Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Những Bánh Răng Cuộc Sống

Những Bánh Răng Cuộc Sống

nhungbanhrang

Tôi là phóng viên một tạp chí nhỏ ở địa phương. Một hôm ngồi uống nước vỉa hè, tôi nghe mấy chị buôn ve chai kháo nhau về một ông già kỳ lạ. Ông thường hỏi mua những chiếc đồng hồ hỏng, đem về sửa lại rồi bán rẻ hoặc tặng cho ai cần. Đang lúc bí đề tài, tôi hỏi xin địa chỉ rồi tìm đến nhà ông. Ông mời tôi vào trong, bảo ngồi đợi để ông đi chuẩn bị nước uống. Tôi nhìn quanh phòng: cơ man nào là đồng hồ, đủ hình đủ dạng, nào hình hoa, hình mặt người, hình thú, có cái nguyên lành đang rỉ rả kêu tíc tóc, lại có cái bung-ta-lông chỏng chơ mấy con ốc vít… Tôi tò mò nhấc thử một mặt đồng hồ. Lập tức hai chiếc kim rời ra, rơi xuống đất. Tôi vội vàng nhặt lên, ráp vào như cũ.

-Chị dùng nước đi!

Tôi đặt tấm mặt đồng hồ lên kệ rồi quay về phía ông.

-Cháu cám ơn!

Ông đặt khay nước xuống bàn, cầm lấy một ly, khuấy nhẹ chiếc muỗng.

-Bắt đầu luôn nhé! Tôi muốn kết thúc sớm để sửa cho xong cái đồng hồ đó!

Tôi nhanh nhẩu.

-Bác cứ làm việc đi ạ! Bác vừa làm vừa trả lời cháu cũng được!

Ông lắc đầu.

-À, không được đâu! Mấy thứ máy móc này lủng củng lắm! Tôi lớn tuổi rồi, vừa làm vừa trả lời chị thì một chốc là cái này cái kia lẫn lộn hết thôi!

Tôi mở túi xách, lấy quyển sổ và cây viết.

-Vậy cháu xin hỏi câu đầu tiên! Cháu nghe nói bác từng là viên chức cấp cao phải không ạ?

Ông cười xoà.

-Bình thường thôi! Lúc trước tôi công tác ở Sở quy hoạch đô thị.

Tôi hướng mắt ra xung quanh.

-Chắc hẳn phải có lý do nào đó mà bây giờ hầu như bác chỉ quan tâm tới… đồng hồ?

Gương mặt ông thoáng trầm ngâm.

-Phải! Mỗi lần trông thấy một chiếc đồng hồ, tôi lại nghĩ đến những bánh răng cuộc sống.

Tôi hơi nhíu mày.

-Thưa bác, cháu không hiểu lắm! Những bánh răng cuộc sống là gì ạ?

Ông đứng dậy, bước về phía chiếc kệ đặt lỉnh kỉnh những cơ phận máy móc, vốc một nắm những bánh răng, sắp xếp đại khái cho chúng khớp vào nhau. Xong, ông khẽ xoay một bánh răng. Tức thì các bánh răng khác cái nhanh cái chậm cũng dần dà chuyển động theo. Ông vẫy tôi lại gần.

-Chị xem, cuộc sống của chúng ta giống như một chiếc đồng hồ. Khi những bánh răng cuộc sống hoạt động trơn tru, chúng ta chẳng gặp phải phiền toái gì. Nhưng vì lý do nào đó mà một bánh răng ngừng hoạt động…

Ông khẽ búng ngón tay vào chiếc bánh răng bé nhất trong dãy. Nó văng xuống gầm bàn. Lập tức các bánh răng còn lại lảo đảo rồi ngưng lại. Ông cười nhẹ.

-Lúc ấy cuộc sống của chúng ta ít nhiều gì cũng bị xáo trộn!

Tôi ngập ngừng:

-Thưa bác, chắc là đã có lần bác gặp chuyện như thế?

Ông từ từ gật đầu.

-Lúc ấy tôi tưởng mình không sống nổi nữa kia!

