Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Chúng Ta Chẳng Mắc Nợ Xác Thịt

Chúng Ta Chẳng Mắc Nợ Xác Thịt

Vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng mắc nợ xác thịt đâu, đặng sống theo xác thịt.

Rô-ma 8:12

Một bài thánh ca quen thuộc viết rằng: “Christ trả xong tội trái. Nay chính tôi nợ Ngài.” Những lời thánh ca này là thật, nhưng chúng ta cũng đừng quên món nợ của chúng ta với Đức Thánh Linh. Hãy cùng suy nghĩ về những danh xưng của Đức Thánh Linh để thấy được chúng ta nợ Ngài nhiều đến thế nào.

Ngài là Thánh Linh của Đấng Christ (Rô-ma 8:9). Đức Thánh Linh là Đấng hành động trong sự hoài thai và giáng sinh của Đấng Christ (Lu-ca 1:35), trong sự hy sinh chuộc tội (Hê-bơ-rơ 9:14) và sự phục sinh của Ngài (Rô-ma 1:4). Đức Chúa Giê-su đã giảng dạy, chữa bệnh và sống lại từ cõi chết, Ngài đã giúp đỡ những người nghèo thiếu trong năng quyền của Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:17-19). Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta, khao khát khiến chúng ta trở nên giống như Đức Chúa Giê-su hầu cho chúng ta được sử dụng để làm sáng danh Con của Đức Chúa Trời.

Ngài là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 15:26; 16:12-15). Nếu không có Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không có Kinh Thánh, và cũng không thể hiểu được Kinh Thánh. Kinh Thánh được Đức Thánh Linh thần cảm (2 Ti-mô-thê 3:16-17) và được những con người thánh của Đức Chúa Trời viết ra “bởi Đức Thánh Linh cảm động” (2 Phi-e-rơ 1:20-21). Đức Thánh Linh sử dụng các Mục sư và thầy giảng đạo để giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh của Ngài (Ê-phê-sô 4:11-12), nhưng Ngài cũng muốn dạy dỗ chúng ta khi chúng ta đọc và suy ngẫm lời Chúa. Khi tôi còn là một cậu bé trong lớp học Trường Chúa Nhật, thầy giám thị thường bắt đầu buổi học bằng việc cho chúng tôi hát bài “Càng biết Chúa Giê-su hơn” (“More about Jesus”). Nhiều năm sau, tôi còn nhớ lời của bài hát “Lạy Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Đấng dạy dỗ, / Xin bày tỏ cho con những điều thuộc về Đấng Christ.” Khi Đức Thánh Linh nắm quyền kiểm soát, việc đọc và học Kinh Thánh trở nên rất thú vị.

Ngài là Thần quyền năng (Công vụ 1:8). Chúng ta đã suy nghĩ về điều này trong bài tĩnh nguyện số 69, bạn có thể ôn lại bài học này, tuy nhiên chúng ta cũng hãy suy nghĩ về Lu-ca 4:14. Sau khi Đức Chúa Giê-su đánh bại Sa-tan trong hoang mạc, Ngài “được quyền phép Đức Thánh Linh, trở về xứ Ga-li-lê.” Ngài đã đọc Ê-sai 61:1-2 tại trong nhà hội và nhận rằng mọi lời trong Kinh Thánh là nói về chính Ngài. Ngài sẵn lòng đầu phục Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng ban cho Ngài có năng quyền để giảng dạy. Các sứ đồ cũng nhờ cậy quyền phép của Đức Thánh Linh. “Sao các ngươi ngó sửng chúng ta, dường như chúng ta đã nhờ quyền phép hay là nhân đức riêng của mình mà khiến người nầy đi được vậy?” Phi-e-rơ hỏi đám đông trong đền thờ (Công vụ 3:12). Phi-e-rơ và Giăng nợ Đức Thánh Linh về phép mầu chữa lành người què, cũng như chúng ta ngày nay nợ Ngài về bất kỳ công việc nào chúng ta làm để tôn vinh Đấng Christ.

Ngài là Thần của sự nhận làm con nuôi (Rô-ma 8:15). Chúng ta không bước vào gia đình của Đức Chúa Trời bằng việc được nhận làm con nuôi, nhưng được sinh lại (1 Phi-e-rơ 1:23), bởi vì chúng ta “dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:4). Con nuôi không có gen di truyền như cha mẹ nuôi của chúng, nhưng chúng ta có bản tính của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có một vị trí của người trưởng thành trong gia đình của Ngài. Từ con nuôi được dịch ra trong Rô-ma 8:15 nghĩa là “có vị trí là một người con trưởng thành.” Cha của chúng ta xem chúng ta như là những người trưởng thành chứ không phải con trẻ. Từ thời điểm chúng ta bước vào gia đình của Ngài, chúng ta có thể nói chuyện (cầu nguyện) và chúng ta có thể hiểu điều Cha của chúng ta nói với mình. Con trẻ thì không làm được điều đó. Chúng ta được quyền tiếp cận với những sự giàu có của gia đình (Rô-ma 5:2; Phi-líp 4:19), nhưng không một đứa trẻ nào có quyền thừa kế. Chúng ta có thể bước đi. Chúng ta có thể tự nuôi dưỡng chính mình. Chúng ta biết Cha của chúng ta là ai và Ngài có thể làm gì cho chúng ta. Vị trí của người trưởng thành khiến chúng ta có thể tăng trưởng trong Chúa và hầu việc Ngài. Làm con nuôi là một ân phước nhiệm màu!

Giờ đây, bạn có cảm thấy mình nợ Đức Thánh Linh không? Bạn có nhờ cậy Ngài không? Bạn có cảm tạ Chúa khi Ngài khiến bạn vâng lời Đức Chúa Trời, chiến thắng cám dỗ, và phục vụ người khác? Bài thánh ca Tôn Vinh Chân Thần quen thuộc mà chúng ta hát dạy chúng ta “ca ngợi Ba Ngôi, Chúa Cha và Con với Linh muôn đời.”

Sau hết, chúng ta đều là những người mắc nợ.

Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời,

Và trả sự hứa nguyện ngươi cho Đấng Chí Cao.

Thi Thiên 50:14

Warren W. Wiersbe

Translated by Vinh Hien

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn