Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / VIỆC CHÚA LÀM

VIỆC CHÚA LÀM

“Bà Lành đó hả? Tôi, Thiện, ở hội Church World Service đây.”

“À, ông Thiện đó à? Tôi là bà Lành đây. Ông khoẻ chứ?”

“Dạ, tôi khoẻ. Cám ơn bà. Dạ thưa có Mục-sư Lành ở nhà không ạ?”

“Nhà tôi không có ở nhà ông Thiện ơi. Ông biết nhà tôi rồi. Từ ngày ông nhờ nhà tôi bảo lãnh người tỵ nạn qua đến giờ, ổng có nghỉ ngơi gì đâu. Nào là đi xin tiền trợ cấp, bác sĩ, tìm chỗ ở, tập lái xe…”

Ông Thiện nhẹ nhàng ngắt lời, “Tôi biết. Chắc bà cũng mệt mỏi lắm. Chỉ có Mục-sư Lành mới chịu lãnh những trường hợp đặc biệt thôi. Tôi biết nhờ ai bây giờ?”

“Thôi, tôi biết, tôi biết rồi… À, ông kiếm nhà tôi có chuyện gì?”

“Nhờ bà nói lại với ông là khi nào đi đón ông Tuấn ngoài phi trường thì nhớ đem theo băng ca.”

“Ủa, sao vậy?” Bà Lành rất đỗi ngạc nhiên. Mục-sư Lành chuyên lãnh những trường hợp tỵ nạn không ai nhận như người bệnh tâm thần, gia-đình đông con hoặc tật nguyền, con lai, v.v…, nhưng chưa bao giờ phải mang băng ca ra phi trường cả.

Ông Thiện hơi ngần ngại trả lời: “Vì người này bị bệnh ung thư sắp qua đời.”

Nghe đến đây cây chổi trong tay bà Lành rớt một cái bộp xuống đất, tay chân bà bủn rủn. Bà không tưởng tượng chồng bà có thể nhận một trường hợp như vậy mà không một tiếng với bà. Bà lượm cây chổi lên rồi cứ đi tới đi lui chờ Mục-sư Lành về để hỏi cho ra việc.

Khi Mục-sư Lành về đến nhà thấy bà tay cầm chổi dạo tới dạo lui thì ông biết ngay có chuyện không ổn. Ông bình tĩnh, không nói gì, chờ bà nội tướng lên tiếng trước. Bà Lành vốn bộc trực nên đi thẳng vào vấn đề: “Anh có biết ông Thiện dặn phải mang băng ca ra phi trường đón ông Tuấn nào đó không? Ông còn nói là ông này sắp chết rồi. Tại sao anh lại bảo trợ một người như vậy? Ai sẽ lo cho ông này đây?” Bà cố nén cơn giận đã đun sôi mấy giờ đồng hồ vừa qua từ khi nhận được cú điện thoại của ông Thiện.

Mục-sư Lành không làm lạ với phải ứng của vợ mình vì ông đã đoán trước sớm muộn gì việc này cũng sẽ xảy ra. Ông từ tốn bênh vực cho quyết định khó ai có thể chấp nhận được này của ông: “Khi ông Thiện kêu anh ký tên để bảo trợ ông Tuấn, thật tình thì anh đã không muốn làm. Anh đã cầm cây viết lên tay rồi, nhưng khi suy đi nghĩ lại thì anh đã bỏ viết xuống và xin lỗi ông Thiện là anh không thể bảo trợ một người như vậy. Anh đã nghĩ đến em. Anh biết mang một người bệnh như thế này về thì cực cho em và các con lắm chứ.” Bà Lành vẫn còn chăm chăm nhìn chồng chờ đợi câu giải thích thoả đáng cho chuyện này. Mục-sư Lành hồi hộp tiếp tục giải thích vì thật tình ông cũng không biết phải chăm sóc cho người bệnh này thế nào: “Ông Thiện nói với anh là nếu anh không làm thì ông ấy sẽ chết tại trại tỵ nạn một mình, không thân nhân gì cả. Anh vẫn nhất quyết không nhận. Nhưng khi anh bước ra cửa thì trong lòng anh có một tiếng nói: ‘Con đang mang trong người tình thương của Ta, nếu con không làm, thì ai sẽ làm?’” Như vẫn cố tìm câu giải đáp, ông từ tốn hỏi lại bà: “Anh hỏi em nè, nếu là em, em sẽ làm sao?”

Bà Lành ấp úng trong lòng vì đã hiểu chồng quá nhiều. Từ khi ở Việt Nam, ông đã làm cho trung tâm chỉnh hình tại Cần Thơ. Ông có lòng quan tâm đặc biệt đến những người tàn tật và cơ hàn. Đã sáu năm qua rồi, từ năm 1980, có khi nào chồng bà bảo lãnh ai mà lành lặn đâu. Đáng lẽ bà không ngạc nhiên về chuyện này, nhưng đây là một trách nhiệm quá lớn lao; bà không cảm thấy có thể kham nổi. Bà nghĩ trong đầu: “Thôi, chết rồi. Làm sao đây Chúa ơi?” Bà đã phải lo cho bảy đứa con từ bảy đến mười bảy tuổi. Hội thánh của chồng bà quản nhiệm phần đông là người tỵ nạn mới qua, không đủ ngân khoản cung lương cho gia-đình mục-sư của mình. Ông bà phải sống nhờ trợ cấp xã hội và ở nhà cho những người kém lợi tức của chính phủ. Mỗi khi người tỵ nạn qua thì họ tạm trú tại nhà của ông bà cho đến khi tìm được nơi cư ngụ; có khi vài ngày, có khi vài tuần, không biết trước được. Còn ông Tuấn này sẽ ở bao lâu? Nếu ông qua đời thì sẽ chôn cất làm sao? Bà sẽ xoay xở như thế nào? Những câu hỏi chen chúc nhau trong trí óc của bà. Bà hoang mang, không tìm ra câu trả lời nào cho chồng. Những câu gay gắt bà đã chuẩn bị để trao chồng cũng lén lút đi vào quên lãng. Không vui, nhưng bà đành chấp nhận sự việc không thế xoay trở được. Bà chỉ biết lấy đức tin và giao cho Chúa giống những lần khác. Bà không ngờ việc làm của ông bà lúc đó đã mang lại ích lợi cho công việc nhà Chúa như thế nào.

Vì đã được báo trước, nên một chiếc băng ca đã được mang đến phi trường với một số thanh niên trong hội thánh để giúp Mục-sư Lành mang ông Tuấn về. Có một cô y tá người Mỹ đã tình nguyện đi theo chăm sóc ông Tuấn suốt chặng đường từ trại tỵ nạn Thái Lan đến tận phi trường San Diego. Cô cho biết về lai lịch của ông Tuấn và bệnh tình của ông rồi lên một chuyến bay khác ra đi để lại những cặp mắt không quen biết tò mò nhìn nhau. Ở nhà bà Lành đã sắp xếp cho con cái ở dồn phòng lại với nhau để nhường một phòng riêng cho người bệnh. Nhìn thì biết ngay cái đùi bên trái của người lạ mặt này có vấn đề. Nó to hơn đùi bên phải gần như gấp đôi. Gương mặt ông thì rõ nét điềm đạm và hiền lành. Ông ăn nói rất là mềm mại và dễ mến. Không lâu ông Tuấn đã trở thành “chú Tuấn” trong gia đình của ông bà Mục-sư Lành và hội thánh Báp-tít tại Linda Vista, San Diego, California. Một con người dễ thương như vậy mà gặp phải một hoàn cảnh khốn đốn, mấy ai mà không thương?

Gia đình chú Tuấn làm nghề nông tại Bố Thảo (Trà Lây), Thị Xã Sóc Trăng. Ba chú, ông Bùi Kim Sến, là cựu trưởng phòng Khuyến Nông của Tỉnh Ba Xuyên cũ (nay là Thị Xã Sóc Trăng). Vì đã thường xuyên dùng thuốc trừ sâu trong nông trại nên đã gây ung thư trên đùi bên trái của chú. Ở Việt Nam bó tay, nên gia đình đã quyết định cho chú vượt biên qua Mỹ với hy vọng có cơ hội được chữa lành. Chú đã vượt biên một mình đến trại tỵ nạn Thái Lan. Khi ở trại, chú đã gặp được Chúa và tin nhận Ngài. Các giáo sĩ Mỹ tình nguyện, như cô ý tá, đã chăm sóc phần thuộc linh lẫn thuộc thể cho chú. Khi đến Hoa Kỳ, hội thánh Linda Vista cũng đã tiếp tục biểu lộ tình yêu thương của Chúa cho chú. Dù bệnh hoạn, đau đớn, và tóc đã từ từ rụng gần hết vì xạ trị, chú Tuấn lúc nào cũng tỏ vẻ yêu đời và thương mến mọi người. Chỉ khi nào nói đến vợ và con gái còn trong tuổi thiếu niên thì mới bắt gặp đôi mắt ấp ủ nỗi buồn nhớ nhung của chú.

Sau vài tháng đến Hoa Kỳ, dù đã được xạ trị, khối u trên chân chú bị bể ra. Mùi hôi nó lan tràn như có con chuột chết trong nhà. Để tránh bớt mùi hôi vào nhà, phòng của chú Tuấn lúc nào cũng đóng và cửa sổ thì mở toang ra. Da thịt trên đùi của chú bầm tím và từ từ rớt ra khỏi thân thể của chú. Y tá phải thường xuyên tới lui để băng bó vết thương. Còn thường ngày bà Lành phải làm nhiệm vụ “y tá” đó. Các con lớn của ông bà cũng đã thay phiên thông dịch khi y tá có mặt. Có lúc chúng bị mất ăn vì không thể nào chịu nổi mùi hôi và khi chứng kiến thịt da lìa xương lìa cốt như vậy. Có vài đứa không thể nào tiếp tục ăn lạp xưởng được rất lâu vì bị ám ảnh bởi sắc dạng của những miếng thịt chết trên chân chú. Tình trạng đến mức này, bác sĩ đề nghị tháo khớp xương từ háng của chân rồi sau đó… cầu may.

Khi đã cắt cái chân bệnh hoạn của chú Tuấn, sức khoẻ chú được hồi phục và rất mạnh khoẻ. Vì không có gia đình, chú tiếp tục ở với gia đình Mục sư Lành. Đến lúc đó chú Tuấn được xem như là đứa em của ông bà Mục-sư Lành và người chú của những đứa con của ông bà. Việc có thêm người trong nhà  như vậy là bất hợp lệ. Mỗi khi nhân viên nhà nước đến để xét nhà, chú Tuấn phải đi ra công viên ở đó cho đến khi nào họ kiểm tra xong. Dù phải đi đứng với hai cây nạng thay thế cho cái chân, chú luôn luôn tạo nên những nụ cười cho những người chú tiếp cận. Chú không ngần ngại đi dọn bàn, lặt rau, rửa chén, v.v… để giúp đỡ bà Lành trong nhà. Bà Lành rất sợ sâu nên chú xin một cái ghế thấp để ngồi ngoài vườn cắt rau cho bà. Vì hoàn cảnh rất chật vật nên các cháu trong nhà ít khi nào có cà-rem để ăn. Mỗi lần nghe xe cà-rem chạy ngang là chúng la lên để báo hiệu cho nhau. Cả đám chạy ra cửa sổ nhưng chỉ để ngắm chiếc xe chạy ngang qua và ăn những cây cà-rem tưởng tượng thôi. Chú Tuấn thấy thương quá cho nên, dù không có bao nhiêu, chú đã nhín chút tiền để lâu lâu các cháu được vài cây cà rem ăn cho vui. Sinh nhật các cháu, lúc nào cũng không thiếu những món quà nho nhỏ của chú cho. Khi rảnh rỗi, chú hát vọng cổ để giúp vui cho mọi người. Ai ai cũng vui mừng vì chú đã thoát chết. Chú đã có thêm thời gian để bảo lãnh vợ con qua Mỹ.

Nếu câu chuyện dừng tại đây, thì quả thật đã là một kết cuộc thật vui vẻ cho mọi người. Nhưng Chúa có một chương trình khác kỳ diệu hơn. Khoảng một năm sau, chú Tuấn lại ngã bệnh trở lại. Khi vào bệnh viện thì bác sĩ cho hay ung thư đã lan tràn đầy trong nội tạng của chú rồi. Không còn phương thế nào có thể chữa trị được. Cuộc vui đã tàn, niềm hy vọng đã tan. Chú buồn bã vô cùng vì không còn dịp gặp lại vợ con, cha mẹ và anh em của mình. Bụng của chú càng ngày càng phù to lên và mọi hoạt động hằng ngày trở nên khó khăn. Mục-sư Lành cố gắng hết sức để làm thủ tục cấp bách cho con gái và vợ chú có thể đoàn tụ, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều lời cầu nguyện đã liên tục dâng lên để nài nỉ sự thương xót của Chúa, nhưng không có dấu hiệu gì khả quan cả. Lạ thay, niềm tin mãnh liệt nơi Thượng Đế đã cho chú một thái độ lạc quan vô cùng, dù thần chết đang đợi trước cửa. Không ai ngờ những lời nói cuối cùng của chú đã đem lại một hy vọng khác hơn những hy vọng mà con người trông đợi. Hy vọng này là một hy vọng vĩnh cữu.

Vì không thể nào gặp lại được gia đình trên trần thế này, chú Tuấn quyết định làm một cái video để có vài lời nhắn nhủ đến họ. Trong video đó chú làm chứng về những ơn phước của Chúa trên đời sống của chú từ ngày chú tin Chúa. Chú nói về sự bình an thật sự trong tâm hồn khi được Chúa chiếm ngự dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chú làm chứng về cách anh em trong Chúa thương yêu và đùm bọc với nhau thể nào. Chú báo cho họ biết là chú đã chuẩn bị đi đến một nơi ở đời đời là nơi thân thể chú sẽ thoát được cảnh đau đớn, bệnh tật. Chú sẽ ở đó chờ đợi để gặp lại những người thân thương của mình nếu họ cũng đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu để được sự sống đời đời. Ở đây họ sẽ gặp lại chú trong một hình thể mới và sẽ bên nhau mãi mãi.

Sau đó không lâu, vào một ngày trong tháng 9 năm 1986, lúc sức khoẻ đã cạn kiệt, chú Tuấn đã nắm tay Mục-sư Lành và nói một câu cuối cùng: “Anh, cầu nguyện cho em đi.” Rồi hơi thở nhè nhẹ ra đi khỏi lồng ngực của chú, để lại những tiếng khóc sụt sùi bên giường bệnh. Chú Bùi Ngọc Tuấn đã ra đi rất nhẹ nhàng, êm ái với lòng thương mến của những người xung quanh. Hội thánh Linda Vista đã tổ chức một đám tang thật long trọng cho chú. Cả trăm người đã đến để tiễn đưa chú về nước của Chúa. Đám tang của chú cũng đã được thu ảnh lại chung với cái video làm chứng và đã được gửi về cho gia đình chú ở Việt Nam. Số tiền phúng điếu không những đủ để lo một lễ tang thật ấm cúng mà còn dư để gửi về cho gia đình nữa. Khi video đã gửi về Việt Nam, cả xã Bố Thảo đều đến để xem. Lời chứng của chú Tuấn đã làm đụng chạm rất nhiều người. Ba của chú Tuấn, ông Ba Sến, rất cảm động với tình thương của con cái Chúa đã dành cho chú, cho nên ông là người đầu tiên đáp ứng lời kêu gọi của chú để tin nhận Chúa Giê-xu. Sau đó, gần như cả gia đình và họ hàng của chú đã đầu phục Chúa. Từ đó, hạt giống Tin Lành đầu tiên đã được gieo tại Bố Thảo, Sóc Trăng.

Tháng 5 năm 1994, Mục-sư Hà Quan Ngọc có dịp về quê tại Sóc trăng, Mục-sư Lành có nhờ ông ghé thăm gia đình ông Ba Sến. Khi đến thì Mục sư Ngọc nghe kể lại là tại Bố Thảo có khoảng năm mươi tín hữu hằng tuần cùng nhau đến sinh hoạt tại Hội Thánh Tin lành Sóc Trăng, do Mục-sư Lê Văn Hoà quản nhiệm, phần đông là bà con thân thuộc của chú Tuấn. Phương tiện đi nhóm lại hằng tuần của họ rất khó khăn. Họ phải đi bằng ghe theo Kinh Tam Sóc mà đến Hội Thánh Sóc Trăng để thờ phượng Chúa vào mùa mưa (mùa mưa đường đất bị bùn đầy hang hố không đi lại được); còn mùa nắng thì họ đi xe đạp suốt chặn đường đất đá lởm chởm. Họ trung tín thờ phượng và làm chứng về Chúa dù tại Bố Thảo là nơi có nhiều chùa chiền và người dân thì đầy dị đoan mê tín. Anh Bùi Ngọc Thanh, anh Tư của chú Tuấn, đã dâng một miếng đất tại Trà Lây cho nhóm để xây nhà nguyện tại đó. Sau này khi ông Ba Sến cao tuổi, không còn tự đạp xe đi thờ phượng trên con đường dài mười hai cây số đó được, một người cháu của ông phải chở ông bằng xe đạp hằng tuần. Ông luôn trung tín trong việc nhóm lại và làm chứng về Chúa cho những người Khờ Me (Cam bốt) tại Trà Lây.

Lúc bấy giờ việc liên lạc rất khó khăn cho nên ông bà Mục-sư Lành bị mất liên lạc với nhóm tín hữu này đến bây giờ. Dầu vậy, khi nhìn lại, bà Lành nay đã hiểu sâu xa hơn về hai câu Kinh Thánh: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28) và “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các người, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê-sai 55:9) Tin Lành đã được rao ra tại một nơi xa xôi mà bàn chân của bà Lành không hề chạm đến. Bà tin quả quyết rằng những việc bà đã làm không hề luống công. Nếu bà đã nhất quyết phản đối việc của chú Tuấn thì bà đã mất phần trong chương trình kỳ diệu của Ngài rồi. Việc đó ai biết trước được? Việc đó ai hiểu nổi? Đó là việc Chúa làm!

 THẢO NGUYÊN

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn