Lan xem nè, anh qua nhà bác Hải, mang về cho em mấy trái khế tứ quý, chắc là em thích lắm đó. Lan nói, vậy để em làm muối ớt hai đứa mình nhâm nhi anh nhé. Lâu quá, em không được ăn khế, nghe nói khế là cảm thấy thèm! Tú bảo, thôi em ngồi vào bàn đi, để anh làm muối ớt cho lẹ. Tại sao gọi là khế tứ quý hả anh? Lan hỏi. Có lẽ do kỹ thuật trồng và có thể ở đây khí hậu nóng nên mùa nào khế cũng ra trái em ạ! Tú trả lời.
Wow! Trái nào, trái nấy to tướng, mà anh đến nhà bác Hải làm gì? Lan tiếp. Bác Hải nhờ anh sửa máy lạnh nên anh sẵn đi làm về ghé sửa máy lạnh cho bác ấy, có mấy phút là xong rồi. Tiện tay, bác Hải hái mấy trái khế bảo anh mang về cho em.
Ủa bé Thiên Ý đi đâu khi nãy đến giờ không thấy? Tú hỏi. Dạ bé Thiên Ý sang nhà ông bà ngoại rồi. Hôm nay chiều thứ Sáu nên ông ngoại muốn chở bé Ý về nhà ngoại chơi.
Chén muối ớt thơm phức, vừa có màu hồng hồng của ớt, vừa có vị nồng nồng, mặn mặn chấm với khế thì có gì ngon bằng. Mấy lát khế được cắt ra, lát nào lát nấy có năm cạnh như những ngôi sao, chưa ăn mà Lan đã chấp chiếm, hít hà thật hấp dẫn. Lan cắn một miếng chua chua, cay cay, thấm đến cổ họng. Ngon thật! Cảm ơn anh.
Vậy là em định cho anh ăn khế trừ cơm hay sao đây? Tú hỏi. Đâu có, em có nấu Bún Bò Huế nhưng còn sớm, chút nữa mình sẽ ăn tối vì chưa tối mà, Lan bảo. À ha, em lúc nào cũng chu đáo quá, mỗi ngày đều có món ngon thế này, rồi mai mốt em sanh, anh sẽ ra tay phục vụ em tới cùng. Lan nói, là anh nói đó nha, mai mốt em sanh nhớ phục vụ bà xã đó nha! Tuân lịnh bà xã! Tú trả lời.
Lan bảo, em nghe người ta nói, “con đường tình yêu gần nhất của người đàn ông là cái bao tử” đấy mà. Tú cười… hihì, thì đàn bà khi đói bụng mặt mày cũng bí xị chứ bộ. Nhờ em nấu ngon mà anh mỗi ngày phát tướng thêm. Mấy đứa bạn lâu ngày gặp lại anh, tụi nó bảo, anh càng ngày càng phúc hậu và đẹp trai hơn lúc còn độc thân. Hai vợ chồng Tú – Lan cười khúc khích… Dầu khế có chua, ớt có cay nhưng tình chồng nghĩa vợ vẫn ngọt ngào!
Ánh nắng buổi chiều ở Texas vào những ngày cuối Xuân thật ấm áp. Đôi má của Lan càng thêm ửng hồng quyện với cái vị nồng nàn của ớt thật quyến rũ. Tú nhìn vợ say đắm một lúc, rồi hôn lên môi Lan. Tú thỏ thẻ, thật vất vả cho em, Lan à! Nhìn em anh thấy nặng nề lắm rồi. Hay là, để anh gọi vào công ty xin cho em nghỉ vài tuần trước khi sanh. Còn anh thì khi nào em sanh thì anh mới xin nghỉ để ở nhà chăm em và các con. Lan bảo, “không sao anh à, em vẫn có thể đi làm được mà”. Khi nào quý tử của anh ra đời rồi em mới nghỉ làm việc ở công ty. Còn bây giờ để một mình anh đi làm lo cho ba mẹ con, em thấy tội nghiệp!
Ông xã! Anh cứ tối ngày lo cho em đến nỗi trán anh hói nhiều rồi đấy. Tú cười … haha. Bây giờ dám chê anh hói hả cưng! Trông em càng ngày càng dễ cưng lắm đó! Nhất là cái tướng đi hai hàng của em thật là quí phái. Em mà đi bộ ra ngoài đường, anh nghĩ, xe cảnh sát, xe chữa lửa gì thấy em thì dầu có trễ họ cũng phải ngừng lại để em chầm chậm bước từng bước qua đường. Đương nhiên rồi, gặp bà tướng “Bầu” thì phải ngừng chứ! Lan trả lời. À để anh làm mấy câu thơ con cóc tặng em để em cười cho vui. Anh nghe người ta nói, khi phụ nữ mang thai cười nhiều thì đứa bé sanh ra sẽ khỏe mạnh, vui vẻ lắm đó!
Anh làm thơ? Lan ngỡ ngàng. Mà anh có bao giờ làm thơ đâu, sao hôm nay trổ tài vậy? Thì anh đã nói làm thơ cho em vui mà! Vậy nếu em không cười thì sao? Lan hỏi. Sao mà khó khăn thế, công trình người ta làm một bài thơ thì cũng vị mếch lòng cười đại đi mà! Nếu em cười thì ngày mai thứ Bảy, anh sẽ dẫn em đi shopping nguyên ngày luôn! À nghe được, vậy thì em sẽ cố gắng cười, Lan mủm mỉm rung cả đôi vai.
Thơ chưa ra miệng mà Tú cười ngặt ngẽo…, làm cho Lan cũng phá cười theo. Đứa bé trong bụng Lan cũng đạp đạp như muốn cổ vũ ba Tú làm thơ.
Rồi Tú ngân nga với mấy câu thơ con cóc:
Bụng lang thang đi trước,
Chân lướt thướt theo sau.
Chân mới đến hàng rào,
Bụng đã vào … đến lớp.
Lan đánh một cái bốp thật mạnh vào vai Tú. Cái anh này, chọc người ta! Không ngờ, anh xuất khẩu thành thơ cũng hay lắm chứ!
Lan ngẩng mặt âu yếm nhìn Tú, em nhớ lúc nhỏ anh ròm nhom, hay mặc cái quần xà lỏn màu xám xám, thỉnh thoảng chạy lon ton sang vườn nhà em hái khế. Lúc đó em thấy ghét anh ghê!
Ủa! lúc đó anh mới có khoảng 11 tuổi mà em đã để ý anh rồi à? Tú hỏi. Đâu có, thấy anh là em muốn huýt chó cắn chứ để ý gì! Lan cười tươi, để lộ hai hàm răng trắng ngần và đôi má lúm đồng tiền trên má. Hèn chi, có một lần, anh với thằng Sinh đi xem phim về khoảng 12 giờ khuya, hai đứa lén vô sau vườn em hái khế. Anh thì không sao mà thằng Sinh bị chó nhà em cắn rách ống quần.
Còn anh nữa, lớn ngồng ngồng rồi mà chẳng ý tứ chút nào. Em nhớ có lần, mấy đứa bạn học cùng lớp đến nhà thăm em. Anh mặc cái quần xà lỏn ống thật rộng mà còn trèo lên cây khế cao thiệt là cao. Con Hồng, con Thúy, con Phượng, con Diệp mấy đứa nó nghịch, bảo cành bên này có trái chín, nhánh bên kia có trái chín…, thế là anh chuyền từ cành này sang nhánh khác. Em thấy tụi nó cứ cười rúc rích hoài nên em nói chỗ đó có kiến đấy! Xuống đi Tú ơi. Nhưng anh thật là ngẩn ngơ! Tú cười hả hê! Vậy là anh biết tụi bạn em về nhà bị đỏ mắt hết rồi….
À mà anh, Lan nói, trái khế nhìn vậy mà hay thật anh nhỉ! Anh nhớ không, có một lần bố em đi vắng, mẹ em ở nhà bị trúng gió. Em sợ quá chạy sang nhà anh gọi bác trai, nhưng ba anh lúc đó cũng đi công tác. Em nhớ anh chạy sang nhà em hái trái khế vắt lấy nước rồi nhỏ vào miệng mẹ em, thế là mẹ tỉnh lại. Anh cũng lẹ trí, thông minh quá chứ! Nghe vợ khen, Tú nở mũi nhưng khiêm nhường! À thì anh nghe người ta nói trái khế có vị thuốc nên anh thử đại đó mà!
Rồi thời gian trôi qua, Tú và Lan đã lớn. Năm lên 20 tuổi, Lan theo bố và mẹ định cư tại Hoa Kỳ. 5 năm sau, Lan về Việt Nam làm đám cưới và bảo lãnh Tú. Hai vợ chồng Tú-Lan sống bên nhau 5 năm nữa mới sanh được một bé gái, tên Thiên Ý…
Sau khi ăn tối với món Bún Bò Huế xong, Lan bị đau bụng dữ dội, thế rồi quý tử Thiên Ái muốn ra đời sớm hai tuần. Nhìn Thiên Ái da trắng mượt mà, môi hồng, khỏe mạnh Lan thật cảm động. Vì cũng cuối mùa Xuân của 4 năm về trước, cũng tại bệnh viện Memorial Hermann này bé Thiên Ý đã ra đời trong một sự kỳ diệu không thể tưởng tượng nỗi.
Khi Lan mang thai Thiên Ý, đứa con đầu lòng được 3 tháng, bác sĩ sản phụ khoa đã rọi siêu âm và cho biết rằng, bầu thai không được bình thường. Thai “nhau” nằm sát cổ tử cung, nếu sanh thì phải giải phẩu và không thể sanh thường được. Hơn nữa em bé gái bị thiếu cái cằm. Bác sĩ chỉ thấy khuôn mặt của em bé trong thai rất ngắn có mắt, tai, mũi, miệng đầy đủ, nhưng thiếu cằm. Bác sĩ hỏi ý của Lan về bàn lại với Tú, tình trạng thai nhi… mới 3 tháng, có nên giữ bào thai hay không? Em bé bị tật nguyền từ trong lòng mẹ, hơn nữa thai nhi là bé gái… Rồi đây, cuộc đời của bé sau khi ra đời sẽ ra sao? Lan có thể nuôi nấng được chăng?
Lan ra khỏi phòng khám đã 15 phút mà không thể nói chuyện với Tú. Nước mắt Lan cứ tuôn tràn trong nỗi buồn. Lan vào trong xe ngồi và nói rõ mọi sự việc với Tú. Hai vợ chồng Tú và Lan cúi đầu cầu nguyện dâng trình mọi sự cho Chúa. Tú bảo Lan, em đừng buồn nữa, nếu em bé có bị tật nguyền gì thì nó vẫn là con mình em ạ!
Lan siết tay Tú. Hai vợ chồng trong xe lau nước mắt rồi về nhà. Suốt 45 phút, Tú đã chở Lan về đến nhà nhưng không ai nói chuyện với ai. Lan vẫn biết, Tú rất buồn nhưng cố gắng gượng để giúp Lan vượt qua.
Thế rồi, mỗi tuần, Lan đến thăm bác sĩ sản phụ khoa hai lần, và lần nào Lan cũng khóc vì nỗi buồn vô tận trong lòng không sao tả xiết. Nếu phá thai thì Lan phạm tội giết người. Nếu giữ em bé trong tật nguyền thì cuộc đời của bé và gia đình Lan rất khốn khổ…
Đến tháng thứ tám, Lan đến văn phòng bác sĩ siêu âm. Em bé trong thai, chiếc cằm vẫn khuyết. Thật có người mẹ nào không buồn khi con mình sinh ra trên thân thể không được vẹn toàn. Tú rất đau buồn nhưng không dám nói cùng ai. Tú và Lan ngày đến, đêm về, hai vợ chồng chỉ biết trông cậy vào Chúa mà cầu nguyện khẩn thiết với Ngài.
Mặc dầu, mang thai rất nặng nề và mỏi mệt, nhưng Lan vẫn hi vọng rằng, con mình sẽ được bình an.
Sau 8 tháng, Lan quyết định không cho bác sĩ rọi điện nữa. Vì mỗi lần thấy hình em bé là Lan mất ăn, mất ngủ. Lan đã mang thai 8 tháng nhưng chẳng lên cân chút nào. Tú và Lan nhiều lần kiêng ăn cầu nguyện. Sau chín tháng, trong cơn đau bụng, Lan vừa mừng, vừa run. Lan mừng vì đứa con đầu lòng sắp ra đời. Lan run vì thai nhi khuyết tật sẽ là con của Lan, rồi đây, tương lai của em bé sẽ ra sao! Lan đau quá! Lan lim dim trong ánh sáng chớp nhoáng của xe cứu thương rồi ngất đi từ lúc nào không biết.
Khi tỉnh dậy, Lan mở mắt thấy mọi người trong gia đình đang cười vui vẻ.
Tú cười vui mừng. Em tỉnh dậy đi, ca mổ tốt lắm, con mình nè! Cảm ơn Chúa! Lan mơ màng rồi mê man lúc nào không rõ. Như có điều gì đó, sống dậy trong tâm hồn, dầu vẫn còn trong thuốc mê, Lan cố gắng gượng dậy. Halêlugia! Halêlugia! Cảm ơn Chúa! Bé Thiên Ý quả thật là THIÊN Ý (ý Chúa). Cái cằm nhỏ nhắn và khuôn mặt thật xinh xắn không bị khiếm khuyết chút nào. Thiên Ý là con gái, có hai má lúm đồng tiền giống như mẹ. Lan khóc òa lên trong niềm vui bất tận!
Lạy Chúa! Ngài đã nắn bé Thiên Ý lên từ trong lòng mẹ một cách diệu kỳ như Thi-thiên 139:13 đã từng ca ngợi rằng, “Vì chính Chúa đã nắn lên tâm hồn tôi và dệt tôi trong lòng mẹ tôi”. Và Lời Đức Chúa Trời đã phán: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho. Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó là những việc người chưa từng biết” Giê-rê-mi 33:3.
Thật vậy, hãy kêu cầu Chúa thì Ngài sẽ giải cứu chúng ta theo ý Ngài!
Dầu thai nhi còn trong lòng mẹ, thân xác có được trọn lành hay thiếu hụt, con vẫn là con của mẹ!
Từ trong lòng mẹ, Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình cho từng người!
Nan đề là một phần của cuộc sống. Nan đề có thể xảy đến để chúng ta kêu cầu, và cần Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa vẫn đang hiện diện có Một và Rất Thật!
Sau 3 ngày ở bệnh viện Memorial Hermann. Tú và bé gái Thiên Ý, đón Lan và bé trai Thiên Ái về nhà. Ánh nắng buổi chiều cuối Xuân của Texasvẫn trải dài ấm áp khắp cả phố phường. Xe chạy ngang qua vườn – nhà bác Hải, những chùm khế chín mọng vẫn đang đung đưa trước gió…
VHĐ