Tôi thấy viền mắt ông thoáng đỏ. Ông kể:

-Cuộc sống của tôi vốn rất bình dị. Hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập không đến nỗi nào. Con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang… Tích cóp suốt mấy chục năm lao động, vợ chồng tôi mua được một miếng đất rất đẹp, định bụng xây một ngôi nhà lớn cho con cháu có chỗ tụ họp thoải mái mỗi lần về chơi với cha mẹ, ông bà. Nhà vừa xây xong, vôi quét tường còn chưa khô hẳn thì vợ chồng cậu em vợ chạy vào xin vay một số tiền lớn. Hai đứa khóc lóc, kể lể làm ăn thua lỗ, phải vay tiền của xã hội đen để trả nợ. Bọn chúng hăm không kịp trả thì cứ chờ mà chết mất xác giữa đường. Tôi hỏi còn căn nhà đâu sao không bán mà trang trải. Hai đứa lấm lét nhìn nhau, bảo căn nhà đó ba năm trước đã đem cầm cố, đến nay vẫn chưa mang giấy tờ về được. Vợ chồng nó lại kéo nhau quỳ rạp xuống, tế bái chúng tôi lia lịa, luôn miệng kêu chúng em đã ngấp nghé miệng vực rồi, sống hay chết chỉ phụ thuộc vào chuyện anh chị có chìa tay ra không thôi. Tôi nghĩ mình biết giúp thế nào đây, vì đã vừa mua đất, xây nhà hết sạch vốn rồi…

Ông không ngờ vợ chồng người em lại đưa ra một đề nghị thái quá. Họ muốn ông đem giấy tờ ngôi nhà mới xây đi thế chấp ngân hàng, vay vốn giúp họ. Họ xin ông đừng lo, chuyến hàng sắp tới rất chắc ăn, không những sẽ hoàn trả nguyên vẹn ngôi nhà cho ông bà mà tiền lời còn dư chuộc cả căn nhà đang cầm cố của họ. Ông bảo dứt khoát không được, ngôi nhà này là mồ hôi nước mắt cả đời vợ chồng ông, rủi có bề gì chẳng lẽ cả nhà phải dắt díu nhau ra gầm cầu hay sao?

-Tuy nói thế nhưng lòng tôi áy náy lắm! _ Ông cười buồn._ Nhiều đêm chợt tỉnh ngủ, không thấy bà xã đâu, lần dò tìm thì thấy bà ấy ngồi im lìm trong phòng khách tối om. Tội nghiệp, dù gì bà ấy cũng là chị! Mà chị cũng như mẹ, nỡ lòng nào vợ chồng con cái mình thì chăn êm nệm ấm, nhà đẹp mới xây, còn thằng em thì khổ sở, sợ hãi chẳng biết sẽ chết lúc nào!

-Thôi đành vậy, mình cầm giấy tờ nhà cho vợ chồng cậu ấy mượn đi! Hai đứa nó đúng là túng ngặt quá nên mới phải cậy đến mình! Nhược bằng ai cũng đầy đủ dư dả hết thì có kẻ nào mà chịu hạ mình đến thế!

Ông nói với bà như vậy. Bà rớm nước mắt, nghẹn ngào “Cảm ơn mình!”

Nhưng chuyến hàng lần đó thất bại. Vợ chồng cậu em giấu nhẹm. Gần đến hạn trả nợ ngân hàng vẫn chẳng thấy mặt mũi họ đâu. Ông sốt ruột tìm khắp nhà người thân hay nơi quen biết. Vừa gặp mặt, ông nóng nảy mắng họ một trận, bảo họ làm sao thì làm, đúng hạn phải chuộc nhà về cho ông. Nào ngờ họ trở mặt, vặn lại ông rằng giấy tờ chính tay ông ký, tiền chính tay ông nhận, sao giờ bắt họ chịu trách nhiệm. Ông ngã ngửa ra, giận sôi gan. Vợ ông tìm họ nói chuyện tình cảm cũng chẳng ăn thua. Cậu con út của ông, trong cơn uất ức bốc đồng, đã cắm lưỡi dao chí mạng vào bụng cậu nó. Người cậu không chết, nhưng đứa cháu phải ngồi tù bảy năm. Vừa vào trại, thằng bé bị bạn tù hành hung dằn mặt, chấn thương nặng dẫn đến hôn mê sâu. Bác sĩ chẩn đoán có thể khó qua khỏi. Vợ ông giận em một mà xót con tới mười, đã ra đi sau cơn suy tim đột ngột. Ông đấm ngực kêu trời, đổ ập như thân cây mục.

-Mình làm quy hoạch cho cả thành phố, thế mà không quy hoạch được chính gia đình mình! Thật là chua chát!

Ông nhướng mắt, cố ghìm cho nước khỏi rớt xuống.

-Không còn nhà để về, vợ mất, con nay mai cũng ra đi, tôi quẫn quá, ngày nào cũng lê la rượu chè, mong đời kết thúc sớm để đi theo vợ con luôn cho rồi!

Tôi không nói gì, chỉ biết im lặng nghe ông độc thoại. Giọng ông xa xăm.

-Bữa đó tôi tới một khúc đường nhỏ. Thú thực là tuy từng công tác ở Sở quy hoạch nhưng tôi không thể nhận ra khúc đường đó thuộc khu vực nào! Tôi thấy một người thợ sửa đồng hồ với cái xe lỉnh kỉnh đồ đạc ngồi dưới tán cây móng bò. Ông ta miệt mài làm việc, dường như chẳng thèm quan tâm gì đến xung quanh. Tôi uể oải ngồi bệt xuống vệ đường. Túi quần cồm cộm. Tôi chợt nhớ có chiếc đồng hồ mình để quên trong đó khá lâu. Tôi lôi ra xem. Không còn chạy nữa! Tôi chán nản quăng nó vào gốc cây móng bò. Tiếng động làm người thợ sửa đồng hồ chú ý. Ông ta nhặt nó lên, đem lại phía tôi.

-Ông làm rơi chiếc đồng hồ.

Tôi thờ ơ:

-Tôi vất đi đấy! Nó hỏng rồi!

Người thợ chăm chú nhìn chiếc đồng hồ. Ông ta khẽ lắc thử rồi gật gù.

-Đúng là nó không chạy được nữa! Thế này nhé! Ông cứ để đồng hồ lại đây, tôi thử sửa xem sao! Biết đâu nó lại chạy được!

Tôi cười gằn:

-Vô ích! Hư hỏng thì thừa thãi rồi! Bỏ đi là tốt nhất!

Người thợ quay lại bàn làm việc. Có vẻ ông ta không muốn tranh cãi với tôi.

Tôi cứ ngồi thừ ở đó. Đường phố vắng ngắt. Lâu lâu mới thấy một chiếc xe vút ngang. Nhưng có một thằng bé, chừng mười bốn mười lăm tuổi, hình như thần kinh không được bình thường, thỉnh thoảng lại tha lôi những mớ củi, mớ gỗ vụn về chỗ gốc cây cạnh xe sửa đồng hồ dạo. Tôi nghe người thợ khen thằng bé ngoan, bảo nó tiếp tục kiếm củi nữa đi, nhớ chỉ được nhặt củi rơi trên đường chứ đừng vào nhà người ta kẻo bị hiểu lầm. Thằng bé vâng dạ rồi chạy mất.

-Nó là con cháu ông à?

Tôi hỏi người thợ.

-Không, nó lang thang._ Người thợ mỉm cười_ Được cái ngoan lắm! Cả ngày chỉ thích lượm củi vụn về tỉ mẩn cột lại thành từng bó.

-Để làm cái gì chứ!

Tôi cười khẩy. Tại sao cuộc sống lại có những kẻ thừa thãi đến thế kia chứ! Tại sao chính quyền địa phương không quy hoạch, thu gom những kẻ như vậy vào một chỗ! Tại sao, tại sao…?

Tôi đem những ẩn ức trong lòng trút hết vào một việc không liên quan rồi rã rời gục xuống. Đêm đến lúc nào tôi cũng chẳng hay. Mãi đến khi mở mắt ngồi dậy, tôi mới thấy nhức đầu kinh khủng. Một người đàn bà bảo tôi.

-Ông chưa khoẻ đâu! Nằm xuống nghỉ đi!

Tôi nhìn quanh, xem thử đây là chỗ nào. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, người đàn bà nói tiếp:

-Ông không nhớ gì thật à! Đêm qua ông nằm dưới gốc cây móng bò rồi bị trúng gió. Không nhờ thằng lang thang đốt lửa cho đỡ lạnh thì ông đã đi thăm ông bà ông vải luôn rồi! Đây là trụ sở uỷ ban xã, ông cứ yên tâm nằm nghỉ, chừng nào khoẻ hãy đi!

Tôi vừa nằm thêm một lát thì hai người công an và mấy người nữa đến tìm. Họ hỏi tôi có phải tên họ như thế này, thế này hay không. Tôi thắc mắc không hiểu chuyện gì. Họ thông báo vừa lần ra một đường dây đánh bạc lậu rất quy mô, số tiền tịch thu được rất lớn. Trong số những người bị bắt có cả cậu em vợ tôi. Cậu ta khai số tiền tham gia đánh bạc là của tôi. Họ đang điều tra xem lời cậu ta nói có phải là sự thật. Hy vọng sau khi làm rõ, có thể trả lại cho tôi phần nào tài sản đã mất.

Họ còn báo thêm cho tôi một tin mừng. Con trai tôi đã có dấu hiệu hồi phục sức khoẻ, được ký lệnh ân xá trước thời hạn và được hưởng chế độ chăm sóc sức khoẻ miễn phí.

Chiều hôm đó tôi quay lại chỗ người thợ sửa đồng hồ dạo. Trông thấy tôi, ông ấy tươi cười giơ cao chiếc đồng hồ.

-Tôi sửa suốt đêm qua ông ạ! Nó chỉ bị mòn một bánh răng nhỏ, thay cái mới vào là xong!

Tôi xin gửi tiền công nhưng người thợ không nhận. Tôi lại hỏi sao không thấy thằng bé lang thang. Người thợ bảo nó vừa chạy loanh quanh đâu đó. Tôi ngồi chờ khá lâu vẫn không thấy nó quay lại, đành phải đi vì còn quá nhiều chuyện riêng cần giải quyết.

Trên đường về và cả sau này nữa, tôi cứ nghĩ mãi về thằng bé lang thang. Tôi từng xem nó là thứ thừa thãi của xã hội, nhưng đêm đó, nếu không có nó, không có những bó củi vụn bị tôi coi là thừa thãi đó, liệu tôi có còn sống đến hôm nay để gầy dựng lại cuộc sống đã mất của mình không? Tôi bất giác nghĩ đến người sửa đồng hồ dạo. Ông ấy bảo chiếc đồng hồ của tôi bị mòn một bánh răng nhỏ, chỉ cần thay cái mới là được. Tôi nghĩ có khi nào thằng bé lang thang đó chính là cái bánh răng mà Thượng Đế đã lắp vào cuộc sống của tôi.

Kết thúc câu chuyện ông đã nói gì nhỉ: thằng bé lang thang chính là chiếc bánh răng mà Thượng Đế đã lắp vào cuộc đời ông. Tôi chợt nhớ hình như có lần Thượng Đế cũng lắp vào đời mình một bánh răng như vậy. Chiếc bánh răng rất nhỏ mà nếu không để ý sẽ chẳng nhận ra. Một lần ba mẹ bận việc đi vắng, gửi chìa khoá cho hàng xóm, dặn tôi đi về thì lấy mà mở cửa vào nhà. Tôi lục đục suốt cả buổi, mãi không mở được. Vừa nắng vừa khát nước, lại thêm một thằng bé bán vé số chào mời mua giúp. Tôi bực mình bảo không. Ai dè nó không đi mà hỏi lại tôi đang làm gì vậy. Tôi gắt gỏng rằng không thấy đang mở cửa sao mà hỏi. Nó cười tôi làm sai rồi, để nó giúp cho. Tôi dằn chiếc chìa khoá vào tay nó, thầm nghĩ khoá nhà người ta, người ta còn không mở được, nó tưởng nó là ai! Không dè chỉ click một tiếng, cánh cửa nhà tôi đã bật ra. Tôi quay lại thì không còn thấy thằng bé đâu nữa.

Tôi gấp quyển sổ cùng với bút, bỏ vào túi xách.

-Cháu cám ơn câu chuyện ý nghĩa của bác! Xin phép bác cháu về ạ!

Ông vui vẻ tiễn tôi rồi tiếp tục ngồi vào bàn, loay hoay với những chiếc đồng hồ hỏng. Tôi đứng nhìn ông thêm một lúc rồi mới đi. Lòng lâng lâng, tôi đang nghĩ sẽ tìm một tiêu đề thật ý nghĩa cho câu chuyện của ông, câu chuyện cả một đời người được gói gọn trong triết lý của một chiếc đồng hồ, câu chuyện có tên “Những bánh răng cuộc sống”.

                                                                               DƯƠNG CẦM

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn