Thứ Tư , 13 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / TÀ ÁO TRẮNG

TÀ ÁO TRẮNG

Thùy Dương là một cô gái rất nữ tính. Từ thủa còn thơ, Thùy Dương đã rất thích những trò chơi cô dâu chú rể trong ngày lễ cưới.  Trong bộ sưu tập đồ chơi của mình, phần nhiều những món đồ chơi ấy là cô dâu trong bộ đầm màu trắng bên cạnh các chú rể điển trai.

“Nguyện ước thầm kín của con khi còn trẻ là một ngày nào đó trong tương lai, con sẽ được bước lên xe hoa trong bộ đầm màu trắng cùng với người chồng.” Thùy Dương nói bằng cảm xúc.

Được sinh và lớn lên trong gia đình có kinh tế khá vững vàng, Thùy Dương không bao giờ quên trau chuốt cá nhân mình. Ước mơ lớn nhất của cô là sánh bước cùng người yêu và cả hai sẽ lên xe hoa trong bộ đồ màu trắng.

“Khi nhìn thấy những cặp vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới, cô dâu mặc trên mình chiếc váy đầm mầu trắng, trên đầu cô có chiếc mũ lưới cài hoa mầu trắng… được dẫn dắt bằng những phù dâu, phù rể… trên chiếc xe cũng toàn màu trắng… Khi nhìn họ, con thường tưởng tượng chính cá nhân con trong cảnh ngày cưới đầy trang trọng ấy…” Thùy Dương tâm sự say mê.

“Hồi còn trẻ tuổi,” Thùy Dương nhìn vào giá sách, trên đó có rất nhiều tiểu thuyết và thủ thỉ, “con rất thích đọc những cuốn sách về tình cảm lãng mạn, và thường ước vọng: ‘một ngày nào đó trong tương lai, ta sẽ có một mối tình đẹp như mơ… Ta sẽ yêu một anh điển trai, nam tính, ga-lăng… rồi ta sẽ tổ chức đám cưới long trọng… tất cả sẽ được đón rước trên chiếc xe lộng lẫy cắm hoa màu trắng… Có anh bên mình và sẽ có gia đình hạnh phúc. Con sẽ sinh ra cho chồng một bé gái xinh xắn để làm chị và kế đến là cậu em trai khôi ngô…’ Thùy Dương nói và nhoẻn miệng cười, nhưng nụ cười đó vụt tắt, thay thế bằng những giọt lệ tràn ra qua khoé mắt.

 “Là con gái: con hay hình dung mình trở nên lộng lẫy trong chiếc áo cưới màu trắng, được nâng niu trong ngày cưới, được chồng yêu chiều để cho con thỏa mãn thiên chức của mình…” Và trong những lần tâm sự Thùy Dương không quên nêu lên cảm xúc rằng: ‘… ghét cay đắng những Tú Bà, những Sở Khanh’ và không bao giờ muốn mình trong cảnh éo le, khi gặp những hạng người này.

Rồi thời gian trôi qua. Bé gái Thùy Dương ngày xưa trưởng thành, nữ tính được nâng lên bằng vẻ bên ngoài rất quyến rũ. Thùy Dương được mẹ dạy cho cách trang điểm, và cô không lãng phí từng milimét trên khuôn mặt, trên thân thể để làm cho mình càng thêm rạng rỡ. Mỗi khi trang điểm xong, Thùy Dương thường đứng ngắm trước chiếc gương, nàng gật đầu tươi cười thoả mãn. Ước nguyện để một lần bước lên xe hoa trong màu áo trắng tinh khôi ấy, luôn luôn in đậm, luôn luôn thôi thúc trong tâm trí của nàng.

Ngày nọ, Thùy Dương được gia đình cho đi du học ở một quốc gia tây phương. Trước khi cho con đi xa, cha mẹ trang bị cho Thùy Dương thật nhiều: sổ thông hành, tiền bạc trong ngân hàng, nơi ăn chốn ở, nhà trường và nhiều lắm, nhưng điều quan trọng vô cùng mà họ không biết để trang bị cho Thùy Dương đó là: nền tảng vững chắc cho tâm hồn, cộng đồng của những người có niềm tin để nâng đỡ con gái mình khi phải sống xa nhà. Dù cha mẹ của Thùy Dương có biết con mình sẽ phải đối diện với những cạm bẫy của đời, nhưng chính họ cũng không bao giờ được trang bị những thứ cần thiết ấy, vậy làm sao họ biết để trang bị cho Thùy Dương khi bé phải sống xa quê.

Xa nhà, Thùy Dương rơi vào cảnh trống vắng cô đơn. Ở đời mấy ai chống chọi được với cô đơn? Cô đơn không phân biệt trình độ hay giai cấp. Cô đơn không nịnh bợ người giầu hay kẻ nghèo… Cô đơn không buông tha ai, dù người đã già hay trẻ em còn ít tuổi. Ai ai cũng dễ trở thành nạn nhân của cô đơn và Thùy Dương cũng không ngoại lệ.

Trong những lúc cô đơn ấy Thùy Dương gặp một người bạn trai. Khi gặp nhau và trao đổi đôi ba câu chuyện, Thùy Dương đã phải thán phục.

“Ôi, anh ta thật ấn tượng!” Thùy Dương không quên nói về những gì trong người con trai khiến Thùy Dương đê mê.

“Hình thể cao to, thanh tú… điển trai. Trên khuôn mặt rất nam nhi ấy còn điểm thêm hàm râu mép mà anh đã tốn khá nhiều thời gian để tỉa sửa.” Thùy Dương tả anh ta như một tài tử điện ảnh của Holywood. Anh ta lại cả biết ga-lăng nữa, loại vũ khí này đã làm chết con người… Thùy Dương. Nàng ta không hiểu tại sao tâm trí mình lại bị quyến luyến với chàng trai này đến thế. Để rồi trong tâm trí của cô đã từ từ khẳng định: “A! Đây rồi… mình đã gặp người con trai lý tưởng… Chàng sẽ giúp mình, chàng sẽ lấp vào những nỗi cô đơn…” Thùy Dương không bao giờ biết rằng, sau cái vẻ hào hoa phong độ, ga-lăng, tiêu tiền như rác  ấy, anh ta chỉ là một cái xác không hồn. Tất cả tâm trí của anh ta đã gả bán cho cờ bạc.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tình cảm của họ đã ngấm sâu. Họ không còn là bạn bè, mà đã là một cặp. Thành cặp rồi, Thùy Dương mới nhận ra: người tình của mình không phải là một con người lý tưởng. Anh ta bận tâm với nhiều việc khác trong đêm. Sau những đêm vắng nhà, anh trở về với tấm thân uể oải. Ngày ngủ đêm thức, khi hỏi đến thì anh nổi cáu, ‘Anh bận lắm em có biết không?’ Thùy Dương bắt đầu tập chăm sóc cho chính mình. Trong cái tuổi nông nổi, bồng bột, lửa tình ái thì hừng hực, Thùy Dương  không còn có thể tự chủ, nàng chỉ bận tâm suy nghĩ: ‘Ta sẵn sàng trao cho người tình tất cả. Biết đâu khi có con, anh sẽ trưởng thành hơn, sẽ có trách nhiệm hơn, và sẽ thay đổi…’

Thùy Dương muốn làm tất cả cho chàng biết, chàng là của nàng, và luôn luôn muốn có chàng bên cạnh.

Nguyện ước của người con gái trong trắng bước lên xe hoa cùng người chồng với mầu trắng tinh khôi  không còn nữa. Thoả mãn ái tình, nhưng đâu đây, trong nơi thầm kín của tâm hồn, Thùy Dương cảm thấy  phảng phất một nỗi đau, sự luyến tiếc của một người con gái khi biết rằng: ‘Ta không còn cơ hội để được bước lên xe hoa trong chiếc áo cưới màu trắng tinh khôi nữa.’ Khi trong căn nhà chỉ có  một mình, tắt tiếng nhạc đi, Thùy Dương phải đối diện với chính mình và nàng tự nghĩ.  ‘Ta đã mất hết tất cả những ước mơ của thiếu thời… Còn đâu người con gái!’ Nghĩ như vậy mà những giọt lệ cứ tuôn trôi. Thùy Dương sợ nhất khi phải ở một mình trong yên tĩnh, sợ ở một mình, sợ đối diện với chính mình, do đó, nàng thường mở nhạc to hơn để nhạc sỹ, hay ai đó tâm sự thay cho suy nghĩ của mình. Thùy Dương không bao giờ muốn cho cha mẹ biết cuộc tình vụng trộm ấy.

Thùy Dương cũng như bao nhiêu cô gái trong đời. Yêu thương ở họ là hy sinh. Yêu thương ở người con gái là muốn có thời gian bên cạnh người tình. Yêu thương ở người phụ nữ là tận hiến… Tất cả như đã được lập trình trong bản sắc của họ. Vì tình yêu mà Thùy Dương quyết trốn cha mẹ, rời bỏ toàn bộ mọi người thân, chỉ để làm sao được sống bên anh, bên người đắm đuối với đỏ đen.

***************************

Theo như một thói quen, cứ sau buổi thờ phượng và thông công trong Hội Thánh ngày Chủ Nhật, là Hằng lại đi qua khu phố để thăm lại những khách hàng của mình. Hôm nay, Hằng vừa bước vào một cửa tiệm bán quần áo, thì gặp một phụ nữ còn rất trẻ, cô ta mới ở độ tuổi đôi mươi, mắt đỏ hoe, đang đầm đìa bởi những giọt lệ. Hằng nhỏ nhẹ hỏi thăm:

“Ô! Tại sao em ôm mặt khóc, và khóc ở đây trong tiệm của mình?”

Nghe hỏi, cô gái bán hàng trong tiệm ngẩng mặt lên để nhìn Hằng lắp bắp.

“Em đang trải qua một cú sốc… nỗi đau… Em đang cơ cực quá mà không thể tả nỗi lòng mình!” Cô gái thổ lộ bằng giọng thổn thức, mắt vẫn còn đẫm lệ nhạt nhòa.

“Rồi! Em đang có tâm sự gì đây? Bị người tình bạc đãi! Bị lợi dụng chiếm đoạt hết rồi bỏ rơi em  chứ gì?”  Hằng hỏi có vẻ hơi bâng quơ qua suy diễn.

Nghe nói vậy mà cô gái chỉ còn biết oà lên khóc.

“Vâng! Em không phải chỉ bị người tình bạc đãi, bị chiếm đoạt mà còn trầm trọng hơn thế nữa! Em… Em đang cơ cực quá chị ơi! Em không biết phải làm sao chị ạ!””

“Em gặp nan đề gì đây?”

“Em vừa ở trong bệnh viện về và bác sỹ cho em hay rằng bào thai trong bụng của em đã bị hư rồi!” Người phụ nữ trẻ nói đến đó, nàng khóc to trong tình trạng nghẹn ngào.

Hằng là bà mẹ đã có bốn con khi nghe thấy cô gái trẻ này nói về việc bào thai bị hư thì bỗng nhiên muốn bày tỏ một sự thông cảm. Cô lục tục moi ra trong túi sách của mình ít khăn giấy và trao cho cô  gái đang khóc. Sau đó Hằng cũng từ từ, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh cô ta.  Tâm trạng của Hằng có chút ân hận hận vì mình vừa tỏ thái độ bâng quơ, ngộ nhận. Nhưng nay nghe cô gái trẻ cho hay về tin dữ là bào thai ở trong bụng đã bị bác sỹ cho là hư, Hằng ngồi đó, không biết sẽ nên phải nói gì. Bản năng tự nhiên của người phụ nữ mà Chúa cho là tình mẫu tử thiêng liêng. Hằng cố gắng ngồi bên cạnh cô gái khá lâu để nghe cô nàng thổn thức. Hằng không quên tặng cho cô gái nỗi lòng qua cách nhìn biểu lộ sự cảm thông chân thành.

“Em… em sẽ phải về nhà lấy giấy tờ để sẽ tiếp tục đến bệnh viện tái khám… Để cho họ tìm cách đem cái bào thai đã hư đó ra!” Người con gái chỉ nói đến đó và cô òa lên hu hu khóc. Tiếng khóc của thống khổ vang ra khá xa.

“Ôi việc của em sao lớn vậy? Chị… chị… không thể giúp!” Hằng nói mà chưa có dịp chấm hết câu thì người con gái kia đã tiếp lời.

“Em… em, không nói… Em không khóc để nhờ chị giúp đâu! Em chỉ cảm thấy vô cùng thất vọng và đau lòng mà thôi! Em cũng không hiểu tại sao em cảm thấy không thể cầm nổi cảm xúc đau lòng… Cho nên em ngồi đây khóc trong cơ cực của đời. Em biết trong hoàn cảnh này thì không ai có thể giúp được em!”

“Chị cũng không nói với em là em chị không có cách nào giúp em trong hoàn cảnh vô vọng này! Cá nhân chị thì không thể giúp được gì cho em, nhưng… nhưng Chúa của chị thì chắc chắn sẽ giúp được em!”

“Chúa của chị là ai ạ?” Cô gái ngưng và hỏi có vẻ hấp tấp.

“Vậy, vậy em chưa nghe về Chúa của chị là ai à?” Hằng hỏi lại.

“Chị đã đến đây giao hàng cho em. Chị đã nói với em về niềm tin trong Chúa của chị… Nhưng những lần đó hình như em không muốn nghe. Chắc khi đó, em nghe chị nói về Chúa Giê-su và phép lạ thì em có thể cho rằng chị là loại đàn bà… bị điên hay em cũng cho rằng… Chúa của chị cũng chỉ là các thần thánh trong các câu chuyện hoang đường…”

Bởi vì chính cô gái này đây trong dĩ vãng nhìn Hằng bằng con mắt kiêu sa, bất chấp nhưng lúc này, nàng ta đang ở trong tình trạng rất đỗi lo âu về cái bào thai của mình mà bác sỹ y khoa đã cho hay rằng:  bào thai đã bị hư hại. Hằng hiểu rằng người con gái đang khóc rống lên vì cơ cực vì lo bị mất bào thai,  hoàn cảnh của một người mẹ mất con.

“Nếu em tin vào Chúa Giê-su của chị là đấng quyền phép và Ngài có thể sẽchữa lành cho bào thai của em… Em có dám tin vào Ngài và vào phép lạ của Ngài hay không?” Hằng nói rất chắc chắn và thách thức cô gái.

Trong khoảnh khắc, sự cần cấp bách, người con gái như kẻ sắp bị chết đuối mà vớ được chiếc phao cứu sinh. Cô gái nhìn Hằng khẩn khoản.

“Có thật không chị? Có đúng vậy không chị? Chị ơi! Chị dẫn em đi gặp Chúa của chị đi… Em tin… Em sẽ tin và em sẽ theo Ngài… Em chỉ muốn giữ lại bào thai! Em sẽ theo chị, em sẽ tin vào Chúa của chị!” Người con gái kia nói nhanh hơn.

“Chị chỉ cho em biết Chúa của chị đi… Em sẽ tin, em sẽ theo, em sẽ tôn thờ Chúa của chị vì em chỉ cần nhìn thấy mặt mũi đứa con của em sẽ được sinh ra là trai hay là gái mà thôi!” Nói như vậy và cô gái lại bưng mặt lên hu hu khóc ngay tại trong tiệm của mình.

Một vài người đi qua không biết rõ nội tình, họ  đứng lại nhìn hai người phụ nữ trong giây lát và họ cũng bỏ đi.

“Chị sẽ cầu nguyện cho em. Chị tin rằng Chúa là đấng đã gìn giữ và bảo vệ chị sẽ trả lời sự thỉnh cầu của chị. Chị tin rằng em sẽ giữ lại bào thai!” Hằng nói vậy và khuyên người con gái cứ ngồi trong tiệm để chị ta đặt tay và cầu nguyện cho cô và bào thai trong bụng.

Hằng cũng không phải là người tin Chúa được lâu, chị cũng mới tin được khoảng vài năm nhưng những trải nhiệm trong tình yêu Thiên Chúa đã làm cho Hằng thức tỉnh. Hôm nay đây, cô gái này là người đầu tiên nhờ Hằng cầu nguyện cho cô ấy. Hằng cầu nguyện bằng tiếng Việt một cách vụng về,  không có sắp đặt gì cả. Nàng lắp bắp già nửa bằng tiếng Anh và dăm ba câu bằng tiếng Việt. Tất cả những gì mà Hằng cầu nguyện là nói lên nguyện vọng cho người phụ nữ đang trong lo âu vì bào thai được bác sỹ chuẩn đoán đã hư này sẽ thấy quyền năng và phép lạ của Chúa. Hằng muốn Chúa sẽ đụng chạm vào cô ta. Không phải chỉ chữa lành cái bào thai đã bị hư cần phải lôi ra, mà mẹ con cô gái này sẽ thuộc về Chúa sau khi Ngài biểu diễn phép lạ trong cuộc đời của cô bạn này.

“Chị đã cầu nguyện cho em…” Hằng nói với cô gái. “Nhưng chị muốn dẫn em đến gặp một người Mục sư nữ. Chị tin rằng bà ta vẫn còn ở trong Hội Thánh. Em sẽ vào đó để bà ta cầu nguyện và biết đâu phép lạ sẽ xảy ra để em sẽ là người của Chúa. Em cũng cần có Hội Thánh để sinh hoạt, để trưởng thành…”

Cô gái kia không hiểu tại sao hôm nay lại ngoan ngoãn đến thế. Cô nhờ người phụ giúp trông cửa tiệm và đi theo Hằng vào Hội Thánh để gặp người có ơn làm Mục sư.

Bà Mục sư vốn được đào tạo cơ bản là một nhà tư vấn tâm lý, nhưng bà ta cảm thấy trong Hội Thánh vắng bóng những con người có thể làm mục vụ cho các chị em phụ nữ do đó bà ta luôn luôn ở trong Hội Thánh để chăm sóc cho họ.

Gặp hai người phụ nữ Việt Nam trong khi đó bà Mục sư lại không mảy may biết chút tiếng Việt nào. Hằng tuy biết rõ tiếng Anh, nhưng vốn Việt ngữ lại rất ít. Ngôn ngữ trong lĩnh vực tôn giáo thì lại càng hạn chế, do đó cuộc nói chuyện giữa ba người cũng chỉ hiểu nhau cách bập bõm. Dù là ngôn ngữ bất đồng nhưng ngôn ngữ của cầu nguyện và lòng bác ái của Chúa thì không. Bà Mục sư sau khoảnh khắc thất vọng vì bà không biết phải làm gì. Dù bà có cố gắng giải thích đến đâu đi chăng nữa thì những lời giải thích của bà chỉ là vô vọng mà thôi. Ngôn ngữ bất đồng bà Mục sư nhận ra: ‘theo đức tin mà đặt tay cầu nguyện cho cô gái và trao cho cô cái nhìn cảm thông.’

“Cô cứ về nhà nghỉ và sáng ngày mai là ngày thứ Hai tôi sẽ trực tiếp đến tận nhà, tôi sẽ trở cô vào bệnh viện sớm… Tôi sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể làm để giúp cho cô.”

Thấy bà Mục sư nhiệt tình giúp đỡ cô gái cùng sắc tộc với mình và ngày mai bà ta sẽ đem cô bạn của mình vào bệnh viện, Hằng cảm thấy rất hài lòng.

Ngày hôm sau, bà Mục sư đến nhà của cô gái mang bầu có tên Thùy Dương mà bác sỹ cho rằng bào thai đã chết. Bà mang Thùy Dương vào bệnh viện vào nơi cấp cứu, bà gặp bác sỹ chuyên khoa về việc này và yêu cầu được chụp quang tuyến càng sớm càng tốt.

Điều mà bác sỹ nói hôm thứ Bảy được xác nhận rằng. ‘Bào thai đã chết!’ Khi nghe chuyên viên quang tuyến nói vậy, Thùy Dương lại nước mắt ngắn, nước mắt dài. Cô ta không ngần ngại ôm lấy bà Mục sư và khẩn khoản.

“Bà cầu nguyện cho con! Bà cầu nguyện cho con!”

Thùy Dương nói bằng tiếng Anh trong khẩn cấp và trong tình trạng bập bõm. Tuy không hiểu rõ ngôn ngữ nhưng bà biết ngôn ngữ của cấp bách, bà cầu nguyện trong danh Chúa ngay trong phòng khám với bao nhiêu con mắt nhìn vào họ.

Ngày hôm sau bà Mục sư lại đến trở Thùy Dương để đi tái khám. Bác sỹ nghe ngóng. Chính bà bác sỹ này là  vị bác sỹ cách đây hai ngày đã cho rằng: “bào thai đã hư” thì hôm nay bà ta lại nghe và cau cặp chân mày,  biểu tượng của một cái gì đó khó hiểu.

“Tôi có nghe thấy tiếng động rất nhỏ trong tử cung…” Bác sỹ rà máy và nghe tiếp cách kỹ hơn.

“Bào thai không hư mà vẫn còn sống!”

Thùy Dương không còn nghe được gì khác nữa. Chỉ nghe thấy hai chữ ‘bào thai còn sống’ cô ta hỏi liến thoắng.

“Bào thai của tôi không hư sao? Bào thai của tôi không hư sao? Con của tôi không bị hư sao?” Cô hỏi dồn dập như muốn cướp hết tất cả mọi lời nói. Và cô ta nằm ngay trên băng-ca để khóc trong thổn thức và trải lòng.

“Không! Cô không mất bào thai! Tôi không hiểu tại sao bào thai đã quay trở lại bình thường…” Bác sỹ nói rõ và trao lại cho Thùy Dương cái ống tai để chính nàng có thể lắng nghe thấy tiếng giãy đạp và nhịp tim đập của hài nhi trong bụng của mình.

Ôi nguồn vui thật khôn tả… bốn chữ, ‘bào thai còn sống’ của bác sỹ, và chính mình đã nghe được tiếng nhịp tim đật của bào thai, đã làm sống lại Thùy Dương. Cô ta rút ngay chiếc điện thoại và người đầu tiên mà cô gọi cho là chị Hằng.

“Chị Hằng ơi! Chúa đã trả lời sự cầu nguyện của chị.” Thùy Dương điện cho Hằng và báo cáo tin vui trong chất giọng đầy phấn khích. Nàng cười và lại ôm mặt nức nở khóc trong vui mừng.

Thùy Dương sau đó sinh ra được một bé gái rất xinh và cô đặt tên cho con gái là Bông Huệ Ngày Chủ Nhật. Đứa trẻ của phép lạ, đứa trẻ của niềm tin, và cũng là đứa trẻ của một cuộc hành trình mới, trong Cứu Chúa Giê-su. Bông huệ ngày Chủ Nhật là lời nhắc nhở mỗi khi Thùy Dương gọi con gái để gợi nhớ một quãng đời, một bước ngoặt đã thay đổi toàn bộ cái nhìn của cô vào đời, vào Chúa, vào Hội Thánh.

“Tại sao con lại trở thành nông nỗi này?” Thùy Dương vẫn thường tự hỏi khi nói chuyện với Mục sư. Và cô ta tự trả lời đó là:  “Khi kiêu ngạo khống chế, thì ô nhục theo sau!”

Chúa là đấng hằng sống và Ngài vẫn liên lạc với thế gian. Ngài vẫn nói, vẫn kêu gọi mà tác giả của Thi Thiên bảo rằng cả càn khôn vẫn ca ngợi Chúa. Khi thì Chúa cho phép thì thầm, nhiều khi Chúa khiến hoàn cảnh gầm thét. Chúa đã thì thầm cùng Thùy Dương qua những nguyện ước vậy mà tất cả đều bị cảm xúc hay lý trí vùi dập để rồi, khi bào thai bị cho là đã hư, nó là tiếng thét của Chúa trong hoàn cảnh vào tâm trí đã xao lãng của Thuỳ Dương. Tiếng thét đó đã làm cho Thùy Dương thức tỉnh.

Chị Hằng cũng không bao giờ ngờ rằng mình lại được Chúa sử dụng như một nhịp cầu. Chị đến và san sẻ về Chúa cho cái tâm hồn xao lãng đó của Thùy Dương khi cô ta cho rằng: ‘Bà điên… nói nhiều… cái gì cũng Chúa… Chúa…”

Người trải nghiệm vị ngọt của Chúa cho cuộc đời cũng đã từng xao lãng như Hằng sẽ không quên san sẻ về niềm tin ấy mặc dù mọi người cố tình chối bỏ danh Chúa. Bao nhiêu người đến tiệm tại sao Thùy Dương không khóc với họ mà lại chỉ khóc với Hằng? Đây là câu hỏi chỉ mỗi Chúa biết.

Thùy Dương đã khóc cái khóc của sự thống khổ. Thùy Dương khóc vì mọi hy vọng của đời đã bị cướp đi. Những tưởng rằng nàng đã ở tận cuối đường hầm, nhưng không! Khi Thùy Dương tuyệt vọng, khi bóng đen phủ kín là khi Thùy Dương biết nghe tiếng của tôi tớ Chúa. Thùy Dương đã biết khóc, cái khóc của một kẻ ăn ăn biết chạy đến cùng Ngài. Thùy Dương đã được gây dựng trở lại và Chúa sẽ phục hồi tất cả cho nàng.

Ôi Chúa toàn năng! Thuỳ Dương muốn biết tâm tư của người viết Thi Thiên. 63:7-8

“Vì Chúa đã giúp đỡ tôi, Dưới bóng cánh của Chúa tôi sẽ mừng rỡ. Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi.”

Chúa đã nâng đỡ, Ngài giúp Thùy Dương vượt qua tất cả, ngay cả những nỗi cô đơn mà một người mẹ trẻ đang trải qua.

  “Chúa đã chọn con.” Khi nói những lời xúc động này, lệ tuôn tràn qua đôi mắt của Thùy Dương.

“Con có chút sắc đẹp, nhưng con không khôn ngoan! Con tưởng mình thông minh nhưng con là người không biết! Con chẳng có gì cả, chẳng còn gì cả… vậy mà Chúa đã chọn con!” Thùy Dương khóc do cảm động chứ không phải vì tủi hờn. Cô gái một con đã khóc khi biết rằng mình đã được Chúa chọn để thờ phượng và cung phụng Ngài. Khi thực hiện những điều này là khi Thùy Dương cảm thấy đời mình tràn trề hạnh phúc.

“Con đã biết Chúa là đấng chữa lành. Con biết Chúa là đấng phục hồi. Con có nghe và đọc trong Thánh Kinh rằng, một này nào đó Chúa sẽ lau khô nước mắt… một ngày nào đó sẽ có tất cả những thứ mới…” Thùy Dương như có thêm dạn dĩ để nêu lên điều này.

Bà Mục sư ngồi đó. Bà lắng nghe Thùy Dương tâm sự nỗi lòng. Bà đã thành người mẹ đỡ đầu cho Thùy Dương. Bà không quên nhìn vào Thùy Dương để đem ra những lời khích lệ.

“Hạnh phúc và tương lai là ở trong tay Đấng toàn năng… Nhưng con hãy nhớ rằng Ngài là đấng nâng  đỡ con bằng chân lý và ân điển của Ngài. Sự hy sinh chuộc tội là do bởi ân điển của Ngài… để con biết đặt niềm tin vào Ngài và biết mừng vui…” Bà nói mà cánh tay của bà vỗ nhẹ lên vai Thùy Dương mà nhắc nhở.

“Khi con cứ nhắm Ngài mà theo. Chúa sẽ phục hồi lại cho con tất cả những gì đã mất. Chúa là đấng tái tâm, Chúa là đấng làm lại tất cả…”

Được mặc vào chiếc đầm trắng long trọng trong ngày cưới là ước vọng của nhiều cô gái. Nhưng ước nguyện đó cũng dễ bị chiếm đoạt. Có bao nhiêu cô gái biết rằng, bộ đầm trắng mà họ mặc vào trong ngày cưới thì họ chỉ mặc một lần duy nhất trong đời. Còn tà áo trắng mà Chúa ban cho, sẽ mặc vào mãi mãi trong sự hiện diện của Ngài. Thùy Dương hiểu ra sự phục hồi của Chúa, nàng mỉm cười lấy tay lau hàng lệ đang ngấn chảy.

“Ôi Chúa của niềm tin… Con tin vào Chúa, con biết Ngài sẽ hồi phục tất cả trong ngày hội ngộ.”

 UÔNG NGUYỄN

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn