Điều chúng tôi có nghe nói, thì đã thấy. Trong thành của Đức Giê-hô-va vạn quân, tức là trong thành của Đức Chúa Trời chúng tôi: Đức Chúa Trời sẽ lập thành ấy vững chắc đời đời.
Thi thiên 48:8
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Các thể chế, các quốc gia, những thành phố, những người lãnh đạo xuất hiện rồi biến mất. Nhưng thành phố Giê-ru-sa-lem sẽ được thành lập đời đời! Chúng ta tìm thấy Giê-ru-sa-lem xuất hiện trên tám trăm lần trong Kinh Thánh, bắt đầu từ Sáng thế ký 14:18 (Sa-lem có nghĩa là bình an. Đọc thêm Hê-bơ-rơ 7:1-10) và kết thúc ở Khải huyền 21:10. Như vậy Giê-ru-sa-lem thuộc loại thành phố nào?
Một thành phố được chọn. Lịch sử cứu rỗi được gói lại trong số những sự lựa chọn mà Đức Chúa Trời đã thực hiện bởi ân điển và sự tể trị của Ngài. Điều trước tiên là trong số các thiên thể được sáng tạo, Đức Chúa Trời đã chọn trái đất để thực hiện kế hoạch của Ngài (Thi thiên 24:1). Trong số các dân tộc trên thế giới, Đức Chúa Trời chọn người Israel để đem Lời và Con Ngài vào thế giới (Phục truyền. 7:6). Chúa Giê-su xác nhận: “sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” (Giăng 4:22). Đức Chúa Trời chọn Ca-na-an là vùng đất hứa cho tuyển dân (Phục. 1:8). Và Ngài chọn núi Si-ôn là địa điểm của thành phố thủ đô quốc gia. Giê-ru-sa-lem sẽ là nhà (nơi ở) của Đức Chúa Trời (Thi. 132:13-18). Giê-ru-sa-lem là một thành phố được Chúa chọn (Xa-cha-ri 3:2), và Đa-vít là vị vua được chọn để thành lập triều đại nhà Đa-vít để từ đó đem Chúa Giê-su vào thế giới (1 Các vua 11:34). Thật kỳ diệu cho thành phố Giê-ru-sa-lem.
Một thành phố tội lỗi. Giê-ru-sa-lem là thành thánh (Nê-hê-mi 11:1, 18; Ê-sai 48:2; Ma-thi-ơ 4:5; 27:53) và là thành phố của Đức Chúa Trời (Thi. 46:4; 48:1; Ê-sai 60:14). Những người Do Thái trong Cựu Ước tự hào về thành phố này và gọi nó là “sự đẹp đẽ trọn vẹn, sự vui mừng của cả đất chăng” (Ca thương 2:15). Nhưng khi Chúa Giê-su đến, Ngài nhìn thấy nó nhơ nhớp và tội lỗi. “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!” (Ma-thi-ơ 23:37).
Một thành phố thiên đàng (Hê-bơ-rơ 12:18-24). Núi Si-ôn thuộc linh của Cơ đốc nhân không phải nằm trên đất nhưng trên thiên đàng. Cha thiên thượng và Cứu Chúa của chúng ta đang ở trên thiên đàng, và ngôi nhà thực sự của chúng ta cũng đang ở đó. Của cải của chúng ta nên được chất chứa ở đó (Ma-thi-ơ 6:19-21). Sách Ga-la-ti 4:21-32 giải thích rằng Cơ đốc nhân thuộc về “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” vì con cái Đức Chúa Trời là công dân của thiên đàng (Phi-líp 3:20). Giống như mọi thánh đồ khác, chúng ta là lữ khách và kiều dân trên đất đang trông đợi một quê hương thật trên thiên đàng (Hê-bơ-rơ 11:13-16). Chúng ta “tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:1-2). Mọi nhu cầu của chúng ta đều đến từ Đức Chúa Trời. Trong Thi thiên 87:7 trước giả viết, “Các suối tôi đều ở trong Người.” Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đến cùng Ngài và uống (Giăng 7:37-39)
Một thành phố đời đời. Vào một ngày tương lai, Đức Chúa Trời sẽ mở ra trời mới, đất mới và Giê-ru-sa-lem mới (Khải. 21:1-6). Điều này làm ứng nghiệm đầy trọn Thi thiên 48:8, “Điều chúng tôi có nghe nói, thì đã thấy trong thành của Đức Giê-hô-va vạn quân,
tức là trong thành của Đức Chúa Trời chúng tôi: Đức Chúa Trời lập thành ấy vững chắc đời đời.” Hai chương cuối của sách Khải huyền mô tả sự kỳ diệu vĩ đại và vinh hiển của thành phố. Các con cái của Đức Chúa Trời sẽ có nhà tại đó. Các tín nhân Do thái và các dân tộc khác đều hiệp một trong thành phố. “Thành có một bức tường cao lớn, với mười hai cửa, trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề, là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-ên: Phía đông có ba cửa; phía bắc có ba cửa; phía nam có ba cửa; phía tây có ba cửa. Còn tường của thành có mười hai cái nền, tại trên có đề mười hai danh là danh mười hai sứ đồ của Chiên Con” (Khải. 21:12-14). Chúa Giê-su đã phán dạy, “Ta đi và chuẩn bị sẵn cho các ngươi một chỗ ở” (Giăng 14:1-3)
Tôi chợt nhớ lại một thông báo trên truyền hình trước đây, “Giê-ru-sa-lem là chìa khóa cho hòa bình ở Trung Đông.” Tôi nghĩ đến lời này trong Thi thiên 122:6, “Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem; Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh.” Bạn có cầu nguyện như thế?
Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu.
Rô-ma 10:1
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi