Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Hãy Nghỉ An Nơi Đức Chúa Trời

Hãy Nghỉ An Nơi Đức Chúa Trời

Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời;
Vì sự trông cậy ta ở nơi Ngài.

Thi thiên 62:5

Có những lý do nghiêm trọng ngăn cản chúng ta sống đắc thắng cho Đức Chúa Trời: chạy trước Chúa, ra lệnh cho Chúa, và can thiệp vào kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Hãy kiên nhẫn và đừng chạy trước Chúa. “Hỡi linh hồn ta, hãy yên lặng chờ đợi Đức Chúa Trời.” Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn luôn vội vã, và điều này làm cho Cơ đốc nhân dễ dàng đánh mất khả năng chờ đợi sự trả lời từ Đức Chúa Trời. Mặc dù phương châm và khẩu hiệu của chúng ta là: “Truyền giáo khắp thế giới.” nhưng hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không vội vã. Ngài có thể sáng tạo hoàn vũ trong một khoảng thời gian rất ngắn với quyền năng của Ngài, tuy nhiên Ngài đã dành sáu ngày để làm việc đó. Vua Sau-lơ đã chạy trước Chúa và đánh mất vương miện. Giô-sép thì khác, ông kiên nhẫn chờ đợi trong tù và những khoảng thời gian khổ nhục để nhận được vương miện. Chúa Giê-su có thể đã bắt đầu chức vụ vào ngày Thứ Hai, chết trên thập giá vào Thứ Sáu, phục sinh vào ngày Chủ Nhật. Ngài phải ở tại Na-xa-rét ba mươi năm, trải qua hơn ba năm thi hành chức vụ, chịu chết và phục sinh. Chúa Giê-su là Chúa của ngày Sa-bát (Mác 2:28). Chúa Cứu thế vẫn phải trải qua một tiến trình, trong đó có những khoảng thời gian Ngài phải chờ đợi. Những điều này có nghĩa Đức Chúa Trời là Chủ mọi thời gian của chúng ta. Chúng ta không nên để bị mắc bẫy vào sự háo hức cạnh tranh của thế gian muốn cái gì cũng đến nhanh chóng. “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài.” (Thi thiên 37:7) và sẵn sàng hành động khi Ngài truyền dạy chúng ta.

Hãy yên lặng và đừng ra lệnh cho Chúa. Chúng ta không chỉ sống trong một thế giới vội vã, nhưng cũng sống trong một thế giới ồn ào náo động. Chúng ta có thể cho rằng nhịp sống thế giới không ảnh hưởng đến những Cơ đốc nhân trưởng thành, nhưng thực tế là ngược lại. Chúa Giê-su không chỉ là Chủ thời gian của chúng ta, nhưng Ngài cũng là Chủ của lời nói chúng ta. “Có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra” (Truyền đạo 3:7). Quyển sách ghi lại nhiều lời nói tranh luận trong Kinh Thánh là sách Gióp, trong đó Đức Chúa Trời tuyên phán. Trong khi Satan, Gióp, vợ Gióp và bốn bạn hữu của Gióp tranh luận với nhau về các thuộc tính của Đức Chúa Trời và giải thích ý nghĩa của sự đau khổ. Nhưng vấn đề không được giải quyết cho đến khi Gióp yên lặng và để cho Đức Chúa Trời phán dạy (Gióp 40:1-5; 42:1-6). Sứ đồ Phi-e-rơ đã cố gắng đưa ra lời khuyên cho Chúa Giê-su khi Chúa nói trước về sự chết của Ngài (Ma-thi-ơ 16:21-23), và ông cũng là người chủ động đưa ra ý tưởng “tích cực”cho Thầy của mình trên núi hóa hình (17:1-7). Nhưng Chúa Giê-su không đi theo lời tư vấn của Phi-e-rơ. Để nghe được lời của Chúa, cách tốt nhất là chúng ta phải yên lặng.

Hãy bình tĩnh và đừng can thiệp vào chương trình của Chúa. Để sống đời sống Cơ đốc tin kính, chúng ta cần “một mình Đức Chúa Trời”. Hãy ghi nhớ những gì Đức Chúa Trời có thể làm khi chúng ta không can thiệp vào kế hoạch của Ngài để dâng vinh hiển về cho Ngài. Thật là dễ dàng để bắt chước Gia-cốp khi ông cầu xin Chúa giúp đỡ mình, rồi sau đó dùng sức riêng để thực hiện kế hoạch của chúng ta (Sáng thế ký 32:6-21). Tin cậy Chúa có nghĩa là bước đi trong đức tin mà không nuôi dưỡng những mưu đồ riêng. Chúng ta không đủ khôn ngoan để thực hiện một dự án tốt hơn mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta. Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “một mình Đức Chúa Trời” được dùng trong các câu 1, 2, 6 của Thi thiên 62. Khi Chúa Giê-su công bố về sự chết của Ngài, Phi-e-rơ đã nói lời can thiệp (Ma-thi-ơ 16:21-23), và trong giờ phút nguy kịch vị sứ đồ này cũng đã rút gươm ra cố gắng giải cứu Thầy của mình (Giăng 18:1-11). Can thiệp vào kế hoạch của Đức Chúa Trời là vô hình trung loại bỏ chính chúng ta ra khỏi phước hạnh tốt nhất mà Đức Chúa Trời dự định dành cho chúng ta.

Thi thiên 62 bày tỏ cho chúng ta các thuộc tính của Đức Chúa Trời. Ngài là Vầng đá (câu 2, 6, 7), là nơi nương náu (câu 7, 8), sự cứu rỗi (câu 1, 2, 6, 7), là sự che chở (câu 2, 6), là sự vinh hiển (câu 7) của chúng ta. Chúa Giê-su kiểm soát mọi thời gian, vì vậy chúng ta phải kiên nhẫn, chờ đợi Ngài. Ngài là Chủ của mọi lời nói chúng ta, vì vậy chúng ta phải học tập yên lặng và chớ có đưa ra lời tư vấn cho Ngài. Ngài là Chúa cho mọi kế hoạch của chúng ta, vì vậy hãy để Ngài thành toàn kế hoạch ấy. Tương lai Ngài dành cho chúng ta là tốt nhất.

Vì Ta biết chương trình Ta hoạch định cho các ngươi là chương trình hòa bình thịnh vượng, không phải là tai họa diệt vong. Ta kiến tạo cho các ngươi một tương lai sáng sủa, một niềm hy vọng vững vàng.
Giê-rê-mi 29:11

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn