(Tác giả – áo sơ mi trắng đứng cạnh Tường Vi và nhóm VCNT)
“Nó cứ mải mê tháo chạy trên con đường tội lỗi mà không hề hay biết ở cuối con đường Chúa đang đứng đó và chờ đợi”
-Alo, anh Khánh hả? Em có chuyện quan trọng muốn nói với anh, anh cho em mượn hai triệu được không?
_Cái gì, hai triệu, tao làm gì moi đâu ra cho mày, mà để làm gì, mày làm không lo nổi cái thân à?
-Dạ không phải anh ơi, chuyện em em tự lo được, em muốn nói chuyện của mẹ kìa… Anh biết không, mẹ giờ khổ lắm không ai lo cho mẹ hết…
Đầu dây bên kia vang vọng tiếng hằn học:
-Kệ bả, đừng nhắc bả trước mặt tao, ai biểu ngày xưa bả bỏ tụi này đi theo thằng đó, chuyện bả làm bả tự gánh chịu. Mày có hiếu thì tự kiếm tiền mà lo cho bả đi, tao còn vợ còn con tao nữa.
Nó như sắp khóc, nhưng vẫn cố nài nỉ:
-Nhưng mà anh ơi mẹ đang nằm ở phòng chờ sanh, không có tiền, không có người thân, dượng vì lo sợ không nuôi nổi đứa con sắp chào đời nên bỏ đi theo bà chủ chỗ chăn vịt của chú rồi, bỏ lại mẹ với em Mai, em Mỹ. Hai đứa nó thương mẹ cứ ra hành lang bệnh viện khóc suốt. Người ta qua lại thấy tội nghiệp cho mẹ năm mười ngàn mẹ mới có cơm ăn qua ngày… em thương mẹ quá, muốn mượn tiền anh về dưới đó lo cho mẹ, tháng này lương của em chỉ có dư hai triệu à, e là không đủ, chẳng lẽ anh để mẹ chết ở bệnh viện sao?
Vẫn cái giọng lạnh lùng ấy:
-Bả có chết thì là cái số của bả, là hậu quả bả tự gánh lấy, liên quan gì đến tao, từ lâu tao đã chẳng coi bả là mẹ nữa rồi…
Nó nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
-Anh không thể tha thứ cho mẹ sao anh?
-Không đời nào.
Nó thất vọng, buông điện thoại, buồn không nói lên lời, bên kia vẫn nghe âm ỉ tiếng oán trách, những lời lẽ xúc phạm… Đôi mắt nó lờ đi vì mệt mỏi. Nó đã gọi cho nhiều người, thuyết phục đủ thứ mà cũng chỉ nhận được một kết quả tương tự. Ngoài nó ra chẳng có ai thương mẹ nó cả, nó thầm nghĩ nếu ngày đó nó lo được cho mẹ với hai em có cơm ăn ngày hai bữa, lo được cái quần cái áo lành lặn thì mẹ đã không phải bỏ xứ đi lấy chồng để tìm một chỗ nương tựa, nó trách mình nhiều hơn trách mẹ. Mẹ của nó khác mẹ của anh Khánh, dù mẹ có ra sao thì vẫn là mẹ của nó, ước gì anh chị em nó hiểu được hai chữ “cha mẹ” là cao cả thiêng liêng biết dường nào. Nó muốn về dưới An Giang gặp mẹ nó lắm, nhưng bằng cách nào đây. Tiền lương còm cõi đất Sài Gòn muốn có dư thì phải có thời gian, mà thời gian thì chẳng thể định đoạt được chữ “ngờ”. Giống như chuyện của mẹ, đến quá đột ngột làm nó hoàn toàn bất lực. Đã một giờ khuya, nó gượng dậy, khẽ đọc bài kinh phó dâng, gửi gấm với Chúa những ước nguyện của mình, mong Chúa nhận lời. Hồi còn nhỏ mẹ vẫn hay nói với nó rằng: “Khi con người bó tay thì Chúa sẽ ra tay”. Giờ nhớ lại, nó thấy phấn chấn hơn. Mang theo những lo toan về tiền bạc, về cuộc sống, cùng với một chút hi vọng nó miên man đi vào giấc ngủ sau một ngày bưng bê mệt mỏi. Đưa tay với bật radio, mắt nó mơ màng, thiếp đi. Bản nhạc cứ thế chạy:
