Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Giê-su Cũng Chỉ Là Một Vĩ Nhân?

Giê-su Cũng Chỉ Là Một Vĩ Nhân?

Giê-su Cũng Chỉ Là Một Vĩ Nhân?
bien

Thế hệ của chúng ta là thế hệ của sự tìm tòi. Chúng ta không cho bất cứ điều gì là tuyệt đối, và nếu có một quan niệm nào đó đã cũ thì rất có thể nó sẽ không còn đúng nữa! Chúng ta muốn điều đúng đắn trong hiện tại, thích hợp với hiện tại. Những giáo lý cũ xưa của Giáo Hội như vấn đề Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét với thần tánh không còn làm chúng ta cảm thấy rạo rực nữa. Tuy nhiên chúng ta vẫn rất quan tâm đến Đức Chúa Giê-su. Những cuốn sách về Ngài vẫn tiếp tục được phát hành cách ồ ạt bất chấp giá giấy mực tăng cao. Các bản nhạc Rock Opera như Jesus Christ Superstar (Giê-su Christ Siêu Sao) và Godspell (Tin Lành) được xếp hạng cao nhất thế giới. Hiển nhiên Đức Chúa Giê-su đã không đánh mất sự thu hút của Ngài.
Khi hỏi tại sao dòng nhạc tôn giáo lại thịnh hành đến như vậy, nó nói gì về thế hệ của chúng ta? Diễn viên David Essex đóng vai Đức Chúa Giê-su trong vở Godspell đã trả lời: “Tôi nghĩ là có. Chúng ta đều trải qua một thời kỳ cố gắng tìm kiếm một trải nghiệm nào đó hoàn toàn mới lạ. Rất nhiều người lao đầu vào ma túy, nhiều người khác thì chọn các tôn giáo ở Phương Đông. Nhưng rồi nhận thấy những điều đó không đáp ứng nhu cầu của mình, chúng ta lại quay trở về với Cơ Đốc Giáo, nhưng theo một cách mới hơn. Chúng ta xem Đức Chúa Giê-su là một con người khác. Nếu bạn muốn, bạn có thể xem Chúa Giê-su như một nhân vật giống như Che Guevara (nhà cách mạng Mác-xít nổi tiếng của Argentina), nhưng không theo xu hướng chính trị.”
Tôi thấy điều này rất có ích. Trong bất kỳ khía cạnh nào, Đức Chúa Giê-su cũng đều là một vĩ nhân, một người nhân đức, một thầy giáo vĩ đại, một người tận tụy cách anh dũng. Nhưng những nhân vật nổi tiếng khác cũng giống như vậy. Khi nói “một con người khác” David Essex muốn đề cập đến những phẩm chất đặc biệt của Đức Chúa Giê-su. Hãy cùng tôi quay về với Kinh Thánh Tân Ước để nhìn thấy sự khác biệt đó và suy nghĩ xem liệu đáp án dễ dãi: “Đức Chúa Giê-su cũng chỉ là một vĩ nhân” có thuyết phục hay không.

Ngài có nhân cách khác biệt.
Nhân cách của Ngài khác biệt với bất kỳ con người nào từng sống trên đất. Nhân cách ấy đã ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế giới trong hai ngàn năm qua kể từ khi Ngài bước đi trên con đường hẹp Na-xa-rét. Để kiểm chứng cho điều này, Mohammed và cả triết gia Socrates đều có những ảnh hưởng sâu đậm. Nhưng không ai sánh được với Đức Chúa Giê-su. Suốt hai thế kỷ qua Ngài đã giành được tình yêu, khối óc và lòng trung thành của tất cả mọi người, từ tá điền đến vua chúa, từ người khôn ngoan đến người thất học. Dù là bộ tộc Naga ở miền quê Ấn Độ, hay những người Masai hiếu chiến ở Kenya, những người da trắng và da đen ở Nam Phi và Hoa Kỳ, những người ở Fiji, Phần Lan, Singapore và Sebastapol, tất cả đều không có sự khác biệt. Cơ Đốc nhân có ở tất cả mọi nơi. Bất cứ nơi đâu sứ điệp của nhân vật Giê-su này được công bố đều có những con người mang những sắc tộc, văn hóa, bối cảnh sống và trí tuệ khác nhau đã từ bỏ con đường của họ để đi theo Ngài. Cũng có sự chống đối, thường là sự bắt bớ, kéo theo sự hy sinh và bị tẩy chay. Nhưng điều đó không ngăn người ta ngừng chống lại sự thu hút của Đức Chúa Giê-su.
Có lẽ bạn sẽ nói Lê-nin hoặc Mao Trạch Đông cũng có những đặc điểm trên. Hoặc ít nhất thì họ cũng gần như vậy. Những nhà lãnh đạo này có một số lượng rất đông người ủng hộ ở một nơi nào đó trên trái đất. Những người đi theo họ thường được giàu có, mức sống cao và đạt được mục đích mà họ mong muốn. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo này chỉ thu hút một bộ phận dân chúng: Mao Trạch Đông đem lại hy vọng cho tầng lớp lao động bị áp bức, song ông không đem lại điều gì hơn ngoài sự sụp đổ của giai cấp tư sản. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su đem lại hy vọng, công lý và tình yêu cho người nghèo, và Ngài cũng tìm đến với người giàu cùng người thất bại. Ngài thay đổi những con người ấy nhưng không đe dọa hay buộc họ phải chống đối lại tầng lớp của mình.
Hơn thế nữa, triết lý của Lê-nin hay Mao Trạch Đông cũng gặp nhiều sự đố kỵ và thù địch. Có rất nhiều điều sai trật trong việc đeo đuổi lý tưởng của họ, và đó là một sự thờ ơ đáng sợ đối với chân lý. Tìm đâu trong cả dòng lịch sử nhân loại một nhân vật có tầm ảnh hưởng và thu hút mọi người thuộc mọi thế hệ, mọi tầng lớp để biến đổi họ trở nên tốt hơn? Không ai ngoài Đức Chúa Giê-su. Một cuộc đời độc nhất, không có cuộc đời nào giống như vậy. Bạn có biết luận đề “One Solitary Life” (Cuộc Đời Độc Nhất) của một tác giả vô danh không? Sau đây là nội dung của nó:
Ngài sanh ra trong một ngôi làng tăm tối, là con của một nữ nông dân.
Ngài lớn lên trong một ngôi làng khác, tại đó Ngài làm việc trong một xưởng mộc cho đến khi Ngài ba mươi tuổi. Sau đó trong ba năm Ngài là nhà thuyết giáo lưu động.
Ngài chưa từng viết sách. Ngài chưa từng mở một văn phòng. Ngài chưa từng lập gia đình hay sở hữu một căn nhà. Ngài không được vào đại học. Ngài chưa từng đến một thành phố lớn. Ngài chưa từng đi xa hơn hai trăm kilomet khỏi nơi Ngài sanh ra. Ngài không làm một điều gì để người khác cho là vĩ đại.
Ngài không có bằng cấp hay giấy tờ chứng minh nào ngoài chính bản thân mình.
Khi chỉ mới ba mươi ba tuổi, công chúng bắt đầu chống đối Ngài. Bạn bè Ngài tháo chạy. Ngài bị nộp cho kẻ thù và chịu đựng sự phỉ báng của phiên tòa. Ngài bị treo trên thập tự giá giữa hai tên trộm. Khi Ngài dần chết đi, những kẻ hành quyết bắt thăm trang phục của Ngài – đó tài sản duy nhất Ngài có khi ở trên đất. Khi chết đi Ngài được chôn trong ngôi mộ cho mượn lại do lòng thương hại của một người bạn.
Thế kỷ mười chín đến rồi đi, ngày nay Ngài là nhân vật trung tâm của nhân loại, là lãnh đạo cho sự tiến bộ của con người. Dù lấy tất cả quân đội từng hành quân, tất cả tàu chiến của hải quân từng ra khơi, tất cả quốc hội từng ngồi lại, tất cả các vua từng thống trị, cũng không tác động đến trái đất này nhiều như cuộc đời độc nhất ấy.
Nếu Đức Chúa Giê-su chỉ là một người tốt thì tôi tự hỏi rằng điều gì khiến cuộc sống của Ngài khác biệt đến như vậy? David Essex gọi Ngài “giống như Che Guevara nhưng không có xu hướng chính trị.” Che là một nhân vật có nét tương đồng rất lớn… nhưng cũng có nhiều nét tương phản. Là con của một gia đình giàu có, Che là ông chủ ngân hàng có trình độ học vấn cao và cũng là một bác sĩ. Ông đã bỏ tất cả vì ích lợi của những người nghèo khó ở Bolivia. Giống như Đức Chúa Giê-su: “Mặc dù Che rất giàu có, nhưng vì các bạn ông đã trở nên nghèo…” Giống như Đức Chúa Giê-su, Che dẫn đầu một phong trào chống đối triệt để chế độ thối nát lúc bấy giờ. Giống như Đức Chúa Giê-su, ông bị phản bội và bị giết. Giống như Đức Chúa Giê-su, Che nhận được sự thán phục và cống hiến từ đông đảo những người theo ông trên toàn thế giới. Nhưng những điều giống nhau chỉ dừng lại ở đó.
Không như Che, Đức Chúa Giê-su không giảng dạy và thực hành sự thù địch và bạo lực chống lại kẻ thù. Ngược lại, Ngài dạy và bày tỏ tình yêu thương. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không lập ra quân đội. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không bị lừa gạt dẫn đến cái chết. Ngài đi đến cái chết bằng sự lựa chọn tự nguyện cao cả. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không chết vĩnh viễn, ra đi mà không để lại gì ngoài những kỷ niệm và lý tưởng làm vui lòng những ai theo ông. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã sống lại, chúng ta sẽ bàn đến trong chương 9. Và điều quan trọng đó là Cơ Đốc nhân tại Bolivia đã có một cuộc phấn hưng trong những năm gần đây, hơn 60.000 người quyết định từ bỏ bóng tối để bước ra thực tại, từ Che Guevara đến Đấng Christ. Bạn thấy đấy, trong Đức Chúa Giê-su có sự khác biệt rõ ràng.

Ngài dạy điều khác biệt.
Chưa ai từng dạy đạo lý giống như Ngài. Đó là kết luận của những người lính đến bắt Đức Chúa Giê-su. Người Pha-ri-si hỏi những người lính này tại sao họ không tuân lệnh, họ đã trả lời rằng: “Chẳng hề có ai đã nói như người này” (Giăng 7:46). Giăng, nhà truyền giáo đầu tiên đã nói: “Đức Chúa Giê-su đã dạy dỗ như một người có thẩm quyền, không như những người thầy đương thời.” Họ có thể xây dựng quan điểm của mình dựa trên vô vàn những kiến thức có từ trước – họ chỉ giống như những chú thích ở cuối trang trong các cuốn sách học thuật hiện đại về Đức Chúa Trời. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su bắt đầu lời dạy của Ngài bằng một công thức rất khác biệt, một công thức mà không nền văn học nào có: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi.” “Ta” ở đây là ai mà phán với đầy thẩm quyền như vậy? Người này là ai mà nói nhiều về Vương Quốc Đức Chúa Trời đến như vậy? Và người này là ai mà có thể điềm tĩnh tuyên bố rằng Ngài đến để đem vương quốc ấy đến? “Luật pháp và các lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi,” Ngài từng phán như vậy. “Từ đó tin lành của nước Đức Chúa Trời được truyền ra.” Nói cách khác, người đi trước Ngài, Giăng Báp-tít, đánh dấu kết thúc của thời đại cũ: Đức Chúa Giê-su là khởi đầu cho thời đại mới.
Điều này giải thích cho tính khẩn cấp trong những ví dụ nổi bật của Ngài. Người nông dân sau khi gieo lúa và chăm sóc cho cánh đồng thì giờ đây anh phải thu hoạch mùa vụ: nếu anh để cho mùa thu hoạch trôi qua, anh sẽ đánh mất nông sản của mình. Người đam mê ngọc trai tìm được viên ngọc quý nhất mà anh từng nhìn thấy, hoặc người cuốc đất vô tình tìm được túi báu vật được chôn giấu trong cánh đồng – cả hai đã không để một giờ nào trôi qua: họ phải giành lấy nó dù họ có phải đánh cược cả gia tài của mình. Một ông chủ hào phóng đã mở rộng bữa tiệc cho tất cả mọi người; từ chối lời mời có thể là một thảm họa – nó có nghĩa là bạn bị đuổi ra khỏi bữa tiệc. Chắc chắn cả khu vực đều mong mỏi những lời giảng dạy giống như vậy. Chưa từng có điều gì trong lịch sử tôn giáo thế giới sánh bằng lời dạy của Ngài.
Bạn chỉ tìm được thông điệp trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su bằng cách đối chiếu với Kinh Thánh Cựu Ước. Tôi không lầm đâu. Đức Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh Cựu Ước như Kinh Thánh của chính Ngài. Đức Chúa Giê-su tin rằng Kinh Thánh Cựu Ước được Đức Chúa Trời hà hơi và vì thế nó dứt khoát dành cho Ngài và những ai nghe Ngài. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su vẫn có thể nêu ra những điểm đối lập với Kinh Thánh Cựu Ước. Điều đó không có nghĩa là đen chống lại trắng, nhưng là sự hoàn thành đối với lời hứa. “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm trọn,” Đức Chúa Giê-su phán lời này trong Ma-thi-ơ 5:17. Ngài tiếp tục bày tỏ điều Ngài muốn nói: “Sự công bình của các ngươi phải trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo,” Đức Chúa Giê-su giải thích rằng nhiều người sùng đạo bày tỏ sự thành kính của họ để gây ấn tượng với người khác; họ bố thí để được người khác tán thưởng; và họ cầu nguyện để cho người khác thấy. Tuy nhiên lời cầu nguyện âm thầm, lòng hào phóng không ai biết đến, tấm lòng thành khẩn không phô trương là mệnh lệnh cho những người theo Chúa Giê-su.
Khi đề cập đến vấn đề giết người. “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: ‘Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán.’ Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán” (Ma-thi-ơ 5:21). Đức Chúa Giê-su không bác bỏ luật pháp Cựu Ước về tội ngộ sát. Ngài chỉ làm trọn ý định đằng sau luật pháp ấy qua việc bày tỏ rằng Đức Chúa Trời ghét bỏ ý nghĩ xấu xa trong cơn giận không được kiểm soát nhiều như hành động cay đắng giết người. Một lần nữa, Ngài dùng câu phương châm nổi tiếng trong Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” và thêm rằng “song ta bảo các ngươi, ‘Đừng chống cự kẻ dữ’” (Ma-thi-ơ 5:38). Có phải Ngài phản đối nguyên tắc trong Cựu Ước? Không một chút nào. Ngài hiểu được nguyên tắc đằng sau những luật lệ đó (để hạn chế sự báo thù cho hành động sai) và làm trọn nguyên tắc ấy bằng tình yêu xóa tan thù hận.
Vấn đề tình yêu rất khó để làm trọn, thậm chí đối với những người bạn thương yêu. Cho nên Cựu Ước viết: “Ngươi phải yêu người lân cận mình,” và những người sao chép Kinh Thánh đã hăng hái thêm vào Cựu Ước: “ghét kẻ thù nghịch mình!” Đối với vấn đề này, Đức Chúa Giê-su đem lại một đạo lý mà không ai mơ tưởng đến được, một điều mới chưa từng có trong lịch sử, một đạo đức khó nhất và mạnh mẽ nhất trong thế giới ngày hôm nay: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, như Cha các ngươi trên trời đã làm” (Ma-thi-ơ 5:43).
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, xin hãy tìm Bài Giảng Trên Núi trong Ma-thi-ơ 5:7. Nhưng vấn đề đã được làm rõ: dù Đức Chúa Giê-su dạy dỗ dựa trên sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, nhưng Ngài dạy về sự làm trọn những điều đã được báo trước, là điều hoàn toàn mới, hoàn toàn dễ hiểu, rất sâu sắc và có liên hệ đến ngày hôm nay như vốn có từ buổi ban đầu.
Bây giờ tôi xin hỏi bạn: Điều nào trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su không phải là chân lý? Bạn có thể tìm thấy điều nào là sai? Tại sao suốt nhiều thế kỷ qua, không một tiến bộ về đạo đức hay triết lý về cách hành xử giữa con người với nhau thể hiện sự tiến bộ hơn so với Con Người ở Na-xa-rét này? Đạo lý tuyệt vời của Con Người này từ đâu mà có? Ngài có câu trả lời: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.” (Giăng 7:16). Ngài nói liệu có đúng không? Có phải Ngài đến từ Đức Chúa Trời? Phải chăng đây là câu trả lời khẳng định dứt khoát cho thẩm quyền, sự giản dị, sự sâu sắc và sự thu hút của Ngài trên toàn thế giới? Nếu bạn đáp: “Dĩ nhiên là không, Ngài chỉ là một người thầy rất ấn tượng mà thôi,” Khi ấy tôi xin hỏi bạn một vài câu.
Tại sao những người đương thời và những thế hệ tiếp theo sau ấn tượng về Đức Chúa Giê-su một cách hoàn toàn khác với những người thầy khác? Làm sao điều đó có thể khi Ngài chưa từng học đại học? Làm sao đạo lý của Ngài có thể phù hợp cho mọi người ở khắp nơi, không giống những người thầy vĩ đại khác như Socrates và Mohammed? Tại sao kể từ sau lời dạy của Ngài, không ai còn bịa ra những tiến bộ đạo đức vớ vẩn nữa? Điều gì trong tính di truyền hay môi trường sống có thể giải thích cho người thầy vĩ đại này và cũng giải thích cho sự thật đáng chú ý đó là chưa từng có ai vĩ đại hơn Ngài? Vâng, người thầy này có một điều gì đó khác biệt. Có lẽ sẽ không quá lạ khi Đức Chúa Giê-su đổi câu cổ ngữ Do Thái: “Khi đôi ba người chăm lo về Luật Pháp Chúa, vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng họ” và thay thế bằng câu: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20). Có lẽ Ngài đã là một người khác biệt.

book-shelves-book-stack-bookcase-207662-e1523046910340

Ngài xử sự một cách khác biệt.
Nhiều lần Đức Chúa Giê-su nói với những người hoài nghi rằng họ không nên tin Ngài nếu như chưa nhìn thấy việc làm của Ngài. Ngài thường nói với họ: hành động của Ngài phải đúng với lời Ngài phán. Và thật vậy. Hoàn toàn đúng như thế. Cao cả thay là người đã kể về câu chuyện kẻ chăn chiên kiên trì đi tìm con chiên lạc mất vào ban đêm bất chấp mọi nguy hiểm. Nhưng vĩ đại thay là người đã sống và bày tỏ điều ấy: đó là tình yêu thương đối với Si-môn Phi-e-rơ thậm chí khi ông chối không biết Đức Chúa Giê-su và rời bỏ Ngài trong lúc cần thiết nhất. Thật tuyệt vời khi qua lời dạy của Đức Chúa Giê-su, chúng ta biết về tình yêu thương của Đức Chúa Cha là dành cho tất cả mọi người cho dù họ không xứng đáng; giống như mưa và nắng, tình yêu thương đó dành cho tất cả mọi người. Tình yêu thương đó còn vĩ đại hơn khi trong bữa tiệc bạn quyết định nhường chỗ yêu thích cho người mà bạn biết sắp phản bội mình, và rồi hôn người ấy trên đôi má khi người ấy hôn bạn! Lời dạy: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn” không khác với đời sống hạnh phúc trong cảnh nghèo khó, như Đức Chúa Giê-su đã từng sống. Lời dạy: “Hãy chúc phước cho kẻ thù nghịch” không khác với lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ” khi những tên lính bạo tàn treo thân thể đầy máu của Ngài trên cây thập tự. Đó là cách Đức Chúa Giê-su xử sự. Việc làm của Chúa hoàn toàn đúng với lời Ngài đã dạy.
Đó là điều mà chưa từng có ai làm được. Socrates, Plato, Môi-se, Khổng Tử, và trong thời hiện đại có Martin Luther King, Giáo Hoàng Giăng, hay Billy Graham, tất cả đều dạy những điều thật tuyệt vời và người ta bám vào từng lời dạy của họ. Dẫu vậy không ai trong số những vĩ nhân ấy thực sự thành công trong việc thực hành tất cả những gì họ dạy. Tất cả đều ý thức sự thất bại của mình. Thật vậy, ý thức về sự thất bại là một trong số những dấu hiệu chắc chắn nhất của một vĩ nhân – nhận biết mục tiêu vượt quá tầm với của mình, mục tiêu nằm xa hơn những gì có thể đạt được. Và một người càng vĩ đại thì họ càng khiêm nhường. Hãy nói với một người nào đó thật sự vĩ đại, người ấy sẽ cho bạn biết họ xấu hổ về những thất bại hay lỗi lầm của mình đến dường nào. Những thánh nhân nổi tiếng nhất luôn luôn là những người ý thức rõ rang về lỗi lầm của mình nhất.
Nhưng Đức Chúa Giê-su thì khác. Ngài dạy về những chuẩn mực cao nhất so với bất kỳ người thầy nào từng dạy, và Ngài làm theo những điều ấy. Ngài thật sự đã làm trọn những đạo lý đó. Tất cả mọi người biết Đức Chúa Giê-su đều khẳng định như thế. Điều bất ngờ là sự chống đối nhằm vào Đức Chúa Giê-su là vì sự vô tội của Ngài. Trong phiên tòa trước Phi-lát, ba lần vị thống đốc này tuyên bố Ngài vô tội. Vợ của Phi-lát cũng đã gửi một thông điệp vào phiên tòa với nội dung tương tự. Các lãnh đạo Do Thái không thể tìm một chứng cớ nào để kiện cáo Đức Chúa Giê-su. Và cuối cùng họ đã dồn Ngài đến con đường tự nhận Ngài là Đấng Mê-si-a để có thể kết án Ngài. Thậm chí tên phản bội Giu-đa cũng thừa nhận ông đã phản bội huyết vô tội. Hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Đức Chúa Giê-su cũng nhận ra rằng Ngài không làm việc gì sai cả. Những tên lính đóng đinh Đức Chúa Giê-su cũng đã tuyên bố: “Người này vô tội.” Đó là những lời chứng rất hùng hồn từ phe đối lập. Đức Chúa Giê-su là một người khác biệt.
Có lẽ ấn tượng mạnh mẽ hơn đó là lời chứng từ những người bạn của Đức Chúa Giê-su. Khi càng biết rõ về một người, chúng ta càng ít có khuynh hướng chắc chắn về bất kỳ tuyên bố phóng đại nào đối với người đó bởi vì chúng ta biết người đó quá rõ. Nhưng trường hợp của Đức Chúa Giê-su thì khác. Sứ đồ Giăng rất thân thiết với Đức Chúa Giê-su. Song ông có thể gọi Đức Chúa Giê-su là: “Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người,” và khẳng định: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình… nhưng trong Ngài không có tội lỗi.” Sứ đồ Phi-e-rơ gọi Đức Chúa Giê-su là “Đấng công bình” đối lập với chúng ta là “kẻ không công bình.” Thật vậy, phẩm chất đời sống của Đức Chúa Giê-su cao đến nỗi có một lần sứ đồ Phi-e-rơ đã quỳ dưới chân Chúa và xin Ngài bước ra xa khỏi một một người tội lỗi như ông. Sứ đồ Phao-lô gọi Đức Chúa Giê-su là Đấng vô tội; trước giả sách Hê-bơ-rơ thì nói về Ngài là Đấng mà chúng ta cần: “thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội.” Nói tóm lại, những trước giả sách Tân Ước quen thân hoặc biết rõ về Đức Chúa Giê-su đều thống nhất ở một điểm: đời sống của Ngài là hoàn hảo. Ngài như một phép màu về đạo đức. Đời sống của Ngài khác biệt với những con người khác, và làm phô bày sự yếu đuối của họ.
Đây chính là điều Đức Chúa Giê-su muốn bày tỏ qua hành động của Ngài. Chúng ta không bao giờ thấy Ngài phải xin lỗi điều gì. Chúng ta không bao giờ thấy Ngài thừa nhận đã làm sai một điều gì. Và Ngài cũng chính là người gay gắt lên án những người đạo đức giả! Có nhiều lúc chúng ta tìm hiểu sâu vào lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su; tuy nhiên không bao giờ những lời cầu nguyện của Chúa mâu thuẫn với nhận thức về tình trạng tội lỗi. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha sự vi phạm của chúng con,” nhưng đặc biệt Ngài không cần phải cầu nguyện như thế. Thật thú vị. Thật đặc biệt. Đây là một người có mức độ sáng suốt thuộc linh cao nhất, người có thể nói cùng Đức Chúa Cha rằng: “ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8: 29). Ngài là Đấng có thể khiến đám đông trở nên giận dữ vì tuyên bố rằng Ngài là Đấng ở cùng Đức Chúa Trời và hỏi họ với sự vô tội như một trẻ thơ: “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?” (Giăng 8:46). Trong hai điều, tôi không biết điều nào nổi bật hơn: rằng Ngài có thể hỏi câu hỏi trên, hay Ngài không bị đám đông bắt tội!
Dù bạn nhìn theo cách nào thì đời sống đó vẫn là độc nhất. Trong số những người được liệt vào sử sách thì chỉ một mình Đức Chúa Giê-su đã đến với chúng ta như một tờ giấy trắng. Không gì có thể bôi nhọ được Chúa. Ngài không phạm phải một lỗi lầm nào. Có ai đã từng sống như vậy? Dù chỉ là một ngày? Vậy kết luận dễ dãi: “Đức Chúa Giê-su chỉ là một người thầy tốt” có đúng không? Không phải đó là một giả định nông cạn về một cuộc sống khác biệt đến kinh ngạc sao?
Ngài có năng lực khác biệt.
Bạn không thể tách rời Đức Chúa Giê-su với những phép lạ được. Những học giả trong suốt thế kỷ qua đã cố gắng vô tận để tìm kiếm một Đức Chúa Giê-su không có phép lạ. Cuối cùng họ phải thừa nhận sai lầm. Bởi vì mỗi một bằng chứng về Đức Chúa Giê-su cho thấy Ngài khác biệt với những con người khác: Đức Chúa Trời hành động qua Đức Chúa Giê-su theo cách mà chúng ta không thể nào hiểu được nếu cho rằng Ngài chỉ là một vĩ nhân. Những phép lạ bắt đầu từ khi Ngài sanh ra: theo sứ đồ Mác, Ngài là Con Trời; theo sứ đồ Giăng, Ngài là Lời của Đức Chúa Trời và là Đấng tạo hóa; và theo sứ đồ Giăng thì Ngài mang đầy đủ bản tánh của Đức Chúa Trời ba ngôi (tuy nhiên Ngài được “sinh ra từ người nữ”); theo sách Ma-thi-ơ và Lu-ca, Ngài là Đấng được sanh ra mà không phải từ một người cha trên đất. Các phép lạ tiếp tục khi Ngài thi hành chức vụ: phép lạ chữa lành, đuổi quỷ, phép lạ trên thiên nhiên (như việc hóa bánh cho đoàn dân đông và bước đi trên mặt biển), và phép lạ đáng kinh ngạc khiến La-xa-rơ sống lại, con trai của người đàn bà goá ở thành Na-in, và con gái Giai-ru. Cuối cùng, phép lạ lớn nhất đó là sự phục sinh của Ngài từ phần mộ – không phải là kéo dài cuộc sống nhưng là một cuộc sống mới mà người chết không hề có được.
Đó là lời chứng của Tân Ước: một con người Giê-su khác biệt, bởi năng quyền của Ngài. Trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, ba sách Phúc Âm đầu tiên gọi những phép lạ này là “hành động năng quyền” (Acts of power). Nhưng Phúc Âm Giăng dùng từ “dấu hiệu” (Signs) để bày tỏ ý nghĩa thực sự của những phép lạ. Những dấu hiệu bày tỏ Đức Chúa Giê-su là ai. Những dấu hiệu bày tỏ Ngài có thể làm gì cho con người. Đấng có thể cung cấp thức ăn cho đoàn dân đông cũng có thể làm điều tương tự cho linh hồn khao khát. Đấng đã mở mắt cho người mù cũng có thể làm điều tương tự cho người bị mù lòa bởi kiêu hãnh và đố kỵ. Đấng khiến người chết sống lại có thể đem lại cuộc sống mới cho những ai chết về mặt tâm linh lẫn đạo đức. Những phép lạ không bao giờ xảy ra vì mong muốn ích kỷ hoặc để phô trương. Nó được thực hiện bởi lòng thương cảm của Đức Chúa Giê-su dành cho con người. Những phép lạ ấy nhằm chứng tỏ vương quốc của Đấng Mê-si-a mà người ta hằng chờ đợi đã bắt đầu, và cũng chứng tỏ rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng giải phóng cho con người bị bất kỳ xiềng xích nào trói buộc.
Ngày nay mọi người sẽ cười nhạo khi ai đó tin vào phép lạ. Những chuyện như vậy không thể nào xảy ra. Nhưng tại sao không? Quy luật tự nhiên không cấm các phép lạ! “Quy luật tự nhiên” là cái tên đơn giản mà chúng ta đặt ra cho một chuỗi những hiện tượng giống nhau có thể quan sát được; là cách mà những sự vật hiện tượng xảy ra. Nhưng nếu một trường hợp ngược lại được chứng thực rõ ràng, nhà khoa học sẽ mở rộng định nghĩa “quy luật” đó để nó bao hàm những hiện tượng giống nhau và ngoại lệ của quy luật. Trong trường hợp Đức Chúa Giê-su, có rất nhiều bằng chứng mạnh mẽ khẳng định rằng Ngài là trường hợp ngoại lệ của quy luật. Nếu cho rằng Ngài chỉ là một vĩ nhân thì những bằng chứng về Ngài thật là lạ và có lẽ là vô nghĩa. Nếu Ngài thật sự khác biệt, nếu Ngài thật sự là Đức Chúa Trời đến trong thân xác con người giới hạn để bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta được thấy – vậy thì có lẽ thật lạ thường hoặc thật vô nghĩa nếu Ngài không thực hiện phép lạ.
Bằng chứng cho mọi sự kiện của Đức Chúa Giê-su là quá rõ ràng, không chỉ có trong các trang Kinh Thánh Tân Ước nhưng bạn còn có thể tìm thấy trong các trang sách của Quadratus, một nhà biện giáo sớm nhất của Cơ Đốc Giáo:
Công việc của Đấng Cứu Chuộc chúng ta vẫn luôn hiện hữu (bởi vì chúng đều là thật): cụ thể là những người đã được chữa lành, những người đã sống lại từ cõi chết. Họ không chỉ được người ta thấy mình đã được chữa lành, được vực dậy từ cõi chết, nhưng họ vẫn còn tại đây. Và không chỉ đơn thuần là khi Đấng Cứu Chuộc còn tại thế, nhưng cả đến sau khi Ngài thăng thiên nữa. Họ tiếp tục sống trong một thời gian dài, đủ lâu để một vài người trong số họ vẫn còn sống với chúng ta ngày hôm nay.
Tôi cảm thấy rất thích thú với việc phân đoạn duy nhất còn tồn tại của Quadratus thành một văn bản giá trị để đưa ra những hàm ý và thành lập lẽ thật về các phép lạ. Nó bày tỏ những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã tự tin xem những phép lạ của Đức Chúa Giê-su như là bằng chứng cho thấy Ngài hơn cả một người bình thường, Ngài khác biệt.
Ngoài ra cũng có những bằng chứng về phép lạ của Ngài từ các nguồn khác của người Do Thái và La Mã. Justin Martyr đã viết trong bài Biện Giáo (Apology) của mình khoảng năm 150 sau Công nguyên với lòng tin quyết rằng: “Những phép lạ Ngài làm cũng dễ khiến bạn bị thuyết phục sau hành động của Bôn-xơ Phi-lát.” Đối với người Do Thái cũng vậy. Các sách Phúc Âm thuật lại người Do Thái không thể nào chối bỏ những phép lạ của Đức Chúa Giê-su, họ chỉ còn một cách đó là quy những phép lạ trở thành công việc của ma quỷ. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta thấy những người Do Thái dùng tên Giê-su như là một câu thần chú hiệu nghiệm để đuổi quỷ. Về sau những trường hợp này nhiều đến mức những tác giả trong cuốn Mishnah (Bộ Luật Do Thái) phải cấm người Do Thái đuổi quỷ trong danh Đức Chúa Giê-su! Và Luận Văn Sanhedrin viết rằng Đức Chúa Giê-su “bị đóng đinh trên cây gỗ vào chiều ngày Lễ Vượt Qua bởi vì Ngài dùng ma thuật và dẫn dân Do Thái đi sai lạc” – đây là một văn bản nói rõ đến những phép lạ của Chúa.
Rõ ràng, con người này khác biệt.
Ngài làm trọn Kinh Thánh một cách khác biệt.
Ngài khác biệt một cách dễ thấy. Sự khác biệt của Ngài thu hút những môn đồ đầu tiên ngay trước mắt họ. Khác biệt đến nỗi họ đã viết lại như thế này: “Để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri Ê-sai…” Đây là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong Tân Ước. Đây là một điều rất đáng chú ý. Những người Do Thái đầu tiên trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su đều là những người hết mực tôn kính Kinh Thánh Cựu Ước. Song hiển nhiên có những khía cạnh trong Kinh Thánh Cựu Ước không trọn vẹn đối với họ. Chẳng hạn như những câu Kinh Thánh nói về một ngày khi Đức Chúa Trời phán xét thế giới, hay những câu Kinh Thánh nói về dòng dõi vua Đa-vít sẽ cai trị đời đời. Những câu Kinh Thánh nói rằng tất cả mọi người đều được hưởng phước từ Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin, người đã khởi nguồn đất nước Israel. Hay những phân đoạn nói về Con Người đến với Đức Chúa Trời và nhận lãnh vương quốc không bao giờ bị hủy diệt, cùng với năng quyền, vinh hiển và sự phán xét. Những câu Kinh Thánh nói về một tiên tri giống như Môi-se, nổi lên từ giữa con người, dạy những điều chưa từng có. Những đoạn Kinh Thánh đó nói về một Đầy Tớ của Chúa chịu đau khổ tột cùng và cuối cùng chịu lấy cái chết để cất tội lỗi thế gian đi. Những đoạn Kinh Thánh nói về Con Trời với phẩm chất ngang bằng với Đức Cha. Đấng đã đến để làm trọn vai trò của một tiên tri, một thầy tế lễ, và một vị vua muôn đời. Người sẽ được sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít, nhưng trong một gia đình thấp hèn và bị coi khinh. Ngài sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem. Ngài sẽ phục hồi sự sa ngã trong Israel và là Ánh Sáng của dân ngoại. Ngài sẽ nếm chịu sự khinh khi và chối bỏ từ chính những người mà Ngài đến để cứu họ thoát khỏi sự ích kỷ. Ngài sẽ chết giữa vòng kẻ ác, và được chôn trong phần mộ của một người giàu.
Nhưng đó không phải là kết thúc về Ngài. Ngài sẽ sống lại, và chương trình của Chúa sẽ thành công trong tay Ngài. Khi thấy mọi sự đã được trọn bởi sự đau đớn trong tâm linh mà Ngài chịu, Ngài sẽ lấy làm thỏa mãn. Bởi sự chết của mình, Ngài đã mở ra một giao ước giữa Đức Chúa Trời và con người; thật vậy, sự chết của Chúa đã mở ra một con đường cho những người tầm thường được Đức Thánh Linh đến và ngự trị trong đời sống của họ.
Tất cả những điều này được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-su. Không phải chỉ một vài sự kiện, nhưng là tất cả. Những lời tiên tri được viết nhiều thế kỷ trước trong một quyển sách thánh được ứng nghiệm trong một nhân vật lịch sử, trong văn học thế giới không có một trường hợp nào giống như vậy. Điều đó làm kinh ngạc những môn đệ của Ngài, nhưng cũng thuyết phục họ. Họ đến để thấy Chúa, một thợ mộc thấp hèn ở Na-xa-rét, đã làm ứng nghiệm lời của những tiên tri trước đó. Ngài được sinh ra tại thành Bết-lê-hem trong dòng dõi vua Đa-vít. Đạo lý của Ngài minh chứng rằng Ngài là tiên tri giống như Môi-se. Ngài là Tôi Tớ chịu đau khổ của Đức Chúa Trời, sự đớn đau trên thập tự giá của Chúa đem lại sự tha tội cho tất cả những ai tin, giống như Áp-ra-ham đã tin vậy. Ngài là Đấng phục hồi số phận của Israel và mở rộng con đường đức tin cho dân ngoại. Ngài đã thành lập giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và con người, được đóng ấn bởi huyết Ngài. Sự chết của Ngài là sinh tế tối cao, từ đó về sau không cần có chức tế lễ nữa – bởi khi dâng chính mình làm của tế lễ, Ngài đã phục hòa con người với Đức Chúa Trời một lần và mãi mãi. Ngài là nguồn vui mừng vĩnh cửu; dù bây giờ bị che giấu, nhưng sẽ là điều hiển nhiên trong khi Ngài đến để phán xét thế giới. Đức Thánh Linh đã hành động để biến đổi cuộc sống của những người theo Ngài.
Trong những thế kỷ sau đó, luận điểm về Đức Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời tiên tri có một ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều người ngoại lỗi lạc đã tìm được niềm tin trong Đức Chúa Giê-su theo cách mà Ngài đã hoàn thành những lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước – một quyển sách dường như cổ xưa hơn rất nhiều so với những quyển sách cao quý của họ như Homer và Plato. Và cho đến ngày nay cũng vậy. Giáo sư Moule, một trong những học giả Kinh Thánh Tân Ước hàng đầu đã nói:
Ý tưởng về một cá nhân “làm trọn” Kinh Thánh, một nhân vật trong lịch sử, một tên tội phạm bị kết án và ghét bỏ, người tuyên bố là viên đá nền tảng của cả một kiến trúc, và là mục đích của toàn bộ ý định từ Đức Chúa Trời, ý tưởng trên là hoàn toàn mới mẻ. Những hình ảnh bị phân tán và chia cắt trong niềm hy vọng của Israel, chính cộng đồng Cơ Đốc đã quy chúng lại thành một mối, tập trung vào một điểm. Những hình ảnh như “Mê-si-a,” “Đấng Christ,” “Con Trời,” Con Người,” “Tôi tớ chịu khổ,” và “Chúa” được xem như những thuật ngữ được sử dụng thay thế cho nhau, tất cả đều nói về một nhân vật, điều này là hoàn toàn mới mẻ (Hiện Tượng của Tân Ước – The Phenomenon of the New Testament, tr. 16).
Nhân vật đó thật sự khác biệt.
Khác biệt đến độ những tác giả Tân Ước đã quy cho Ngài những danh hiệu và công việc mà trong Kinh Thánh Cựu Ước chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như sách tiên tri Ê-sai (41:4; 44:6; 48:12) Đức Chúa Trời xưng Ngài là “Đầu tiên và Cuối cùng,” nhưng trong Tân Ước danh hiệu này được dùng cho Đức Chúa Giê-su (Khải Huyền 1:11; 2:8; 22:13). “Ta là” là một danh rất đặc biệt của Đức Chúa Trời (Yahweh thường được biết đến là Giê-hô-va) và người ta rất sợ phải nói ra danh ấy. Chính vì vậy mà người Do Thái sử dụng từ Adonai là Chúa để thay thế. Nhưng chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su khẳng định Ngài là “ Đấng Ta là”; nhất là tuyên bố hùng hồn trong Giăng 8:58, “trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.” Đến nỗi trong thời khắc quyết định trong phiên tòa xử án Đức Chúa Giê-su, khi hỏi Ngài có phải là Đấng Mê-si-a không, Đức Chúa Giê-su đã trả lời: “Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến” (Mác 14:62). Đức Chúa Giê-su tuyên bố về bản tánh thiên thượng của Ngài khiến thầy tế lễ thượng phẩm và những cộng sự rất giận dữ.
Một lần nữa, trong Cựu Ước ai là Người chăn dắt dân sự của Chúa? Dĩ nhiên chính Đức Chúa Trời. Thi Thiên 23, chương Thi Thiên nổi tiếng nhất bắt đầu như sau: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Nhưng Đức Chúa Giê-su điềm tĩnh sử dụng danh hiệu này cho chính Ngài: “Ta là người chăn hiền lành”; và trong những sách Tân Ước khác các trước giả như Phi-e-rơ và trước giả sách Hê-bơ-rơ nói về Đức Chúa Giê-su là “Đấng làm đầu các kẻ chăn” và “Đấng chăn chiên lớn.” Họ đang truyền tải một thông điệp. Có lẽ công việc lớn lao nhất của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là sáng tạo thế giới. Khởi đầu Kinh Thánh viết: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Nhưng Phao-lô nói: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất… đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:16). Hãy nghe Giăng tuyên bố: “Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3).
Rõ ràng, con người này khác biệt. Không một vĩ nhân nào làm thành tất cả những lời trong Kinh Thánh, nhưng công việc của Người này đã được ghi lại trước đó hàng ngàn năm. Có lẽ những người đương thời với Ngài đã đúng khi tin rằng Ngài là Đấng ở cùng Đức Chúa Trời.
Tuyên bố của Ngài khác biệt.
Nếu bạn đã từng đọc các sách Phúc Âm, rất có thể bạn sẽ ấn tượng mạnh bởi một tương phản nổi bật. Một mặt Đức Chúa Giê-su là một nhân vật khiêm nhường, không nghĩ đến bản thân mình, chữa lành người bệnh, dạy đạo lý cho dân chúng, kết bạn với những người bị ruồng bỏ. Ngài không phải là nhà thần học hàn lâm, nhưng là một thợ mộc giản dị với những lời nói đầy khôn ngoan và những minh họa gần gũi. Ngài không có tiền, không có nhà riêng, không được ai bầu cử, cũng không có quyền lợi. Mặt khác, Ngài tuyên bố những lời tuyệt vời nhất và rất nhiều lời tuyên bố gần như bất chợt, những lời nhận xét có vẻ bâng quơ.
Chẳng hạn như, Ngài được quyền để con người thờ phượng, đó là điều hiển nhiên, mặc dù sự thờ phượng đó chỉ dành cho Đức Chúa Trời. Khi Phi-e-rơ quỳ dưới chân Chúa trong sự tôn sùng sau một chuyến đánh cá và nói: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Lu-ca 5:8), Đức Chúa Giê-su đã không làm gì để ngăn ông lại. Khi Thô-ma xấp mình dưới chân Chúa sau khi Ngài phục sinh, ông đã nói: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:28), Đức Chúa Giê-su đã không quở trách ông – ngoài việc quở trách ông phải thấy mới tin. Không một vĩ nhân nào làm như vậy. Thật vậy, trong Tân Ước chúng ta có tấm gương của Phi-e-rơ và Phao-lô, khi họ được những người ngoại không hiểu biết thờ phượng, họ đã phản ứng một cách quyết liệt và nói rằng phải thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Dường như đối với Đức Chúa Giê-su, sự thờ phượng từ phía con người là quyền được hưởng của Ngài.
Chúng ta hãy xem phản ứng của Ngài trước người nữ phạm tội tà dâm, hay câu chuyện một người đau bại (Giăng 8:1; Mác 2:1). Đức Chúa Giê-su phán: “Tội ngươi đã được tha.” Và trong trường hợp của người đau bại, Đức Chúa Giê-su chứng minh bằng một hành động thực tế – Đức Chúa Giê-su truyền lệnh, người đau bại bèn đứng dậy và đi! Vậy thì chúng ta hiểu gì về một tuyên bố như vậy? Những người Pha-ri-si biết rất rõ ai mới có thể tuyên bố như vậy. Họ bèn hỏi: “Người này là ai mà có quyền tha tội? Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” Đó chính là vấn đề. Đức Chúa Giê-su đưa ra một tuyên bố ngầm ám chỉ công việc của Đức Chúa Trời đó là tha tội cho con người. Thật vậy, khi Ma-ri nhận tin con bà sẽ được đặt tên là Giê-su, vị thiên sứ đã giải thích rằng: “vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Trong Cựu Ước (Thi Thiên 130: 8), việc tha thứ tội lỗi vốn dĩ đặc biệt chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi. Tại đây, ngay từ khi Đức Chúa Giê-su được sanh ra, Ngài đã đảm nhận công việc đó. Hàm ý này là rõ ràng. Trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta gặp một người hoàn toàn khác. Ngài không chỉ đơn thuần là một vĩ nhân.
Chúng ta hiểu gì về điều này? C.S. Lewis đã đặt ra một thử thách cho mọi người:
Không có điểm tương đồng trong những tôn giáo khác. Nếu bạn đến với Phật Tổ và hỏi: “Có phải ngài là con của Bramah không?” Ngài sẽ đáp: “Hỡi con trai, con vẫn đang mắc kẹt trong thung lũng ảo tưởng đó.” Nếu bạn đến với Socrates và hỏi: “Có phải ông là thần Zeus không?” ông sẽ cười bạn. Nếu bạn đến với Mohammed và hỏi: “Có phải ngài là thánh Allah không?” ông sẽ xé áo mình rồi xử trảm bạn. Nếu bạn hỏi Khổng Tử: “Có phải ngài đến từ thiên đàng không?” Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ trả lời rằng: “Những nhận xét không hợp với tự nhiên đều là xấu xa.”
Người đàn ông này thật khác biệt. Ngài không chỉ là một người thầy vĩ đại.
Hãy nghe Lewis một lần nữa:
Điều Ngài nói thật rất khác với bất kỳ một người thầy nào từng nói. Những người khác nói rằng, “Điều này là đúng với tự nhiên. Đây là con đường mà bạn phải đi.” Nhưng Đức Chúa Giê-su nói rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống.” Ngài phán: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được.” Ngài phán: “Nếu ngươi hổ thẹn về ta, nếu khi nghe tiếng ta gọi mà ngươi quay đi, thì khi ta trở lại trong thân vị là Đức Chúa Trời cũng sẽ quay đi với ngươi. Nếu có điều gì khiến ngươi không đến được với Đức Chúa Trời và với ta, hãy bỏ điều đó đi. Nếu đó là đôi mắt thì hãy móc mà quăng đi. Nếu đó là đôi tay thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi. Nếu ngươi tự cho mình làm đầu thì sẽ làm chót. Ai đang mang gánh nặng thì hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Tất cả tội lỗi của các ngươi đã được xóa bỏ. Ta có thể làm điều đó. Ta là sự sống lại và sự sống. Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, ai tin ta chẳng hề khát. Và cuối cùng, đừng sợ hãi, ta đã thắng thế gian rồi. Đó chính là vấn đề.

Logo HH Media
Vâng, đó chính là vấn đề. Bạn nghĩ gì về điều này? Khi bạn hiểu biết về nhân cách, đạo lý, hành vi và phép lạ của Chúa, khi bạn biết về sự làm trọn lời tiên tri và những tuyên bố hùng hồn của Đức Chúa Giê-su, bạn sẽ nói gì? Ngài đã dự bị tất cả bằng một cái chết mà chưa ai từng thấy, và không như bất kỳ một người nào có trước và sau Ngài, Ngài phục sinh từ phần mộ. (Tôi sẽ nói về thập giá Chúa trong chương 8 và sự phục sinh của Ngài trong chương 9). Chính cái chết và sự sống lại của Ngài đã hoàn toàn thuyết phục những môn đồ đầu tiên rằng Ngài không ai khác hơn là Đức Chúa Trời. Sau-lơ của thành Tarsus đã viết: “Qua sự sống lại từ cõi chết một cách đầy năng quyền, Ngài được công bố là Con Đức Chúa Trời,” Sau-lơ là một người từng dũng cảm chống lại niềm tin Cơ Đốc, nhưng giờ đây qua sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-su ông đã bị thuyết phục rằng những tuyên bố của Đức Chúa Giê-su là sự thật.
Bạn hãy xem xét kỹ lưỡng những bằng chứng mà tôi đưa ra trong chương này. Hãy đọc bất kỳ sách Phúc Âm nào với một tâm trí cởi mở và tìm tòi. Sau đó nếu bạn vẫn nói: “Đức Chúa Giê-su chỉ là một vĩ nhân,” lúc đó tôi sẽ nói: “Bạn không đùa chứ?” Đó là điều duy nhất mà Ngài không thể trở thành. Đó là điều mà những người đương thời không thể nghĩ về Chúa. Một số người kính sợ Ngài, số khác thì tin Ngài, hoặc cũng có những người đã đẩy Ngài vào cái chết. Dù phản ứng của họ ra sao thì cũng không có ai nói về Ngài một cách trịch thượng rằng: “Ông ấy thật là một thầy thuyết giáo tuyệt vời trong nhà hội ngày Sa-bát vừa qua. Nếu có thời gian bạn nên đến nghe thầy.” Đức Chúa Giê-su không bày tỏ Ngài là một tấm gương mẫu mực cho cả nhân loại, để khai sáng chúng ta. Ngài đến với chúng ta với cương vị còn hơn cả một con người, là chính Đức Chúa Trời, Ngài vội vã vì sự giải cứu cho chúng ta. Ngài kỳ vọng nơi chúng ta, và cũng ra lệnh cho chúng ta, không phải là sự ngưỡng mộ, nhưng là lòng trung thành, không phải là sự trịch thượng, nhưng là tấm lòng yêu kính của chúng ta. Ngài có thẩm quyền của Đức Chúa Trời toàn năng trên chúng ta. Và Ngài có thể thay đổi chúng ta theo bản tánh của Đức Chúa Trời toàn năng, một khi chúng ta dành chỗ cho Ngài sống đời sống mà Ngài ban cho chúng ta.
Bạn có biết bài thơ Đức Chúa Giê-su Christ (The Lord Jesus Christ) của Gordon Bailey không? Đây là những gì mà ông đã viết sau khi dành chỗ cho Đấng Christ trong cuộc sống của ông:
Khi Ngài phán
“Ta là đường đi”
Là Ngài đang tuyên bố
Chỉ duy Chúa dẫn đường
Người phàm đến với Thượng Thiên

Khi Ngài phán
“Ta là chân lý”
Là Ngài đang tuyên bố
Vũ trụ cùng những đặc quyền
Có khả năng bày tỏ
Thiên thượng đến thế nhân

Khi Ngài phán
“Ta là sự sống”
Là Ngài tuyên bố
Để được sự tồn tại đó
Sự hy sinh và được tìm kiếm
Con người và các thần

Ngài cũng tuyên bố
Một sự giáng sinh siêu nhiên,
Một cái chết không thể xảy ra, và
Một sự phục sinh kỳ diệu.

Những công bố của Ngài cho thấy
Hoặc là Ngài mất trí,
Xấu xa không thể bao che,
Hoặc duy nhất đúng là tất cả những gì mà Ngài đã phán tuyên!

Michael Green
Translated by Vinh Hien

Đọc đầy đủ:
https://huongdionline.com/2017/03/11/niem-tin-cua-nguoi-vo/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn