Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Sao Con Khóc?

Sao Con Khóc?

“kính koong… kính koong”

Tiếng chuông cửa sau chín giờ đêm làm Chị xốn xang. Thường thì giờ nầy các ngôi nhà trong khu vực nơi Chị ở đã lần lượt tắt đèn đi ngủ. Ba đứa nhỏ cũng đã ngủ rồi, chỉ còn Chị đang ngồi khâu lại một vài cái quần sút chỉ của đám nhỏ.

Cánh cửa được mở với khuôn mặt dè dặt của Chị. Hai người lính mặc sắc phục đứng trước mặt Chị, đôi tay họ xoắn chiếc mũ như thể đang cố hết sức để bật ra những lời mà họ không muốn:

“Sở nhận được điện thoại, nói là anh Đông, chồng của chị đã tử trận.”

Chị mở to đôi mắt như thể nó phát sáng thay cho bóng đèn đang hắt ra thứ ánh sáng mờ mờ từ trong nhà. Một người trong bọn họ nói tiếp:

“Chúng tôi cũng đã báo cho bên nhà chồng của chị được biết.”

Câu nói thứ hai như xác quyết rằng câu đầu tiên Chị nghe là chính xác chứ không phải đang ở cõi mộng nào đó. Chị buông mình xuống tự do, đâu đó bên tai nghe như tiếng xôn xao… xôn xao…

Chiếc máy bay vận tải Mỹ đáp xuống phi trường, người phi công đang cố gắng nói điều gì đó với mẹ chồng Chị, chỉ thấy bà gật đầu vẻ mặt như hiểu rõ điều đã nghe.

Buổi trưa tháng chín, tia nắng dọi vào mặt rát bỏng. Sân bay rộng lớn, thênh thang đón lấy hàng chục quan tài phủ xộc xệch lá quốc kỳ. Cơn gió nóng hực ập vào mặt những người đi nhận người thân, cát bụi từ cánh quạt phất vào mắt họ hay nỗi đau chia ly tử biệt khiến những cánh tay áo quẹt ngang mặt liên tục thế kia.

Chị thấy mình nhỏ bé, mỏng manh với chiếc áo màu xám nhạt, tóc tai quấn quanh đầy mặt bởi gió quất, ngơ ngác đứng nhìn xung quanh với cái nhìn cũng nhạt nhòa nhưng ráo hoảnh. Hàng người đã đứng trước hàng chục quan tài, đi qua đi lại nhìn, tìm xem người thân mình nằm đâu. Mùi tử khí đã đâu đó phất ngang mũi, cuồn cuộn từ cổ họng xuyên thấu đến tim, luồn lách qua ruột tận đáy bụng. Chị ngất đi.

Chị không ăn, không ngủ cũng không khóc. Cái cảnh người ta len qua từng cái túi có bọc xác lính bên ngoài để vào bên trong chỗ để xác sĩ quan. Hình ảnh từng cái chân thò ra ngoài với đôi giày còn nguyên trong chân, cái thì lòi ra chùm tóc bết máu đã khô với tiếng vo ve của lũ ruồi đánh mùi xác thúi. Khi nghe đến câu “Đúng là thằng Đông rồi” thì Chị không còn biết gì nữa.

Khi Chị mở mắt ra thì thấy mình đã ở trong căn nhà thân quen, mùi mồ hôi trên chiếc gối nằm quen thuộc “Phải chăng mình vừa mơ, một cơn ác mộng”. Chị đưa tay vuốt mồ hôi đang lạnh ngắt trên trán, chợt vướng vướng cái gì, Chị gỡ mạnh xuống rồi chết lặng. Vầng khăn trắng đã được người nhà buột lên trán tự lúc nào…

Ba đứa trẻ nhà Chị đứng một góc đằng kia, chúng thì thầm, chỉ trỏ. Đứa lớn chỉ  mới sáu tuổi mà thôi, đứa nhỏ thì lên bốn. Chúng chưa thể hiểu nổi tại sao ba chúng cứ nằm im lìm trong một cái thùng chật hẹp kia mà không chịu ngồi dậy để chúng mừng rỡ như những lần trước. Chị lại khép mắt mình lại mà sao nó khô cứng, chẳng có gì rỉ ra để Chị đỡ đau đớn trong lúc nầy…

Việc tang chế đều do người bên nhà chồng Chị lo hết. Chị chỉ biết đưa tròng mắt qua lại, nhìn cỗ quan tài rồi nhìn đám nhỏ, thấy mẹ chồng Chị chạy tới chạy lui, lo trong lo ngoài… chắc tại bà có kinh nghiệm, Chị nghĩ vậy khi nhớ về chuyện ba chồng mình trong một đêm nào đó, có một đám người đến mời ông đi, rồi ông không về dẫu ông chỉ là một thầy giáo. Mẹ chồng Chị lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm hàng năm, nước mắt bà tuôn dào dạt những ngày ấy, rồi nó cũng khô quéo dần, chỉ rỉ rả chút ít hay suối nguồn đã cạn, Chị không muốn nghĩ đến nữa vì mình cũng đang rơi vào điều bà đã trải qua.