Khi đấng sinh thành, sinh ta ra đời, cảm ơn ông trời cho ta kiếp người…
Dù cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành, dù mẹ làm sao vẫn luôn mang nặng đẻ đau
Chỉ một giây thôi, nhắm mắt quên cuộc đời, hãy nghĩ suy lại những việc làm của ta
Chỉ một giây thôi, nhắm mắt quên tất cả, xin hãy nghĩ về ta tìm mẹ ở đâu…
Và giữa khúc dạo nhạc, giọng của người phát thanh viên lại vang lên:
“Mỗi chúng ta dù lớn đến đâu thì cũng chỉ là một đứa trẻ trong mắt mẹ mà thôi, bao lâu còn có thể hãy yêu thương lấy cha mẹ mình vì những gì làm hoặc không làm hôm nay thì ngày mai có thể chỉ được gọi là kí ức…”
Ngày ấy, mẹ nó còn cơ cực hơn nhiều lần nó bây giờ. Sinh nó ra nhưng không đủ khả năng để nuôi nó. Người ta giấu mẹ đem gửi nó vào một nhà giàu có. Mẹ giằng co, bắt nó lại, bà đi đến từng nhà một, quỳ gối để cầu xin sự giúp đỡ. Mẹ chẳng từ bỏ bất kì công việc nào để có thể kiếm ra tiền nuôi sáu anh em tụi nó. Chẳng biết đào đâu ra sức lực, đứa nào cũng được đến trường, khôn lớn như chúng bạn trong cái cảnh tay không vốn liếng, không đất đai nhà cửa, họ hàng thân thích. Người ta thấy mẹ ở thúng rau, quầy đậu hũ, hay cả những bao ve chai khi đêm xuống. Cứ thế tuổi thơ tụi nó qua nhanh vô tình bào mòn dần sinh lực mẹ không hay biết. Cho tới một ngày dù mới ở tuổi bốn mươi, bà đã không còn khả năng lao động. Những cơn viêm xoang cứ hành hạ bà mỗi ngày, rồi đêm xuống một cơn gió nhẹ cũng làm nó giật mình, lo sợ, sợ mẹ nó lên cơn, co giật vì nó biết mẹ nó bị tụt can-xi. Nó là niềm hi vọng lớn nhất của ba mẹ nó, về một tương lai sáng sủa sẽ làm thay đổi gia cảnh. Ở trong trường nó là một học sinh toàn diện, nó học giỏi, chăm chỉ, lễ phép và trong nhà thờ nó là một anh cả mẫu mực, phụ trách hai ban ơn gọi và lễ sinh của giáo xứ. Cũng chính mẹ là người dìu dắt nó đi trên con đường giáo huấn. Bà dắt nó vào phòng cha sở xin cho nó gia nhập giúp lễ, Cha xứ chẳng cân nhắc mà đi ngay tới quyết định vì ông tin tưởng ở người mẹ, người mà ông vẫn thấy nán lại vài tiếng đồng hồ sau giờ lễ ở ngôi nhà tạm. Ở đó bà làm tất cả những việc cần làm của một người giúp việc để nơi mình thánh Chúa cư ngụ được sạch sẽ, nghiêm trang. Sau ngày gia nhập lễ sinh, bà thức dậy cùng nó đi lễ sáng hàng ngày, nhắc nhở nó từng cử chỉ trên bàn thánh, làm thế công việc cho mấy anh em còn quên ngủ. Cứ thế nó quen dần với Chúa, với đời sống thánh thiện vì người lễ sinh là người ở gần Chúa hơn ai hết trên bàn thờ. Cho tới bây giờ nó vẫn mặc định rằng đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của mình và mỗi buổi sáng thật sự là quãng thời gian riêng của mẹ và nó, cùng hiệp thông lên Chúa những điều tốt đẹp của cuộc sống, đặc biệt là tình mẫu tử. Cuộc đời đẹp làm sao khi có Chúa cùng đồng hành, xóa đi bao lo âu muộn phiền trong cuộc sống, cho nó không thấy mình nghèo khổ với bữa đói bữa no, những ngày bấm bụng đến trường, cũng chẳng thấy xấu hổ khi nhìn thấy bạn bè được sung sướng đầy đủ, có lúc nó phải trốn học chỉ vì xấp vé số còn dày, có khi nó ngồi chờ khách đến mòn mỏi và vì đói quá nó xén bớt xúc xích thành nhiều khúc nhỏ và phần thừa ra chính là bữa chiều của nó. Nhưng nhờ có mẹ, có Chúa nó cảm thấy mình thật hạnh phúc giữa cuộc đời, giữa bao điều tốt đẹp chỉ cho tới một ngày cuộc đời nó bỗng dưng rơi vào vòng nghiệt ngã. Đó là ngày thi tốt nghiệp cấp ba, ngày mà ba nó ra đi mãi mãi. Ba bị sập giàn giáo trong lúc loay hoay xây dựng, cũng chính vì nó phải nghỉ ôn thi nên không thể bán vé số giúp mẹ và để có tiền trang trải cuộc sống, ba nó làm thêm ngày lễ và không bao giờ trở lại thế gian. Sau ngày ba mất, mọi chuyện không vui cứ thi nhau ồ ạt trút xuống mấy mẹ con nó như thể ai đó luôn mang tai họa và tìm tới nhà nó để xả giận. Ba đi, cô chú bỏ mặc, họ chỉ quan tâm tới căn nhà của bà nội, họ khui tiền phúng điếu khi người ta chưa kịp đậy nắp quan tài. Nhà mất đi trụ cột, chỉ còn anh Khánh là người gánh vác, mà cũng chỉ vài tháng sau, anh bỏ mẹ, bỏ em đi lấy vợ. Chị Ly cũng theo gót anh lấy chồng xa xứ, như kiểu mua bán trao đổi. Giờ nó là anh cả của hai đứa em bé bỏng vì em trai kế cũng bỏ nhà đi hoang đến nay chưa về. Nó phải làm sao đây, nó phải nửa buổi học lo cho bản thân, nửa buổi làm mướn lo cho mẹ già em nhỏ, rồi còn công việc ở nhà thờ… Nó suy nghĩ và cầu nguyện rất nhiều, cuối cùng nó quyết định xin nghỉ lễ sinh. Nó khóc lóc và nói với Cha sở rằng nó rất muốn hầu việc Chúa, rất muốn giúp việc cha, nhưng nó không có thời gian và điều kiện… Sau cuộc trò chuyện, nó trở ra thì phát hiện chiếc xe đạp nó dành dụm cả năm trời mới mua được đã không còn nữa. Tài sản cuối cùng của nó cũng đã bị lấy đi như cướp mất cả một trời tương lai phía trước. Những vết thương lòng đầu đời làm tim nó trở nên chai sạn, biến đổi cả suy nghĩ và cái nhìn của nó về cuộc đời… Nó bỏ mặc tất cả, bỏ Chúa, bỏ mẹ, bỏ em đi biền biệt như Chúa đã từng lấy đi ba nó, lấy đi của nó những điều tốt đẹp, bỏ rơi nó trước ngưỡng cửa đại học. Nó bước vào con đường tội lỗi mà vẫn mang theo oán hận, sự nghi ngờ về tình yêu của Chúa. Đấng mà bấy lâu nó luôn tin tưởng phó thác…
Thời gian đằng đẵng trôi qua, nó trở thành kẻ bụi đời lang thang đầu đường xó chợ và làm tất cả mọi chuyện để có tiền, bất chấp pháp luật. Nó lang thang ở các tiệm internet, các chợ và nhà thờ ở khắp tỉnh Đồng Nai chờ sơ hở để trộm cắp. Nó lấy trộm xe đạp của người dân và có một thực tế rằng ở miền quê dễ lấy trộm nhưng không có chỗ tiêu thụ còn ở thành phố có nhiều người mua nhưng chẳng dễ gì tìm ra sơ hở. Vì vậy nó phải đạp xe cả quãng đường gần hai trăm cây số lên thành phố để tiêu thụ, có tiền nó lại bắt xe đò về dưới miền quê hành nghề và vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi xoay vần. Có những ngày cạn tiền, dọc đường nó phải lượm đồ ăn thức uống người ta vứt ven đường để cầm hơi, phải dắt xe cả ngày trời vì không có tiền thay dây xích… Có những đêm phải ngủ ở vỉa hè, ống cống mặc cho bao nỗi sợ hãi đe dọa, rồi mưa trút xuống nó lạnh co ro không ngủ được, nỗi nhớ mẹ, nhớ em lại ùa đến, nhưng nó không muốn quay về với thân tàn ma dại, nó muốn gặp mẹ khi có thật nhiều tiền. Ở tuổi mười lăm nó không nghĩ rằng ai đó sẽ mướn nó làm gì và trả lương cho nó, vì nó bị lấy cắp nên nó sẽ lấy cắp lại, tội tình gì phải làm cực khổ cả tháng trời chỉ bằng người ta lấy trộm hai ba chiếc xe đạp. Hơn nữa nó đang cần nhiều tiền nên ăn cắp là con đường thích hợp hơn cả, có bị bắt thì nó cũng chỉ có cái thân, nó còn gì để luyến tiếc nữa đâu. Và rồi lưới trời lồng lộng, người xưa có câu “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, cũng đến ngày đôi chân nó rã rời, mệt mỏi.
Hôm ấy là ngày lễ Chúa Phục Sinh, ngày mà Người sống lại và làm thay đổi số phận nó. Nó cũng chẳng nhớ tới ngày quan trọng này nữa. Lang thang thì đâu có biết đến ngày đến tháng, cũng chẳng biết sợ cái gì, chỉ sợ đói. Mà nó cũng đang đói, sáng giờ chẳng chôm chỉa được cái gì ra hồn, có mấy cái thanh sắt vụn bán được mấy chục ngàn thấy người ta gọi loto ngoài chợ, ham vui nên chẳng còn xu nào. Giờ cũng đã gần tối, phải kiếm ăn lẹ thôi. Nó đảo lòng vòng quanh nhà thờ Gia Tân. Nhớ lần trước nó cũng kiếm được một phi vụ trót lọt, thấy có cơ hội nó làm bộ lẻn vào khu đền Đức Mẹ, giống như người ta đi đọc kinh tối. Ngó qua ngó lại cũng chẳng thấy ai, quả là thiếu cảnh giác. Xe cộ để ngổn ngang như mời gọi. Nó tiến thật nhanh đến bãi xe và cũng thật nhanh nó đã chạy ra đến cổng nhà thờ. Nào ngờ có đến hai ba ông Chánh đã phục sẵn. Chẳng nói chẳng rằng họ xúm lại tóm lấy nó đưa vào phòng cha xứ cùng với tang vật. Mặt nó xanh lè, tím ngắt, nó tưởng tưởng đến cái cảnh bị đánh đạp dã man, bị nhổ nước miếng hay là bị tống vào tù. Mà thôi cùng lắm là chết, thà chết còn hơn là sống để bị tra khảo rồi gửi vào trại giáo dưỡng, nó không muốn mẹ nó thấy một hình ảnh như vậy và trong lúc ấy nó đã nghĩ ngay tới một cái kết tốt nhất ở trong đầu. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, vừa bước vào phòng nó đã bắt gặp ngay một nụ cười thân thiện của vị linh mục quản xứ, ông mời nó ngồi rồi lặng lẽ đi pha trà mời nó, đồng thời ra dấu để người khác tránh mặt. Nó cười nhếch miệng:
-Cha tiếp đón ăn cướp tử tế vậy sao, cha đừng làm con lo sợ.
Ông ngồi xuống, uống một ngụm trà rồi mở lời:
-Chẳng có ai là cao sang hay thấp hèn trước mặt Chúa cả, tất cả đều là con của Người và đều được ân sủng trước mặt Người.
Nó cảm thấy có gì đó bất an:
-Con thì khác, con là kẻ bụi đời, là thằng ăn cắp. Nếu cha muốn làm gì con thì cha cứ làm nhưng con chẳng sợ đâu…
Vẫn là nụ cười thân thiện nhưng thay vì tra khảo hay hỏi tội nó, ông lại chuyển sang một đề tài khác:
-Con có thể cho cha biết con ở xứ nào không, ở đó con làm gì trong nhà thờ?
Nó giật mình:
-Sao cha biết con là người công giáo?
Ông giãi bày:
-Vì cha để ý thấy con ngồi ở đền Đức Mẹ với một tư cách rất giống người cầu nguyện, hơn nữa cách con cầm nhang cho thấy con từng dâng hương trên bàn thánh.
Nó cúi mặt xuống bàn:
-Nhưng thưa cha đó chỉ là chuyện ngày xưa thôi, bây giờ con là một tên ăn trộm, cha không muốn hỏi tội con sao?
Ông nhẹ nhàng:
-Chúa không phải là pháp luật. Pháp luật dựa trên người trên tội vì vậy họ chỉ xét con làm tội gì và trừng phạt thích đáng, nhiều lúc họ cũng bị sai người sai tội. Còn Chúa, Người dùng tình thương để hoán đổi tâm hồn kẻ tội lỗi, một khi tâm hồn họ có Chúa họ sẽ thay đổi. Ma-đa-lê-na ngày trước cũng được hoán đổi nhờ lòng nhân hậu của Người…
Nó cảm thấy bất bình nên nói lại:
-Nếu Người nhân hậu và giàu lòng thương xót thì con đã không có ngày hôm nay.
-Đó đều là sự sắp xếp của Người. Ngài có chương trình riêng cho mỗi chúng ta, Chúa cũng muốn biết lòng yêu mến Chúa của con người nên mới ban thử thách xuống trần gian để những người yêu mến Ngài thật sự sẽ tìm thấy bình yên…
Nó cảm thấy xấu hổ, nó im lặng thật lâu. Sau một lúc, nó mở lời:
-Dạ thưa cha, xin cha ban cho con một ân huệ, hãy trừng phạt con nhưng con muốn được xưng tội.
Và buổi chiều hôm ấy nó quỳ xuống sau ba năm trời lang thang trộm cắp. Nó kể hết cùng Chúa mọi lỗi lầm của mình một cách tóm tắt, vì tội của mình quá nhiều nên nó chẳng mong được tha thứ. Nó nói trong nước mắt:
-Lạy Chúa, xin trừng phạt con vì con đáng tội.
Người linh mục đưa tay làm dấu:
-Nhân danh cha và con và thánh thần a-men. Vì Chúa đã không chấp tội loài người nên đã ban con một xuống trần gian chịu cực hình trên thập giá. Xin tiếp tục dùng tình yêu bao la của Người tha tội cho người con lầm đường lạc lối, quay về nhà cha như Người hằng mong muốn…
Nghi thức xưng tội kết thúc. Sau đó ông mời nó dùng bữa tối thân mật, trò chuyện tâm tình với nó. Nó như được mở lòng, nó kể cho ông nghe mọi chuyện, về quá khứ màu hồng của nó, về người cha quá cố đã ra đi vì nó, về những gì đã khiến nó cảm thấy bị bỏ rơi rồi đưa chân vào con đường tội lỗi. Ông nhìn nó âu yếm:
-Hôm nay là ngày Chúa sống lại vì vậy trên trời cũng sẽ hoan hỉ nếu con chịu từ bỏ con đường tội lỗi về hòa thuận với Cha vì Người luôn nhân hậu.
Nhìn vào mắt ông nó như được nhìn thấy ánh sáng, thấy con đường phía trước. Nước mắt nó cứ rơi trong từng lời nói. Ông hỏi nó về tương lai, rằng nó muốn làm gì sau này khi được hoán đổi. Ông cũng hỏi nó về năng khiếu và hoài bão về bản thân.
Nó ngậm ngùi kể cho cha nghe về đam mê từ hồi tiểu học của mình. Nó rất muốn viết văn và trở thành một phóng viên chuyên nghiệp nhưng nó đã không thể làm được. Giờ ra khỏi đây nó cũng chẳng biết đi đâu và làm gì. Nó rất cần một hướng đi và người định hướng cho nó là ông. Ông gửi nó vào làm ở một quán phở trong thành phố, dặn dò nó nhớ đọc kinh cầu nguyện hằng ngày, cải thiện đời sống đức tin. Xong xuôi ông còn giới thiệu thêm cho nó một cuộc thi hữu ích đúng với sở trường của nó. Cuộc thi viết cho niềm tin do songdaoonline tổ chức vời lời khuyên:
-Hãy dùng thì giờ của mình để hầu việc Chúa, con không có điều kiện thì bằng ngòi bút của mình hãy đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, cùng làm chứng về Chúa cho mọi người như mục đích của cuộc thi…
Từ hôm ấy, nó như được thay đổi cuộc đời. Nó không còn là thằng ăn trộm nữa. Gạt bỏ hết mọi lỗi lầm trong quá khứ nó bắt đầu cuộc sống mới. Nó làm quần quật, chăm chỉ, là một người làm công đáng tin cậy. Ngoài giờ làm, nó bắt đầu viết. Một quyển tập và một cây bút, nghĩ ra được gì nó đều cẩn thẩn ghi chép lại. Nỗi nhớ mẹ chính là động lực để nó viết, viết để một ngày nào đó nhờ ơn Chúa nó sẽ tìm về gặp mẹ. Bài đầu tiên của nó được chọn đăng, nó mừng như muốn khóc, thế là nó cứ viết, ngày này qua tháng khác. Cảm giác hạnh phúc khi chờ đợi và đọc bài đăng của mình thật là khó diễn tả. Chỉ cần người khác đọc và biết đến Chúa là nó cảm thấy mãn nguyện. Dòng đời cứ thế xoay vần cho tới gần một năm sau khi cuộc thi chuẩn bị kết thúc cũng là lúc nó nhận được tin của mẹ, nhưng nỗi buồn cũng theo đó ùa đến. Từ lúc nó bỏ nhà đi chẳng liên lạc gì với mẹ, ba năm rồi không có tin tức. Hôm nay nó tính về lại quê tìm mẹ nhưng anh Khánh cho nó hay tin mẹ đã bỏ xứ đi hơn một năm rồi. Mẹ đi theo một người đàn ông nghèo khổ ở miền quê sông nước. Mẹ với nó bắt đầu liên lạc, mẹ có mang và sắp đẻ, mỗi lần điện thoại mẹ chỉ khóc ú ớ chứ không nói được gì nhiều hơn. Tình mẫu tử bao ngày xa cách nay lại có niềm vui xum vầy. Cảm tạ Chúa vì Ngài đã nhận lời. Nó vui mừng khôn xiết nhưng trớ trêu thay một tháng sau dượng bỏ mẹ nó đi khi mẹ một mình bụng mang dạ chửa trong bệnh viện. Nó chẳng biết trông chờ ở đâu ra tiền để về lo cho mẹ. Nó chợt sực nhớ đến cuộc thi viết truyện với giải thưởng chẳng bao giờ nó dám mơ tới. Nhưng bây giờ nó thật sự mong mỏi và chờ đợi. Vài ngày nữa thôi thì cuộc thi sẽ kết thúc. Nó trằn trọc với bao nhiêu nỗi khắc khoải, nó viết tâm trạng chia sẻ với nhóm người cùng viết truyện như nó:
Nếu ai hỏi tại sao con viết truyện
Chẳng vì tiền biết trả lời chi đây
Dẫu với ai tiền chỉ như bọt biển…
Chẳng cần tiền nhưng trước giờ vẫn nghĩ
Người viết người đọc đã là quý lắm thay
Nhưng mẹ ơi cầu nguyện cho con, vài ngày nữa…
Chỉ cần “khuyến khích” con sẽ về, mẹ ơi.
Sau bài đăng nó nhận được rất nhiều lời cảm thông, chia sẻ của những người trong nhóm Viết Cho Niềm Tin, khích lệ nó hãy tiếp tục viết để cởi bỏ trong lòng những tù đày, khuyên nó hãy quay về và hòa thuận cùng Chúa vì Người chẳng bỏ rơi đứa con nào của Người cả. Trong lòng nó cảm thấy bình an, ấm áp vì vẫn còn có người quan tâm đến nó, còn yêu thương an ủi vỗ về, nhưng nỗi buồn vẫn còn đó, còn làm nó mất ăn mất ngủ. Chưa bao giờ nó thật sự cần tiền như lúc này, một số tiền đủ để lo cho mẹ nó và làm cho nỗi hi vọng ngày càng lớn, nhưng nếu nó không đoạt giải thì lạy Chúa nó biết làm sao đây, ngoài nó ra không còn ai thèm dòm ngó đến người mẹ tội nghiệp của nó. Nó không dám nói cho mẹ biết là nó không có tiền. Nó xin nghỉ làm một tuần để về thăm mẹ và đó là ngày lễ trao giải các cây bút ở Việt Nam tại Sài Gòn, nó chuẩn bị đồ đạc, phó thác mọi sự cho Chúa nhưng nếu kết quả có thế nào thì nó cũng không buồn vì tất cả đều là thánh ý Chúa…
Sáng thứ bảy, tại một căn nhà nhỏ tại quận Phú Nhuận…
Nó là người đến sớm hơn cả, gặp gỡ chủ nhà và MS Phạm Hơn, người đã động viên nó rất nhiều và là người mời nó đến dự buổi lễ trao giải này nhưng ông không cho nó biết một chuyện, đó là những người đoạt giải đều được thư mời và gửi ảnh, nó không biết vì nó không nhận được điều này, đơn giản vì ông không muốn cho nó biết sự thật là nó không nằm trong top 10. Và ở căn phòng nhỏ ấy, người chịu trách nhiệm với đôi lời giới thiệu. Ông bật máy tính, liệt kê danh sách kết quả cuộc thi. Đầu tiên là giải danh dự, giải mà nó không chờ đợi, tới tám người mà vẫn chưa thấy tên mình, nó như nín thở, tên cuối cùng hiện lên, nó giật mình, rưng rưng đôi mắt, ráng đọc kĩ từng chữ và nỗi buồn thoáng hiện lên… Nó ngồi thờ thẫn nhưng vẫn cố tươi tỉnh, nó biết rằng nó phải chấp nhận sự thật này và nó im lặng, không nói được điều gì cho tới khi Ms Phạm Hơn lên tiếng:
-Ban tổ chức đã email cho chúng ta, những người có giải một vấn đề tế nhị, một người trong nhóm chúng ta đang gặp khó khăn, cậu ấy rất cần tiền để về quê thăm mẹ và nếu có thể hãy giúp đỡ người bạn mình…
Nó như nhận ra vấn đề, ông mời nó tới không phải vì nó có giải mà là vì câu nói này, khi được hỏi về khó khăn của mình. Nó nghẹn ngào kể lại. Chiều hôm qua khi nó ra đến bến xe thì nhận được điện thoại của mẹ. Mẹ bảo nó không cần về dưới nữa vì mẹ đã lên đây rồi, mẹ trốn viện về nhà nhưng ở đó chẳng còn ai ngoài mẹ và hai đứa em. Còn được vài trăm ngàn mẹ với hai em bắt xe lên Sài Gòn tìm nó, nó là người thân duy nhất còn lại của mẹ. Hai mẹ con gặp nhau ở bến xe, mừng mừng tủi tủi. Nó để tạm mẹ ở một phòng cho thuê rồi xin phép bà đi công chuyện, thực chất là nó đi đến đây và nhận được một sự giúp đỡ vô cùng quý báu của mọi người. Cầm số tiền trên tay mà nó không dám tin vào mắt mình, có thể là nó chưa có một số tiền lớn như vậy bao giờ. Nó xúc động, thầm tạ ơn Chúa vì quyền năng của Người, lòng ngập tràn yêu thương, hồ hởi…
Sau khi trao giải và chụp hình lưu niệm, mọi người còn nán lại ăn sáng cùng nhau, trò chuyện tâm tình. Chia sẻ về những bài viết, những khó khăn trong việc sáng tác. Hiếm có dịp họp mặt thế này nên mọi người cười nói rôm rả, vui tươi… cho mãi đến lúc trời nắng lên. Chia tay rồi mà nó vẫn còn luyến tiếc, nó thơ thẩn bước ra lộ, tận hưởng những tia nắng ấm áp của một ngày mới, một ngày thật khó quên trong cuộc đời nó…Nó thầm tạ ơn Người, thầm cảm ơn những người đã giúp đỡ nó vì nếu không có họ nó không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu. Chỉ có Chúa mới làm được chuyện con người không thể nghĩ tới.
Nhờ số tiền này, nó đã thuê cho mẹ nó được một phòng trọ trong thành phố và sau giờ làm nó thường xuyên ghé qua thăm bà, chờ ngày mẹ nó sanh em bé, cũng là đứa em của nó. Chẳng biết sau này rồi có còn khó khăn nào đến với mấy mẹ con nó nữa hay không nhưng một khi có đức tin vào Chúa nó không thấy lo âu hay muộn phiền vì Người đã phán rằng “hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và tình yêu của Người còn những chuyện khác Người sẽ ban cho… “Giờ nó đã tìm thấy mẹ, thấy Chúa, thấy hướng đi cho cuộc đời mình. Nó thầm tạ ơn Người, thầm cảm ơn những người đã giúp đỡ nó vì nếu không có họ nó không biết phải làm gì và phải bắt đầu từ đâu. Chỉ có Chúa mới làm được chuyện con người không thể nghĩ tới. Nằm trong top 10 cuộc thi năm thứ ba là phần quà tưởng thưởng xứng đáng cho bản thân nó và cho những người đã giúp đỡ nó. Nó hữa sẽ cố gắng thật nhiều, viết nhiều hơn nữa về tình yêu của Chúa dành cho nó và đây là bài viết đầu tiên của nó, về đứa con tưởng chừng như bị Chúa bỏ rơi, “đứa con mà Chúa bỏ rơi”, nó định đặt tên bài viết như vậy nhưng sau một hồi suy nghĩ nó đặt bút xuống, sửa lại nhan đề và loay hoay sắp xếp công việc: đi lễ, nấu bữa sáng cho mẹ, đi làm, viết văn,…
QUẢ TÁO XANH
(Thành viên của nhóm Facebook VIẾT CHO NIỀM TIN)