Mục sư, nhà truyền đạo John Harper và người cháu gái 6 tuổi lên tàu Titanic để đến truyền đạo tại một trong những hội thánh vĩ đại nhất nước Mĩ, Moody Church ở Chicago. Hội thánh hồi hộp chờ đợi gặp vị mục sư quản nhiệm mới, vì Harper định chấp nhận lời mời của họ. Harper được biết đến là một nhà truyền đạo được ơn và đã quản nhiệm hai hội thánh ở Glasgow và London. Phong cách truyền đạo của ông phù hợp để trở thành một nhà truyền giáo.
Nhà truyền đạo John Harper và người cháu gái 6 tuổi
Khi tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi, Harper đã đưa được cháu gái xuống thuyền cứu hộ. Là một người góa vợ, ông có thể được chấp nhận xuống thuyền với cháu gái, nhưng thay vào đó, ông đã từ bỏ cơ hội sống sót, chọn việc cho đám đông hỗn loạn một cơ hội nữa để biết về Chúa Giê-xu. Harper chạy đến từng người, nói một cách mạnh mẽ về Chúa Giê-xu. Khi nước bắt đầu nhấn chìm còn tàu, một người đàn ông đã khước từ sự cứu rỗi của Chúa, Harper đã đưa cho ông ta áo phao cứu hộ của mình và nói “ông cần áo này hơn tôi”. Cho đến những giây phút cuối cùng trên tàu, Harper vẫn nài nỉ mọi người dâng cuộc đời họ cho Chúa Giê-xu.
Con tàu biến mất trong đáy đại dương lạnh giá để lại hàng trăm người trôi nổi mà chẳng có hi vọng sống sót nào. Harper phải đấu tranh với cơn sốt và bơi đến với nhiều người nhất ông có thể, vẫn để chia sẻ Phúc Âm. Harper có thể thua trận chiến với cơn sốt, nhưng không phải trước khi cho họ được nghe lời chứng cuối cùng về Phúc Âm vinh hiển.
Bốn năm sau thảm họa của tàu Titanic, trong một cuộc gặp gỡ của những người sống sót ở Ontario, Canada, một người đã kể lại chi tiết cuộc gặp gỡ của ông với Harper ở giữa Đại Tây Dương băng giá. Ông kể ông đang bám vào một mảnh vỡ của tàu khi Harper bơi đến với ông, lần thứ hai thách thức ông với lời kêu gọi “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu Christ và ông sẽ được cứu”. Ông đã từ chối một lần. Nhưng khi có cơ hội thứ hai và nước sâu hàng dặm dưới chân, người đàn ông này đã dâng cuộc đời cho Chúa. Khi Harper chết trong ngôi mộ bằng nước, người tín hữu mới đã được một thuyền cứu hộ quay lại cứu. Kết luận trong cuộc gặp mặt ở Ontario, ông chỉ nói đơn giản “Tôi là người cuối cùng John Harper làm chứng”.
Khi Titanic căng buồm, trên tàu có ba hạng hành khách. Nhưng ngay sau bi kịch, công ty White Star Line tại Liverpool đặt một cái bảng bên ngoài văn phòng với chỉ hai hạng hành khách là “được biết là được cứu” và “được biết là mất tích”. Có những người được biết đến Chúa và sẽ được ở với Chúa đời đời trên thiên đàng và nhiều khác sẽ không bao giờ.
Văn Vân Anh (theo Baptist Press)
Con tàu Titanic huyền thoại đã chìm vào đáy đại dương, để lại sau lưng cả một di sản!
Đó là những món nợ, những món tiền đầu tư, những món tiền bảo hiểm. Để cho chúng ta thấy tiền bạc cũng chẳng thể cho người ta cảm giác an toàn.
Đó là những bài học về sự tự mãn, khi con người bồng bột nghĩ rằng có thể chiến thắng tự nhiên và tuyên bố Titanic “không bao giờ chìm”.
Đó là những nỗi đau, khi hàng nghìn con tim, hàng trăm gia đình bị mất mát.
Nhưng có một di sản, vượt lên trên những bài học về tiền bạc và sự tự mãn, vượt lên trên những nỗi đau… Một di sản mà mỗi chúng ta ngày nay vẫn đang phải lựa chọn. Di sản đó thể hiện qua câu nói:
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”
Khi hiệu lệnh đó vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm những điếu thuốc và hút. Nhiều hành khách lặng đi, không muốn chứng kiến sự chia ly của các gia đình. Dù là người nổi tiếng hay kẻ vô danh, những hành khách dũng cảm đã để lại cho nhân loại một di sản to lớn.
John Jacob Astor IV là một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng, một trong những người giàu nhất thế giới bấy giờ. Ông đã đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền cứu hộ, rồi lịch sự nhường chỗ của mình bằng cách dịu dàng nói với hai người phụ nữ đứng cạnh: “Các quý cô, mời lên thuyền”.
Trong khi có những người vội vã leo lên thuyền cứu hộ thì nhà tỷ phú Ben Guggenheim cùng thư ký Victor Giglio đã thản nhiên ở lại tàu. Ông gửi lời nhắn tới vợ mình: “Không có phụ nữ nào sẽ phải ở lại tàu chỉ vì Ben Guggenheim là một kẻ hèn kém”.
Doanh nhân nổi tiếng Isidor Straus cùng vợ mình đã ở lại trên tàu. Ông nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại.” Còn vợ ông, quý bà Ida thì khẳng định: “Tôi sẽ không rời khỏi chồng mình. Chúng tôi sẽ chết như chúng tôi đã sống cùng nhau.” Họ đã nắm tay nhau cho đến giây phút cuối cùng.
Michel Marcel Navratil và người em trai là hai đứa trẻ duy nhất sống sót sau thảm họa mà không có người thân đi cùng. Ông nhớ lại việc cha đưa hai anh em ông lên thuyền cứu hộ và nhắn nhủ: “Con trai, khi con gặp mẹ, và chắc chắn là con sẽ gặp mẹ, hãy nói với mẹ rằng cha luôn yêu mẹ.”
Một nhân chứng người Thụy Sĩ kể lại việc cô bồng hai đứa con lên thuyền cứu hộ, nhưng không còn đủ chỗ cho bản thân. Một người phụ nữ đã đứng lên nhường chỗ cho cô và nói: “Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!” Cô hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên bà.
Khi phần đuôi tàu bắt đầu chìm vào mặt nước, vào đúng khoảnh khắc đó, người ta có thể nghe thấy những lời yêu thương đang vang lên. Chỉ để nói lên rằng, tôi đã yêu bạn đến nhường nào.
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!” – Đó là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người lại tuân theo? Không có bất cứ điều lệ nào bắt buộc người ta phải làm thế. Không ai có quyền yêu cầu người khác phải từ bỏ sinh mạng của mình. Không có một logic nào về mặt thể lực hay kinh tế để những con người vốn khỏe mạnh và giàu có hơn lại nhường chỗ cho những người yếu hơn được sống.
Nếu có ai đó hỏi rằng, nhân loại có gì đặc biệt? Xin được trả lời rằng: Nhân loại đặc biệt vì chúng ta có thể hy sinh cả mạng sống của bản thân cho những con người không quen biết.
Quang Minh