Cỗ quan tài được hạ huyệt theo nghi thức nhà binh trong một nghĩa trang rộng lớn. Chị xin cho anh nằm trên một ngọn đồi cao, xung quanh vẫn còn nhiều đất trống. Chị có dự định cho chính mình trong những lời cầu xin đó.

Mười hai tháng trôi qua mà  tiếng chuông “kính koong” cứ vang mãi trong đầu của Chị. Những ngày còn có anh, Chị và đám nhỏ chỉ đến nhà thờ khi có anh ở nhà, còn khi anh đi làm nhiệm vụ, Chị chẳng quan tâm lắm đến nơi đó. Nhưng khi anh mất, người ta đem về những kỷ vật của anh để giao lại cho Chị, trong đó có quyển Kinh Thánh cũ mèm, nhăn nheo và đầy vết gạch chi chít. Vì đó là kỷ vật của anh nên Chị rất quý, Chị đọc nó từng trang cẩn thận, không những vậy, có chỗ nào không hiểu, Chị đến hỏi vị mục sư để được giải thích cặn kẽ. Ba đứa trẻ cũng được Chị đem đến học trường Chúa nhật hàng tuần. Chị kết nối cùng những người đồng đức tin và đem đến nhiều sự gây dựng cho Hội Thánh từ câu chuyện đời Chị.

Có vẻ như chuyện của Gióp vẫn còn đâu đó trong đời nầy. Cơn đại dịch tả tràn đến nơi ở của Chị, đứa trai lớn bị nhiễm phải vào bệnh viện, cả Hội Thánh cầu nguyện cho nó, Chị chạy ngược chạy xuôi giữa nhà và bệnh viện như hàng trăm người khác. Một tuần sau, đứa trẻ được đưa về bằng xe cấp cứu. Chị ôm xác con, mặt trơ như đá tạc, đôi mắt đỏ đục hằn lên ngàn tia máu nhưng không có tỉ ti giọt nước mắt nào cả. Nếu lúc nầy Chị khóc, có lẽ sẽ là những giọt máu.

Đứa trẻ được Hội Thánh lo hậu sự, nó nằm bên cạnh anh, nhỏ bé nhưng không lẻ loi. Hàng đêm, Chị vẫn không dừng việc đọc Kinh Thánh, đôi khi Chị ngước nhìn lên bầu trời đang có hàng vạn vì sao chớp chớp xa xôi mà nghĩ rằng có lẽ cha con nó đang mỉm cười với mình.

Vừa chôn đứa trai lớn chưa được bao lâu thì đứa kế lại nhập viện, vẫn là bị dịch tả hành hại. Thân thể ốm o của Chị như rời rạc từng khúc khi bệnh viện thông báo đứa trẻ nguy kịch. Hội Thánh cầu nguyện kiêng ăn một cách đặc biệt  cho đứa trẻ. Bốn ngày sau, đứa trẻ được đưa về nhà với thân thể lạnh ngắt, nó chẳng còn biết gì nữa  cả. Trên tay Chị, gương mặt nó như đang ngủ, một giấc ngủ dài xanh xao, không mộng mị. Nó được đưa đến nơi mà ba và anh nó đã đến trước. Một ngôi mộ nhỏ nữa kề bên ngôi mộ nhỏ chưa hề có một cọng cỏ nào mọc lên…

Chị như tàu lá héo rũ bị bức khỏi nguồn sự sống nhưng như có một sức mạnh tiềm ẩn từ tận bên trong sâu thẳm của một người mẹ, Chị đứng đó, nhìn chiếc quan tài bé nhỏ từ từ đặt xuống hố sâu. Mục sư làm lễ hạ huyệt và nói những lời cuối cùng. Chị gật đầu cảm ơn những người đến viếng. Có lạ lắm không khi người mẹ ấy không hề rơi một giọt lệ nào. Nhưng chẳng ai tra cứu vì sao, chỉ nhìn thấy một sức sống mong manh tựa sương khói nơi người đàn bà chỉ ngoài ba mươi nhưng mái đầu đã bạc trắng và trong đôi mắt ráo hoảnh đó như có một lớp sương mờ đục phủ bao…

Lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng, Chị lại ôm đứa út vào viện. Lần nầy Hội Thánh cầu nguyện khẩn thiết hơn, kiêng ăn nhiều hơn, nếu như có thể chắc họ đã lấy tro phủ đầu mình như Gióp. Mục sư quản nhiệm cầu nguyện rằng “Chúa ơi, tại sao lại như vậy? Tại sao lại để cho người phụ nữ ấy phải gánh chịu nỗi đau mất mát khủng khiếp dường kia? Nếu có thể được, xin hãy cứ giáng tội trên chúng con, để có thể chia sẻ được phần nào nỗi đau ấy.”

Thằng bé út được về lại nhà… với cách như hai đứa anh nó. Cái bất hạnh sao không chịu buông tha người đàn bà quắt queo kia. Cái cảnh mọi người nhìn Chị, nhìn quan tài nhỏ như cuốn phim chiếu chậm. “Sao Chị ta không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường gào khóc… có lẽ sẽ đỡ đau đớn hơn chăng?” Trong đám đông trước cửa nhà, loáng thoáng giọng một ai đó vừa nói.

Chị vẫn đứng cạnh quan tài nhỏ, khuôn mặt xám ngắt như chừng máu đã ngừng chảy nhưng môi vẫn mấp máy những lời đáp lễ cùng những người đến viếng.

Chưa đầy một tháng mà ông mục sư đã làm ba cái lễ tang liên tiếp cho nhà nầy, nỗi đau như thấu vào từng chi thể trong Hội Thánh. Người nào giúp được việc gì họ đều tự động làm, không đợi nhờ vả. Cả đến lần thứ ba nầy, vị mục sư đã khóc. Ông nói rằng ông chưa từng phải trải qua những điều như Chị, cho nên ông chỉ có thể dùng Lời Chúa để xoa dịu cơn đau trong lòng Chị chứ ông biết rằng nỗi đau nầy, với lời lẽ nào đi nữa thì ngôn ngữ con người không thể giúp ích được.

Mọi sự diễn ra tuần tự như hai lần trước nhưng đến khi hạ huyệt, Chị ra dấu không cho lấp đất lại. Mọi người trong tang lễ lo lắng, sợ Chị nghĩ quẫn, họ đến và định dìu Chị về trước nhưng Chị ra dấu rằng Chị muốn nói, đó là những lời duy nhất mà trong một tháng nay Chị nói rành rẽ nhất:

“Thưa mục sư và Hội Thánh, cách đây một năm, khi anh Đông qua đời, kỷ vật anh để lại là một quyển Kinh Thánh chi chít chữ với nhiều lằn gạch xanh đỏ. Tôi đã đọc xuyên suốt quyển Kinh Thánh chỉ vì đó là kỷ vật, nhưng càng đọc tôi hiểu ra rằng dẫu có bất kỳ điều gì xảy ra thì cũng trong sự cho phép của Chúa, dù thân thể có bị chết đi với cách gì đi nữa thì linh hồn đã được trở về bên Chúa, nơi thiên đàng vinh hiển. Giờ đây, ba đứa trẻ cũng đã ra đi, nỗi đau của người mẹ làm sao có thể diễn tả bằng lời, chỉ là “Dẫu Chúa có giết tôi, tôi vẫn ngợi khen Chúa”’

Nhiều người cảm thấy rúng động bởi những lời cuối cùng trong câu nói của Chị. Họ nhìn lên, tự bao giờ, lệ tuôn ra như mưa từ trũng mắt sâu hõm của người đàn bà đó, nước mắt của bao ngày tháng tụ lại, giờ đây như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Đôi chân Chị khụy xuống giữa luống đất mới đào còn mới tinh kia… Mọi việc lại tiếp tục, đất được lấp lại. Một ngôi mộ lớn và ba ngôi mộ nhỏ nằm lặng lẽ trên gò cao. Cơn gió chiều thoảng qua như bàn tay ai đó đang xoa dịu nỗi lòng của người phụ nữ với trái tim như bị xuyên thấu bởi gai nhọn.

Sau những ngày tang thương đó, dịch tả bị đẩy lùi. Hội Thánh nơi Chị nhóm lại số người tăng lên gần gấp đôi bởi sự lạ lùng mà người ta đã nghe đến. Họ muốn tìm hiểu tại sao Chị vượt qua được nỗi đau kia, nhiều người xin bằng được Kinh Thánh để đọc và nhiều cuộc đời đã được thay đổi từ Lời Sống.

Thời gian trôi qua, chiến tranh kết thúc, mọi sự đã đảo chiều theo hướng khác. Vị Mục sư ngày xưa quản nhiệm nơi đây, có dịp quay về thăm lại chốn cũ. Ông nhờ người trong Hội Thánh dẫn đi thăm người đàn bà kia, người ta dẫn ông lên trên đồi cao ngày ấy. Giờ đây, đã là năm ngôi mộ. Họ nói rằng khi Chị mất, người ta đã chôn theo Chị một chiếc gối màu vàng ngà, loang lỗ, ngả màu. Nơi đó cất giữ nước mắt của Chị, khi Chị đọc Kinh Thánh hàng đêm. Chỉ có Chúa mới có thể lau ráo đi những giọt mặn ấy.

Vị Mục sư đã gởi lại một số tiền cho người dẫn đi, ông mong muốn người ta giúp ông xây một bao lơn vòng quanh năm ngôi mộ ấy, như vòng tay của Chúa đang ôm ấp gia đình nầy. Trên cao kia, giờ đây, họ không còn đau đớn, không còn chia xa…

….

Khi tôi viết xong câu chuyện nầy, tôi khóc.

Đâu đó sâu thẳm trong trí mình, tôi nghe tiếng Chúa hỏi “Sao con khóc?”

Tôi   vẫn chưa trả lời câu hỏi của Chúa…

Hôm nay ngày Mother’s Day.

Nha Trang 12/5/2019

HẢI YẾN

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn