Cả bốn người con được nuôi dưỡng khôn lớn mạnh khoẻ, lúc chú út chập chững tập đi thì bà nội qua đời vì cơn bạo bệnh, một mình ông phải vất vả gấp nhiều lần để chăm sóc bầy con dại.

– Ông ơi! Hồi đó ông cũng chưa tin Chúa hả? Tôi hay cắt ngang dòng suy tưởng của ông để hỏi những thắc mắc của mình.

– Chưa cháu à! Ông không muốn tin ai cả, thời điểm đó có mấy bà sơ đạo Công Giáo lên truyền đạo tại quê mình nhưng ông đã khước từ lời mời gọi của họ vì cuộc sống nhiều khó khăn hơn nữa ông không quan tâm đến tâm linh gì cả. Ông Nội vẫn kiên trì trả lời đứa cháu nhỏ.
-Vậy nhà mình ai tin Chúa Giê-xu trước vậy ba? Tôi quay qua hỏi ba của mình.
Ba tôi tiếp lời của ông Nội:

– Năm ba lên tuổi mười ba thì người em trai kế lên chín tuổi, mấy anh em mồ côi mẹ nên thương yêu nhau lắm, đi đâu thì hai anh lớn cũng cùng đi chung nhau. Thời đó chiến tranh âm ỉ, tiếng bom đạn giày xéo trên cánh đồng, bên chợ, rồi đánh tư sản gì đó làm cho trẻ thơ gián đoạn việc học hành. Ba phải đi chăn trâu, ba và chú chỉ có hai bộ đồ lành lặn mà người dì ruột may bằng bao bột mỳ, lúc đó học thì không có giấy, ông lấy lá chuối sứ phơi héo héo cho khỏi bị rách, lấy cái đọt tre làm ngòi chấm mực viết…

Tâm trí ba tôi bắt đầu ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu:

– Mỗi ngày ba dậy từ khoảng ba hay bốn giờ sáng, đánh trâu ra đồng cho nó ăn cỏ no rồi mới đưa trâu đi cày, thời điểm đó ba nghe có ông Thầy Truyền Đạo đến thôn kế bên nói về Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, Ngài ban Chúa Giê-xu Christ đến thế gian chết trên thập tự giá để gánh thay tội lỗi cho con người, ai tin nhận Chúa thì được cứu.

Thế là ba dắt em trai mình lén ông nội đi nghe giảng đạo Tin Lành, ba và chú đã tiếp nhận Chúa. Cứ mỗi Chúa nhật thì ông Thầy Truyền đạo đó lên quê để giảng, ba ao ước được nghe lời Chúa nên sau khi cho trâu ăn cỏ no thì ba cột con trâu ngay gốc cây xoài ở ngoài đồng, dắt em trai đi thờ phượng Chúa. Con trâu đó cũng chẳng có ngoan, nó bứt đứt dây mũi và chạy qua thôn khác khiến cả nhà đi tìm kiếm và ba bị ông nội lấy roi cày đánh xối xả. Nhiều lần ba bị đánh bằng roi cày như vậy nhưng ba vẫn quyết tâm trốn nội đi nhóm mỗi Chúa nhật, Thầy Truyền đạo và Hội Thánh lúc đó cầu nguyện cho gia đình xin Chúa cho mọi người trong nhà tin Chúa để được cứu và ai cũng mong ba và chú con bình yên không bị ăn đòn nữa.

– Bị đòn bằng roi cày đau kinh lắm ba ơi! Tôi san sẻ cùng ba với tấm lòng thương cảm.
– Đau chứ sao lại không! Ông nội con nổi tiếng là độc đoán mà. Khi ông nổi nóng là không có ai dám can ngăn cả, ba sợ những trận đòn của ông con nhưng hồi đó ba vững lòng tin nên không từ bỏ Chúa.

– “Tạ ơn Chúa cứu Ba lúc nhỏ
Tuổi Mười Ba, bày tỏ đức tin
Vì tin Chúa đến cứu mình
Trốn Nội đi nhóm, kiếm tìm Chúa ngay.

Ba cột trâu đang say ăn cỏ
Ngay gốc xoài để đó rồi đi
Con trâu bức mũi thật nguy
Roi cày… Nội đánh tội đi nhóm nè!”

Tôi cảm kích trước đức tin của ba nên ứng khẩu thành thơ làm ba và Nội phải phì cười. Sau đó tôi lại tiếp tục đưa ra những thắc mắc của mình:

– Ba ơi! Khi nào ông nội mới tin Chúa hả ba?

Ba như lạc vào hồi tưởng thuở đó, không màng đến câu hỏi của tôi…

– Khi ông con một mình nuôi bầy con nhỏ dại cực lắm rồi ông bước thêm một bước nữa.
– Là sao hả ba? Nội bước đi đâu vậy ba?

– Là ông nội cưới bà nội sau chứ có đi mô đâu hè! Ba tôi bật cười vì câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ. Ông lại nói tiếp:

– Lúc ấy gia đình bà nội sau đã tin Chúa rồi, bà là cháu của ông Mục sư trong Hội Thánh, và ông Mục sư khuyên ông nội không được đánh con cái nữa, từ đó thì ba và chú không còn bị đòn nữa, rồi ông nội cùng những người con trong gia đình tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình.

Lời Chúa phán trong Kinh Thánh sách Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31 “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu thì ngươi và cả nhà đều được cứu rỗi”

– “Lời Chúa hứa không hề thay đổi
Dám vì Ngài không chối niềm tin
Thánh Linh giữ vững đức tin
Và Ngài cứu cả gia đình chúng ta.”

Tôi lại tài lanh ứng khẩu thành thơ cho ba nghe. Ba lại tiếp tục kể cho tôi nghe về khoảng thời gian đó:

– Cảm ơn Chúa đã có chương trình cho đại gia đình mình từ trước rồi, ba tin như vậy. Dẫu cuộc sống cứ trôi qua, có những gian đoạn khó khăn phải trả giá bằng roi đòn nhưng Chúa không để ba chịu quá sức của mình. Khi cả gia đình ông nội tin Chúa thì trong gia tộc họ hàng cũng chống đối ghê gớm lắm vì gia đình mình không còn tham dự trong việc thờ cúng của gia tộc họ Nguyễn nữa, mình phải chấp nhận trả giá vì niềm tin nơi Cứu Chúa Giê-xu con à.

Rồi ba trưng dẫn Kinh Thánh cho tôi nghe: “Kinh Thánh sách Gia-cơ 1:12 Lời Chúa phán: Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nỗi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài.”

o0o

Tôi biết ơn Chúa vì bước ngoặc cuộc đời của đại gia tộc được mở ra trang sử mới. Từ khi ông nội gặp biến cố đau thương trong cuộc sống, mất hy vọng, mất niềm tin, giận dữ thần thánh mà mấy mươi đời ông bà truyền lại đó, tất cả bị ông tôi đập đổ không còn thương tiếc gì khi mà ba đứa con ông sinh ra bị chết non, oan ức.

Tiếp đến là niềm hy vọng mới, sự ban phước gấp bội phần từ khi ba và chú tôi tin nhận Chúa rồi đến ông nội cùng các con cái trong gia đình tiếp nhận Chúa Giê-xu và thờ phượng Ngài. Từ đó đến nay, Chúa cho ông bà sinh thêm  người con, ông bà nội vui mừng vì được nhìn thấy con, cháu, chắt tất cả bốn đời đi trong đường lối của Chúa dạy. Ông nội vui thoả trong ơn lành của Chúa và được về nước Chúa cuối năm 2010 khi tuổi thọ chín mươi tám. Đại gia đình con cháu ông năm nay trên một trăm thành viên, tất cả đều yêu mến Chúa, từ lòng tin kính Chúa mà ông bà nội truyền lại. Đây là một gia sản thuộc linh vô vàn phước hạnh cho các thế hệ sau trong gia đình chúng tôi.

Kinh Thánh Phục Truyền 5:10 lời Chúa phán: “Ta sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những người yêu mến Ta và vâng giữ các điều răn Ta.”

Tạ ơn Chúa, lòng tôi luôn vững tin nơi Lời Ngài.

PHƯỚC ÂN

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn