Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Quyền Năng Của Lời Chúa

Quyền Năng Của Lời Chúa

Quyền năng của Lời Đức Chúa Trời.

Lời Đức Chúa Trời thẩm thấu và thay đổi tấm lòng con người. Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. (Hê-bơ-rơ 4:12)

Bạn còn nhớ con người thật của bạn ra sao trước khi bạn trở thành tín hữu? Vào lúc đó Kinh Thánh hầu như không có ý nghĩa gì trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, Kinh Thánh đã trở nên khác biệt từ khi bạn tiếp nhận Chúa.

Kinh Thánh vốn không thay đổi, nhưng bạn đã thay đổi. Bạn trở nên một tạo vật mới. Kể từ đây quyển sách này trở nên sinh động, đầy ý nghĩa, bất diệt trong đời sống của bạn.

Kinh Thánh bày tỏ: Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. 1 Cô-rin-tô 2:14

Làm thế nào bạn có thể làm cho người khác hiểu về tình yêu của Đức Chúa Trời? Rõ ràng là bạn không thể làm được. Đây là công việc của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh sẽ hành động xuyên qua Lời của Đức Chúa Trời.

Những nguyên tắc Kinh Thánh

Có 2 nguyên tắc căn bản hành động khi bạn chia sẻ Kinh Thánh. Nguyên tắc thứ nhất xuất phát từ Rô-ma 10:17, Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.

Nguyên tắc thứ 2 bắt nguồn từ Lu-ca 10:26, Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Hay nói một cách khác: Chúa Jesus đang hỏi: Phần Kinh Thánh này nói với ngươi điều gì?

Theo cách này, Chúa Jesus có thể truyền đạt sứ điệp và tránh đi sự tranh cãi. Vì Ngài đã bắt đầu bằng một câu hỏi. Đây là một khuôn mẫu tuyệt vời cho bạn! Bạn có thể đi theo phương cách này khi trình bày Lời Chúa.

Câu Kinh Thánh này nói gì với anh”, là một câu hỏi.  Nó không mang tính phòng thủ hay gây ra tranh luận. Tất cả những gì bạn cần làm là lắng nghe câu trả lời từ người đối diện. Bước tiếp theo là bạn mở Kinh Thánh ra, trình bày nó và trông đợi Lời Chúa hành động. Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ thân hữu của bạn hiểu sâu sắc trong Lời của Chúa hơn bất kỳ một lời giải thích hay bài giảng nào mà bạn chia sẻ.

Khẩu súng ngắn

Trước khi bạn lấy quyển Kinh Thánh khổ lớn ra và chuẩn bị trưng dẫn. Tôi muốn nói điều này: Trong con mắt của người chưa tin Chúa, quyển Kinh Thánh khổ lớn bạn đem ra giống như một khẩu súng thần công. Bạn nên dùng một quyển Kinh Thánh cỡ nhỏ có thể bỏ lọt vào bên trong túi áo của bạn. Trong bề ngoài của nó giống như một cuốn sổ ngân phiếu vậy.

Sự cam kết của bạn.

Kinh Thánh đại diện cho lời cam kết của bạn. Khi bạn đem nó theo bạn muốn nói rằng bạn đang sống trong sự hành động của Lời Chúa.

Có bao giờ bạn bỏ quên ví tiền ở nhà hay trên xe hơi khi bạn đến nơi làm việc? Có lẽ bạn cảm thấy hụt hẩng, trống vắng và mất mát? Cũng vậy, khi bạn quên, không chia sẻ Kinh Thánh cho thân hữu trong cuộc nói chuyện. Sau đó bạn cũng cảm thấy hụt hẩng, mất mát. Mục vụ chia sẻ Lời Chúa phải là một phần trong cuộc sống của bạn. Và khi bạn không thực hành điều này, bạn sẽ cảm thấy giống như đánh mất, bỏ quên một cái gì.

Những đề kháng đối với Kinh Thánh

Bạn có thể gặp 2 sự phản đối thông thường khi bạn mở Kinh Thánh ra. Thân hữu của bạn có thể nói:

– Có quá nhiều lỗi trong Kinh Thánh.

Bạn có thể đưa quyển Kinh Thánh của bạn cho người đó:

– Anh (chị) có thể chỉ cho tôi xem một lỗi được không?

– Ồ, tôi không thể.

– Tôi cũng không thể. Chúng ta thử mở Rô-ma 3:23

– Có quá nhiều bản dịch.

Khi một ai đó nói với tôi: Có quá nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau. Tôi sẽ đưa ra câu trả lời mà tôi học được từ Trường Kinh Thánh Denver, để có được câu trả lời này tôi đã phải tốn hết một ngàn đô-la. Vì vậy đừng bỏ phí nó. Tôi chỉ đơn giản trả lời: Vâng.

Bạn phải chú ý điều này: Người chưa tin Chúa cho rằng họ biết điều họ đang phát biểu. Và rồi tôi nói với họ:

– Anh đã biết là lời phát biểu của anh hoàn toàn đúng? Có rất nhiều bản dịch Kinh Thánh. Nhưng anh biết là dù cho có nhiều bản dịch, nhưng chúng chỉ có chung một nghĩa?

– Ồ, tôi không biết việc đó.

Khi đó chúng ta đi vào vấn đề:

– Bây giờ hãy đọc Rô-ma 3:23

Chúng ta nên có một nghiên cứu tổng quát về Kinh Thánh. Trong suốt 2000 năm, con người đã khảo sát Kinh Thánh để chứng minh nó đúng hoặc sai. Và thật thú vị là không có ai tìm ra một lỗi nào của quyển sách này. Hãy suy nghĩ xem: Nếu cha thiên thượng của bạn không thể viết một quyển sách hoàn hảo, thì tại sao bạn lại trông đợi Ngài có thể đem bạn ra khỏi sự chết?

Tôi phải công nhận là nếu có ai tìm ra một lỗi xác thực nào trong bản gốc của Kinh Thánh, đức tin của tôi chắc sẽ bị tổn thương. Cho dù bạn xem xét nó về phương diện lịch sử, tiên tri hay khảo cổ học nó vẫn không có một lỗi nào.  Đức Chúa Trời tuyên phán rằng một chấm, một nét có trong Kinh Thánh cũng không bởi ý muốn của con người. Con người không thể viết hay sáng tác nên Kinh Thánh. Thay vì vậy, con người được linh cảm, được hướng dẫn bởi quyền năng Đức Thánh Linh để viết ra Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời. (Nội dung này sẽ được mở rộng trong chương 8 và phụ lục 3).

Chia sẻ kinh Thánh

Bước thứ hai chia sẻ Chúa Jesus không cần sợ hãi là sử dụng Kinh Thánh để nói.  Đức Chúa Trời dùng Kinh Thánh để thay đổi đời sống con người. Bạn sẽ trưng dẫn một chuỗi các câu Kinh Thánh sau đây và yêu cầu thân hữu của bạn đọc lớn tiếng.

  1. Rô-ma 3:23
  2. Rô-ma 6:23
  3. Giăng 3:3
  4. Giăng 14:6
  5. Rô-ma 10: 9-11
  6. 2 Cô-rin-tô 5:15
  7. Khải huyền 3:20

  Chia sẻ những sự hướng dẫn của Kinh Thánh

Bạn có thể nói: Tôi không bao giờ nhớ tất cả 7 câu Kinh Thánh này. Bạn không cần phải nhớ. Tôi sẽ cho bạn một thẻ ghi nhớ. Bạn không chỉ làm nổi bật các câu trích dẫn này trong Kinh Thánh của bạn, mà bạn còn yêu cầu thân hữu của bạn đọc nó ra. Bạn cũng sẽ đánh dấu câu Kinh Thánh trưng dẫn tiếp theo ở bên lề Kinh Thánh. Nếu bạn dùng một quyển Kinh Thánh còn mới, chưa ghi chú, đánh dấu thì sẽ dễ dàng cho bạn thực hiện các chú thích mới. Việc này cũng làm cho thân hữu theo dõi được phần trình bày của bạn.

(Bạn có thể đọc trong phụ lục 2 để biết cách đánh dấu các phần Kinh Thánh chia sẻ)

Phương pháp sử dụng các phần Kinh Thánh trưng dẫn

Bước này có thể không dễ dàng. Hãy mở Kinh Thánh của bạn ra, và nói với thân hữu:

– Anh (chị) hãy đọc lớn câu này.

– (Thân hữu đọc lớn câu Kinh Thánh trưng dẫn).

– Câu này nói gì với anh (chị)?

– (Thân hữu trả lời)

– (Mở câu trưng dẫn kế tiếp). Bây giờ anh hãy đọc tiếp câu này. 

Người thân hữu không thể nói: Đây chỉ là sự giải thích của bạn. Bởi vì chính anh ta đã đọc và phân tích câu Kinh Thánh đó.  Không phải bạn nhưng là Đức Thánh Linh làm tất cả hành động thuyết phục và cáo trách cho những ai nghe Lời Đức Chúa Trời. Bạn chỉ cần có một mục tiêu: Mở Kinh Thánh ra và chờ đợi Chúa hành động theo cách của Ngài.

Đọc Lời Chúa lớn tiếng

Tại sao tôi yêu cầu bạn hữu của tôi đọc lớn câu Kinh Thánh trưng dẫn?  Bởi vì đức tin đến từ hành động nghe Lời Đức Chúa Trời.

Khi người ta đọc Kinh Thánh, bạn sẽ nhanh chóng ngạc nhiên là họ được thuyết phục để tin nhận Chúa Jesus là cứu Chúa của họ. Hãy trông đợi Đức Chúa Trời hành động và tiếp tục hướng dẫn người khác đọc các câu Kinh Thánh này.

Chia sẻ Lời trong bản chính của Kinh Thánh

Tôi phải chuẩn bị bản chính của Kinh Thánh trong mỗi phần trích dẫn để chỉ cho bạn kỹ thuật này.  Bạn không cần phải quan trọng hóa bản chính của Kinh Thánh. Vấn đề này chỉ giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi bạn đưa ra yêu cầu và hỏi:

  1. Hãy đọc lớn câu Kinh Thánh này.
  2. Câu này nói gì với anh (chị)?

Bản chính của Kinh Thánh khá đơn giản, nó không bao hàm nhiều từ làm cho khó ghi nhớ.

Khi bạn nhận được một câu trả lời xác định: “Vâng” cho câu hỏi: Nếu niềm tin của bạn không phải là lẽ thật. Vậy bạn có muốn biết lẽ thật là gì? Đó là lúc bạn có thể mở Rô-ma 6:23 để trước mặt thân hữu và bắt đầu chia sẻ.

Câu 1: Rô-ma 3:23 “Vì mọi người đều đã phạm tội.”

–    (Bạn chỉ vào phần Kinh Thánh đã được tô màu làm cho nổi bật lên) Anh chị có thể đọc lớn câu Kinh Thánh này. 

–    (Thân hữu đọc) Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. 

–    Câu này nói gì với anh chị?

–    (Bạn mong đợi một câu trả lời như  Mọi người đều đã phạm tội.

Mở tiếp Rô-ma 6: 23

Lưu ý: Bạn không cần tốn thời gian để giải thích tội là gì. Mặc dù có thể bạn muốn chỉ ra tiêu chí một đời sống hoàn hảo mà Đức Chúa Trời trông đợi nơi con người. Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận là chẳng có ai trên hành tinh này sống một đời sống hoàn hảo giống như Đức Chúa Trời là Đấng hoàn hảo. Kinh Thánh cho chúng ta biết: Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không (Rô-ma 3:12). Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều đã phạm tội, không có khả năng phản ánh sự công chính và hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Bạn có thể xem câu trả lời 16 trong chương 8 hoặc phụ lục 3 nếu thân hữu của bạn không tin anh ta là một tội nhân.

Câu 2: Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết”

Lưu ý: Câu Kinh Thánh này quan trọng bởi vì nhiều người hư mất cho rằng hành động của họ như chịu thánh lễ báp têm, làm thành viên của Hội Thánh sẽ đem họ lên thiên đàng. Câu Kinh Thánh này cho phép Đức Thánh Linh chỉ ra: Không ai hy vọng lên thiên đàng mà không có đức tin nơi Chúa Jesus và dâng nộp đời sống cho Ngài.

Bạn: (Mở Kinh thánh ra trước mặt thân hữu) Mời anh (chị) đọc lớn câu này.

Thân hữu: (Đọc) Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.

Bạn: Câu này nói gì với anh (chị)?

Thân hữu: (Bạn đang tìm kiếm một câu trả lời như:) Hậu quả của tội lỗi là sự chết, nhưng Đức Chúa Trời ban sự sống xuyên qua Con của Ngài.

Bạn: (Chỉ vào từ khoanh tròn tội): Anh (chị) có chú ý chữ tội lỗi?

Thân hữu: .

Bạn: (Chỉ vào chính bạn). Điều này nhắc nhở chúng ta chữ tội lỗi ở hình thức số ít. Chúa muốn nói rằng chỉ cần một tội thôi cũng dẫn con người đi vào địa ngục.

Anh (chị) có nhìn thấy từ “sự chết”? Trong Kinh Thánh sự chết muốn nói đến địa ngục.

(Bạn tiếp tục chỉ vào các từ trong bản dịch bạn đang dùng). Những từ này bày tỏ cho chúng ta biết rằng để trở thành cơ đốc nhân, anh (chị) phải có mối liên hệ với Chúa Jesus, chứ không phải gia nhập một tôn giáo.  

Mở tiếp Giăng 3:3

Tôi được yêu cầu nói chuyện với một phụ nữ trong tù vì tội giết người.  Sau khi hỏi cô ta 5 câu hỏi để chia sẻ về Chúa Jesus, tôi nhận ra chưa có ai chia sẻ Phúc Âm với cô  trước đây. Khi tôi hỏi  Rô-ma 6: 23 nói gì với cô, tôi nhận được câu trả lời: Tôi cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của tôi và mời Chúa Jesus bước vào lòng tôi. Tôi rất ngạc nhiên! Câu Kinh Thánh này có nói như thế không? Hiển nhiên là không? Cô ta đã có câu trả lời từ đâu? Chính là từ Đức Thánh Linh.

Tôi không nói: Khoan đã, tôi còn có 5 câu hỏi nữa. Tôi hướng dẫn cô ấy cầu nguyện tiếp nhận Chúa ngay tại đó.

Tâm trí chúng ta phải mở ra. Xuyên qua quyền năng Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ thật trong một hoặc vài câu Kinh Thánh. Chúng ta chỉ đơn giản mở Kinh Thánh ra và hỏi các câu hỏi.

Bill Fay

Translated by Hon Pham

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn